Jeffrey A. Wands
Trích “Gõ cửa thiên đường”; Người dịch: Bảo Hòa; Phương Nam phát hành, NXB Tri Thức - 2011
“Chúng ta không phải là những con người đang đi trên cuộc hành trình tâm linh. Chúng ta là những linh hồn đang đi trên cuộc hành trình của con người.” – Stephen Covey
Cảm giác an toàn.
Cảm giác ta không phải là một cá thể cô đơn mà được hòa tan vào nguồn sức mạnh của vũ trụ. Ta nhận thức được một nguồn sức mạnh lớn lao hơn đang tồn tại trong vũ trụ.
Bình an trong tâm hồn.
Khi ta cảm nhận được nguồn sức mạnh lớn lao, những lo âu căng thẳng dù thế nào cũng sẽ vơi đi. Ta có thể yên tâm rằng khó khăn chỉ là một phần của số phận và chúng ta chẳng phải nạn nhân. Thế nên, dù bên ngoài thế giới đang có chuyện gì đi chăng nữa, ta sẽ không còn chịu những tác động tiêu cực đối với tinh thần và cảm xúc nữa.
Tự nhận thức.
Càng gắn kết với nguồn sức mạnh thiêng liêng, chúng ta càng có khả năng tự hoàn thiện mình. Một trong những yếu tố quan trọng để phát triển sức mạnh tâm linh là nhận thức những gía trị cốt lõi và những điều thật sự khiến chúng ta sống đúng với bản thân mình.
Khả năng cho và nhận tình yêu một cách vô điều kiện.
Càng mở lòng mình ra với cội nguồn tâm linh, chúng ta càng được đón nhận tình yêu vô điều kiện. Khi đó, chúng ta cũng sẽ có khả năng bộc lộ tình yêu vô điều kiện với mọi người.
Sức mạnh tâm linh trong muôn màu cuộc sống
Khi mọi chuyện suông sẻ, chúng ta dễ dàng tin vào khả năng làm chủ số mệnh của mình. Rồi khi cuộc sống sa sút, chúng ta ưa ngồi đó đổ lỗi cho ông Trời thay vì chịu trách nhiệm với hành động và lựa chọn của mình.
Nhiều người trong chúng ta chưa hiểu sự khác biệt vô cùng quan trọng giữa đức tin ở sức mạnh thiêng liêng và niềm tin rằng mọi chuyện xảy ra trên đời đều là thiên ý. Ðức tin đầu giúp chúng ta nhận ra cuộc sống của chúng ta còn những ý nghĩa cao cả hơn nữa. Niềm tin sau khiến chúng ta nhầm tưởng rằng chúng ta chẳng có một chút sức mạnh nào trong cuộc đời này. Bạn cần phải hiểu rằng, kể cả Chúa Trời cũng không thể bắt chúng ta làm bất cứ điều gì. Chúa quả thực cũng không quan tâm chuyện chúng ta có tin Chúa hay không vì đó là việc của chúng ta chứ không phải việc của Chúa.
Tất nhiên, ai cũng phải trải qua những thử thách trong cuộc đời, không nhiều thì ít. Nhưng rõ ràng trong hầu hết mọi trường hợp, chúng ta tạo cho mình những thử thách đó vì chúng ta có quyền tự do về ý nguyện. Chúng ta có quyền đối với suy nghĩ và hành động của mình, chúng ta có quyền trong cách ứng xử với cuộc đời. Thế nên, chúng ta có thể chọn hay học từ kinh nghiệm của mình để trưởng thành và thay đổi, hoặc bướng bỉnh không tin rằng chúng ta có thể thay đổi rồi đành phó thác cuộc đời mình.
Và hãy củng cố niềm tin vào sức mạnh thiêng liêng trong những lúc ta đang hạnh phúc để phòng khi đau khổ. Nếu bạn không biết cảm ơn cuộc đời những khi tốt đẹp thì tại sao bạn lại tức giận với cuộc đời mỗi khi gặp chuyện không may?
Khi có niềm tin và hy vọng, chúng ta luôn biết chắc rằng dù hôm nay cuộc đời tệ hại đến đâu, mọi việc rồi sẽ khác. Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp hơn và quan trọng hơn, chúng ta phải đi qua hết những khó khăn trong hiện tại như một phần của cuộc hành trình.
Tôi có hai ví dụ cho cách người ta hành xử hoàn toàn khác nhau đối với những bi kịch tương tự trong cuộc đời. Hai thân chủ này là hai bà mẹ và đều là những người có niềm tin vào tôn giáo. Cả hai không may đều có con nhỏ mất do mắc bệnh hiểm nghèo. Margaret, bà mẹ thứ nhất trở nên mất niềm tin với Chúa vì cho rằng Chúa đã lấy đi sinh mệnh của đứa con trai. Khi đến gặp tôi, bà vẫn còn đầy căm phẫn và mang trong mình vết thương không hàn gắn nổi. Tôi nhẹ nhàng
nhắc cho bà nhớ rằng chính đứa con trai bị ung thư ruột của bà đã không hề than phiền một lời trong suốt 4 năm dài đấu tranh với căn bệnh này. Trên thực tế, chính đứa nhỏ đã cố gắng sống cho đến khi nó cảm thấy mẹ nó đủ mạnh mẽ để chịu đựng sự ra đi mãi mãi của nó. Lúc nó bệnh là lúc nó chỉ nghĩ đến mẹ. Nó có niềm tin thật sự và một tình yêu vô điều kiện với cuộc đời mà tôi nghĩ đó chính là một nguồn sức mạnh tâm linh vô cùng to lớn. Nó không hề nổi giận với Chúa. Vậy tại sao bà lại như thế? Tôi hy vọng rằng khi thôi khóc thương cho sự ra đi mãi mãi của đứa con trai, bà sẽ cảm thấy hạnh phúc và yên lòng với quãng đời ngắn ngủi mà cậu đã sống vì mọi người.
Bà mẹ thứ hai có con trai bị chẩn đoán tiểu đường loại một từ nhỏ. Cậu bị một cơn sốc do tiểu đường dẫn đến mê man và qua đời khi mới ở tuổi thiếu niên. Chính sức mạnh và niềm tin của cậu trong suốt quãng đời ngắn ngủi chống cự với bệnh tật đã khích lệ bà. Sau khi cậu mất, bà đã quyết định gia nhập Giáo đoàn để sống phụng sự vì mọi người.
Tôi tin rằng nếu chúng ta nhìn chông gai là sự trừng phạt của cuộc đời thì nó đúng là sự trừng phạt giáng xuống chúng ta. Nhưng nếu chúng ta nhìn chông gai là lời mời gọi trưởng thành từ cuộc đời thì chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Mike là một người sống sót trong một tai nạn ôtô thảm khốc làm 4 người tử vong ngay tại chỗ. Trước đến giờ, anh vốn là một người vô lo, suốt ngày tiệc tùng chè chén, chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn bản thân chứ chưa bao giờ phải nghĩ đến người khác. Mặc dù không phải là người gây ra tai nạn nhưng anh bắt đầu ý thức rất rõ rằng bất kỳ hành vi nào của mình cũng đều có tác động lên người khác vì vậy, ai cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của mình.
Trong công việc của mình, tôi gặp khá nhiều người sống sót sau trải nghiệm cận kề cái chết đã trở nên thấu hiểu hơn về con đường của mình và sự cần thiết của việc tìm ra mục đích cao cả hơn cho cuộc đời của họ. Nói cách khác, họ nhận ra ý nghĩa của những giá trị tâm linh.
Tìm thấy sức mạnh tâm linh trong thử thách
Khi gặp Elizabeth, tôi vô cùng xúc động bởi nguồn sức mạnh tâm linh cô tìm được dù phải trải qua một bi kịch kinh khủng. Con trai cô và người bạn cùng phòng đã qua đời sau một trận hỏa hoạn ở ký túc xá, gây ra bởi đứa bạn cùng phòng còn lại, cũng là người sống sót duy nhất. Elizabeth có thể gục ngã trước thử thách này, cô có thể căm giận kẻ đã gây ra vụ hỏa hoạn làm chết con mình, cô có thể kiện nhà trường vì đã không trang bị hệ thống báo cháy cho từng phòng ký túc xá. Nhưng cô đã không hề làm những điều đó.
Khi tôi hỏi làm cách nào cô có thể cho phép mình tha thứ tất cả như vậy, cô trả lời rằng cô hiểu rõ đứa con trai tử tế và độ lượng của mình sẽ không bao giờ muốn cô hành động như thế. Cô chọn cách tưởng nhớ con thông qua việc trao tặng học bổng mang tên cậu cho ngôi trường cậu đang theo học. Có lẽ chẳng có mất mát nào bằng việc mất đứa con thân yêu của mình nhưng Elizabeth đã biến sự ra đi của cậu thành một sự kiện có ý nghĩa để tên tuổi của cậu không bị quên lãng.
Trong những cảnh ngộ dường như bi đát nhất, những người vững niềm tin và hy vọng sẽ có khả năng tạo ra thay đổi tích cực. Gloria chuyên đi gây quỹ cho những nghiên cứu về bệnh ung thư vú và cô đến gặp để cảm ơn tôi đã ủng hộ hoạt động này. Ðồng thời, cô chia sẻ với tôi về một dự án khác do cô đề ra nhằm kêu gọi sự chú ý và gây Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu cho chứng rối loạn chức năng miễn dịch (SCID). Cô kể rằng một trong ba đứa con của cô bị mắc chứng SCID bẩm sinh khiến một viêm nhiễm nhỏ cũng có khả năng dẫn đến tử vong cho đứa trẻ bất cứ lúc nào. Giống như Elizabeth, Gloria cũng tìm thấy sức mạnh trong thử thách và giờ cô đang làm hết khả năng để giúp tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị căn bệnh này.
Hai phụ nữ này là hiện thân cho điều mà tôi gọi là sức mạnh tâm linh đích thực – niềm tin và hy vọng kết hợp với sức mạnh vững chãi của bản thân.
“Tính cách không phát triển trong sự nhàn hạ và êm ả. Chỉ qua thử thách và đau khổ con người mới trưởng thành về tâm hồn, khơi gợi nguồn tham vọng và nỗ lực hết mình để đạt được thành công.” – Helen Keller
Nóng giận là tự hại mình
Một quí ông đến gặp tôi vì tình cảnh đang vô cùng rối ren. Vợ ông đã mất vì căn bệnh ung thư, em ông bị sát hại và đứa con trai 17 của ông đang bỏ nhà ra đi. Ông là một doanh nhân thành đạt nhưng hình như sự nghiệp là khía cạnh ổn thỏa duy nhất trong cuộc đời ông, mọi thứ còn lại hầu như chẳng ra gì. Ông cảm thấy tức giận vì mọi điều tồi tệ đã xảy ra cho mình và mang cả sự tức giận ấy vào trong những mối quan hệ hiện tại.
Ông phải chịu đựng một bi kịch kinh khủng nhưng ông càng tức giận, những người quan tâm và muốn an ủi ông đều tìm cách xa lánh. Ông cần hiểu ra rằng mình đã cho phép quá khứ khống chế hiện tại. Bằng cách trút giận lên mọi người, ông chỉ chuốc lấy sự xa cách, đơn độc và như thế ông lại càng giận dữ hơn. Nói cách khác, ông để mình rơi vào cái vòng lẩn quẩn của việc ngày càng tức giận mà cách duy nhất để tự giải thoát là buông xả cơn giận.
Cơn giận luôn ngăn cản chúng ta tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn, cho dù ta giận người khác hay giận chính mình. Một thân chủ của tôi luôn tự trách móc mình sau khi đứa con mới 17 tuổi tự tử. Lâu nay, cậu bé đã có những triệu chứng trầm cảm nặng như: không ngủ, tự nói chuyện, tự nhốt mình trong phòng… Bà cảm thấy giận mình vì đã không để ý những biểu hiện đó để đưa cậu đi trị liệu tâm lý từ sớm. Bà cứ lặp đi lặp lại: “Lẽ ra tôi phải biết. Lẽ ra tôi phải làm gì đó.” Nhưng tôi giải thích với bà rằng bà chẳng có cách nào để ngăn không cho chuyện đó xảy ra. Ðó là con đường cậu phải đi, là quyết định của riêng cậu và bà không thể chịu mọi trách nhiệm về hành động của cậu bé. Chỉ khi nào tin vào những điều này và thôi không tức giận với bản thân nữa thì bà mới có thể sống tiếp cuộc đời còn lại được.
—-Hãy nhớ—-
Cuối cùng chúng ta đều tìm được bình an. Khi bạn tức giận hay khó chịu, hãy nghĩ đến cách để có được bình an cho mình.
Tôi tin rằng việc nhận thức những gì ta may mắn có được trong cuộc sống cũng là một cách hữu hiệu để trút cơn giận. Mỗi sáng thức dậy, tôi đều cảm ơn sức mạnh bên trên vì những điều tốt đẹp tôi có được một người vợ và hai đứa con xinh đẹp, một mái ấm gia đình và khả năng giúp đỡ người khác. Khi nhận ra những món quà mình có được, chúng ta sẽ khó mà tỏ ra giận dữ. Càng biết tri ân, tâm của chúng ta càng bình an.
Chúng ta đều có trách nhiệm
Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm về hành động của mình nhưng nhiều người cứ muốn tin vào Ơn Trên để thoái thác trách nhiệm, một sự biện bạch để chỉ ngồi thụ động chờ xem mọi chuyện xảy đến với mình. Sau đó nếu mọi chuyện không xảy ra như ý muốn, họ lại tiếp tục đổ lỗi cho đấng tối cao vì đã gieo rắc những chuyện như vậy. Hay nếu có làm điều gì đó không hay, họ sẽ biện bạch rằng: “ma quỷ khiến họ làm như thế!” Tất cả những chuyện này đều không liên quan gì giá trị tâm linh.
“Sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm cuộc đời mình là cội rễ của lòng tự trọng” – Joan Didion
Nếu bạn cầu Chúa ban cho một điều gì và không nhận được điều đó, bạn có thể kết luận rằng trên đời làm gì có Chúa hay nếu có thì Chúa đang trừng phạt bạn. Nhưng nếu bạn cầu xin được dẫn dắt hay giúp đỡ để giải quyết một vấn đề thì chính bạn đang thừa nhận sự hiện hữu của nguồn sức mạnh vô song và thay vì hỏi xin một điều cụ thể, bạn chấp nhận vai trò tham gia và trách nhiệm của mình.
Tâm linh là tìm kiếm ý nghĩa; là khám phá con đường đích thực của chúng ta, ý nghĩa và mục đích của cuộc sống chúng ta. Chúng ta đều có lý do tồn tại trên cõi đời này. Chúng ta sinh ra để học tập và nhiều người trong chúng ta mất nhiều thời gian hơn để biết điều mà họ cần phải học.
Học cách nhận biết mình đang đi đúng đường Ruthie là một người không nhìn ra được mục đích của mình dù nó luôn ở
ngay trước mặt. Khi đến gặp tôi, cô nói mình không biết rõ mục đích cuộc đời là gì. Từ nhiều năm trước, vợ chồng Ruthie đã nhận hơn 30 đứa trẻ làm con nuôi. Một số sống cùng với gia đình cô, số còn lại chỉ đến ở một thời gian rồi sống tự lập nhưng những gì cô mang lại cho chúng thật sự có ý nghĩa. Chính vợ chồng cô đã cứu vớt cuộc đời của chúng. Mặc dù vợ chồng Ruthie không giàu có nhưng họ có tình thương bao la và lòng nhân ái muốn giúp người. Vài người con nuôi của vợ chồng cô đã trưởng thành và có gia đình nên những giá trị cô đã gieo trong họ giờ lại tiếp tục được lưu truyền
sang thế hệ tiếp theo. Nói cách khác, những gì Ruthie đã làm sẽ còn tiếp tục tác động ngay cả khi cô không còn trên cõi đời này.
Tuy nhiên, những việc này đối với cô quá tự nhiên nên cô hoàn toàn không nghĩ đó là những việc “quan trọng” đủ để được xem là có ý nghĩa. Tôi phải giúp Ruthie nhận ra rằng một cuộc đời có ý nghĩa không nhất thiết phải được công chúng hay thế giới ghi nhận. Chúng ta không cần phải sáng tạo ra động cơ đốt trong hay giúp thế giới giải quyết nạn đói thì cuộc đời mới có ý nghĩa. Nếu chúng ta sống với lòng trắc ẩn, sự bao dung và ý thức trách nhiệm, nếu chúng ta sống để cho nhiều hơn nhận thì chúng ta đang sống một cuộc đời ý nghĩa với đầy đủ giá trị tâm linh của nó vì chúng ta làm giàu cho tâm hồn của người khác cũng như của mình. Trên thực tế, những con người đóng góp một cách thầm lặng như Ruthie lại có nhiều ảnh hưởng tích cực với những ai may mắn được tiếp xúc với cô hơn cả những người nổi tiếng
được thế giới công nhận.
Tâm linh là những gì đã có khi ta sinh ra và cần được nuôi dưỡng
Ðúng vậy! Tất cả chúng ta khi có mặt trên đời này đều biết rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ quay trở về với cội nguồn nơi chúng ta xuất phát.
Vấn đề là càng bị cuốn vào những chuyện thế tục trong cuộc sống bao nhiêu, chúng ta càng mất đi mối liên kết với bản thể bấy nhiêu.
Lúc nào cũng có những thân chủ đến yêu cầu tôi giúp họ trở nên tâm linh hơn và tôi cứ phải giải thích với họ rằng chúng ta không trở nên tâm linh hơn được. Tâm linh không phải điều chúng ta có thể gặt hái; nó luôn hiện hữu bên trong mà chúng ta phải tìm kiếm, nuôi dưỡng và hoàn thiện nó xuyên suốt cuộc đời mình. Ðể làm được điều này, chúng ta cần nỗ lực và quyết tâm.
Như tôi vừa nói, tâm linh cũng giống như một hạt mầm được gieo vào chúng ta khi chúng ta vừa chào đời. Vì vậy, nó luôn cần được nuôi dưỡng và chăm sóc như một cơ thể sống thực thụ. Ðể làm được chuyện này chúng ta cần bỏ công loại trừ hết những tạp nhiễu và cám dỗ trong cuộc sống ập đến mọi lúc, mọi ngày, để tâm trí chúng ta được tĩnh lặng.
Rồi sau đó, khi trở lại với thực tế đời sống, chúng ta cần mang cả bản thể tâm linh theo cùng. Chỉ ngồi thiền hay cầu nguyện là chưa đủ. Chúng ta phải thể hiện bằng hành động những gì chúng ta mang theo vào đời sống trong công việc và cách hành xử mỗi ngày. Chúng ta cần sống chân thật, khiêm cung và yêu thương. Chúng ta cần nhẫn nhịn hơn và biết suy xét hơn. Hãy cố gắng làm ít nhất một việc thiện mỗi ngày. Hãy giúp người già băng qua đường hay nói cảm ơn khi được người khác giúp. Những điều nhỏ này sẽ làm nên tác động và nếu thực hành mỗi ngày, chúng ta sẽ khiến môi trường bình thường xung quanh mình trở thành một nơi chốn hoan hỉ chứa đựng những giá trị tâm linh cao đẹp.
—-Hãy nhớ—-
Trong tiếng Latin từ “anima” nghĩa là tâm hồn hay hơi thở cuộc sống. Khi đi tìm giá trị tâm linh, bạn đang đi tìm hơi thở mang lại sức sống cho tâm hồn của mình.
Tôi tin rằng thiền đặc biệt quan trọng cho bản thể tâm linh của chúng ta.
Tôi tin rằng cầu nguyện là quan trọng để gắn kết ta với nguồn sức mạnh siêu nhiên. Khi ai đó bảo tôi họ không có thời gian cầu nguyện hay thiền định, tôi hỏi họ: “Bạn có thực sự muốn thực hành hay bạn chỉ muốn nói suông? Thay vì nghe nhạc khi đang lái xe, bạn có thể nói những lời nguyện cầu trong đầu.
Thay vì xem ti vi bạn có thể ngồi thiền. Khi đã sẵn sàng cho đi một phần năng lượng của mình, bạn sẽ ngạc nhiên với những gì nhận được.”
Mặc dù thiền được gắn với nguồn gốc phương Ðông và các nghi thức thực hành của New Age, động từ “thiền” đã xuất hiện mười bốn lần trong Kinh Thánh cũng như danh từ “thiền định” đã xuất hiện sáu lần trong phiên bản Kinh Thánh của Vua James. Nói chung, bạn không cần phải thuộc về một tôn giáo nào mới trở nên có ý thức tâm linh. Bạn không cần phải đi đền, chùa, nhà thờ thì mới kết nối được với sức mạnh siêu nhiên, dù một số người vẫn theo cách đó.
—-Hãy nhớ—-
Bạn phải chuyên cần thì mới phát triển được bản thể tâm linh, cũng giống như vận động viên hay nhạc sĩ phải tập luyện hằng ngày mới đạt được kết quả.
Nhiều người hỏi tôi cách cầu nguyện nhưng tôi thực sự không thể chỉ được. Mỗi tôn giáo và văn hóa có cách cầu nguyện cụ thể tùy từng bối cảnh. Tìm ra lời cầu nguyện để kết nối chúng ta với sức mạnh siêu nhiên có lẽ là một trong những chuyện quan trọng nhất mà chỉ có ta mới quyết định được.
Bạn có thể tham khảo sách về tôn giáo và văn hóa hoặc tìm trên internet.
Nếu muốn có một lời cầu nguyện cho riêng mình, bạn có thể tự soạn. Cách của tôi hay cách của ai đó không nhất thiết sẽ có hiệu ứng với bạn.
Hãy tạo ra nghi thức cho riêng mình
Người ta thường nghĩ rằng có một cách chính xác nào đó để xác quyết niềm tin, nỗi hy vọng hoặc để tìm được sự soi sáng ý nghĩa, nhưng điều đó không đúng. Chúng ta cần phải tìm ra cách kết nối có hiệu quả cho chính mình. Nếu bạn thấy hợp khi đặt chân đến nơi thờ tự thì hãy đi đến đó. Nhưng nếu giả dụ bạn cảm thấy gần gũi nhất với sức mạnh siêu nhiên khi ngồi trước biển, trong rừng hay bên bờ hồ thì đó chính là nơi cầu nguyện của bạn, nơi bạn luôn có được sự kết nối mỗi khi cần.
Tự viết kim chỉ nam cho đời mình
Tôi rất tin vào quyền năng của việc ghi chép ngẫu hứng theo cảm thức.
Khi thức dậy vào buổi sáng, khi đang ngồi uống tách cà phê hay tách trà đầu tiên trong ngày, hãy dành ít phút viết ra những điều bạn muốn mang lại cho đời trong ngày hôm ấy và những việc bạn muốn làm trong ngày. Rồi khi nào có một khoảnh khắc yên tĩnh, bạn hãy đọc lại những gì đã viết và tự hỏi xem những ý nghĩ đó đến từ đâu. Những điều đó có liên hệ thế nào với những mục tiêu ngắn và dài hạn mà bạn đặt ra cho mình? Những điều đó có liên hệ thế nào với nỗi sợ hay niềm hy vọng của bạn? Những điều đó có liên hệ thế nào với những gì bạn muốn mang lại cho cuộc đời mình? Khi đã lắng nghe và ghi lại tiếng nói từ trong thâm tâm, bạn sẽ thấu đáo và tin tưởng hơn ở nội tâm của mình. Từ đó, bạn có thể tự vấn phải làm gì để đạt được những mục tiêu bạn đề ra và trở thành con người bạn thật sự mong muốn.
Những ý nghĩ ngẫu hứng luôn vụt qua trong trí. Nếu ghi ra giấy để sau này xem lại, bạn có thể học được nhiều điều từ nội tâm của mình, những điều vốn trôi đi giữa vô vàn nhiễu loạn trong tác động của cuộc sống bên ngoài.
Như tôi vừa nói, tôi tiếp thu từ những hệ văn hóa và đức tin khác nhau.
Tôi đã miêu tả cách tôi thiền mỗi buổi sáng. Trên bàn làm việc của tôi cũng có một bức tượng Phật, một số tạo vật thờ cúng tôn giáo của người thiểu số châu Mỹ và chiếc chuông Tây Tạng mà tôi có nhắc tới. Ngoài ra, tôi cũng có ảnh Thánh Anthony và Thánh Jude. Thánh Anthony là vị thánh của những của cải đã mất còn Thánh Jude là vị thánh phù trì cho những ai đang gặp khó khăn tuyệt vọng. Vì công việc của tôi là giúp thân chủ chữa lành sau khi họ bị mất người thân hay mất phương hướng nên tôi nhờ những vị thánh này giúp mình toàn tâm với trách nhiệm tâm linh của tôi.
Ngoài ra, vì làm việc nhiều với những vấn đề tiêu cực của người khác nên tôi cũng dễ bị rơi vào vòng suy nghĩ tiêu cực mà lung lay đức tin và hy vọng của mình. Việc giữ những tạo vật này quanh mình mỗi ngày giúp tôi luôn ghi nhớ không những giúp thân chủ mà đồng thời còn củng cố vun đắp bản thể tâm linh của chính mình.
Tuy nhiên, tôi chọn những đồ vật này vì chúng có những ý nghĩa tâm linh cụ thể với tôi. Có một điều tôi muốn nhắc để mọi người thận trọng khi đi trên con đường tâm linh. Ban đầu, bạn sẽ dễ bị thu hút vào bản thể tâm linh của một ai đó, bởi vì bạn muốn thuộc về một nơi nào đó. Tuy nhiên, bạn không cần phải điều chỉnh bản thân cho tương hợp với hệ tư tưởng của một người hay một nhóm người mà phải tìm ra bản thể tâm linh của chính mình bằng sự xúc chạm với cốt lõi của bản thân.
“Hôm nay ta là ta, điều này chân thật hơn hết trên đời. Không có ai trên đời này có thể là chính ta hơn ta” – Dr. Seuss
Cho nhiều nhận nhiều
Kiên định là một phần quan trọng của đời sống tâm linh. Không có con đường tắt nào để trở thành một con người tâm linh. Cũng như đối với những điều bạn muốn có trong đời: “Bạn càng nỗ lực bao nhiêu, bạn càng nhận lại được nhiều bấy nhiêu. Nếu chẳng nỗ lực hoặc chỉ làm qua loa, bạn sẽ chẳng nhận được là bao hoặc chẳng nhận được gì cả.”
—-Hãy nhớ—-
Hãy hình dung cuộc đời giống như một nồi súp gà đang sôi trên bếp. Bạn càng cho thêm nhiều nguyên liệu, nồi súp càng đậm đà và bổ dưỡng.
Những người suy nghĩ tiêu cực và than vãn nói với tôi rằng họ không có thiên thần hộ mệnh. Nhưng điều đó không đúng vì tất cả chúng ta, kể cả họ, ai cũng có thiên thần hộ mệnh. Chỉ có điều những người ấy không sẵn sàng nỗ lực kết nối. Khi tôi bảo họ càng cho đi năng lượng tích cực bao nhiêu thì sẽ càng nhận về nhiều bấy nhiêu và như thế, niềm tin sẽ tự động nhân lên.
Nếu muốn, bạn có thể hỏi xin thiên thần của mình một dấu hiệu để giúp nhận ra.
Một thân chủ của tôi từng cầu xin một dấu hiệu từ người mẹ đã khuất của mình. Hôm đó, cô nằm mơ thấy mẹ cô đang ngồi trên cái ghế bành trong phòng khách. Sáng hôm sau, chồng cô hỏi tối hôm trước cô có thức đêm hay không. Cô trả lời không và hỏi tại sao. Chồng cô nói: “Bởi vì sáng nay anh thấy lưng ghế ngã ra trong khi tối qua trước khi đi ngủ, rõ ràng anh đã dựng nó lên.” Thân chủ của tôi ngay lập tức rơi nước mắt vì cô biết lời cầu nguyện của mình đã linh nghiệm.
Một thân chủ khác có người mẹ đã mất vốn thích màu xanh nước biển.
Trong khi đi trong siêu thị, bà lướt ngang quầy hoa và chợt nhìn thấy những chậu hoa hồng màu xanh nước biển rất đẹp. Bà chưa bao giờ nhìn thấy nên hỏi người quản lý có phải trước giờ cửa hàng vẫn luôn bán loại hoa này không. Ông ấy trả lời: “Không, đây hẳn là lỗi của bên giao nhận vì trước giờ cửa hàng chưa bao giờ bán loại này.”
—-Hãy nhớ—-
Ðiều đầu tiên để phát triển tâm linh là giữ thái độ cởi mở. Nếu bạn đóng chặt bản thân bạn sẽ không thể lĩnh hội mọi thứ khả dĩ.
Có thể người mẹ đã mất của bạn vẫn luôn dùng nước hoa hiệu Shalimar và hôm nay, khi đột nhiên phải ở nhà một mình, tự dưng bạn ngửi được mùi hương đó. Hay có thể, hồi nhỏ bạn có nhiều kỷ niệm với việc bố bạn hút thuốc sau mỗi bữa tối và tự dưng hôm nay, khi đang nghĩ đến một chuyện gì đó hoàn toàn không liên quan, bạn lại ngửi thấy mùi thuốc lá đó quanh mình.
Tất cả đều là những tín hiệu không do bạn tự tưởng tượng ra mà đúng hơn, bạn đang mở lòng ra trước một đời sống vĩnh cửu khác, trên cả cuộc sống trong trái đất này.
Hãy nhận biết những điều trùng hợp trong cuộc đời
Nhà phân tâm học nổi tiếng người Thụy Điển Carl Jung đã đặt ra thuật ngữ “synchronicity” – đồng thời tương ứng – để chỉ những điều có ý nghĩa xảy ra cùng lúc trong cuộc đời bạn. Ví dụ, bạn đang nghĩ về một người khá lâu rồi bạn chưa nói chuyện thì người đó tự dưng gọi điện cho bạn. Tôi tin rằng những điều cùng lúc xảy ra này là cách chúng ta nhận biết mình đang đi đúng hướng. Nếu thấy những sự kiện này lặp đi lặp lại mà không hiểu tại sao, bạn nên bắt đầu lưu ý và mở lòng ra để tiếp thu tiếng nói từ bên trong.
“Hãy tiếp chạm với sự thinh lặng bên trong bản thân và hãy biết rằng mọi chuyện trên đời đều có mục đích. Không có lỗi lầm, cũng không có ngẫu nhiên, tất cả mọi sự việc đều là phước lành cho ta học hỏi.” – Elisabeth Kubler-Ross
Cứ tìm rồi sẽ thấy
Xuyên suốt bề dày lịch sử nhân loại và lịch sử tôn giáo, luôn có những người từ bỏ cuộc sống thường nhật để tìm kiếm bản thể siêu việt và kết nối với một sứ mệnh cao cả hơn. Trong tác phẩm “Hài kịch thần thánh,” câu chuyện ngụ ngôn có lẽ vĩ đại nhất trong mọi thời đại, Dante tả lại chuyện con người đi tìm ý nghĩa cao siêu trong khuôn khổ Thiên Chúa giáo. Nhưng chúng ta còn thấy những người đi tìm chân lý trong các phiên bản Thánh kinh và trong các tôn giáo khác.
Trong cuộc hành trình tìm tự do của người Do Thái, Moses đã lên núi Sinai để nghe Chúa răn dạy rồi trở về truyền lại cho thần dân. Chúa Jesus cũng đã vào nơi hoang dã trong 40 ngày đêm để ăn kiêng, cầu nguyện và dọn mình.
Trong đạo Phật, chúng ta cũng có câu chuyện về Tất Ðạt Ða Cồ Ðàm từ bỏ gia đình quyền quý để đi tìm ánh sáng giác ngộ trong vòng 6 năm, sau đó quay lại thế tục để giảng dạy cho mọi người những gì Ngài học được.
Trong văn chương hiện đại, những tác phẩm từ “Núi lạnh” cho đến “Thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy” cũng đều xoay quanh cuộc hành trình phát triển tâm linh và luôn thu hút chúng ta.
Dù bạn có tin đây là những câu chuyện có thật trong lịch sử hay không, chúng đều kể về hành trình của con người đi tìm ý nghĩa thiêng liêng và những câu chuyện ấy ít nhiều đều lay động, thôi thúc chúng ta tự tìm kiếm ý nghĩa tâm linh trong cuộc sống của chính mình.
Ðiều quan trọng là trong mỗi câu chuyện, hành giả rốt cục luôn quay về để chia sẻ những gì đã học được. Tâm linh không có nghĩa là chỉ nhìn vào chính mình; nó còn có nghĩa phải sống tại và hiện, mang những gì lĩnh hội được áp dụng vào đời sống hằng ngày và chia sẻ với những người xung quanh mình.
Hãy tìm Nơi bình an của bạn
Nếu môi trường xung quanh bạn trì trệ, lộn xộn, làm bạn luôn cảm thấy gò bó và bực dọc, nó cũng sẽ ngăn không cho nguồn năng lượng tinh thần giúp bạn làm chủ bản thân và gắn kết với sức mạnh tâm linh của mình. Hãy nghĩ về một nơi mà bạn cảm thấy thư giãn và bình an nhất. Đối với người này có thể là một bãi biển yên tĩnh, đối với người khác có thể là bên cạnh bếp lửa hồng. Khi bạn biết nơi nào bạn cảm thấy bình an nhất, hãy thường xuyên đến đó để quên đi những lo âu thường ngày và để mở lòng đón nhận chân lý từ bên trong mình.
Món quà được tiếp tục cho đi
Tâm linh là món quà mà bạn có thể tiếp tục trao đi. Ðấy là một trong những báu vật quí giá nhất của bạn trong đời vì nó sẽ giúp bạn vượt qua những ngày tăm tối và những lúc khó khăn, đau khổ mà bạn chắc chắn sẽ trải qua trong đời. Khi bắt đầu đi trên con đường phát triển tâm linh, bạn cần tin tưởng nó sẽ đưa bạn đến nơi chốn bạn cảm thấy bình an nhất.
—-Hãy nhớ—-
Niềm vui và nỗi buồn luôn song hành. Chúng ta chỉ có thể trân trọng một cảm xúc nếu đã trải nghiệm cảm xúc kia.
Nếu tiếp tục trau dồi và củng cố mối liên kết bản thể với nguồn sức mạnh siêu nhiên bên trong bằng cách tận tâm thực hành lối sống tâm linh, bạn sẽ thấy cuộc đời còn lại của mình sẽ dần trở nên đầy đủ và trọn vẹn hơn. Bạn sẽ trân trọng những điều mình có được thay vì cảm thấy tức giận, nóng nảy và thất vọng vì những gì mình không có.
Danh sách tích lũy rương báu vật:
- Hãy nhận thức rằng việc tìm kiếm những giá trị tâm linh không đòi hỏi bạn phải đi theo bất kỳ tôn giáo nào trừ phi đó là lựa chọn của bạn.
- Hãy nhận thức rằng nếu bạn chọn đi theo một tôn giáo, việc tìm kiếm những giá trị tâm linh cũng sẽ làm tăng niềm tin tôn giáo trong bạn.
- Hãy trở thành một hành giả dấn thân vào cuộc tìm kiếm sự phát
triển tâm linh của bản thân. - Việc trau dồi sức mạnh tâm linh đòi hỏi sự kiên trì và nhất quán.
- Hãy dành thời gian để tĩnh tâm và kết nối với bản thể bằng cách thường xuyên hành thiền. Và hãy nhớ không có cách thiền nào là đúng hay sai cả.
- Hãy ghi chép nhật ký tâm linh để soạn thành kim chỉ nam cuộc sống cho mình.
- Hãy tìm ra lời nguyện cầu giúp bạn kết nối với nguồn sức mạnh tâm linh.
- Hãy đem những kinh nghiệm tâm linh vào cuộc sống hằng ngày. Hành vi của bạn phải tương hợp với những giá trị tâm linh của bạn.
- Ðừng rơi vào vòng ngụy biện của sự phiền não và đổ lỗi cho đấng thiêng liêng về những vấn đề của mình. Hãy xem đó là cơ hội để bạn học hỏi
và trưởng thành. - Hãy dựa vào sức mạnh tâm linh để vượt qua những lúc khó khăn và thất vọng.
- Hãy nhớ nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng bên trong.