TIẾN HÓA LÊN TẦNG TÂM LINH

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo số 310,

Chính sự khao khát tìm kiếm sự tiến hóa tâm linh là động lực cho sự tiến bộ của văn minh.

Con người với ý thức và thức chấp ngã của mình luôn luôn cảm thấy thiếu thốn, bất an; luôn luôn tìm kiếm một cái gì vượt khỏi thân phận làm người hữu hạn, một cái gì vĩnh cữu tuyệt đối, vô hạn, tự do, bình an, hạnh phúc, … hay những từ nào nữa con người có thể đặt ra. Con người hơn những loài khác nhờ ý thức và thức chấp ngã, và cũng chính nhờ “cái tôi” với ý thức sắc bén này mà con người thấy rõ giới hạn của chính cái tôi và ý thức. Điều đó khiến con người khổ đau, bất toại nguyện (dukkha) hơn bất cứ loài nào. Con người cảm nhận Chân lý thứ nhất, Khổ đế (dukkha sacca) hơn bất cứ loài nào. Có phải vì thế mà Phật giáo nói con người là cao cấp nhất, theo nghĩa dễ giải thoát nhất trong sáu nẻo sanh tử luân hồi.

Con người luôn luôn tìm kiếm một cái gì vượt khỏi sự hữu hạn, mong manh của cuộc sống. Nói theo Tây Phương, “Tôi là ai? Tôi là cái gì? Tôi từ đâu đến và rồi sẽ đi đâu?”. Con người luôn luôn có nỗi hoài nhớ quê nhà Hữu thể (Nostalgie de I’EEtre). Phật giáo và Thiên chúa giáo đều có câu chuyện anh cùng khổ lưu lạc trở về nhà người cha giàu có vô lượng của mình. Cuộc đời người là sự trở về với quê nhà đã thất lạc, và sự khổ đau căn bản của con người là đang tha hương nơi chẳng phải là quê nhà vĩnh cửu của nó. Các nhà thơ, các nhạc sĩ, các nhà làm nghệ thuật, … đều cho mình là trích tiên, tiên bị đọa xuống trần, cõi này chỉ là cõi tạm, trên con đường tìm đến Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối:

Tâm tình một nẻo quê chung

Đường về cố quận muôn trùng ta đi

(Bùi Giáng)

Khoa học từ xưa đến nay vẫn đi tìm cội nguồn, nền tảng, bản thể của vạn vật. Thời Hy Lạp, Thale’s cho rằng bản thể vũ trụ là nước, He’raclite thì cho là lửa, De’mocrite là nguyên tử, Anaximandre là bất định, vô hạn, … Cho đến ngày nay các nhà khoa học vẫn đi tìm một lý thuyết về tất cả mọi sự (Theory of Everything). Tất cả mọi ngành học, khoa học, nghệ thuật, toán học, thơ ca, … vẫn đang trên đường đi tìm kiếm cái đầu tiên và cái tối hậu của mọi sự, cái mà kinh điển Phật giáo gọi là thật tướng của tất cả mọi sự (chư pháp thực tướng). Chính sự khao khát tìm kiếm này là động lực cho sự tiến bộ của văn minh.

Nhưng càng tiến bộ, con người càng thấy rõ sự phát triển của vật chất và ý thức con người là có giới hạn. Giới hạn của vật chất là tốc độ ánh sáng, 300.000 cây số trên một giây. Và giới hạn của con người là những ngành như hội họa, âm nhạc, triết học, thơ ca, … hầu như đứng lại, không còn những nhà sáng tạo lớn. Chẳng hạn như âm nhạc, chúng ta thấy sự bế tắc của nó khi nó dùng những kích thích nhiều hơn, âm lượng rất lớn và màu sắc lòe loẹt, dáng điệu khiêu gợi đến mức dung tục. Những môn giải trí, trò chơi càng lúc phải càng nguy hiểm hơn, gây cảm giác mạnh hơn. Con người hiện đại đang “đụng trần” của vật chất và của chính con người.

Những người giỏi thì tìm kiếm giàu có, bằng cấp, quyền lực, danh vọng, … những người thấp thì rượu, tình dục, ma túy, … nhưng chẳng ai thoát được sự “bất toại nguyện” căn bản của kiếp người, cái rỗng không như trung tâm hiện hữu của con người. Kể cả nền công nghiệp 4.0 với Big Data và Internet of all things cũng chẳng thể trả lời, nói gì cung cấp cho chúng ta cái bất tử, cái không thuộc vào sanh, già, bệnh, chết, …

Để thoát khỏi thân phận hữu hạn sanh già bệnh chết của con người, chúng ta phải vượt lên tầng tâm linh

Để thoát khỏi thân phận hữu hạn sanh già bệnh chết của con người, chúng ta phải vượt lên tầng tâm linh. Một con người đã vượt lên tầng tâm linh và chứng đắc nó trọn vẹn là Đức Phật, đã nói trong câu cuối bài kệ giác ngộ của Ngài:

“Như Lai đã chứng đắc quả Vô sanh Bất diệt và đã tận diệt mọi ái dục của thế gian”.

Sau đó Ngài tuyên bố:

“Cửa Vô sanh Bất diệt đã mở rộng cho chúng sanh. Hãy để cho những ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin tưởng”

Tầng tâm linh được Phật giáo gọi chung là Niết-Bàn và trong hệ Nikaya được diễn tả bằng những từ như sau, theo Ngài Narada Thera trong Đức Phật và Phật pháp:

Vô tận (Ananta), Bất tùy thế (Ashamkhata), Tối thượng (Anuttara). Tối cao (Para), Bờ bên kia (Para), Chỗ nương tựa tối thượng (Parayana), Châu toàn (Tana), Hạnh phúc (Siva), Duy nhất (Kevala), Bất khả duyệt (Akkhara), Tuyệt đối thanh tịnh (Visuddha), Siêu thế (Lokuttara), Vĩnh cửu (Amata), Giải thoát (Muti), Vắng lặng (Santi), Vô sanh (Ajata), Bất diệt (Amara)…

Có một thực tại, mà ở đây chúng ta gọi là tầng tâm linh, và ở trong các hệ thống khác có vô số từ để gọi, là nơi chốn, là không gian để cho đời sống rất hạn hẹp của các giác quan và đời sống giới hạn của ý thức và của ý thức chấp ngã được giải phóng, giải thoát, …

Kinh Phật tự thuyết (Udana 80,82) nói: “Này các Tỳ-kheo, có xứ này, tại đây không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió, không có Hư không vô biên xứ, không có Thức vô biên xứ, không có Vô sở hữu xứ, không có Phi tưởng, phi phi tưởng xứ, không có đời này, không có đời sau; không có cả hai mặt trăng, mặt trời. Do vậy, này các Tỳ-kheo, Ta tuyên bố không có đi, không có trú, không có diệt, không có sanh, không có ở yên, không có di chuyển, không có chỗ duyên, đây là sự chấm dứt tất cả khổ đau.

Này các Tỳ-kheo, có trạng thái không sanh, không hiện hữu, không do tạo tác, không tùy thế. Nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không do tạo tác, không tùy thế này, ắt không thể có sự giải thoát cho cái có sanh, cái có hiện hữu, cái do tạo tác, cái có tùy thế.

Vì rằng, này các Tỳ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không do tạo tác, không tùy thế nên mới có sự giải thoát cho cái có sanh, cái có hiện hữu, cái do tạo tác, cái có tùy thế.”

Kinh Lăng già nói Như Lai tạng vượt khỏi tâm, ý, ý thức; đó là sự giải thoát cho tâm, ý, ý thức. Hệ Nikaya và hệ Sanskrit đều nói đến Ba cửa giải thoát (Tam giải thoát môn) là Không, Vô tướng, Vô nguyện.

Đời sống chính là Đạo

Như thế, có một tầng thứ ba khiến cho sự giới hạn của tầng giác quan và tầng ý thức với ý thức chấp ngã được giải phóng. Nếu nói theo lịch sử tiến hóa của Trái đất thì bắt đầu bằng vật chất không có sự sống, tiến lên vật chất có sự sống, lên đời sống giác quan, và rồi đời sống ý thức và thức chấp ngã, sau cùng là đời sống tâm linh.

Đời sống tâm linh, hay cái mà chúng ta thường gọi là tôn giáo, là đạo, chính là sự tiến hóa tất yếu của nhân loại sau khi đã trải qua hai tầng kia, tầng động vật và tầng con người.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CĂN BẢN CỦA SỰ CHUYỂN HÓA TÂM
  2. SỰ TIẾN HÓA CỦA CON NGƯỜI
  3. SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI VÀ VĂN MINH NHÂN LOẠI

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN SỰ CƯỜNG THỊNH CỦA ĐỜI TRẦN
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. TỰ DO, BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  2. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG