SỰ TIẾN HÓA CỦA CON NGƯỜI

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo Số 309 15-11-2018

Ở đây chúng ta theo khoa học để nói về lịch sử con người.

Cách đây khoảng 13,7 tỷ năm, xảy ra một Big Bang (Vụ nổ lớn) tạo thành vũ trụ hiện giờ của chúng ta. Khoảng 4,6 tỷ năm trước đây, trái đất của chúng ta thành hình. Sự sống bắt đầu cách đây 4 tỷ năm “hoàn toàn ngẫu nhiên”. Để tiến hóa từ vật chất không có sự sống lên vật chất có sự sống phải mất 300 triệu năm. Cho đến khoảng 3 tỷ năm trước đây, đơn bào tiến hóa lên đa bào. Cây cối bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng từ 450 triệu đến 250 triệu năm. Các loài động vật cách đây 450 triệu đến 65 triệu năm. Con người đích thực xuất hiện cách đây vài triệu năm, nhưng con người có trí khôn, có ý thức (homo sapiens) chỉ mới xuất hiện cách đây khoảng từ 190 đến 100 ngàn năm.

Chúng ta thấy vũ trụ này và nói riêng trên trái đất, có sự tiến hóa từ vật chất không có sự sống lên đến vật chất có sự sống, lên đến thực vật và động vật, và cuối cùng là con người có ý thức. Những bước nhảy vọt, đột khởi (emergence) ấy, khoa học vẫn chưa giải thích được. Với Phật giáo, có những bước nhảy vọt như vậy vì có chúng sanh ở các cõi khác, chẳng hạn như cõi sắc và cõi vô sắc, đầu thai vào trái đất này. Hoặc những chúng sanh ở những vũ trụ trước chưa giải thoát được, sanh lại vào trái đất này để tiếp tục tiến hóa. Kinh Khởi thế Nhân bổn, hệ Nikaya, nói rằng chư thiên ở Quang Âm thiên sanh vào trái đất này, dần dần xuống cấp thành loài người.

Nhưng ở đây chúng ta không chú ý đến những giải thích theo tôn giáo. Chúng ta chỉ chú ý vào sự tiến hóa thấy được ở trái đất này.

Như chúng ta đang thấy, ở trái đất này có ba tầng chính: vật chất không có sự sống, động vật và con người. Nếu chỉ tính từ động vật thì có hai tầng: động vật và con người. Những nền văn hóa và văn minh đều do ý thức của con người tạo nên. Hiện nay, nhìn bất cứ ở đâu, bất cứ vật gì, cũng đều là kết quả của ý thức con người dựa vào thiên nhiên (vật chất có sự sống và vật chất không có sự sống) mà tạo thành, sáng tạo ra.

Con người và động vật chia sẻ với nhau một đời sống giác quan để sống trong thế giới hay trái đất này: mắt để thấy, tai để nghe, mũi để ngửi, lưỡi để nếm, thân để xúc chạm. Khả năng của năm giác quan mạnh yếu khác nhau ở từng loài, nhưng đều giúp nhận biết thế giới và sống trong thế giới. Đời sống giác quan là thấp nhất và giới hạn nhất. Quy chiếu theo tám thức của Duy thức học Phật giáo, năm giác quan là năm thức trước (tiền ngũ thức), tầm hoạt động của chúng hoàn toàn nằm trong thế giới vật chất, và do đó, bị giới hạn, nếu so với thức thứ sáu là ý thức của con người.

Tầng thứ hai là ý thức, đây cũng là từ mà Duy thức học dùng để chỉ thức thứ sáu. Con người vượt hơn con vật là ở ý thức. Nói theo quan niệm hiện đại, ý thức bao gồm trí thông minh và trí tuệ cảm xúc. Nhờ ý thức mà con người làm chủ trái đất, tạo ra những nền văn hóa và văn minh. Phạm vi hoạt động của ý thức so với năm thức giác quan thì rộng sâu hơn rất nhiều. Ý thức càng mở rộng thì không gian thời gian được thu hẹp lại. Chẳng hạn với năm thức giác quan chúng ta không thể gặp Socrates và Khổng Tử, nhưng với ý thức, chúng ta có thể gặp được các vị qua tư tưởng của họ.

Sự tiến bộ của con người với môi trường trái đất của nó là sự tiến bộ của ý thức. Sự tiến bộ của trái đất, từ một hành tinh không có sự sống đã tiến lên cấp độ ý thức, là nhờ con người. Nhưng sự tiến bộ của ý thức đến một lúc nào, rõ nhất là thế kỷ XX, cho thấy ý thức cũng có những giới hạn của nó không thể vượt qua. Chẳng hạn trong toán học là định lý Godel, trong vật lý học là hằng số Planck, trong thiên văn học là “chân trời sự kiện”, … và trong chính sự tiến hóa của trái đất, làm sao giải thích được những bước nhảy vọt của nó từ vật chất không có sự sống rồi đến vật chất có sự sống, rồi đến ý thức. Ý thức là giới hạn vì nó không thể giải quyết được nỗi khổ đau tiềm ẩn trong chúng ta, không thể hợp nhất, thống nhất được đời sống đã bị phân mảnh quá lâu của chúng ta. Ý thức là giới hạn vì nó không thể hòa giải, nối kết mỗi chúng ta với người khác, với sự vật, với thế giới, với vũ trụ. Ý thức là giới hạn vì nó không thể giải quyết cho chúng ta vấn đề căn bản của con người: sinh ra để rồi chết, làm sao vượt khỏi cái chết, nếu không thì cuộc sống này chẳng có ý nghĩa là bao.

Nhưng con người không chỉ có ý thức. Ai trong chúng ta cũng nhận thấy mình có một cảm nhận về một cái tôi, một cảm thức về cái tôi, mà Duy thức học gọi là thức chấp ngã, thức Mạt-na. Thức chấp ngã này gồm ngã kiến, ngã ái, ngã si, ngã mạn, là thức thứ bảy. Nó ở cao hơn ý thức, khó thấy hơn ý thức, và chỉ huy, cai trị ý thức. Có một hành động nào, một lời nói nào, một ý nghĩ nào mà không phải nằm trong “tôi và của tôi”. Toàn bộ thân, khẩu, ý của một con người, toàn bộ đời sống của một con người đều được bao trùm trong thức chấp ngã này.

Thức chấp ngã, “cái tôi” này gần như là vô thức, như một bản năng tự nhiên, nếu không chú ý. Nhưng ý thức càng phát triển, nó càng phát triển theo, luôn luôn bao trùm toàn bộ con người. Ban đầu, cái tôi, thức chấp ngã, là một cần thiết để biết tránh những nguy hiểm, tổn thương, biết tự bảo vệ cho con người; nhưng càng tiến hóa, nó lại càng cồng kềnh, càng dày nặng, tạo thành bức tường ngăn cách con người với người khác và với thế giới chung quanh. Ý thức đến lúc nào mới thấy là có giới hạn, thức chấp ngã cũng thế, đến lúc nào nó thành một gánh nặng, một nhà giam vô hình khiến con người càng sống càng cô lập, không liên hệ không tương giao được với người khác và với thế giới.

Con người, với ý thức và thức chấp ngã giới hạn, vẫn chưa tìm thấy tự do và hạnh phúc của sự không bị tùy thuộc. Vậy thì có cái gì vượt lên hai thức thứ sáu và thứ bảy này để cho con người được giải phóng? Con người có thể tiến hóa lên tầng nữa không? Có tầng thứ ba là lãnh vực tôn giáo, nơi được gọi là những kinh nghiệm tâm linh, vượt khỏi ý thức và thức chấp ngã. Dù rằng tôn giáo cũng có rộng hẹp, cao thấp, hoàn hảo hay chưa hoàn hảo khác nhau, nhưng nói chung, tôn giáo là sự tiếp cận với thực tại tối hậu, và ngay trong một tôn giáo, thực tại này cũng được gọi bằng những danh từ khác nhau.

Trong hệ thống Duy thức, tầng thứ ba này là thức thứ tám, thức A-lại-da, Tạng thức, nơi chứa toàn bộ các thức trước và nơi đó cũng có cái mục đích rốt ráo của con người, nhu cầu tối hậu của con người. Tâm lý học chiều sâu gọi tầng thứ ba này là tiềm thứcvô thức, theo nghĩa chưa được biết đến; nhưng tiềm thức, vô thức chỉ là một phần nhỏ so với tạng thức A-lại-da. Theo kinh Lăng-già, tạng thức A-lại-da chính là Như Lai tạng hay Phật tánh, có điều còn bị nhiễm ô bởi những kinh nghiệm của bảy thức trước.

Trong Phật giáo và trong ngôn ngữ đời thường cũng như ở cả trong những tôn giáo khác, chúng ta thường thấy có những từ “nguồn”, “nguồn cội”, “về nguồn”, … Nguồn này chính là thức thứ tám, tạng thức, vốn là Như Lai tạng, và được gọi là nguồn vì từ đó phát sanh tất cả hiện hữu, con người và thế giới. Nơi tầng thứ ba mà chúng ta gọi là tầng tâm linh này có “viên ngọc như ý”, có “kho tàng của các bậc giác ngộ và của trời người”, có nhu cầu tối hậu của con người là tự do và hạnh phúc không do điều kiện, có cái Biết rốt ráo, cội nguồn của tất cả các thức.

Tóm lại, sự tiến hóa của trái đất này là từ vật chất không có sự sống lên vật chất có sự sống, lên tầng thứ nhất là đời sống giác quan, tiến hóa lên tầng thứ hai là ý thức và thức chấp ngã, và lên tầng thứ ba, tầng tâm linh, nơi cội nguồn của cái Biết, của Tự do và Hạnh phúc.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÂM CHÚNG TA LÀ MỘT
  2. VŨ TRỤ LÀ TÂM THỨC
  3. LUẬT HẤP DẪN CỦA TÂM THỨC

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN SỰ CƯỜNG THỊNH CỦA ĐỜI TRẦN
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. TỰ DO, BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG