MORGAN HOUSEL
Trích: Tâm Lý Học Về Tiền, người dịch: Hoàng Thị Minh Phúc; Nxb Dân Trí, 1980 Books
Derek Sivers, một doanh nhân thành đạt, từng viết về một người bạn đã yêu cầu ông kể câu chuyện làm giàu của mình:
Tôi có một công việc ban ngày ở trung tâm Manhattan với mức lương 20k đô la một năm – một mức lương trung bình… Tôi chưa bao giờ đi ra ngoài ăn, và chưa bao giờ đi taxi. Chi phí sống của tôi là khoảng 1.000 đô la/tháng, và tôi lúc đó kiếm được 1.800 đô la/tháng. Tôi làm việc này trong hai năm, và tiết kiệm được 12.000 đô la. Lúc đó tôi 22 tuổi.
Một khi tôi đã có 12.000 đô la. Tôi có thể từ bỏ công việc đó và trở thành một nhạc sĩ toàn thời gian. Tôi biết tôi có thể có được một vài buổi biểu diễn nhỏ hằng tháng để trả cho chi phí sống của mình. Vì thế tôi tự do. Tôi bỏ việc một tháng sau đó, và chưa từng có công việc nào khác.
Khi tôi kể xong cho bạn tôi nghe câu chuyện này, anh ấy đã hỏi thêm. Tôi nói là không, câu chuyện chỉ có thế thôi. Anh ấy nói, “Không, vậy còn lúc bạn bán công ty đi thì sao?”
(Nói thêm: Derek Sivers là một doanh nhân người Mỹ nổi tiếng là người sáng lập và cựu chủ tịch của CD Baby, một cửa hàng CD trực tuyến cho các nhạc sĩ độc lập.)
📖 📖 📖
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là quốc gia giàu có nhất trong lịch sử thế giới. Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy người dân nước này, theo trung bình, thấy hạnh phúc ở hiện tại hơn là vào những năm 1950, khi sự giàu có và mức thu nhập thấp hơn rất nhiều – thậm chí chỉ ở mức trung bình sau khi đã điều chỉnh với lạm phát. Một bài khảo sát do Gallup thực hiện vào năm 2019 với 150.000 người ở 140 quốc gia cho thấy rằng khoảng 45% người dân Mỹ nói rằng họ cảm thấy “rất lo lắng” vào ngày trước đó. Tỷ lệ trung bình toàn cầu là 39%. Năm mươi lăm phần trăm người dân Mỹ nói rằng họ cảm thấy “cực kỳ căng thẳng” vào ngày trước đó. Đối với phần còn lại của thế giới, 35% nói điều tương tự.
Một phần xảy ra ở đây đó là chúng ta đã sử dụng nguồn tài sản giàu có của mình để mua những món đồ lớn hơn và tốt hơn. Nhưng chúng ta cũng đồng thời từ bỏ quyền kiểm soát lên quỹ thời gian của mình. Phương án dễ xảy ra nhất ở đây đó là những điều này tự tiêu diệt lẫn nhau.
Mức thu nhập gia đình trung bình sau khi đã điều chỉnh với lạm phát là 29.000 đô la vào năm 1955. Năm 2019 nó rơi vào hơn 62.000 đô la. Chúng ta đã sử dụng số tiền đó để sống một cuộc sống khó có thể nào hiểu được đối với những người dân Mỹ thời kỳ 1950, ngay cả với một gia đình hạng trung. Kích thước nhà ở trung bình của người dân Mỹ tăng từ 983 feet vuông vào năm 1950 lên đến 2.436 feet vuông vào năm 2018. Những ngôi nhà hạng trung của người Mỹ thời nay có nhiều phòng tắm hơn cả số người ở. Những chiếc ô tô của chúng ta nhanh hơn và hiệu quả hơn, những chiếc ti vi có giá thành rẻ hơn và chất lượng tốt hơn.
Điều xảy ra với quỹ thời gian của chúng ta, mặt khác, lại hầu như không có tiến triển gì. Và rất nhiều lý do có liên quan đến kiểu công việc mà ngày càng nhiều người trong số chúng ta hiện có.
John D. Rockefeller là một trong những nhà kinh doanh thành công nhất mọi thời đại. Ông cũng là một người ẩn dật, dành phần lớn thời gian ở một mình. Ông hiếm khi nào lên tiếng, cẩn thận khép mình lại và giữ yên lặng khi bạn thu hút sự chú ý của ông ấy.
Một công nhân nhà máy lọc dầu thi thoảng được Rockefeller tìm đến xin lời khuyên từng nói:
“Ông để mọi người khác nói, trong khi ông ngồi đó và không nói gì cả.”
Khi được hỏi về sự im lặng của ông trong những cuộc họp, Rockefeller thường trích một đoạn thơ:
Một con cú già thông thái sống trong thân cây sồi,
Nó càng thấy nhiều điều nó càng nói ít đi,
Nó càng ít nói, nó càng lắng nghe được nhiều hơn,
Tại sao chúng ta lại không làm giống con cú thông thái đó?
Rockefeller là một người đàn ông kỳ lạ. Nhưng ông đã nghiệm ra được một điều mà giờ áp dụng cho hàng chục triệu người lao động.
Công việc của Rockefeller không phải là khoan giếng, chất hàng lên tàu, hay di chuyển những thùng dầu. Việc của ông là suy nghĩ và đưa ra những quyết định đúng đắn. Sản phẩm của Rockefeller – thứ mà ông có thể mang lại – không phải là thứ mà ông làm với hai bàn tay, hay thậm chí là ngôn từ. Mà đó là điều ông nghiệm ra bên trong cái đầu của mình. Vì thế nên đó là nơi mà ông sử dụng phần lớn thời gian và năng lượng của ông. Mặc dù chỉ ngồi yên lặng hầu hết thời gian trong ngày mà đối với nhiều người đó hẳn trông giống như thời gian rảnh rỗi, ông thực chất đang không ngừng làm việc trong đầu, nghĩ kỹ về những vấn đề.
Điều này khá độc đáo trong thời đại của ông. Hầu như mọi công việc trong thời đại của Rockefeller đều yêu cầu thực hiện với đôi tay. Năm 1870, 46% các công việc nằm ở ngành nông nghiệp, và 35% nằm ở ngành thủ công hay sản xuất, theo nhà kinh tế học Robert Gordon. Rất ít ngành nghề phụ thuộc vào bộ não của người công nhân. Bạn không phải suy nghĩ; bạn lao động, không ngừng nghỉ, và công việc của bạn là hữu hình.
Ngày nay, điều đó đã đảo lộn.
Ba mươi tám phần trăm các công việc giờ được chỉ định với những danh xưng “giám đốc, sĩ quan, và chuyên gia.” Đây là những công việc đưa ra quyết định. 41% khác là các công việc thuộc lĩnh vực dịch vụ, những công việc thường phụ thuộc vào suy nghĩ của bạn cũng nhiều như hành động vậy.
Ngày càng nhiều người trong chúng ta có những công việc giống với Rockefeller hơn là một công nhân trong phân xưởng điển hình những năm 1950, điều này có nghĩa là ngày của chúng ta không kết thúc khi chúng ta chấm công và rời khỏi phân xưởng. Chúng ta không ngừng làm việc trong đầu mình, điều này khiến công việc mang cảm giác không bao giờ kết thúc.
Nếu công việc của bạn là sản xuất xe ô tô, bạn không thể làm gì nhiều khi bạn không đứng trong hàng lắp ráp. Bạn tách mình khỏi công việc và để công cụ lại ở nhà máy. Nhưng nếu công việc của bạn là tạo ra một chiến dịch tiếp thị – một công việc dựa trên suy nghĩ và đưa ra quyết định – thì công cụ của bạn là cái đầu, thứ sẽ không bao giờ rời khỏi bạn. Bạn có thể đang nghĩ về dự án của mình trong lúc di chuyển, trong khi làm bữa tối, trong lúc chuẩn bị cho con cái đi ngủ, và khi bạn thức dậy đầy căng thẳng lúc ba giờ sáng. Giờ làm việc của bạn có thể ngắn hơn vài tiếng so với năm 1950. Nhưng nó mang lại cảm giác như bạn đang làm việc 24/7.
Derek Thompson của tạp chí The Atlantic từng miêu tả điều này như sau:
Nếu trang thiết bị vận hành của thế kỷ 21 là một thiết bị di động, điều này có nghĩa là nhà máy thời hiện đại không còn là một địa điểm nữa. Nó chính là một ngày. Kỷ nguyên máy tính đã giải phóng những công cụ sáng tạo khỏi văn phòng làm việc. Phần lớn các nhân viên có tri thức, với những chiếc máy tính cá nhân và điện thoại thông minh là những cỗ máy di động với vô vàn công năng kiêm phương tiện truyền thông, theo lý thuyết có thể tạo ra năng suất lúc 2 giờ chiều ở văn phòng chính cũng như lúc 2 giờ sáng ở một Tokyo WeWork hay vào lúc nửa đêm trên ghế sofa.
So sánh với những thế hệ trước, sự kiểm soát thời gian đã suy giảm. Và vì kiểm soát thời gian lại là một yếu tố mấu chốt tác động đến hạnh phúc, nên thật không ngạc nhiên khi mọi người không thấy hạnh phúc hơn mặc dù chúng ta, theo trung bình, đang giàu có hơn bao giờ hết.
Chúng ta cần làm gì với điều này?
Đây không phải là một vấn đề dễ dàng giải quyết, bởi vì mỗi người là khác nhau. Bước đầu tiên đơn giản là thừa nhận điều gì có, và không khiến hầu hết mọi người hạnh phúc.
Trong cuốn sách 30 Bài học cuộc sống, bác sĩ lão khoa Karl Pillemer đã phỏng vấn một ngàn người cao tuổi ở Mỹ để tìm kiếm những bài học quan trọng nhất mà họ đã có được từ hàng thập kỷ trải nghiệm. Ông đã viết:
Không một ai – không có lấy một người nào trong số một ngàn – nói rằng để hạnh phúc bạn nên cố gắng làm việc chăm chỉ nhất có thể để kiếm tiền mua những thứ mà bạn muốn.
Không một ai – không có lấy một người nào – nói rằng điều quan trọng là phải giàu có ít nhất bằng những người xung quanh bạn, và nếu bạn có nhiều hơn họ thì đó mới thực sự là thành công.
Không một ai – không có lấy một người nào – nói bạn nên chọn công việc của bạn dựa trên khả năng kiếm tiền mong ước trong tương lai.
Điều mà họ thực sự coi trọng là những điều như tình bạn sâu đậm, trở thành một phần của điều gì đó lớn lao hơn bản thân họ, và dành thời gian có ý nghĩa, không giới hạn với con cái của họ. “Con bạn không muốn tiền của bạn (hay thứ mà tiền của bạn mua được) nhiều như chúng muốn bạn đâu. Cụ thể là, chúng muốn bạn ở với chúng”, Pillemer viết.
Hãy lắng nghe những người đã sống qua mọi thứ: Kiểm soát thời gian là khoản cổ tức cao nhất mà tiền bạc mang lại.