TRUYỀN ĐẠT MỘT CÁCH THÔNG MINH

GILLIAN STOKES

Trích: “Khám Phá Sức Mạnh Bản Thân” - Thuộc nhóm sách bán chạy nhất thế giới (International Bestseller)

“Lời nói có thể làm chết đi hoặc cứu sống một con người.”
_JOHANN WOLFGANG VON GOETHE

Đã khi nào bạn để tâm đến việc tìm hiểu cảm nhận của người khác khi nghe giọng nói của bạn chưa? Bạn có giọng nói đầy uy quyền hay là một giọng nói ngập ngừng, chói gắt, đơn điệu? Giọng bạn có vẻ gì đó gấp gáp hay bồn chồn?… Một giọng nói thiếu tự tin sẽ làm giảm sức mạnh bản thân và có thể khiến cho người khác không đánh giá đúng về bạn.

Để luyện giọng nói cho một buổi thuyết trình, một buổi phỏng vấn hay một cuộc tọa đàm, hãy tìm một không gian yên tĩnh và một chiếc đồng hồ bấm giờ, sau đó thực hành theo các bước sau:

• Chọn một chủ đề quen thuộc và chuẩn bị sẵn cho mình những nội dung cần nói, rồi tập nói một mình cho trôi chảy.

• Để ý đến thời gian khi bạn bắt đầu nói, nhưng sau đó đừng nhìn đồng hồ nữa.

• Nói trong vòng một phút.

• Khi bạn ước chừng một phút đã trôi qua, ngừng nói và ngay lập tức kiểm tra thời gian. Bằng cách này sẽ giúp bạn đoán định được thời gian trôi qua chính xác đến mức nào.

Hãy thực hiện bài tập này cho đến khi nào bạn cảm thấy mình có thể kiểm soát được thời gian một cách chính xác.

Thực tế, nhiều người đã rơi vào tình trạng đoán định thời gian không chính xác dẫn đến lo lắng, thiếu tự tin và không thể kiểm soát được giọng nói của mình. Họ có thể hấp tấp nói cho xong bài thuyết trình chỉ vì sợ đã lấy đi quá nhiều thời gian của người khác. Hoặc ngược lại, sự cố gắng trong trạng thái căng thẳng sẽ làm cho bài thuyết trình của bạn trở thành một chuỗi những tiếng lắp bắp đầy lo âu đối với khán giả.

Khi phải trả lời một câu hỏi nào đó, bạn hãy giữ bình tĩnh và dành thời gian để suy nghĩ trước khi trả lời. Không ai cảm thấy khó chịu khi bạn dừng lại mươi giây trước khi đưa ra câu trả lời, đặc biệt khi bạn nói trước rằng: “Để tôi nghĩ xem…” hay một câu nào đó tương tự vậy.

Hãy nhớ nắm bắt những suy nghĩ của mình và quyết định rõ ràng những điều mà bạn muốn nói trước khi phát ngôn. Những câu nói sâu sắc và khả năng kiểm soát đúng mực cách ứng đối sẽ tăng thêm động lực cho những gì bạn nói. Sau đây là một vài bước nhỏ giúp bạn rèn luyện sức mạnh của bản thân khi đối diện với đám đông:

• Chuẩn bị thật kỹ. Đừng tỏ ra quá lo lắng sẽ làm bạn mất tự chủ và không kiểm soát được những gì sắp nói ra. Hãy tìm hiểu về những người mà bạn sẽ nói chuyện: Tại sao họ mời bạn? Họ mong đợi gì ở bạn? Có thể bạn sẽ cảm thấy đôi chút khó khăn, nhưng bạn hãy nghĩ rằng mình không phải chịu áp lực nào cả. Người khác chịu nghe bạn vì bạn đang nắm giữ những thông tin mà họ đang muốn tìm hiểu.

• Khi bạn cầm theo tài liệu, hãy sắp xếp chúng theo thứ tự và kẹp chặt chúng lại với nhau để không bị lộn xộn.

• Nắm rõ về chủ đề mình sắp trình bày. Đừng biến bài thuyết trình của mình thành một bài đọc nhàm chán, hãy linh động theo tình hình và biết đâu sẽ xuất hiện nhiều ý tưởng mới khi bạn hào hứng với những gì mình trình bày. Khi sử dụng những công cụ hỗ trợ bằng điện tử, hãy chắc là bạn có thể điều khiển được chúng một cách nhịp nhàng.

• Hít thở sâu (một cách tế nhị) để lấy bình tĩnh trước những luận điểm khó và quan trọng, rồi tranh thủ thời gian để suy nghĩ về những gì bạn phải trình bày tiếp sau đó.

• Hãy mở đầu bằng một câu nói ấn tượng để thu hút người nghe.

• Cảm ơn khán thính giả đã đến tham dự, cảm ơn ban tổ chức đã mời bạn đến nói chuyện, và cảm ơn người đã giới thiệu bạn. Để làm cho buổi nói chuyện thêm thân tình, bạn có thể tâm sự về mình một chút với khán giả hoặc kể một câu chuyện vui có tính chất riêng tư nào đó. Điều này sẽ giúp bạn để lại ấn tượng đặc biệt trong tâm trí người nghe.

• Hãy chuẩn bị sẵn cả những lời nói chữa phòng khi bạn lỡ lời, chẳng hạn: “Hôm nay được đến đây tôi vui quá nên lời nói của tôi cứ nhảy lung tung hết cả!”. Sự khéo léo và phong cách tự tin của bạn sẽ làm người nghe cảm thấy thoải mái và gần gũi hơn.

• Tránh những danh sách và số liệu thống kê khô khan. Tốt hơn là trình bày với khán giả những thông tin này qua máy chiếu hay chuyển thông tin qua tờ rơi trước buổi thuyết trình.

• Nếu vấn đề bạn trình bày có thể gặp phải sự phản đối hay thái độ không thiện chí từ phía khán giả, hãy chuẩn bị sẵn phương án đối phó bằng cách mời những người này lên nói rõ quan điểm của họ khi bạn đã trình bày xong vấn đề. Bạn phải luôn là người kiểm soát được tình hình và giải quyết một cách có lợi cho mình cũng như làm hài lòng khán giả.

• Kiểm soát giọng nói của mình. Đừng lên giọng quá cao và nói dồn dập vì người khác sẽ phát hiện được bạn đang lo lắng, hồi hộp. Nên nói điềm đạm và chậm rãi, cũng đừng cường điệu quá giọng nói vì sẽ làm người nghe thấy buồn cười. Hãy tập cho giọng nói của mình luôn được khoan thai và uyển chuyển trong mọi tình huống.

• Thỉnh thoảng cũng nên tạo những khoảng dừng để nâng cao hiệu quả hay để người nghe thấm được những nhận xét của bạn. Khi bạn tạo được một khoảnh khắc yên lặng bằng cách này, bạn đã thể hiện được khả năng kiểm soát và sức mạnh của bạn đối với hoàn cảnh. Nếu khán giả cảm nhận được sự thoải mái của bạn, họ cũng sẽ cảm thấy dễ chấp nhận những luận điểm của bạn hơn.

• Giải quyết vấn đề sau buổi thuyết trình. Hãy đề nghị những câu hỏi chất vấn khi kết thúc bài thuyết trình và nhớ lưu tâm đến chúng. Nếu có một người nào đó hỏi bạn một câu hỏi mà bạn không thể trả lời ngay, hãy đưa ra một câu nói tế nhị: “Tôi chưa có thông tin về điều này, nhưng tôi sẽ tìm chúng cho bạn”. Và ghi nhớ rằng nếu bạn đã hứa thì hãy giữ lời.

• Cuối cùng là kết luận một cách ngắn gọn những điều căn bản cho toàn bài thuyết trình.

Trích “Khám Phá Sức Mạnh Bản Thân” – #1 International Bestseller
Tác giả: Gillian Stokes
Dịch giả: Bảo Trâm
NXB: Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
  2. BÀN VỀ CÁCH KIẾM SỐNG ĐÚNG ĐẮN
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẦM NHÌN TRỞ NÊN RỘNG MỞ HƠN? 

Bài viết khác của tác giả

  1. RÈN LUYỆN SỰ ĐIỀM TĨNH
  2. KHẲNG ĐỊNH NIỀM TIN
  3. KHÁM PHÁ SỨC MẠNH BẢN THÂN

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ