TU CHỨNG CỦA ĐẠI HUỆ THIỀN SƯ

HT. THÍCH DUY LỰC

Trích: Đại Huệ Ngữ Lục; HT. Thích Duy Lực dịch từ Hán sang Việt và lược giải; 1992

Lời dịch giả:

Đại Huệ thiền sư (1088-1163), đời thứ 12 phái Lâm Tế, là một thiền sư triệt ngộ, phương tiện cơ xảo rất xuất sắc nổi tiếng từ lúc đương thời cho đến ngày nay. Các bậc sĩ phu, quan lại triều đình từ thừa tướng, thượng thư… đều quy y học thiền với ngài và có nhiều người đã được chứng ngộ.

Ngữ lục của ngài, chúng tôi dịch trực tiếp từ Chi Nguyệt Lục (Lịch sử Thiền tông Trung Hoa) và từ Đại Tạng Kinh (tập thứ 47), trong đó gồm các phần tiểu sử, Phổ Thuyết, Cơ Duyên, khám xét và các thư giải đáp về thiền cho các sĩ phu. Vì số thư giải đáp quá nhiều nên chúng tôi lược bỏ một số thư hoặc đoạn trùng ý nghĩa. Ngữ lục của ngài cũng đã được dịch sang tiếng Anh tên sách là THE LETTERS AND LECTURES OF ZEN MASTER TA HUI, do CHRISTOPHER CLEAREY dịch.

? ? ? —

TIỂU SỬ TÔNG CẢO ĐẠI HUỆ THIỀN SƯ NGỮ YẾU

Sư là người Tuyên Thành, họ Hy. Mẹ chiêm bao thấy một vị Tăng mặt đen mũi cao có thần hộ vệ đến phòng.

Mẹ hỏi: Ông ở đâu?

Tăng ấy đáp: “Ở núi cao lớn này”, từ đó có nghén. Năm thứ 4 niên hiệu Nguyên Hựu, Vua Triết Tông đời Tống, sư sanh giờ tị, mồng 10 tháng 11, bạch quang thấu qua phòng, cả ấp đều cảm thấy kỳ lạ. Năm 16 tuổi sư xuất gia, 17 tuổi xuống tóc, rất ham việc của Thiền Tông, xem khắp ngữ lục của chư Tổ. Đối với 5 phái của Thiền Tông sư cảm thấy nghi ngờ: “Tại sao ban đầu chỉ có một tổ Đạt Ma mà nay lại có nhiều môn phái như vậy?”

Sư tánh tình phong lưu thanh nhàn, năm 19 tuổi du phương. Ban sơ đến am Bùi Độ thuộc quận Thái Bình, trụ trì tiếp đãi rất cung kính, nói: Hôm qua mơ thấy thần già lam bảo ngày mai có thiền sư Vân Phong Doạt đến, nên tiếp đãi tử tế.

Khi ấy có một tôn túc nghe rồi đem ngữ lục của Doạt cho sư. Sư vừa xem qua liền tự tụng được, vì thế người ta cho là hậu thân của Vân Phong.

Kế đó, sư đi yết kiến Tuyên Châu Trình thiền sư thỉnh ích về bài tụng của Tuyết Đậu. Trình chẳng nói một lời để sư tự kiến tự thuyết. Sư ngay đó thấu đạt ý chỉ. Trình than rằng: “Cảo ắt là người tái lai”.

Rồi sư qua Đại Dương gặp thủ tọa Nguyên, hòa thượng Di ở Động Sơn và thủ tọa Kiên. Sư qua lại với thiền hội ba ông này rất lâu, biết hết tông chỉ của Tào Động. Nhưng thấy họ đang khi truyền thọ nhau phải dùng hương đốt trên cánh tay để biểu thị sự phó pháp chẳng vọng, trong bụng nghĩ thầm rằng: “Thiền mà có truyền thọ như thế đâu phải là cái pháp tự chứng tự ngộ của chư Phật chư Tổ”, rồi bỏ đi tham vấn các nơi.

Khi đến chỗ Sơ hòa thượng chùa Phụng Thánh, gặp nhầm Sơ đang thượng đường, Sư ra hỏi: Theo lời hòa thượng nói “Kim Liên từ dưới đất nổi lên, Bảo Cái từ trên trời thòng xuống”, ấy là diệu dụng của thần thông hay là pháp tự vốn như thế?

Sơ đáp: Kim Liên từ dưới đất nổi lên, Bảo Cái từ trên trời thòng xuống.

Sư nói: Loan phụng chẳng đậu cây gai góc, chim yến còn luyến ở thời xưa.

Sơ nói: Ba năm chẳng gặp nhau bèn có đủ thứ việc.

Sư nói: Chỉ như tăng vừa nói “Ngày xưa Thế Tôn, hôm nay hòa thượng” lại là thế nào?

Sơ liền hét.

Sư nói: Một tiếng hét này chưa có chủ.

Sơ quay đầu lấy cây gậy hợi chậm.

Sư nói: Linh cơ như điện chớp đâu nhọc để suy tư.

Rồi vỗ tay một cái, trở về chúng.

Sau đó đi tham bái Tâm Ấn Thuần Công, Thuần chỉ Sư đến Bảo Phong y chỉ Trạm Đường Chuẩn Công. Lúc Sư mới đến, tỏ ra cơ biện tung hoành.

Một hôm Trạm Đường hỏi: Lỗ mũi ngươi hôm nay vì sao mất hết nửa bên?

Sư đáp: Dưới cửa Bảo Phong.

Trạm Đường nói: Kẻ thiền bày đặt.

Một ngày kia ở chỗ tượng Thập Vương, Trạm Đường chỉ tượng hỏi: Ông quan này họ gì?

Sư đáp: Họ Lương (Trạm Đường họ Lương).

Trạm Đường dùng tay tự vò đầu nói: Chỉ tiếc họ Lương này thiếu cái nón.

Đáp: Dù không có nón, lỗ mũi giống hệt.

Trạm Đường nói: Kẻ thiền bày đặt.

Sư đang xem kinh, Trạm Đường hỏi: Xem kinh gì?

Đáp: Kinh Kim Cang.

Đường nói: Pháp ấy bình đẳng chẳng có cao thấp, tại sao núi Vân Cơ thì cao, núi Bảo Phong thì thấp?

Sư đáp: Pháp ấy bình đẳng chẳng có cao thấp.

Đường nói: Người làm được một đày tớ của tọa chủ (tọa chủ là pháp sư giảng kinh thuộc giáo môn).

Một hôm sư đang đứng hầu, Trạm Đường nhìn thấy móng tay của Sư dài quá nên nói: Những miếng tre chùi đít trong nhà cầu chắc không phải ông rửa đâu?

Sau khi nghe lời dạy của Trạm Đường, Sư suốt đời không để móng tay nửa. Vừa mới dài ra một chút mà không cắt thì thấy hòa thượng Trạm Đường xuất hiện ngay trên đầu ngón tay.

Một hôm Trạm Đường hỏi: Thượng tọa Cảo! Thiền ta ở đây ngươi đều hiểu được, bảo ngươi nói cũng nói được, bảo ngươi làm bài tụng hoặc tiểu tham, phổ thuyết ngươi cũng làm được, chỉ có một việc còn chưa được, ngươi biết chăng?

Sư hỏi: Việc gì?

Đường nói: Ngươi chỉ thiếu một tiếng “ồ”. Nếu ngươi chẳng được tiếng “ồ” này, khi nói chuyện trong phòng ta thì có thiền, khi ra khỏi thì hết, khi thức tỉnh thì có thiền, vừa mới ngủ liền hết. Nếu như thế làm sao địch với sanh tử được?

Sư nói: Chỗ này chính là chỗ nghi của ông ta đây.

Khi Trạm Đường sắp tịch, Sư hỏi: Sau khi hòa thượng tịch, ông ta phải y chỉ ai mới có thể liễu được việc lớn này?

Đường nói: Có ông Khắc Cần. Ta dù không biết ông ấy nhưng ngươi ắt phải y chỉ ông ấy mới có thể liễu được việc của ngươi.

Sau khi Trạm Đường tịch, Sư đến Kinh Nam yết kiến Trương Vô Tận (người đã kiến tánh), xin bài tháp minh (bài tán dương ghi ở tháp).

Trương hỏi: Ông chỉ mang đôi dép cỏ từ xa đến như thế này?

Sư nói: Ông ta hành cước từ mấy ngàn dặm đến gặp Tướng công.

Trương hỏi: Ông bao nhiêu tuổi?

Đáp: Hai mươi tám.

Trương lại hỏi: Con trâu bao nhiêu tuổi?

Sư đáp: Hai cái!

Trương lại hỏi nửa: Từ đâu học được cái giả dối này?

Sư đáp: Hôm nay thân gặp Tướng công.

Trương cười nói: Hãy ngồi uống trà.

Vừa ngồi xuống, Trương hỏi: Từ xa đến có việc gì?

Sư đến gần nói: Hòa thượng Trạm Đường thị tịch. Sau khi hỏa táng, con mắt răng và hột chuỗi chẳng hoại, xá lợi vô số. Xin đại thủ bút làm bài minh để khích lệ kẻ hậu học.

Trương nói: Có lời hỏi ông, nếu đáp được thì làm bài minh ghi tháp.

Sư nói: Xin Tướng công hỏi?

Trương nói: Nghe nói con mắt Trạm Đường chẳng hoại phải chăng?

Đáp: Phải.

Trương nói: Ta chẳng hỏi con mắt này.

Sư nói: Tướng công hỏi con mắt gì?

Trương nói: Con mắt kim cương.

Sư nói: Nếu nói con mắt kim cương tức là ở trên đầu bút của Tướng công.

Trương nói: Nếu vậy thì lão phu sẽ điểm ra ánh sáng khiến cho chiếu khắp thiên hạ.

Sư cảm tạ. Trương liền làm bài minh.

*******

Sư đi yết kiến các thiền sư danh tiếng như linh nguyên, Thảo Đường, đều được họ tán thán. Thiền sư Giác Phạm xem bài tụng “Thập trí đồng chân” của sư:

Lông rùa sừng thỏ trồng trong mắt.

Núi sắt ngay mặt thất nguy nga.

Đông Tây Nam Bắc chẳng cửa vào.

Vô minh nhiều kiếp biến thành tro.

Rồi than rằng: Lạ thay, tôi công phu hai mươi năm cũng chỉ nói đến được chỗ này.

Sư trước khi gặp Viên Ngộ (tức là Khắc Cần) tự nghĩ rằng: “Lấy một hạ làm kỳ hạn. Nếu họ cũng vọng cho là ta đã đúng như các nơi khác thì ta sẽ tác bài Vô Thiền Luận để khỏi hao tinh thần, uổng qua ngày tháng”.

Khi đã gặp Viên Ngộ, Sư sớm chiều tham vấn. Viên Ngộ đem câu “Đông Sơn đi trên mặt nước” của Vân Môn cho Sư tham.

Sư trình qua 49 chuyển ngữ, Ngộ đều lắc đầu.

Một hôm Ngộ thăng tòa đề ra lời của Vân Môn rằng: Thiên Ninh thì chẳng như thế! Nếu có người hỏi “Thế nào là chổ xuất thân của chư Phật?” Chỉ đáp họ rằng “Gió nhẹ từ hướng nam đến thì cung điện tỏa hơi mát”.

Sư liền hoát nhiên tỉnh ngộ, bạch với Ngộ.

Ngộ xét Sư dù chứng đắc, được tướng động chẳng sanh, tiền hậu chấm dứt, nhưng lại ngồi chỗ trong sạch thanh tịnh, nên nói với Sư rằng: Ngươi đến được mức này cũng chẳng phải dễ, chỉ tiếc rằng chết rồi không sống lại, vì chẳng nghi ngữ cú là bệnh lớn. Phải biết “vực thẳm buông tay, thẳng tự thừa đương, tuyệt hậu tái tô (chết đi sống lại), gạt ông chẳng được”. Ngươi nên biết có đạo lý này.

Sư nói: Ông ta tùy chỗ chứng đắc hôm nay đã là sung sướng, đâu còn màng đến gì khác.

Ngộ bảo Sư: Làm tri khách! Hàng ngày chuyên tiếp đãi những ông quan trí thức.

Sư mỗi ngày vào phương trượng ba bốn lần, mỗi khi Viên Ngộ đề ra câu hỏi: “Hũu cú vô cú, như tầm dựa cây, bỗng tầm khô cây ngã thì cú đi về đâu?” Sư vừa mở miệng, Ngộ liền nói: “Chẳng phải!”.Như thế trải qua nửa năm, trong tâm niệm niệm chẳng quên. Một hôm cùng dùng cơm với khách, Sư cầm đưa trong tay mà quên và cơm vào miệng. Ngộ cười rằng: Ông này tham thiền như cây dương vàng bị co rút trở lại.

Sư nói: Lý này giống như con chó nhìn chảo dầu sôi, muốn nếm, nếm chẳng được, muốn bỏ, bỏ chẳng được.

Ngộ nói: Thí dụ này rất hay. Ấy tức là vòng kim cương, hạt có gai nuốt chẳng được ói chẳng được.

Một hôm Sư hỏi rằng: Nghe nói hòa thượng có hỏi Sư Ông về lời này, không biết khi ấy Sư ông nói chi?

Ngộ cười mà không đáp.

Sư nói: Khi ấy phải ở trong chúng hỏi. Bây giờ nói ra đâu có ngại gì?

Ngộ kể: Ta hỏi “Hữu cú vô cú, như tầm dựa cây” ý chỉ thế nào? Sư ông nói “Miêu tả chẳng được, vẽ cũng chẳng thành”. Tạ hỏi tiếp “Khi tầm khô cây ngã” thì thế nào? Sư ông nói “cứ đi theo tới vậy!”

Sư ngay đó hoát nhiên đại ngộ, nói: Ta hội rồi!

Ngộ bèn đề ra mấy công án đảo lộn để cật vấn. Sư trả lời không chút trệ ngại.

Ngộ nói “Nay mới biết ta không dối ngươi”. Rồi phó pháp Lâm Tế chánh tông cho Sư.

Sư đã triệt ngộ, lại đối với công án “mấy thiền khách” (1) có nghi mà hỏi Viên Ngộ.

Ngộ nói: Thiền ta đây giống như biển lớn, ngươi nên đem biển lớn đổ bỏ mới được. Nếu chỉ đem bình bát đựng được một chút cho là đủ, là do ngươi khí lượng nhỏ hẹp, ta cũng chẳng có cách nào. Thật ra cũng ít có người được đến chỗ điền địa như ngươi. Trước kia chỉ có thượng tọa Cảnh Ngộ bằng như ngươi nhưng đã chết rồi.

Viên Ngộ cho Sư ngồi tọa phó, cầm cây gậy để khám xét thiền giả.

Thiền giả từ các tòng lâm tấp nập quy tụ theo Sư học hỏi.

Sư xem kinh Hoa Nghiêm đến lời văn Bát Địa, thấu triệt được công án khi xưa “hỏi Trạm Đường về nhân duyên Ương Khoát vâng lời Phật cứu sản nạn (sinh khó)”.

Trước kia Sư dùng lời này để hỏi Trạm Đường, Trạm Đường nói: Chính là gãi đúng chỗ ngứa của ta. Lời này là pháp vàng với phẩn, chẳng hội như vàng, hội được như phẩn.

Sư nói: Há chẳng có phương tiện ư?

Đường nói: Ta có cái phương tiện, chỉ e ngươi không hội.

Sư nói: Xin hòa thượng từ bi chỉ dạy.

Đường nói: Vương Khoát rằng “Ta mới nhập đạo chưa biết pháp này, đợi ta đi hỏi Thế Tôn”. Nếu khi chưa đến chỗ Phật mà nhà họ đã sanh ra đứa con thì sao? “Ta từ pháp hiền thánh đến nay chưa từng sát sinh”. Khi Ương Khoát đem lời này chưa đến nơi, nếu nhà họ đã sanh đứa con thì sao?

Sư cảm thấy mịt mù.

Đến bây giờ đọc kinh đến chỗ Bồ Tát lên đệ thất địa chứng vô sanh pháp nhẫn rồi nói: Phật tử! Bồ Tát thành tựu nhẫn này tức thì đắc nhập Bất Động Địa, bậc Bồ Tát thứ tám. Ấy là thâm hạnh Bồ tát, rất khó biết, chẳng sai biệt, lià tất cả tướng, tất cả tưởng, tất cả chấp trước, vô lượng vô biên, tất cả Thanh-Văn, Bích Chi Phật đều chẳng thể đến, lìa những ồn ào tranh biện, tịch diệt hiện tiền. Ví như Tỳ Kheo thần thông đầy đủ, được tâm tự tại, lần lượt cho đến nhập Diệt Tận Định, tất cả động tâm ghi nhớ, tư tưởng phân biệt thảy đều ngưng nghỉ, Bồ Tát Ma Ha Tát này cũng như thế. Trụ nơi Bất Động Địa liền xả tất cả công dụng, hành pháp vô công dụng, thân khẩu ý nghiệp niệm niệm đều dứt. Trụ nơi báo hạnh, ví như có người trong mộng thấy thân rớt xuống sông vì muốn qua sông nên phát đại dũng mãnh, dùng đại phương tiện, do đại dũng mãnh và đại phương tiện đó liền được tỉnh ngộ, đã giác ngộ xong, tất cả việc làm đều hết, Bồ Tát cũng vậy, thấy thân chúng sanh trôi nổi giữa sông, vì muốn cứu độ, phát đại dũng mãnh, khởi đại tinh tấn, nhờ dũng mãnh tinh tấn đó được đến chỗ bất động địa này, đã đến đây rồi thì tất cả công dụng thảy đều ngưng nghỉ, hai hạnh tướng và hành đều chẳng hiện tiền. Khi ấy tâm của Bồ Tát Ma Ha Tát này đối vối Phật tâm, Bồ Đề tâm, Niết Bàn tâm có chẳng sanh khởi huống là sanh khởi những tâm thế gian”.

Sư xem đến đây hoát nhiên đánh mất túi vải (chứng ngộ triệt để).

Lời phương tiện của Trạm Đường bỗng nhiên hiện tiền.

Bình luận


Bài viết mới

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC CHỈ LÀ CẢM NHẬN CHỦ QUAN
  2. VƯỢT QUA SỢ HÃI
  3. TÍNH NÔN NÓNG