TƯ DUY KHI ĐỌC

RICHARD PAUL - LINDA ELDER

Trích: Cẩm Nang Tư Duy Đọc

Tác Giả: Richard Paul - Linda Elder

Nhóm Dịch Thuật - Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, Năm 2015

“Apprendre  à  apprendre” (“học  cách  học”)  là một khẩu hiệu nổi tiếng trong tiếng Pháp và không dễ… dịch, vì động từ “apprendre” trong tiếng Pháp dường như có cả hai nghĩa trong tiếng Anh: “to teach” và “to learn”! Không có sự tách bạch giữa “dạy” và “học”, vì vị trí của chúng đôi khi có thể thay thế cho nhau, hay nói ngắn, giữa chúng có một sự “vận động”. Sự vận động ấy chính là phương pháp.

Từ khi René Descartes viết quyển “Các quy tắc hướng dẫn tư duy” (Règles pour la direction de l’esprit) năm 1628 và “Luận văn về Phương pháp” (Discours de la Méthode) năm 1637, khoa học và tư duy khoa học thật sự bước vào thời hiện đại, tức, ta không còn có thể suy nghĩ và làm việc như thể không có… Descartes được nữa! Gần bốn thế kỷ đã trôi qua với biết bao sự cải tiến và tinh vi hóa về phương pháp trên mọi lĩnh vực, nhưng mục tiêu của nó không thay đổi, đúng như Kant đã nói: “Ta không thể học triết học, mà chỉ có thể học cách triết lý” hay như lời của Albert Einstein: “Giá trị của một nền giáo dục (…) không phải là dạy và học được nhiều sự kiện mà là đào luyện cho tinh thần biết tư duy…”.

Bộ sách CẨM NANG TƯ DUY này dành cho mọi độc giả, từ học sinh, sinh viên đến các giảng viên, các nhà nghiên cứu, doanh nhân, người đã đi làm cũng như quý phụ huynh… muốn nâng cao năng lực tư duy của mình. Học sinh, sinh viên có thể đọc cẩm nang như tài liệu tham khảo để học tốt các bộ môn; quý phụ huynh có thể sử dụng cẩm nang để vừa nâng cao năng lực tư duy của mình vừa giúp con em mình phát triển các kỹ năng tư duy cần thiết để học tốt; các giảng viên, nhà nghiên cứu có thể sử dụng cẩm nang để xây dựng tốt các chủ đề của mình; người đã đi làm, doanh nhân… có thể áp dụng các kỹ năng, ý tưởng của cẩm nang vào công việc và cuộc sống.

— ?? —

TƯ DUY VỀ VIỆC ĐỌC KHI ĐỌC

Người có óc phản tư cải thiện tư duy của bản thân bằng việc tư duy (có phản tư) về nó. Tương tự, người có phản tư cũng cải thiện được năng lực đọc của mình qua việc tư duy (phản tư) về cách đọc. Người có phản tư thấu đáo trở đi trở lại giữa việc tư duy (nhận thức) với tư duy siêu nhận thức (tức tư duy về tư duy). Họ tiến lên một chút, rồi tự vòng trở lại để kiểm tra những thao tác của riêng mình. Họ tự kiểm tra đường đi của mình, tạo nền tảng vững chắc cho mình, vượt lên trên bản thân và bắt đầu thực hành cái nhìn bao quát về tư duy của mình.

Một trong những năng lực quan trọng nhất mà một nhà tư duy có thể có là năng lực kiểm soát và đánh giá tư duy của chính mình trong khi xử lý tư duy của người khác. Một người có óc phản tư duy sẽ làm chủ cách đọc của mình khi đọc. Nền tảng của năng lực này chính là kiến thức về tinh thần hoạt động như thế nào khi đọc tốt. Ví dụ, nếu tôi biết rằng những gì mà tôi đang đọc là khó hiểu, tôi sẽ cố ý đọc chậm lại và diễn giải từng câu. Tôi sẽ dùng ngôn từ của chính mình để diễn đạt lại từng câu ấy.

Nếu tôi thấy không đồng tình với quan điểm của tác giả, tôi sẽ treo lửng việc đánh giá ý nghĩa của văn bản cho đến khi tôi xác định được mình thực sự hiểu tác giả đang nói gì. Tôi sẽ cố gắng không mắc phải một lỗi thông thường mà một số người đọc thường phạm phải khi đọc: “ tôi không hiểu rõ cái này có nghĩa là gì, nhưng nó chắc chắn là sai, sai, sai!” Thay vào đó, tôi sẽ cố gắng hiểu đúng quan điểm của tác giả khi đọc cũng như cố gắng bước vào quan điểm của tác giả, với thái độ cởi mở hết mức có thể. Và nếu không đồng ý hoàn toàn với quan điểm của tác giả, thì bất kể khi nào có thể, tôi cũng sẽ trân trọng những ý tưởng quan trọng. Tôi sẽ làm chủ những ý tưởng mà tôi cho là quý giá thay vì đơn giản gạt bỏ mọi ý tưởng chỉ vì tôi bất đồng với quan điểm của tác giả.

THAM GIA VÀO MỘT VĂN BẢN

Người có óc phản tư duy sẽ tương tác với tư duy của tác giả bằng cách chủ động và thận trọng tái cấu trúc lại tư duy ấy. Hoạt động này thông qua một quá trình đối thoại nội tâm với các câu trong văn bản, đánh giá tính có thể hiểu được của mỗi câu và đặt câu hỏi theo một cách có kỷ luật:

  • Liệu tôi có thể tóm tắt ý nghĩa của văn bản này bằng ngôn từ của tôi được không?
  • Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể đưa ra ví dụ về ý tưởng của văn bản được không?
  • Liệu tôi có thể đưa ra những ẩn dụ và biểu đồ để minh họa những gì văn bản thể hiện được không?
  • Đối với tôi, điều gì đã rõ ràng, và tôi cần làm rõ cái gì?
  • Tôi có thể nói kết những ý tưởng trọng tâm trong văn bản này với những ý tưởng trọng tâm khác mà tôi đã hiểu không?

SÁCH LÀ GIẢNG VIÊN

Mọi quyển sách mà ta đọc đều là một giảng viên tiềm năng. Đọc chính là một quá trình có hệ thống của việc học những ý nghĩa cốt lõi từ giảng viên ấy. Khi trở thành những người đọc tốt, ta có thể học những ý nghĩa cốt lõi từ vô số giảng viên, mà những bài giảng của họ vẫn còn sống động, luôn có sẵn, trong những cuốn sách mà họ đã viết ra. Khi chúng ta nhập tâm được những tư tưởng cốt lõi từ những bài giảng đó bằng việc đọc cẩn thận, ta sẽ sử dụng hiệu quả những tư tưởng đó trong cuộc sống hàng ngày.

Cẩm nang tư duy đọc - Đọc sách là một hình thức hoạt động trí tuệ.

Đọc sách là một hình thức hoạt động trí tuệ.

TÂM TRÍ HAM ĐỌC

Bạn có một tâm trí. Nhưng bạn có biết tâm trí của bạn hoạt động thế nào không? Bạn có ý thức được những định kiến và tiên kiến của mình không? Bạn có ý thức được tư duy của bạn phản chiếu tư duy của những người xung quanh bạn ở chừng mực nào không? Bạn có ý thức được rằng trong chừng mực nào tư duy của bạn bị ảnh hưởng bởi tư duy trong nền văn hóa của bạn? Ở chừng mực nào bạn có thể bước ra ngoài khuôn khổ tư duy hàng ngày của mình để bước vào khuôn tư duy của những người suy nghĩ khác bạn? Bạn có khả năng hình dung ra được một số niềm tin của mình là sai không? Bạn dùng tiêu chuẩn nào để đánh giá những niềm tin cá nhân của mình? Bạn có ý thức gì về cách nâng cấp chất lượng cho những niềm tin cá nhân của bạn không?

Để đọc được tác phẩm của người khác, bạn phải thâm nhập vào tâm trí của họ. Để thâm nhập vào tâm trí của người khác, thì bạn tự khám phá tâm trí của mình – cả điểm mạnh và điểm yếu của nó – cho tốt trước đã. Để đọc được tâm trí của mình, bạn phải học cách làm thế nào để tư duy ở cấp độ hai – tức, làm sao tư duy về tư duy của mình trong khi bạn đang tư duy từ bên ngoài tư duy ấy. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể ở ngoài tư duy của mình được?

Để làm được việc này, trước hết, bạn phải hiểu rằng mọi tư duy đều có tám cấu trúc cơ bản. Mỗi khi tư duy, ta đều tư duy vì một mục đích bên trong một góc nhìn cụ thể dựa trên những giả định vốn sẽ dẫn tới những hàm ý và hệ quả khác nhau. Chúng ta sử dụng các khái niệm, ý niệm, lý thuyết để diễn giải dữ kiện, sự kiện thực tế và các trải nghiệm để trả lời các câu hỏi, giải quyết các khó khăn và xử lý các vấn đề.

Khi hiểu được tám yếu tố cơ bản của tư tưởng, ta sẽ có những công cụ tri thức đầy sức mạnh cho phép chúng ta tư duy tốt hơn. Ta hiểu rằng bất kỳ khi nào ta suy luận về bất cứ điều gì, các yếu tố này luôn có sẵn trong các hoạt động của tâm trí chúng ta.

Do đó, khi đọc tức là bạn đang lập luận thông qua văn bản. Bạn đọc có mục đích, sử dụng các khái niệm – hoặc các tư tưởng – và các giả định của bản thân. Bạn đang đưa ra các lập luận và tư duy từ một quan điểm cá nhân. Cùng lúc đó, văn bản mà bạn đọc cũng chính là sản phẩm từ suy luận của ai đó. Vì thế, bạn nhận ra rằng, bên trong văn bản chính là mục đích, là những nghi vấn, giả định, khái niệm,… của tác giả. Bạn càng hiểu rõ lập luận của mình trong chính viễn tưởng của mình, bạn càng hiểu rõ lập luận của những người khác. Càng hiểu chuỗi lập luận của người khác bao nhiêu, bạn càng hiểu chuỗi lập luận của chính mình bấy nhiêu.

Khi bạn có thể lập luận tới lui một cách hiệu quả giữa nội dung bạn đang đọc với điều bạn đang tư duy, bạn sẽ nói kết điều bạn tư duy với những gì bạn đọc và ngược lại. Bạn sẽ có khả năng thay đổi tư duy của mình nếu lôgic ở điều bạn đọc làm mở mang tư duy của bạn, và bạn cũng có khả năng từ chối tiếp nhận những tư tưởng mới khi bạn không thể dung hòa chúng với những tư tưởng của chính mình. Bạn sẽ nhận ra rằng có thể một số niềm tin của mình là sai lầm.

HOẠT ĐỘNG ĐỌC

Đọc là một hình thức hoạt động trí tuệ. Và hoạt động trí tuệ thì đòi hỏi bạn sẵn sàng kiên trì vượt qua những khó khăn. Nhưng có lẽ quan trọng hơn là, hoạt động trí tuệ đòi hỏi bạn phải hiểu rằng hoạt động ấy kéo theo những gì. Đây chính là điểm mà hầu hết người đọc không đạt đến được. Hãy thử xem xét sự khó khăn trong việc phân tích, đánh giá và sửa chữa một động cơ xe hơi. Khó khăn lớn nhất là biết được cách sửa cái cần sửa: làm thế nào sử dụng những công cụ cơ khí xe hơi để tháo rời bộ máy ra, và làm sao tiến hành kiểm tra những hệ thống cụ thể bên trong bộ máy ấy. Để biết được điều đó, bạn phải biết một động cơ xe hơi thực hiện chức năng như thế nào.

Không ai mong chờ biết được cách sửa động cơ xe hơi mà không cần được đào tạo cả về lý thuyết lẫn thực hành. Nếu bạn học cách “đọc” mà không cần hiểu việc đọc tốt cần những gì, thì bạn chỉ học cách đọc không hiệu quả. Đó là lý do tại sao đọc chỉ là một hoạt động về cơ bản là thụ động của sinh viên. Lý thuyết đọc của những sinh viên ấy thường giống như thế này: “Để mắt của mình di chuyển từ trái sang phải, lướt qua từng dòng một, cho đến khi nào, theo một cách không thể lý giải được, trong đầu bạn, ý nghĩa của câu tự động hiện ra một cách dễ dàng”.

Cẩm nang tư duy đọc

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SÁCH DẠY TÔI SỐNG, YÊU THƯƠNG VÀ LÀM VIỆC
  2. CÁCH ĐỌC MỘT CUỐN SÁCH KHÓ
  3. SÁCH

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG ĐẶC TRƯNG TRÍ TUỆ CƠ BẢN

Bài viết mới

  1. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG
  2. NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN SỰ CƯỜNG THỊNH CỦA ĐỜI TRẦN
  3. HƯƠNG GIỚI HẠNH