TỰ HOÀN THIỆN VÀ HOÀN THIỆN CHO NGƯỜI

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Trích: Trần Nhân Tông, Đời – Đạo Không Hai; NXB Thiện Tri Thức, 2024

Mục đích và ý nghĩa của việc làm người là tự hoàn thiện mình (to self- perfect) đây là bổn phận với chính mình; và hoàn thiện cho người khác, đây là bổn phận đối với người khác, đối với xã hội.

Tự lợi ích cho mình và lợi ích cho người khác, tự giác và giác tha, là con đường tiến hóa của mỗi người và của xã hội. Để làm được điều này, Đại thừa có năm môn học, gọi là Ngũ minh:

  • Nội minh: học và thực hành theo kinh điển để thực sự có, dù chỉ vài phần trong kho tàng Phật pháp: niềm tin, trí huệ, từ bi, nguyện hạnh, các ba la mật…
  • Ngoại minh gồm các cái học ở đời:
    • Thanh minh: học về ngôn ngữ, trước tác, phiên dịch…
    • Nhân minh: học về lý luận, tư duy biện chứng…
    • Công xảo minh: kỹ thuật, khoa học, toán học, công nghiệp, kiến trúc…
    • Y phương minh: y khoa, chữa bệnh cả thân và tâm…

Nhờ nội minh mà đạo Phật tồn tại và phát triển nơi mỗi cá nhân. Nhờ ngoại minh mà đạo Phật tồn tại phát triển nơi xã hội, qua kinh sách, thuyết pháp, dịch thuật, qua những công trình điêu khắc và kiến trúc, hang động, những nơi chốn hành hương… Như thế có thể đem Đạo vào đời, và đưa đời đến gần hoặc thậm chí vào trong Đạo, để cả hai thành một đời sống tốt đẹp không phân hai, không tách biệt.

Vua Trần Nhân Tông gần như hoàn hảo cả hai mặt này. Về nội minh, khám phá và sống nơi con người tâm linh của mình, vua đã làm việc này từ thiếu niên cho đến cuối đời. Về ngoại minh, ngài là một vị vua anh minh, một nhà quân sự tài giỏi, một nhà ngoại giao khéo léo nhân từ, một tác giả văn học người đầu tiên sử dụng tiếng Việt cả trong hành chính lẫn trong thơ phú, một nhà tổ chức thiết kế sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một nhà cải cách xã hội, một người chủ gia đình trọn đạo cha con, một người học trò đồng thời là một người thầy gương mẫu… Con người xã hội và con người tâm linh đã song đôi nơi ngài từ thời thiếu niên và khi càng lớn lên càng hài hòa hợp nhất. Có thể nói, ngài đã sống con người tâm linh bằng con người xã hội, và sống con người xã hội bằng con người tâm linh.

Sự phát triển của con người là đào sâu và mở rộng chính mình. Chiều sâu để bắt gặp bản tánh của tâm, con người tâm linh. Chiều rộng để nối kết bao trùm người khác và thế giới, đây là con người xã hội. Nói một cách kinh điển, chiều sâu
là sự tích tập trí huệ và chiều rộng là tích tập công đức, là từ bi thể hiện nơi xã hội.

Hai chiều này bổ túc lẫn nhau, không có chiều rộng xã hội và thế giới, chiều sâu dễ sa vào hướng nội cách biệt. Chiều rộng xã hội và thế giới, nếu không có chiều sâu tâm linh, con người dễ hướng ngoại tha hóa vào thế giới vật chất.

Con đường tâm linh đi vào chiều sâu của chính mình giúp cho sự giải thoát và tự do của con đường xã hội đi ra với thế giới. Giải thoát bằng cách không đắm mình vào thế giới vật chất, không nhìn thế giới vật chất là cái gì nặng nề, cứng đặc mà nhìn bằng con mắt trí huệ, thấy sự vật là không có bản chất thường hằng, là vô tự tánh, là tánh Không:

Tượng chúng ấy:

Cốc (biết) một Chân Không,

Dùng đòi (theo) căn khí,

Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông

Há cơ Tổ nay còn thửa bí.

(Cư Trần Lạc Đạo Phú, Hội thứ Mười)

Chỉ pháp thân tánh Không là cái thật rỡ ràng trước mắt, còn mọi sự khác chỉ là biến hóa:

Địa thủy hỏa phong

Dầu là biến hóa.

Pháp thân thường trụ

Phổ mãn thái hư

Hiển hách mục tiền

Viên dung lõa lõa

(Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca)

Cuộc đời vật chất, thế giới vật chất, tuy có xuất hiện nhưng không thật như người bình thường nghĩ và cần phải thấy sự thật rằng chúng vô thường vì không có tự tánh:

Ai ai xá cốc (biết)

Bằng huyễn chiêm bao

Xảy tỉnh giấc hòe

Châu rơi lã chã.

Cốc (biết) hay thân huyễn

Chẳng khác phù vân

Vạn sự giai Không

Tựa dường bọt bể.

(Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca)

Bởi thế mà nhiệt thành giúp đỡ, cải tạo, hoàn thiện xã hội, nhưng luôn luôn đặt công việc ấy trên nền tảng tánh Không của nó. Do đó làm rất nhiều, hành động rất nhiều, nhưng làm trong trí huệ, không mê đắm, bám chấp, nên:

Công đức toàn vô

Tính chấp si càng thêm lỗi.

(Cư Trần Lạc Đạo Phú, Hội thứ Chín)

Một cuộc đời nhiều sự kiện, trải qua hai cuộc chiến tranh gần hết đời người, và những năm cuối cùng, khi đã xuất gia, Đại việt sử ký vẫn gọi ngài là Thượng hoàng, đi qua Chiêm Thành mấy lần để tạo nên hòa bình Chiêm Việt và mở nước
về phương nam trong những cuộc thương thuyết thân thiện và hòa khí. Một đời có nhiều sự kiện, nhiều biến cố, nhưng ngài lại nói trong bài giảng ở chùa Sùng Nghiêm:

Như có như không

Chẳng Không chẳng sắc.

Đây là thế giới tâm linh giải thoát cho thế giới vật chất.

***

Ngược lại, thế giới vật chất là sự thử thách, kiểm nghiệm cho thế giới tâm linh. Như thân là sự biểu lộ của tâm và cho thấy tâm như thế nào, mạnh hay yếu, còn những khuyết điểm gì.

Đời sống trong thế giới vật chất, trong thế giới của sự biểu lộ thành hình tướng, thành những sự vật và sự việc cụ thể cho thấy những phẩm tính và những thiếu sót trong tâm một người. Dùng ý tưởng của Phật giáo, thì y báo, hoàn cảnh sống của một người là sự biểu lộ của chánh báo, tâm của người đó với các phẩm tính trí huệ, từ bi, phước đức… Thế giới Tịnh độ Tây phương là y báo của chánh báo thành Phật và thành tựu nguyện hạnh muốn thiết lập một cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà.

Tóm lại hoàn cảnh trong thế giới vật chất và xã hội của một người chính là khuôn mặt tâm linh của người ấy.

Với sự phản chiếu như tấm gương như vậy, thế giới vật chất có giá trị như sự kiểm chứng cho thế giới tâm linh. Hơn nữa, đời sống vật chất và xã hội còn là môi trường để thực hành hạnh Bồ tát, chẳng hạn các ba la mật. Với hai sự tích tập trí huệ và tích tập công đức này, vị Bồ tát tiến dần đến Phật quả, nơi hai sự tích tập được trọn vẹn, cho nên một vị
Phật được xưng là Lưỡng túc tôn, có nghĩa vị mà hai (lưỡng) sự tích tập đã đầy đủ trọn vẹn (túc).

***

Trở lại với vua Trần Nhân Tông, những khả năng và thành công ở đời của vua cho thấy cấp độ tâm linh gần như hoàn hảo của ngài. Đời hoàn hảo vì Đạo hoàn hảo, y báo hoàn hảo vì chánh báo hoàn hảo. Chiều rộng hoàn hảo vì chiều sâu
hoàn hảo.

Ngài Trần Nhân Tông vừa là một vị vua, vừa là một thiền sư sáng lập phái Thiền Trúc Lâm. Như vậy, ngài đã thực hiện được lý tưởng của văn hóa văn minh Đông Á là “nội thánh ngoại vương”, trong là một vị thánh ngoài là một ông vua.

Tất cả mọi nền văn hóa văn minh Đông – Tây đều có lý tưởng này. Từ thời xa xưa, nhà lập quốc cũng là người nắm giữ tôn giáo. Đạo và đời luôn luôn song hành cùng nhau trong mọi nền văn hóa văn minh cổ xưa.

Về sau, đạo và đời có chia hai nhưng vẫn song hành với nhau. Bên cạnh nhà vua, có quốc sư. Như vị mở đầu đời Lý là Lý Công Uẩn, bên cạnh vua có quốc sư Vạn Hạnh.

Sở dĩ ngài Trần Nhân Tông vừa là một vị vua vừa là một thiền sư, cả hai nhiệm vụ, “bổn phận sự”, đều lỗi lạc, xuất sắc vì ngài đã đi theo “con đường xưa”, tức là cuộc đời được chia làm bốn giai đoạn.

  • Từ thời thiếu niên, mười mấy tuổi, ngài đã được học cả đời lẫn đạo. Học về đời để trở thành người có học và rồi làm vua. Học về đạo là từ ông nội Trần Thái Tông và cha Trần Thánh Tông và nhất là từ Tuệ Trung Thượng Sĩ. Giai đoạn này theo văn hóa Ấn Độ gọi là Brahmacharya, và theo văn hóa Trung Hoa gọi là mùa Xuân của đời người.
  • Từ lúc lập gia đình, làm vua năm 1278, lúc 20 tuổi, đến lúc nhường ngôi cho con là Anh Tông làm thái thượng hoàng năm 1293, lúc 35 tuổi. Vua trải qua hai cuộc chiến tranh, và tái thiết đất nước. Đây là giai đoạn hoạt động của đời người, đem những điều đã học và thực hành đạo ứng dụng vào đời trong thời chiến cũng như trong thời bình. Ngài vẫn nối kết với bản tánh của mình để làm việc đời. Nhất là năm 29 tuổi, ngài hoàn toàn rõ ràng bản
    tánh là “bổn phận sự”, trong mỗi ngày cho đến suốt đời. Giai đoạn này là Grihasha, tương đương với mùa Hè.
  • Làm thái thượng hoàng trong 5 năm, vẫn cố vấn cho vua và triều đình, có khi đảm nhận đi Chiêm Thành… là giai đoạn rút lui bớt việc đời, thời nay gọi là nghỉ hưu. Nhà vua vẫn cố vấn cho triều đình,dạy dỗ vua Trần Anh Tông, đi Chiêm Thành… Giai đoạn này được gọi là Vanaprastha tương ứng với mùa Thu cuộc đời.
  • Cuối cùng là 8 năm xuất gia, từ 1290 cho đến 1298. Vua ở núi Yên Tử, nhưng vẫn đi đi về về triều đình, nghĩa là không hoàn toàn ở ẩn, cách biệt với trần thế. Khi đạo đã rõ ràng thì cuộc sống đời thường không còn sự cách biệt với thực tại đạo, với bản tánh của tâm, đây là thời gian đạo đời hợp nhất. Thành thị, thôn quê, hay rừng núi,
    đâu đâu cũng là đạo tràng, chỗ nào cũng là nước Phật (“
    Phật quốc bất thắng xuân” – Cõi Phật vô cùng xuân – Đề chùa làng Cổ Châu).

Cuối thời gian này ngài nhập diệt trên núi Yên Tử. Giai đoạn này được gọi là Sannyasa, tương ứng với mùa Đông.

Như thế, cả bốn giai đoạn của đời người ngài đều học và hành đạo, để dần dần đời đạo là một vì thật tướng của cả hai thì không khác nhau, và đều vốn có sẵn trong bản tánh của tâm, trong bản tánh của mọi sự vật.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BỒ TÁT HẠNH PHẬT HÓA THẾ GIAN
  2. TU QUÁN
  3. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. NHỮNG DẤU HIỆU CỦA SỰ TIẾN BỘ TÂM LINH
  2. TỰ DO ĐÍCH THỰC: TÔI CÓ THỂ THOÁT KHỎI CÁI GÌ?
  3. TẠI SAO CHÚNG TA Ở ĐÂY? – ĐẠI SƯ AJAHN CHAH