Giáp Văn Dương
Trích: Học để làm người tự chủ, Công Ty Sách Nhã Nam, NXB Công Thương
Khi giáo dục nhà trường đang có nhiều bất cập, thì giáo dục trong gia đình là chốt giữ cuối cùng các bậc phụ huynh cần trấn giữ.
Nhưng nhiều bậc cha mẹ đã hiểu lầm việc giáo dục trong gia đình là canh me cho con học bài, hoặc cố động viên an ủi, hay ép buộc con hoàn thành bài tập về nhà. Tức là, giáo dục trong gia đình vẫn chỉ là một cánh tay nối dài của giáo dục trong nhà trường.
Điều này làm cho sự căng thẳng trong học tập lan từ trường về nhà, kéo dài từ ngày học trong tuần đến hết cả cuối tuần, làm cho không khí của nhiều gia đình vô cùng căng thẳng.
Chưa kể, bên cạnh bài vở chính khóa, nhiều gia đình còn bận bịu với học thêm và luyện thi của con, đôi khi phải đưa đón con từ đầu này đến đầu kia của thành phố. Tôi đã từng thấy, trong nhiều gia đình, bố mẹ phải canh me giờ giấc của con chính xác đến mỗi 15 phút để ăn để nghỉ sao cho đảm bảo làm hết bài về nhà kẻo ngày mai cô mắng. Lịch làm việc của con nghe ra căng thẳng không kém lịch làm việc của nguyên thủ quốc gia. Mà con mới học lớp 3 chứ có nhiều nhặn gì.
Khi tôi hỏi cho con học nhiều như thế để làm gì thì hầu hết các phụ huynh đều… bí. Câu trả lời hiển nhiên là: cô cho nhiều bài về nhà thì cứ phải học hết thôi. Nào toán, nào tiếng Việt, nào tập làm văn, nào nhật ký đọc, nào chính tả, nào thi IOE, nào thi Violympic… Nói chung là sáng sớm đi học, tối lại học tất bật, 10 giờ đêm vẫn chưa được nghỉ.
Tôi hỏi, nếu không làm thì sao? Không ai dám nghĩ đến chuyện đó. Không hoàn thành thì bị chép phạt năm lần, có khi mười lần, nên đứa con nào cũng sợ. Bố mẹ thì nói chung là “hoang mang style”, nên chỉ biết căn ke giờ giấc và giục con đi học, rồi gặp nhau than thở sao bây giờ con học vất vả quá, sao ngày xưa không thế. Nhưng than là than như vậy, chứ cũng chẳng biết làm gì ngoài việc cho con ăn và giục con đi học.
Rồi không chỉ học ở trường, nhiều gia đình còn cho con đi học thêm đủ thể loại. Các bố mẹ thì đua nhau nghe ngóng xem có lớp nào hay, kể cả các chương trình nghe ra rất bí hiểm, để đăng ký cho con học. Tất cả đều trong trạng thái “hoang mang style”.
Tiếc rằng, không ai dạy chúng ta cách dạy con, và rộng hơn là cách làm cha mẹ để chúng ta có thể dạy cho con mình. Lại tiếc rằng đời sống hiện đại quá bận rộn, nên chúng ta có quá ít thời gian dành cho nhau và dành cho việc dạy con.
Lại cũng tiếc nữa, chương trình giáo dục phổ thông hiện giờ được viết theo lối học sinh không thể tự học, nên mình không thể dựa vào đó mà dạy con.
Phải có cô, phải có sách, phải có bài mẫu, nếu không thì… botay.com. Còn vô số cái tiếc rằng khác nữa mà nếu liệt kê ra cũng kín cả vài trang giấy. Cái nào cũng chính đáng cả.
Hệ quả là chúng ta đẩy toàn bộ công việc giáo dục con cái cho nhà trường, bỏ lơi giáo dục trong gia đình, mà nếu suy xét thật kỹ, thì hóa ra lại là phần quan trọng nhất.
Vì sao như vậy?
Vì khi nhìn sâu vào việc học, chúng ta sẽ thấy việc học ở trường hiện giờ chỉ giới hạn ở học để biết, mà một phần trong số đó cũng đã lạc hậu và phiến diện. Biết nhiều là tốt. Biết nhiều như Google lại càng tốt. Nhưng là một người sử dụng Google thường xuyên, tôi thấy chạy đua với Google không phải là cách đúng. Chưa kể sự biết phiến diện lệch lạc, biết những thứ đã lỗi thời mà cứ tưởng là chân lý, biết chỉ để biết mà không biết dùng để làm gì thì có khi còn nguy hiểm.
Trên thực tế, ngoài cái học để biết, thì còn những cái học khác quan trọng hơn, đó là: học để làm việc, học để trở thành, và học để tương tức trở thành.
(Tương tức trở thành, từ tiếng Anh tương đương là Interbeing, là thuật ngữ có nội dung rằng: Mình trở thành như thế này là do mối tương quan với những người khác, điều kiện khác tương ứng như thế kia. Vì thế, mình và người khác điều kiện khác cùng nương tựa nhau để tồn tại, để trở thành, trong cùng một thực tại, chứ không tách rời nhau.)
Những cái học này hiện rất yếu ở trong nhà trường. Biểu hiện rõ nhất là dù có học hết 12 năm phổ thông và 4 năm đại học, thì kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, khả năng tự lãnh đạo bản thân của người trẻ thường rất yếu.
Tuy nhiên, chính những cái học mà nhà trường chưa chạm tới này lại quyết định sự trưởng thành hay không trưởng thành, thành công hay thất bại… của con trẻ. Đó chính là nơi mà các bậc phụ huynh phải trám vào, nếu không muốn con mình hụt hơi với cuộc sống, không muốn con mình trở thành những đứa trẻ ở tuổi… 30.
Những cái học này chính là mảnh đất của giáo dục trong gia đình mà cha mẹ có thể, và cần phải gieo trồng. Bội thu hay thất bát sau này, phần nhiều nằm ở việc gieo trồng trên những mảnh đất này.
Suy cho cùng, con cái là tài sản lớn nhất của chúng ta. Vậy tại sao ta lại có thể mặc nhiên giao phó toàn bộ cho nhà trường để rút về giữ vai trò quan sát như người ngoài cuộc được !?
Hiểu ra được như thế, chúng ta sẽ thấy giáo dục trong gia đình chính là cơ hội để chúng ta giúp con mình trưởng thành toàn diện hơn, là nơi chúng ta thể hiện vai trò của mình, lại cũng là trách nhiệm của chúng ta đối với con trẻ. Nói cách khác, buông hẳn việc giáo dục cho nhà trường, thì dù có thừa nhận hay không, chúng ta cũng chưa làm tròn trách nhiệm.
Nếu đã đồng ý như thế, thì trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chúng ta sẽ khám phá tiếp hai câu hỏi: Cha mẹ có thể dạy gì và dạy thế nào cho con trẻ?
Dạy con những gì?
Khi bắt đầu xốc lại vai trò của giáo dục trong gia đình, thường câu hỏi đầu tiên mà các bậc phụ huynh phải đặt ra là: dạy gì cho con?
Câu trả lời ngắn gọn là: dạy những gì quan trọng với cuộc sống, nhưng nhà trường chưa chạm tới. Hẳn nhiên, điều đầu tiên các bậc phụ huynh phải dạy con là ý thức về mình, xem mình là ai, mình đang ở lứa tuổi nào, mình có gì độc đáo khác biệt, mình đang ở vị trí nào trong bức tranh lớn của gia đình và xã hội xung quanh.
Điều thứ hai, là dạy con có ý thức về cuộc sống, khởi đầu từ những quan sát thường ngày, xem cuộc sống của con gồm những gì, có liên hệ đến những ai, con có thể làm gì ở trong đó, cái gì con làm vì niềm vui thích, cái gì là trách nhiệm phải hoàn thành.
Điều thứ ba, là dạy con cách tổ chức cuộc sống cá nhân, từ sắp xếp thời gian sao cho đi ngủ và thức dậy đúng giờ, giữ gìn vệ sinh cá nhân hợp cách, sắp xếp sách vở, bàn học ngăn nắp, giữ cho phòng riêng được sạch sẽ gọn gàng, giữ đúng thời gian biểu đã thỏa thuận cùng bố mẹ.
Sau đó là tham gia vào việc tổ chức cuộc sống gia đình, từ chia sẻ việc nhà, đến lựa chọn cuối tuần đi đâu, làm gì, mình có vai trò gì trong gia đình, đâu là phần trách nhiệm của mình, đâu là phần mình có thể đóng góp. Từ đó, con sẽ học được cách làm chủ và tự tổ chức đời sống của mình.
Điều thứ tư các phụ huynh có thể dạy con là các kỹ năng sống cơ bản, như biết xin lỗi và cảm ơn; biết chào hỏi; biết nói điều mình muốn, hỏi đáp nhã nhặn, lễ phép; có ý thức giữ lời; biết biểu lộ cảm xúc đúng mực; biết thể hiện tình cảm với bố mẹ và anh chị em biết khen ngợi và an ủi người khác; biết lắng nghe khi người khác nói…
Rồi cùng với đó là những việc nhà thiết yếu cho đời sống của con sau này, như giặt và phơi đồ, nhặt rau, rửa bát, nấu cơm, sử dụng đồ gia dụng, sắp xếp phòng ốc, bày biện trang trí… Sau đó là những kỹ năng sinh tồn, như cách về nhà nếu đi lạc, nếu gặp hỏa hoạn thì phải làm sao, sang đường thế nào cho an toàn, tiêu tiền thế nào cho đúng, những tình huống nào là nguy hiểm…
Cứ giản dị như thế, đi từ chính con người mình ra những việc xung quanh, từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ cụ thể đến trừu tượng, từ hiện tại đến tương lai… Không có giáo trình cụ thể. Cũng không có thời khóa biểu cố định. Nhưng thường trực, tận tâm và kiên trì.
Như thế, cha mẹ không chỉ là cha mẹ, mà còn là người đồng hành cùng con, vừa hướng dẫn, vừa hỗ trợ con đi qua cuộc sống này trong những năm tháng đầu đời.
Lưu ý rằng, học để biết thì đơn vị tính bằng ngày, học để làm thì đơn vị tính bằng năm, học để trở thành thì đơn vị tính bằng thập kỷ. Những cái học dài hơi như thế không nhà trường nào có thể thực hiện được.
Chỉ có giáo dục trong gia đình mà ở đó cha mẹ có hàng chục năm để đồng hành cùng con, ở đó có những tình huống người thực việc thực để thực hành, thì học để làm và học để trở thành, và rộng hơn để tương tức trở thành, mới có thể thực hiện được, dưới sự hướng dẫn của cha mẹ.
Nếu bậc làm cha mẹ nào không nhận ra được điều này, và không chủ động dẫn dắt việc này, thì thực là đã bỏ lỡ cơ hội dạy con trưởng thành. Hẳn nhiên, cũng không làm tròn trách nhiệm của người làm cha mẹ vậy.
Dạy con thế nào?
Tiếp theo việc dạy con cái gì, chúng ta cần trả lời một câu hỏi khác còn khó hơn, nhưng lại thực tế hơn. Đó là: dạy con thế nào?
Có thể liệt kê một số cách dạy con phổ biến như sau:
Cách thứ nhất, phổ biến nhất, và quan trọng nhất, là làm gương. Dạy qua việc làm gương cũng là cách dạy khó nhất. Dạy như thế là thân giáo, dạy qua đời sống của mình, dùng chính đời sống của mình để làm giáo trình. Mà muốn dạy được qua đời sống của chính mình, thì trước hết đó phải là một đời sống có ý thức, có ý nghĩa và có phẩm giá, nếu ta kỳ vọng con mình cũng sẽ có một đời sống như vậy. Đến đây vấn đề thành to chuyện nhưng ơ kìa, trên đời này có việc nào to hơn là việc dạy con mình !
Cách thứ hai cũng rất phổ biến, là cầm tay chỉ việc hướng dẫn tỉ mỉ chỉn chu từng việc nhỏ, rồi dần dà mỏ rộng sang những việc lớn hơn. Làm như thế sẽ hình thành được các thao tác, quy trình, và chuẩn mực cho con trẻ ngay từ những việc nhỏ trong nhà. Sau này lớn lên, con trẻ làm việc gì cũng đến nơi đến chốn, trọn vẹn và hoàn tất.
Cách thứ ba rất quan trọng, nhưng ít người để ý đến, đó là kể chuyện. Việc kể chuyện có thể tiến hành mọi lúc mọi nơi: trong bữa tối, khi uống trà, trước khi đi ngủ. Có đứa trẻ nào lại không say mê nghe kể chuyện. Nên dạy qua kể chuyện là cách dạy rất nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, một công nhiều việc, đặc biệt khi trẻ còn nhỏ, ở bậc mẫu giáo hoặc tiểu học.
Cuộc đời mỗi con người cũng là một câu chuyện mà mình chính là tác giả của câu chuyện đó. Vì thế, kể những câu chuyện có ý nghĩa, có tính khơi gợi, đặc biệt khi trẻ còn nhỏ, có thể diễn ra trước giờ đi ngủ, là cách giáo dục vô cùng hiệu quả.
Những câu chuyện này không nhất thiết phải có trong sách vở, mà có thể là những câu chuyện được sáng tác tức thời, gắn với những trải nghiệm mà trẻ trải qua trong ngày.
Lớn thêm lên, bố mẹ có thể hướng dẫn con tập hình dung, tập kể câu chuyện của đời mình. Ban đầu có thể chỉ đơn giản là kể lại những gì con đã trải nghiệm trong, hoặc những cột mốc mà con thấy đáng nhớ. Sau đó là những ước mơ về việc con muốn làm, người con muốn trở thành, giá trị con muốn theo đuổi. Dần dà, con sẽ thấy, con chính là tác giả của câu chuyện đời mình, chuyện hay hoặc dở là do mình quyết định chứ không phải là người khác.
Cách thứ tư là trò chuyện cùng con để giữ nhịp đồng hành mỗi ngày. Chỉ riêng việc đồng hành cùng con qua những trắc trở khó khăn, qua những thử thách mà con phải vượt qua, chia sẻ những niềm vui mà con khám phá, những lo âu mà con phải đương đầu, đã là một cách giáo dục hiệu quả. Con người vốn dĩ cô đơn, nên có được người hiểu mình, có người tin cậy để đồng hành cùng mình, sẽ làm cho mình vững tin, mình mạnh mẽ, mình trưởng thành lên rất nhiều.
Việc trò chuyện cùng con thoạt nghe thì dễ, nhưng thực hành thì không dễ chút nào, vì chúng ta có xu hướng áp đặt ý kiến của mình, chúng ta sốt ruột, chúng ta đã trả những giá đắt nên muốn chỉ ngay ra giải pháp và con đường. Khoảng cách thế hệ cũng từ đó mà rộng dần ra.
Khi đó, chỉ có lắng nghe chân thật và yêu thương chân thật mới có thể giúp ta chầm chậm bước chân để lắng nghe giữ nhịp cùng con.
Mà lắng nghe chân thật và yêu thương chân thật, y cho cùng, lại là cội rễ của giáo dục trong gia đình. Nhân đây, tôi cũng xin chia sẻ một chi tiết nhỏ về việc dạy con trong gia đình, hy vọng có thể giúp các bạn có thêm thông tin để tham khảo: Gia đình tôi có một bộ quy tắc nhỏ, hình thành trong khoảng thời gian chúng ở nước ngoài. Chúng tôi gọi đó là Family Rules (Gia quy), gồm 4 điều. Đó là:
1. Live healthy;
2. Be on time;
3. Keep words;
4. Respect others
(Tạm dịch: 1. Sống lành mạnh; 2. Đúng giờ, 3. Giữ lời; 4. Tôn trọng người khác).
Chỉ có 4 điều này thôi mà đủ để điều chỉnh hành vi của cả nhà. Sau này các con lớn hơn một chút, tôi bổ sung thêm 4 giá trị sống: Chân-Thiện-Mỹ-Hòa. Ngoài ra, thi thoảng tôi cũng hướng dẫn thêm các con về kỹ năng và văn hóa sống… khi tình huống phù hợp xuất hiện. Chỉ có vậy thôi, không có gì nhiều.
Vì thế, việc dạy dỗ con cái của tôi cơ bản là không vất vả lắm. Tôi hầu như không phải dạy gì nhiều cho các con và luôn tự hào vì điều đó. Con tôi cũng không đi học thêm. Tôi hay nói đùa, người thầy giỏi nhất là người không cần dạy gì mà mọi thứ vẫn ổn. Sự thực trong nhà tôi đúng là như vậy.
Tôi hình như cũng chưa bao giờ phải tranh luận với các con về việc học hành. Cùng lắm, chỉ là nhắc nhở thôi đi học cả ngày rồi, ra chơi với em, ra chơi với bố mẹ.
Học tập phải tự nhiên và phải là niềm vui. Khi học tập không còn tự nhiên và không còn là niềm vui thì học tập có vấn đề.
Còn việc học tập từ con trẻ, tôi lại học được rất nhiều. Chẳng hạn, về sự hồn nhiên, tình yêu và sự bao dung.
Chúng tôi đã đồng hành cùng nhau bằng những 7 tắc và giá trị sống như thế. Không phải lúc nào mọi việc cũng được như ý, đôi khi cũng có trồi sụt lên xuống, vì để duy trì được những điều đơn giản như “sống lành mạnh, đúng giờ, giữ lời”, hay giữ được chữ Hòa trong các tình huống ứng xử, đòi hỏi một sự cố gắng và cam kết lớn. Nhưng nhờ có những thứ này mà chúng tôi có cơ sở để trao đổi và nhắc nhở nhau mỗi khi có ai đó không giữ được nội quy gia đình.
Dạy con là một hành trình lâu dài, cần nhiều yêu thương và kiên nhẫn. Cần cả những thử-sai và sự khiêm nhường để học hỏi và điều chỉnh. Thậm chí, cần cả sự may mắn nữa. Vì thế, chúng ta không nên áp đặt và vội vã. Cũng không nên mong đợi phải có kết quả ngay. Cách tốt nhất, là cả gia đình cứ thủng thẳng đồng hành, vừa học vừa sửa, trên cơ sở những giá trị và quy tắc đã thống nhất.