CUỘC THỬ THÁCH – TỰ TRUYỆN GANDHI

MAHATMA GANDHI

Trích: Tự truyện Gandhi; Nguyên tác: An Autobiography of The Story of My Experiments With Truth Mahadev Desai, Navajivan, Ahmedabad-14; Việt dịch: Ni sư Trí Hải; NXB. Hồng Đức, 2018

Thế là những con tàu được vào bến và hành khách bắt đầu lên bộ. Nhưng ông Escombe đã gửi thư cho viên thuyền trưởng bảo rằng vì những người da trắng đang phẫn nộ về tôi, mạng sống tôi đang lâm nguy, nên ông ta khuyên tôi và gia đình tôi nên lên bộ vào buổi tối. Viên quản đốc hải cảng, ông Tatum sẽ đưa chúng tôi về nhà. Viên thuyền trưởng thông báo cho tôi việc ấy và tôi đồng ý làm theo. Nhưng chỉ nửa giờ sau, ông Laughton đến viên thuyền trưởng. Ông ta bảo: “Tôi muốn đem ông Gandhi theo tôi, nếu ông ta bằng lòng. Với tư cách là luật sư cố vấn cho công ty đại lý, tôi báo ông hay rằng ông không bắt buộc phải thi hành theo lời ông Escombe trong thư”. Sau đó ông ta lại đến tôi và nói như sau: “Nếu ông không sợ, tôi đề nghị bà Gandhi và các cháu sẽ đi xe hơi đến nhà ông Rustomji, còn ông và tôi sẽ đi bộ theo sau. Tôi hoàn toàn không thích ý kiến bảo ông nên vào thành phố về đêm như một tên trộm Tôi không nghĩ rằng có thể có người làm hại ông. Mọi sự bây giờ đã yên. Những người da trắng đã tản mác. Nhưng dù sao tôi cũng tin chắc rằng ông không nên vào thành một cách lén lút”. Tôi sẵn sàng đồng ý. Vợ con tôi đi xe yên ổn về đến nhà ông Rustomji. Với sự cho phép của viên thuyền trưởng, tôi lên bờ với ông Laughton. Nhà ông Rustomji cách bến tàu chừng hai dặm.

Vừa khi chúng tôi lên bộ, một vài thanh niên nhận ra tôi và la lớn: “Gandhi, Gandhi”. Chừng sáu bảy người chạy đến la theo. Ông Laughton sợ đám đông sẽ tăng thêm nhiều nên gọi một chiếc xe kéo. Tôi chưa bao giờ thích ý nghĩ ngồi trong một chiếc xe kéo. Đấy là kinh nghiệm đầu tiên của tôi về ngồi xe. Nhưng những thanh niên kia nhất định không để tôi bước vào, họ hăm dọa đánh chết người phu xe nên anh ta co giò chạy. Chúng tôi càng tiến tới trước, đám đông càng tăng cho đến khi không thể nào đi thêm được nữa. Trước hết họ túm Ông Laughton và chia rẽ chúng tôi. Đoạn họ liệng vào tôi đá, gạch bể và trứng thối. Một người giật dải khăn bịt đầu của tôi vứt đi, trong khi những người khác khởi sự đánh đập và đá vào người tôi. Tôi ngã quỵ và bám vào lan can của một ngôi nhà rồi đứng dậy để thở. Nhưng thật là vô phương. Họ vẫn xông đến tôi để thoi đấm. Vợ của viên Cảnh sát trưởng tình cờ đi ngang qua đấy. Bà ta biết tôi. Người đàn bà can đảm ấy tiến lên, căng chiếc dù ra mặc dù lúc ấy trời không nắng, và bà ta đứng án giữa đám đông và tôi. Việc này cản trở cơn giận dữ của đám người ấy, vì họ không thể nào đánh tôi mà không gây tổn thương đến bà Alexander.

Trong lúc đó một thanh niên Ấn đã chứng kiến nội vụ liền chạy đến Sở cảnh sát. Viên cảnh sát trưởng – ông Alexander phái đến một tốp người bao lấy tôi và hộ vệ tôi về đến chỗ trú. Họ đã đến kịp thời. Sở cảnh sát nằm trên đường chúng tôi đi. Khi chúng tôi đến đấy, viên Cảnh sát trưởng bảo tôi trú ẩn trong sở, nhưng tôi cảm ơn thoái thác. Tôi nói: “Chắc chắn họ sẽ dịu xuống khi nhận ra lỗi lầm. Tôi tin tưởng vào ý thức công bình của họ”. Với sự hộ vệ của cảnh sát, tôi đến nhà ông Rustomji yên ổn không bị đánh đập thêm nữa. Tôi bị bầm tím khắp mình mẩy, nhưng không chỗ nào bị trầy da ngoại trừ một chỗ. Bác sĩ Dadibarjor, vị y sĩ của chiếc tàu, cũng có mặt tại chỗ, đã tận lực chăm sóc tôi.

Trong nhà yên ổn, nhưng bên ngoài người da trắng vây quanh. Đêm đang xuống, và đám đông la hét: “Chúng tôi phải bắt Gandhi”. Viên cảnh sát trưởng nhanh mắt đã đến đấy giữ đám đông lại, không phải bằng sự dọa dẫm mà bằng cách chế giễu họ. Song ông ta không phải hoàn toàn không lo ngại. Ông gửi cho tôi một mảnh giấy như sau: “Nếu ông muốn ngôi nhà và tài sản của bạn ông được yên ổn và cả gia đình ông được yên, ông nên cải trang để ra khỏi ngôi nhà đi”.

Thế là trong cùng một ngày hôm đó tôi đương đầu với hai hoàn cảnh trái ngược. Khi sự hiểm nguy đang còn trong tưởng tượng, ông Laughton khuyên tôi nên ngang nhiên đi ra đường ban ngày. Khi mối nguy diễn ra thực sự, một người bạn khác cho lời khuyên ngược lại và tôi cũng làm theo. Ai biết được tôi làm thế bởi vì tôi thấy mạng sống mình bị lâm nguy, hay bởi vì tôi không muốn gây hại đến tính mạng và tài sản bạn tôi hay tính mạng vợ con tôi? Ai có thể nói chắc chắn được rằng tôi hữu lý trong cả hai trường hợp khi tôi can đảm đối mặt với đám đông trong trường hợp đầu, như người ta đã nói, và khi tôi trốn khỏi đám đông bằng cách giả dạng?

Không ích lợi gì khi phán đoán phải trái những việc đã xảy ra. Chỉ nên hiểu rõ chúng và nếu có thể, rút từ đấy một bài học cho về sau. Thật khó nói chắc chắn rằng một người sẽ hành động thế nào trong một chuỗi cảnh ngộ xảy đến. Chúng ta cũng có thể thấy rằng sự phê phán một người căn cứ trên hành động bên ngoài của họ chỉ là một kết luận đáng hoài nghi, bởi vì không dựa trên những dữ kiện đầy đủ. Dù sao, những chuẩn bị để thoát ra khỏi nhà khiến tôi quên những vết đau nơi mình mẩy. Theo lời khuyên của viên Cảnh sát trưởng, tôi mặc một bộ đồng phục cảnh sát Ấn và chít một chiếc khăn Madrasi, bao một cái đĩa lại để đội làm nón sắt. Hai thám tử đi theo tôi, một người giả dạng thương gia Ấn với nét mặt bôi cho giống người Ấn. Tôi quên lối giả trang của người kia. Chúng tôi đến một cửa tiệm bên cạnh theo một con đường tắt, và lần mò đường đi qua những chồng bao gai chất đống, chúng tôi ra khỏi cửa hàng và chen vào đám đông để đến một chiếc xe đã dành sẵn cho tôi ở cuối đường. Với chiếc xe ấy chúng tôi đi đến Sở cảnh sát mà viên Cảnh sát trưởng đã mời tôi trú ẩn cách đây không lâu. Tôi cảm ơn ông ta và hai thám tử.

Mahatma Gandhi - Cuộc thử thách

Không ích lợi gì khi phán đoán phải trái những việc đã xảy ra. Chỉ nên hiểu rõ chúng và nếu có thể, rút từ đấy một bài học cho về sau.

Trong khi tôi trốn thoát như thế, ông Alexander tiêu khiển đám đông bằng cách hát một điệu hát:

“Treo lão Gandhi

Trên cành cây si”.

Khi ông ta được báo tin rằng tôi đã đến Sở cảnh sát an ổn, ông liền bảo đám đông: “Này, nạn nhân của các anh đã thoát được qua căn phố bên cạnh. Các anh bây giờ nên về là hơn”. Một vài người tức giận, một số khác cười lớn, và một số không chịu tin. Viên Cảnh sát trưởng bảo:

  • Được rồi, nếu các anh không tin tôi, các anh có thể cử ra một vài đại diện và tôi sẵn sàng đưa họ vào trong nhà. Nếu họ tìm ra Gandhi, tôi sẽ vui lòng giao ông ta cho các anh. Nhưng nếu không có Gandhi, thì các anh phải tán. Tôi chắc chắn các anh không ý định phá nhà ông Rustomji hay hại vợ con Gandhi.

Đám đông gởi đại diện vào xét nhà. Họ liền trở ra với tin báo thất vọng, và cuối cùng đám đông tan rã. Phần đông thán phục lối xử sự khéo léo của viên Cảnh sát trưởng, một số giận sùi bọt mép.

Ông Chamberlain lúc ấy là Tổng trưởng Bộ Thuộc Địa, đã đánh điện yêu cầu chính phủ Natal truy tố những người đã đánh tôi. ông Escombe gọi tôi đến, tỏ ý lấy làm ân hận về những vết thương tôi đã bị, và nói: “Ông hãy tin tôi, tôi không thể nào cảm thấy sung sướng khi ông bị một chút thương tích nào trên người dù rất nhỏ. Ông có quyền nhận lời khuyên của ông Laughton để gặp phải điều xui xẻo, nhưng tôi chắc chắn rằng nếu ông đã chịu suy xét đề nghị của tôi thì không đến nỗi xảy ra những vụ đáng buồn kia. Nếu ông có thể nhận dạng những kẻ bạo hành, tôi sẵn sàng bắt chúng và đưa ra truy tố. Ông Chamberlain cũng muốn tôi làm thế”. Tôi đã trả lời:

  • Tôi không muốn kiện cáo ai. Tôi có thể nhận diện một hai người nhưng làm cho họ bị trừng phạt có ích lợi gì? Hơn nữa, tôi không cho những người bạo hành ấy là đáng trách. người ta đã làm cho họ hiểu rằng khi ở Ấn Độ, tôi đã tuyên bố tuyên bố những lời quá đáng về người da trắng ở Natal, vu khống họ. Nếu họ tin vào tường thuật ấy thì không đáng ngạc nhiên khi họ nổi giận. Chính những người lãnh đạo, và nếu ông cho phép tôi được nói chính ông mới là người đáng trách. Ông đã có thể hướng dẫn quần chúng một cách thích đáng nhưng ông lại cũng tin hãng thông tấn Reuters và quả quyết tôi đã nói quá. Tôi không muốn thưa kiện ai. Tôi chắc rằng khi biết rõ sự thật, họ sẽ hối hận vì hành vi của mình
  • Ông có thể chịu phiền viết ra giấy cho tôi lời kia không? Ông Escombe nói: “Bởi vì tôi phải đánh điện cho ông Chamberlain việc ấy. Tôi không muốn ông tuyên bố hấp tấp lời gì. Nếu ông muốn, ông có thể hỏi ý kiến ông Laughton và những bạn bè khác của ông trước khi có quyết định tối hậu. Tuy nhiên, tôi xin thú thật rằng nếu ông từ khước quyền thưa kiện những kẻ bạo hành ông thì ông giúp tôi rất nhiều trong việc tái lập trật tự, ngoài ra lại còn tăng thêm tiếng tăm cho ông nữa”.
  • Cám ơn ông. Tôi không cần hỏi ý kiến của ai cả. Tôi đã quyết định việc này trước khi đến ông. Tôi nhất định không truy tố những người bạo hành, và sẵn sàng ngay phút này, viết cho ông lời quyết định ấy.

Với những lời ấy, tôi đưa cho ông ta tờ tuyên bố cần thiết.

Mahatma Gandhi - Cuộc thử thách

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THÁNH GANDHI – CON NGƯỜI VĨ ĐẠI
  2. NHỮNG TRIẾT LÝ SỐNG BẤT HỦ CỦA MAHATMA GANDHI
  3. MỘT TẤM LÒNG RỘNG MỞ

Bài viết khác của tác giả

  1. TÍNH RỤT RÈ: ÁO GIÁP CỦA TÔI 
  2. NHỮNG CON SÂU TRONG NỒI CANH – TỰ TRUYỆN GANDHI
  3. KHAO KHÁT SỰ ĐỒNG NHẤT – TỰ TRUYỆN GANDHI

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG