NHỮNG CON SÂU TRONG NỒI CANH – TỰ TRUYỆN GANDHI

MAHATMA GANDHI

Trích: Tự truyện Gandhi; Việt dịch: Ni sư Thích Nữ Trí Hải; NXB. Hồng Đức; Công ty TNHH Văn hóa Khai Tâm, 2018

HUẤN LUYỆN TÂM LINH

Việc đào luyện tâm linh cho trẻ là một công việc vô cùng khó khăn hơn sự huấn luyện thể chất và tinh thần. Tôi ít dựa vào những sách vở tôn giáo để huấn luyện tâm linh. Dĩ nhiên tôi tin rằng mọi học sinh nên làm quen với những điều căn bản của tôn giáo mình và biết tổng quát về Thánh thư của tôn giáo ấy, nên tôi cố gắng cung cấp loại kiến thức ấy theo khả năng của tôi. Song điều ấy, theo tôi nghĩ cũng chỉ là một phần của huấn luyện tri thức. Từ lâu trước khi dạy trẻ trong Trại Tolstoy, tôi đã nhận thức rằng sự đào luyện tâm linh là một việc hoàn toàn khác với mọi sự đào luyện thuộc phạm vi thể chất hay tinh thần.

Phát triển tâm linh chính là đào luyện nhân cách và làm cho con người tiến đến một tri thức về Thượng đế và sự thành tựu bản thân. Theo tôi thì đấy là một điều cốt yếu trong việc dạy trẻ; mọi sự huấn luyện mà thiếu việc đào luyện tâm linh thì đều vô hiệu, và còn có thể nguy hại là đằng khác.

Tôi có thói quen tin rằng sự thành tựu bản thân chỉ khả hữu ở giai đoạn thứ tư trong đời, nghĩa là giai đoạn từ bỏ(1). Nhưng người ta cũng biết thông thường những người nào chần chờ để đến giai đoạn cuối đời mới chuẩn bị cho kinh nghiệm vô giá này thì không thể đạt đến sự thành tựu bản thân mà chỉ đến tuổi già không khác gì một ấu thời thứ hai thảm hại, sống như một gánh nặng trên mặt đất. Tôi nhớ rõ tôi đã có quan niệm như thế, ngay cả trong khi đang dạy học, nghĩa là vào năm 1911 – 1912, mặc dù lúc đó có thể tôi chưa phát biểu thành những lời tương tự.

Thế thì sự đào luyện tâm linh phải được truyền thụ như thế nào? Tôi cho trẻ học thuộc lòng và đọc lên những bài thơ và đọc cho chúng nghe những đoạn trong sách về huấn luyện tâm hồn. Song điều đó thật không làm tôi hoàn toàn thỏa mãn. Khi tôi tiếp xúc gần gũi hơn với lũ trẻ, tôi thấy rằng không phải qua sách vở mà người ta có thể trao truyền sự huấn luyện tâm hồn. Cũng như sự huấn luyện thể chất phải được dạy qua thể dục, và sự huấn luyện tri thức qua trí dục, thời sự huấn luyện tâm hồn cũng thế, phải được truyền thụ qua sự luyện tập tâm hồn. Và sự luyện tập tâm hồn hoàn toàn phụ thuộc vào nếp sống và cá tính của ông thầy. Thầy giáo phải hết sức thận trọng về phong độ của mình, dù ông ta đang ở giữa đám học trò hay không.

Một thầy giáo có thể ở cách xa học trò hàng dặm mà vẫn ảnh hưởng được tinh thần học trò bằng lối sống của mình. Nếu tôi là một kẻ chuyên nói láo thì thật vô hiệu khi cố dạy học trò phải nói thật. Một ông thầy hèn nhát sẽ không bao giờ làm cho học trò dũng cảm lên được và một người không bao giờ biết đến sự tiết chế thì không thể nào dạy cho học trò giá trị của việc tiết dục. Bởi thế tôi thấy rằng tôi phải luôn luôn là một bài học cụ thể cho những thiếu nam và thiếu nữ sống với tôi. Như thế họ đã trở thành những thầy giáo của tôi, và tôi học được rằng tôi phải sống ngay thẳng chân thật dù chỉ để làm gương cho chúng. Tôi có thể nói rằng kỷ luật tâm linh và sự tiết chế mà tôi càng ngày càng tự khép mình vào khi sống ở Trại Tolstoy, phần lớn chính là vì những người canh giữ ấy.

Một đứa trong bọn trẻ có tính ngỗ nghịch, bất trị, chuyên nói dối và ưa gây gổ. Vào một dịp kia nó nổi cơn dữ dội. Tôi đâm cáu tiết. Tôi không bao giờ trừng phạt lũ trẻ, song lần này tôi rất tức giận. Tôi cố lý luận với nó, song nó cứ trơ lỳ và lại còn cố cãi lại. Cuối cùng tôi nhặt một cây thước và đánh một cái vào tay nó. Tôi run lên khi tôi đánh nó. Tôi dám chắc nó thấy tôi run. Sự việc này hoàn toàn mới mẻ đối với cả bọn trẻ. Đứa bé la lên và xin tha thứ. Nó khóc không phải vì bị đòn đau; quả thật nếu nó muốn, nó có thể đánh lại tôi vì nó là một đứa bé mười bảy vạm vỡ; nhưng nó khóc vì đã nhận ra nỗi khổ tâm của tôi khi phải sử dụng đến biện pháp mạnh này. Sau lần ấy không bao giờ nó trái lời tôi nữa. Nhưng tôi vẫn còn hối hận về chuyện đó mãi cho đến giờ. Tôi sợ rằng lúc ấy tôi đã biểu dương không phải sức mạnh tâm linh mà chính là sức mạnh thú tính trong tôi.

Tôi vẫn luôn luôn phản đối sự trừng phạt trên thể xác. Tôi nhớ chỉ có một lần tôi phạt đánh một đứa con trai tôi. Cho đến ngày nay tôi cũng chưa có thể định đoạt xem mình phải hay trái khi sử dụng roi vọt. Có lẽ là sai vì hành vi đó bị thúc đẩy bởi cơn giận dữ và lòng ước muốn trừng phạt. Nếu việc ấy chỉ thuần biểu dương nỗi khổ tâm của tôi thì tôi còn xem được là khả thứ. Nhưng nguyên động lực thúc đẩy tôi trong trường hợp này lại rất phức tạp.

Biến cố ấy khiến tôi suy ngẫm và dạy cho tôi một phương pháp tốt hơn để dạy lũ trẻ. Tôi không biết phương pháp ấy có ích lợi gì vào cái dịp tôi đã nói trên chăng. Cậu bé quên ngay biến cố kia, và tôi không nhớ nó có làm gì tiến bộ hơn trước. Nhưng biến cố ấy cho tôi hiểu rõ bổn phận của một thầy giáo đối với học trò.

Nhiều vụ hư hỏng về phía lũ trẻ thường xảy ra sau đó, song tôi không bao giờ dùng đến hình phạt thể chất. Thế là trong nỗ lực truyền thụ giáo dục tâm hồn cho lũ trẻ, tôi dần hiểu rõ năng lực của tâm linh.

NHỮNG CON SÂU TRONG NỒI CANH

Ở Trại Tolstoy, Kallenbach làm cho tôi chú ý đến một vấn đề mà từ trước tới nay tôi chưa hề để tâm đến. Như tôi đã nói, có một vài trẻ trong Trại rất xấu xa và bất trị. Trong số đó cũng có những đứa trẻ du đãng nữa. Với những trẻ này, ba đứa con trai tôi hàng ngày chung đụng, cũng như những trẻ khác cùng tuổi với con tôi. Việc này làm cho Kellenbach lo ngại, song anh ta chỉ chú ý đến điều bất tiện khi để con tôi sống chung với những trẻ bất trị ấy.

Một ngày kia anh ta nói lên nỗi bất bình:

– Cái kiểu anh để con anh chung lộn với những đứa trẻ hư ấy không làm cho tôi hài lòng tí nào. Nó chỉ đem lại một hậu quả là con anh sẽ trở thành xấu xa qua những bạn bè ác ôn đó.

Tôi không nhớ rõ vấn đề ấy có làm tôi băn khoăn trong lúc ấy hay không, song tôi nhớ đã trả lời anh ta như sau:

– Làm sao tôi có thể phân biệt được giữa con tôi với những trẻ du đãng? Tôi chịu trách nhiệm về cả hai lũ như nhau. Những trẻ ấy đã đến đây vì tôi đã mời gọi chúng. Nếu tôi cho chúng một ít tiền rồi đuổi chúng đi, chúng sẽ chạy về Johannesburg và rồi ngựa quen đường cũ. Nói thật với anh, rất có thể chúng và những người giám hộ chúng tin rằng khi đến đây, chúng đã làm ơn cho tôi. Chúng phải chịu đựng khá nhiều điều bất tiện khi ở đây, điều ấy anh và tôi đều thấy rõ. Nhưng bổn phận của tôi rất rõ ràng. Tôi phải giữ chúng ở đây, và vì thế con tôi cần phải sống chung với chúng. Và dĩ nhiên là anh không muốn tôi dạy cho con tôi ngày từ hôm nay đã cảm thấy chúng cao hơn các trẻ khác. Đặt cái mặc cảm tự tôn vào đầu bọn chúng sẽ là hướng dẫn chúng đi sai lạc. Sự liên lạc với những trẻ khác sẽ là một kỷ luật tốt đẹp cho chúng. Chúng sẽ tự học lấy cách phân biệt tốt xấu. Tại sao chúng ta không tin rằng nếu quả thật có một điều gì tốt đẹp nơi chúng, thì điều ấy chắc chắn sẽ tác dụng trên bạn hữu chúng? Dù sao đi nữa, tôi cũng không thể không giữ chúng lại đây, và nếu việc đó có phải chịu liều lĩnh ít nhiều, chúng ta cũng phải ráng chịu.

Kallenbach lắc đầu.

Kết quả không đến nỗi tệ theo tôi nghĩ. Tôi không thấy con tôi có gì tệ hơn vì thí nghiệm ấy. Trái lại, tôi có thể thấy chúng đã học được vài điều. Nếu có chút dấu hiệu nào của mặc cảm tự tôn trong chúng, thì nó liền bị đánh tan ngay và chúng tập hòa hợp với tất cả mọi loại trẻ con. Chúng được trắc nghiệm và khép vào kỷ luật.

Thí nghiệm này và những thí nghiệm khác đã cho tôi thấy rằng nếu những trẻ tốt được dạy dỗ cùng chung với những trẻ hư và cho sống chung với nhau, thì những trẻ tốt vẫn không mất mát gì miễn là cuộc thí nghiệm được hướng dẫn dưới sự coi sóc cẩn thận của những phụ huynh và người giám hộ.

Những trẻ con sống trong nhung lụa không phải luôn luôn được bao bọc khỏi những cám dỗ và hư hỏng. Tuy nhiên, quả có đúng khi nói rằng khi giữ và dạy chung những trẻ thuộc đủ loại giáo dục với nhau, thì cha mẹ và thầy giáo phải gặp một thử thách vô cùng lớn lao. Họ phải luôn luôn coi chừng.

Chú thích

(1) Nguyên văn: Sannyasa

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TIN NƠI NGƯỜI KHÁC
  2. KỶ LUẬT CÓ PHẢI LÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN?(*)

Bài viết khác của tác giả

  1. TÍNH RỤT RÈ: ÁO GIÁP CỦA TÔI 
  2. CUỘC THỬ THÁCH – TỰ TRUYỆN GANDHI
  3. KHAO KHÁT SỰ ĐỒNG NHẤT – TỰ TRUYỆN GANDHI

Bài viết mới

  1. KHÔNG LÀM HẠI
  2. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  3. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP