CHANG CHEN-CHI
THIỀN ĐẠO TU TẬP
—🌼🌸🌼—
Chang Chen-Chi: Một học giả và hành giả tu Thiền Trung Hoa và Phật giáo Tây Tạng. Sách đã xuất bản: Thiền Đạo Tu Tập, 100.000 Bài Ca Của Milarepa, Triết Học Phật Giáo Hoa Nghiêm Tông, Sáu Yoga Của Naropa…
—🌼🌸🌼—
Có thể tóm tắt lối tu tập Thiền của phái Tào Động trong hai chữ này: “mặc chiếu”. Điều này được trình bày rõ rệt trong bài thơ trích từ tập “Ghi chú về mặc chiếu” của Thiền sư lẫy lừng Hoằng Trí, thuộc phái Tào Động:
Im lặng và bình tịnh quên hết ngữ ngôn,
Cái ấy trạm nhiên hiện tiền.
Khi người ta nhận ra nó, nó bao la không ngằn mé,
Trong Thể của nó, người ta nhận thức rõ ràng.
Cái ý thức chiếu diệu này phản chiếu di kỳ,
Cái tịnh chiếu này đầy huyền diệu.
Sương và trăng,
Sao và suối,
Tuyết trên rặng tùng,
Và mây lững lờ trên đỉnh núi,
Từ tăm tối chúng đều trở nên rực rỡ,
Từ u ám, chúng đều biến thành ánh sáng xán lạn.
Vô lượng huyền diệu thấm nhập sự bình tịnh này.
Trong cái mặc chiếu này, tất cả nỗ lực thủ hướng biến mất.
Mặc là chữ cứu cánh [của tất cả giáo lý],
Chiếu là câu đáp của tất cả [các tướng].
Không có nỗ lực gì.
Câu đáp này tự nhiên và đột phát.
Bất hòa sẽ khởi dậy.
Nếu trong chiếu không có mặc,
Tất cả sẽ trở nên lãng phí và phụ thứ.
Nếu trong mặc không có chiếu
Chân lý của mặc chiếu
Thật viên mãn và hoàn hảo.
Nhìn xem! Trăm sông chảy
Thành từng dòng thác lũ
Về đại dương!
Không có đôi lời giải thích và phê bình về bài thơ này, có lẽ đối với nhiều độc giả, ý nghĩa của “mặc chiếu” vẫn còn bí ẩn. Chữ Trung Hoa mặc có nghĩa là “im lặng” hay “tĩnh lặng”, chiếu có nghĩa là “suy tưởng”, “quan sát”. Như thế, mặc chiếu có thể dịch là “suy tưởng tĩnh lặng” hay “quan sát tĩnh lặng”. Nhưng cả hai chữ “tĩnh lặng” và “suy tưởng” ở đây có những ý nghĩa đặc biệt và không được hiểu chúng theo những nghĩa thông thường. Ý nghĩa chữ “mặc” sâu xa hơn chỉ là “yên lặng” hoặc “yên tĩnh”, nó hàm nghĩa siêu việt tất cả ngôn ngữ và tư tưởng, biểu thị một trạng thái “bên trên”, của sự bình tịnh lan tràn khắp. Cũng vậy, ý nghĩa chữ “chiếu” cũng sâu xa hơn cái nghĩa thông thường của nó là “suy niệm” về một vấn đề hay một ý tưởng”. Nó không hề có mùi vị hoạt động tinh thần hay tư tưởng suy niệm, nhưng là một trực thức sáng như gương, luôn luôn chiếu diệu và rực rỡ trong cái tự thể nghiệm thuần túy của nó. Nói một cách gọn gàng hơn nữa, “mặc” có nghĩa là sự tĩnh lặng của vô niệm, và “chiếu” có nghĩa là ý thức sống động và sáng tỏ. Do đó, “mặc chiếu” là ý thức sáng tỏ trong sự tĩnh lặng vô niệm. Kinh Kim Cương nói: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, (không trụ vào đâu mà móng khởi cái tâm) chính là ngụ ý như vậy đấy. Vấn đề vĩ đại ở đây là, làm sao ta đặt tâm mình vào một trạng thái như vậy được? Muốn thế, cần được chỉ dạy trực tiếp và tu tập với một vị thầy. Trước tiên, phải khai mở cái “huệ nhãn” của người đệ tử, nếu không người đệ tử sẽ không bao giờ biết cách đem tâm mình vào trạng thái mặc chiếu. Nếu ta biết cách tu tập mặc chiếu Thiền, ta hẳn đã thực hiện được một cái gì trong Thiền. Kẻ không được truyền thụ không bao giờ biết cách làm công việc này. Do đó, lối mặc chiếu Thiền của phái Tào Động này, không phải chỉ là lối tập lặng hay tĩnh thông thường. Đó là định của Thiền, của Bát Nhã Ba la mật. Nghiên cứu kỹ bài thơ trên, ta sẽ thấy rõ trong bài thơ ấy các yếu tố trực giác và siêu việt của Thiền. Cách hay nhất để học lối Thiền này là tu tập với một Thiền sư có thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu bạn không tìm ra được một vị, bạn phải cố tu tập theo “Mười đề nghị” sau đây những chỉ lệnh tinh túy về sự tu tập Thiền mà tác giả đã học được một cách hết sức khó khăn và bao năm đằng đẵng nghiên cứu Thiền. Hy vọng chân thành nhất của tác giả là mười điều ấy sẽ được bảo trọng, trì giữ, và thực hành bởi một số người nghiêm nghị học Thiền.
Mười đề nghị về sự tu tập Thiền
1. Nhìn vào tâm trạng bạn trước khi bất cứ một ý niệm nào móng khởi.
2. Khi bất cứ một ý niệm nào móng khởi, cắt đứt nó lập tức và đem tâm bạn hoạt động trở lại.
3. Cố gắng lúc nào cũng nhìn vào tâm.
4. Cố nhớ lại “cảm giác nhìn” này trong các hoạt động thường ngày.
5. Có đặt tâm trạng bạn vào một trạng thái như thể bạn mới xúc động.
6. Cố suy tưởng càng thường càng tốt.
7. Tu tập với Thiền hữu pháp môn bão hương (như chương II, trong “Pháp ngữ của Hư Vân thiền sư”).
8. Ngay giữa những hoạt động huyên náo nhất, dừng lại và nhìn vào tâm trong chốc lát.
9. Suy tư mà mắt vẫn mở lớn trong những khoảng thời gian ngắn.
10. Cố đọc đi đọc lại kinh Bát Nhã Ba la mật, như là kinh Kim Cương và Tâm Kinh Bát Nhã, Bát Thiên Tụng, Đại Bát Nhã kinh …
Bất cứ ai tu tập chăm chỉ về mười đề nghị này cũng có thể khám phá cho mình “mặc chiếu” có nghĩa là gì.
—🌼🌸🌼—
Ảnh: nguồn Internet