VẤN ĐỀ CỦA HAI TRÍ ÓC

KELLY MCGONIGAL

Trích: Lời Nói Dói Vĩ Đại Của Não; Khánh Thủy dịch; NXB Lao Động.

Khi chúng ta thấy ý chí của mình bị suy yếu – tiêu quá nhiều tiền, ăn quá nhiều, lãng phí thời gian và mất bình tĩnh – nó có thể khiến chúng ta phải tự hỏi, liệu mình có vỏ não trước không. Chắc chắn rồi, ta có thể kháng cự cám dỗ, nhưng không chắc chắn chúng ta sẽ làm điều đó. Có thể hiểu được rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm ngay những việc bị hoãn đến ngày mai, nhưng thông thường, ngày mai lại chiếm thế thượng phong. Về thực tế đáng nản lòng này, bạn nên biết cảm ơn quá trình tiến hóa. Khi con người tiến hóa, não bộ không thay đổi nhiều. Quá trình tiến hóa thiên về bổ sung thêm vào những gì đã có, thay vì bắt đầu từ đầu. Vì vậy, khi con người cần kĩ năng mới, bộ não nguyên thủy của chúng ta không bị thay thế bởi một bộ não hoàn toàn mới – hệ thống tự chủ được gắn thêm vào phía trên cùng của hệ thống cũ: sự thôi thúc và bản năng.

Điều đó nghĩa là, đối với mỗi bản năng từng phục vụ chúng ta rất tốt, quá trình tiến hóa vẫn giữ nguyên bản năng đó – ngay cả khi hiện giờ bản năng ấy đang khiến ta rơi vào rắc rối. Tin tốt lành là quá trình tiến hóa cũng trao cho chúng ta phương pháp xử lí những rắc rối mà ta vướng phải.

Một số nhà khoa học chuyên sâu về thần kinh cho rằng, chúng ta có một bộ não, nhưng có đến hai trí óc – thậm chí, họ còn nói rằng, có hai con người sống bên trong tâm trí chúng ta. Một người theo đuổi sự thôi thúc và tìm kiếm sự thỏa mãn ngay tức khắc, một người kiểm soát sự thôi thúc và trì hoãn sự thỏa mãn nhằm bảo vệ mục tiêu lâu dài của chúng ta. Cả hai người đó đều là bản thân chúng ta, nhưng chúng ta liên tục đổi vai của mình. Đôi lúc ta ủng hộ con người muốn giảm cân, đôi lúc ta lại ủng hộ con người chỉ muốn ăn bánh quy. Đây là điều cho thấy thách thức ý chí: Một phần trong bạn muốn thứ này, nhưng phần lại muốn thứ khác. Hoặc bạn của hiện tại muốn có một thứ, nhưng bạn của tương lai sẽ giàu có hơn nếu bạn đã làm một việc khác. Khi hai người này trong bạn bất đồng với nhau, một người phải chiếm ưu thế. Người muốn đầu hàng không xấu – chỉ đơn giản là có quan điểm khác về việc cái gì là quan trọng nhất.

Mọi thử thách ý chí đều là mâu thuẫn giữa hai phần của một con người. Phần bị thôi thúc trong bạn muốn gì? Phần khôn ngoan hơn trong bạn muốn gì? Một số người thấy hữu ích khi đặt tên cho hai phần này, ví dụ như “con quỷ bánh ngọt” là tên của phần trí óc lúc nào cũng muốn được thỏa mãn ngay lập tức, hay “nhà phê bình” là tên của phần trí óc hay phàn nàn về mọi người và mọi việc, hay “kẻ chần chừ” là người không bao giờ muốn bắt tay vào việc. Đặt tên cho phần trí óc này sẽ giúp bạn nhận biết thời điểm nó đang lấn át và cũng giúp bạn thức tỉnh phần trí óc thông thái hơn để được trợ giúp về ý chí.

Tự chủ là một trong những tiến bộ vượt bậc của loài người, nhưng đó không phải là nét đặc trưng duy nhất của chúng ta. Chúng ta còn sở hữu sự tự nhận thức: khả năng nhận biết mình đang làm gì và hiểu rõ tại sao ta lại hành động như vậy. Nếu may mắn, chúng ta còn có thể dự đoán mình có thể làm gì trước khi hành động. Điều đó tạo cho chúng ta vô số cơ hội để cân nhắc mọi việc. Mức độ tự nhận thức này chỉ có duy nhất ở con người. Đúng là cá heo và voi có thể nhận ra bản thân chúng trong gương, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy, chúng tự nhận thức về bản thân mình.

Thiếu đi khả năng tự nhận thức, hệ thống tự chủ sẽ trở nên vô dụng. Bạn cần nhận biết thời điểm đưa ra một quyết định cần đến ý chí, nếu không, não sẽ mặc định thực hiện việc đó theo cách dễ dàng nhất. Hãy cùng xem xét trường hợp một người nghiện thuốc lá muốn bỏ thuốc. Cô ấy cần nhận biết dấu hiệu thèm thuốc đầu tiên, và yếu tố có khả năng khiến cô ấy tái hút (đang ở bên ngoài, trời lạnh, tay cầm bật lửa). Cô ấy cũng cần biết rằng, nếu đầu hàng cơn thèm thuốc lần này, rất có thể ngày mai cô ấy sẽ tái hút. Và nếu cứ tiếp tục hút thuốc, cô sẽ mắc phải vô số những căn bệnh khủng khiếp. Để tránh trường hợp này, cô cần đưa ra một lựa chọn có ý thức, rằng, không được hút thuốc nữa. Cô ấy sẽ thất bại nếu không có sự tự nhận thức.

Việc này nghe có vẻ đơn giản, nhưng các chuyên gia tâm lí học biết rằng, hầu hết các lựa chọn của chúng ta đều được đưa ra một cách tự động, không hề ý thức xem điều gì thúc đẩy lựa chọn đó, và chắc chắn cũng không có sự xem xét nghiêm túc về hậu quả. Vậy mà, hầu như chúng ta vẫn thường xuyên không nhận ra rằng, mình đang đưa ra một lựa chọn. Ví dụ, một nghiên cứu đề nghị người tham gia cho biết mỗi ngày họ đưa ra bao nhiêu quyết định liên quan đến thực phẩm. Bạn sẽ trả lời sao nào? Mọi người cho rằng, tính trung bình, mỗi ngày họ đưa ra khoảng 14 quyết định. Thực tế, khi họ cẩn thận nhớ lại các quyết định của mình, con số trung bình là 227. Hơn 200 lựa chọn mà ban đầu họ không ý thức đến – và đó là những quyết định liên quan đến việc ăn uống. Làm sao bạn có thể kiểm soát bản thân nếu như chính bạn cũng không ý thức được rằng, bạn phải kiểm soát điều đó?

Với quá nhiều trò tiêu khiển, xã hội hiện đại không giúp ích cho việc này. Giáo sư Baba Shiv, chuyên về lĩnh vực marketing tại trường Kinh doanh Standford cho biết, những người bị phân tâm có khả năng đầu hàng cao hơn. Ví dụ, những sinh viên nào phải rất cố gắng mới nhớ được một số điện thoại thì sẽ có 50% khả năng là chọn bánh sô-cô-la thay vì chọn hoa quả trong quán ăn nhanh. Những người mua sắm hay bị phân tâm cũng dễ bị ảnh hưởng hơn bởi các chương trình khuyến mại trong cửa hàng, và họ thường trở về nhà với những món đồ không nằm trong danh mục mua sắm.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CẢM XÚC, BẠN ĐỒNG HÀNH CỦA TÂM TRÍ
  2. SỨC MẠNH CỦA Ý CHÍ

Bài viết khác của tác giả

  1. 05 PHÚT CHO BÀI TẬP XANH – KELLY MCGONIGAL
  2. “GIỚI HẠN” CỦA SỰ TỰ CHỦ CÓ THẬT ĐẾN MỨC NÀO?

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH