DAVID J. POLLAY
“Nếu sự khốn khổ cần bạn đồng hành thì nó đã có đủ rồi.”
– HENRY DAVID THOREAU
Cả Vòng tròn Rác rưởi và Vòng tròn Biết ơn đều sản sinh, thu hút và đòi hỏi năng lượng.
Mỗi khi trở thành xe rác, bạn tạo ra năng lượng tiêu cực duy trì Vòng tròn Rác rưởi. Năng lượng đó đến từ các cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như giận dữ, thất vọng, lo lắng, thiếu kiên nhẫn và thích phán xét. Rồi trong vòng tròn ấy, bạn phải hứng rác của hàng triệu người khác xả vào vì bạn và họ đã được kết nối với nhau thông qua cảm xúc tiêu cực.
Sống trong vòng tròn Rác rưởi, bạn cảm thấy áp lực, nặng nề và căng thẳng. Nhà tâm lý học Everett Worthington – tác giả của quyển Forgiveness and Reconciliation – viết trong nghiên cứu của ông: “Những người bị căng thẳng thường có thái độ hằn học. Họ không nhắm đến một người cụ thể nào, bất cứ ai lọt vào trong tầm ngắm của họ đều có nguy cơ trở thành mục tiêu gây hấn. Họ rất dễ nổi đóa và hay trút giận lên người khác.”
Một khi để bản thân bị cuốn vào vòng tròn Rác rưởi, bạn sẽ tự mãn cho rằng mình luôn luôn đúng và không bao giờ có chuyện bạn gây rắc rối hay phạm sai lầm, mà vấn đề luôn nằm ở người khác hay một điều gì đó khác.
Vòng tròn Rác rưởi
Cha tôi từng kể tôi nghe một biến cố trong đời ông để dạy tôi về sự nguy hiểm khi để bản thân rơi vào vòng tròn Rác rưởi. Biến cố đó xảy ra ở Milwaukee khi hai anh em tôi còn nhỏ. Hôm ấy, cha tôi đang lái xe về nhà. Khi ông chỉ còn cách nhà chín dãy phố thì một chuyện không hay xảy ra. Đây là lời kể của cha tôi về diễn tiến của chuyện đó:
Lúc đó cha đang trên đường về nhà để kịp bữa tối và rất nóng lòng gặp lại các con. Tìm đường Capitol, cha vòng lên hướng bắc và rẽ vào đại lộ Oakland. Hôm ấy cha tan làm muộn và vội vàng lái xe về nhà. Hồi đó cha lái xe rất hăng, cha đã tạt đầu xe khác khi đến khúc cua. Rồi bỗng tay tài xế của một chiếc xe nhỏ chạy phía sau cha bấm còi inh ỏi, la hét và giơ nắm đấm lên với cha. Chưa hết, anh ta còn nhấn ga vượt lên chận đầu xe của cha, rồi giận dữ ra hiệu cho cha tấp vào lề. Thế là cả cha và anh ta cùng dừng xe bên lề.
Lúc đó cha đang điên tiết. Gã này muốn nói chuyện cho phải quấy chứ gì. Được thôi!
Nhưng khi cha chuẩn bị mở cửa để bước xuống xe thì thấy một gã rất to con bước ra khỏi chiếc xe nhỏ kia. Hắn ta đúng là một con quái vật! Trông hắn cứ như vừa bước ra từ phòng tập thể hình vậy. Hắn mặc một chiếc áo ôm sát cơ thể, làm nổi rõ cơ bắp cuồn cuộn. Cả người hắn đầm đìa mồ hôi và trông hắn giận dữ vô cùng.
Gã đàn ông tiến về phía xe của cha, và đó là lần đầu tiên trong đời cha phải tự nhủ: “Mình đang làm gì thế này? Mình không muốn gây sự với gã này đâu. Không đời nào. Mình sẽ không ra khỏi xe, không đáng để làm vậy”. Thế là cha chuỗi người xuống ghế trở lại và từ từ đóng chặt cửa xe.
Khi đến chỗ cha, gã quái vật đó la lối và bắt cha ra ngoài, nhưng cha nhất quyết ở yên trong xe. Cha chỉ nhìn hắn qua cửa kính đã được đóng chặt và liên tục nói: “Xin lỗi anh về chuyện vừa rồi. Tôi thật sự rất tiếc vì đã làm vậy. Anh đúng rồi, cho tôi xin lỗi nhé”.
Cuối cùng, hắn cũng chịu bỏ qua và quay lại xe của mình. Cha lái xe về nhà trong tâm trạng xấu hổ vô cùng.
Khi tôi hỏi điều gì đã khiến cha nhượng bộ vào ngày hôm đó, ông cười thật to và trả lời: “Cha không muốn ăn đòn! Gã đó bự con lắm”. Cả hai chúng tôi đều bật cười, rồi cha tôi kể tiếp.
Hôm đó cha đã phạm sai lầm khi lái xe, vì vậy cha không muốn phạm thêm sai lầm nào khác nữa. Chuyện lái xe của cha lẫn gã đó đã đủ tệ rồi. Nếu còn tiếp tục động tay động chân, cả cha và gã đó có thể gây hại cho bản thân và người khác. Đâu cần phải là sự việc đi xa đến thế. Cha còn vợ con đang chờ ở nhà. Kể từ khi đó, cha không còn phóng nhanh như trước nữa.
Tôi nói với cha rằng tôi rất nể ông vì ông đã hành xử đủ khôn ngoan để tránh được một trận ẩu đả, thay vì “nổi máu anh hùng”. Cha tôi còn chia sẻ thêm:
Nếu chuyện cha vừa kể xảy ra vào thời nay thì không biết điều gì sẽ xảy ra nữa. Hồi xưa, cha và người kia có thể tẩn nhau một trận nhừ tử, nhưng bây giờ rất có thể cha sẽ bị bắn. Tệ hơn nữa là những người đi đường vô tội có thể bị vạ lây. Cha tự hứa với lòng là sẽ không bao giờ để chuyện tương tự như thế xảy ra nữa.
Chuyển hướng năng lượng
Ban đầu, cha tôi là người cung cấp năng lượng góp phần tạo ra vòng tròn Rác rưởi. Sai lầm của ông là lái xe ẩu và chấp nhận lời khiêu khích của anh chàng lái xe kia. May mắn là cha đã kịp nhận ra ông phải thoát khỏi vòng tròn Rác rưởi mà ông vừa góp phần tạo ra. Ông biết ông cùng anh chàng kia sắp vượt quá giới hạn, vậy nên ông lùi lại, nói lời xin lỗi và bước tiếp con đường của mình.
Bí quyết để thoát khỏi vòng tròn Rác rưởi là chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Khi bạn nhận thấy mình đang đổ rác vào người khác, hãy dừng lại ngay lập tức.
Đừng để người khác khơi lên những suy nghĩ và hành vi tiêu cực nơi bạn. Hãy sáng suốt nhận ra khi nào mình bị cuốn vào vòng tròn Rác rưởi và nhanh chóng rời khỏi nó.
Hướng dẫn hành động
Khi nào thì bạn thấy mình bị lôi kéo góp phần tạo ra “Vòng tròn Rác rưởi”? Hãy viết ra những điều dễ làm bạn “xù lông nhím”.
Tuần này, hãy chú ý đến những điều dễ làm bạn phản ứng tiêu cực và hãy tỉnh táo để tránh bước vào “Vòng tròn Rác rưởi”. Đừng quên chúc mừng bản thân mỗi khi bạn lựa chọn tránh xa cái “vòng tròn” tiêu cực ấy. Bạn nên cảm thấy tự hào về bản thân vì bạn đã ngăn chặn được “rác rưởi”.