HOÀNG NỮ NGỌC TIM (ALINE REBEAUD)
Trích: Nhà May Mắn – Một Tương Lai Cho Những Người Thiếu May Mắn; NXB. Trẻ, 2017
Bài viết dưới đây là những chia sẻ từ câu chuyện đời thực của anh Đào Minh Phụng – một thành viên của Nhà May Mắn, được BBT. Cùng Sống An Vui trích ra từ tác phẩm “Nhà May Mắn – Một tương lai cho những người thiếu may mắn” của tác giả Hoàng Nữ Ngọc Tim (Aline Rebeaud), một cô gái đến từ Thụy Sĩ có tấm lòng nhân ái dành cho những mảnh đời bất hạnh tại Việt Nam. Trân trọng giới thiệu đến quý đọc giả.
Tôi tên là Đào Minh Phụng. Tôi sinh năm 1967 trong một gia đình nghèo tại Huế. Gia đình tôi gồm bốn anh chị em, quanh năm sống nhờ vào công việc làm nông của ba mẹ tôi. Khi còn nhỏ, buổi sáng thì tôi chăn trâu cho người hàng xóm còn buổi chiều thì đi học. Tại thời điểm đó, nạn đói hoành hành tại vùng quê nghèo của tôi, gia đình tôi không có đủ gạo để ăn mỗi ngày, thế nên từ đây tôi tự đặt ra câu hỏi cho chính bản thân là mình phải làm gì cho tương lai.
Tôi kết thúc việc học năm tôi mười lăm tuổi. Ngay sau đó, tôi tiếp tục giữ trâu cho người ta trong bốn năm để kiếm tiền. Hai năm sau đó, tôi đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ, tôi đi làm trong rừng. Tôi đốn gỗ và làm than mang đi bán để kiếm tiền sinh sống qua ngày.
Năm hai mươi lăm tuổi, tôi lập gia đình và một năm sau đó chúng tôi chào đón đứa con trai đầu lòng. Chúng tôi đặt tên cho con là Vũ. Khi con trai tôi vừa tròn một tuổi, trong một lần đốn gỗ trong rừng thì tôi bị cây ngã đè lên người. Tôi không thể nào tự đứng dậy được. Nhờ những người bạn đồng nghiệp, họ đặt tôi vào một cái võng và khiêng tôi về nhà sau mười hai giờ vượt rừng.
Khi mọi người đưa tôi vào bệnh viện Huế, mẹ tôi đã ngất xỉu vì quá đau buồn. Bà mất vài tháng sau đó. Cha tôi đã bán hết những gì ông có và ông sống nương tựa vào chùa trong mười hai năm vì không còn một nơi nào nữa để cho chúng tôi cư ngụ. Vợ tôi, cô ấy đã rời bỏ tôi sau tai nạn mà không hề từ biệt tôi lời nào. Cô mang luôn đứa con trai duy nhất của tôi đi khiến tôi và con chia cách mười sáu năm.
Tôi đã mất tất cả mọi thứ trong cùng một lúc. Tâm trạng tôi rơi vào chán nản và tuyệt vọng. Có những lúc tôi muốn chết đi. Ba lần, tôi đã thử. Nhưng mỗi lần như vậy, cha tôi là người đã ngăn cản.
Tai nạn đã lấy đi đôi chân của tôi, tôi không thể đi lại được nữa. Tôi bị những cơn đau hành hạ khủng khiếp và những vết loét sâu gặm thấm da thịt lâu ngày trở nên bị hoại tử. Tôi được chuyển vào một bệnh viện ở Sài Gòn vì ở Huế các bác sĩ không thể làm bất cứ điều gì hơn được nữa cho tôi. Ở Sài Gòn, tôi thấy mình hoàn toàn bị cô độc. Họ nói với tôi rằng tôi không thể ở lại đây vì không có tiền để trả viện phí và rồi tôi phải sống lang thang ngoài đường bằng việc bán vé số để sống qua ngày. Những vết loét của tôi chẳng khá hơn. Cuối cùng, tôi kiệt sức, tôi đã năn nỉ bệnh viện để nhận tôi lại. Tôi bị một cơn sốt rất khủng khiếp và các cô y tá, họ sờ trán tôi và cuối cùng đã chuyển tôi đến phòng 212 cùng nhiều người tàn tật như tôi, họ cũng mất đi sức khỏe và không thể sử dụng đôi chân của mình. Tài và Minh là những người bạn đầu tiên của tôi tại bệnh viện, họ rời khỏi bệnh viện cùng với một cô gái trẻ. Đó chính là Tim. Sau khi bình phục, tôi cũng được cô Tim nhận và đem về Nhà May Mắn để giúp đỡ. Lúc đó là năm 1996.
Tại thời điểm đó, Tim là người làm hết tất cả mọi việc. Cô chuẩn bị bữa ăn cho chúng tôi, chăm sóc chúng tôi, dạy cho chúng tôi. Tôi cũng học được tiếng Pháp từ cô ấy. Một cuộc sống mới bắt đầu từ khi tôi đến Nhà May Mắn và những suy nghĩ tự tử của tôi hoàn toàn biến mất.
Công việc đầu tiên của tôi ở Nhà May Mắn bao gồm làm những tấm thiệp chúc mừng như thiệp Giáng Sinh để gửi đi châu Âu. Tôi thích vẽ. Tôi cũng nhận ra rằng tôi có năng khiếu và có thể kiếm được chút tiền nhờ vào nghể này. Tôi tự hứa là mình sẽ không bao giờ từ bỏ việc vẽ tranh.
Năm 2003, tôi được đi Lyon với Nhi, một trong những trẻ em mồ côi của Nhà May Mắn. Lần đầu tiên trong đời tôi được đi máy bay. Thật là nhiều cảm xúc. Ngồi trong máy bay được khoảng một giờ, một nữ tiếp viên mang đến cho chúng tôi một bữa ăn. Ngay lập tức tôi từ chối, vé máy bay đã quá đắt rồi và hơn nữa cô ấy còn muốn bán đồ cho chúng tôi, tôi không biết tại sao! Tim cười, cô ấy giải thích cho tôi rằng nó được tính trong tiền vé của chuyến bay rồi.
Qua bên đó, chúng tôi được ở trong ngôi nhà của một ân nhân người Việt. Ông ấy đang nằm viện và cho phép chúng tôi ở trong ngôi nhà của ông ấy, ngôi nhà nằm trong một khu phố có tên Villeurbanne.
Chúng tôi qua Lyon để cải thiện kỹ thuật vẽ tranh, một xưởng thiết kế tạo mẫu trên vải đã tiếp đón chúng tôi. Vậy là chúng tôi ở lại đây ba tháng. Chuyện đi xe buýt là một trải nghiệm rất thực tế trong cuộc đời tôi. Ngày đầu tiên, Tim cùng chúng tôi đến xưởng vẽ. Tim đã giải thích và hướng dẫn cho chúng tôi làm như thế nào để xác định được trạm dừng để lên và xuống. Cô ấy ở lại cùng chúng tôi cả buổi sáng và quay về vào buổi trưa để sắp xếp các công việc khác.
Buổi tối khi quay về nơi ở của mình, chúng tôi không thể nào nhớ nổi số xe buýt để đi. Tổng cộng chúng tôi đã lên và xuống sáu lượt xe khác nhau. Chúng tôi đã bị lạc.
Chúng tôi không quen với giờ giấc mua sắm ở châu Âu. Ở Việt Nam, chúng tôi có thể mua đồ bất cứ lúc nào cũng được tại một cửa hàng nhỏ hay một xe đẩy bên lề đường. Nhưng ở Pháp, thật là khó tìm thức ăn và rất mắc. Khi Tim muốn chúng tôi mua những bánh ngọt và bánh pizza tại những cửa hàng bánh Âu, chúng tôi liền từ chối ngay lập tức. Chúng tôi thích đi mua đồ ăn tại cửa hàng người châu Á và nấu ăn tại nhà, như vậy sẽ rẻ hơn nhiều.
Chúng tôi cũng tự đi đến Chamonix, lên núi để khám phá tuyết. Chúng tôi rất thích tuyết và chưa bao giờ được thấy tuyết trước đó. Nhi và tôi đã tự làm những viên đá tuyết để chơi như những đứa trẻ con. Những người qua đường cũng phải ngạc nhiên. Khi tôi gặp khó khăn, họ liền đến giúp đỡ.
Ba tháng trôi qua thật nhanh, đã đến lúc chúng tôi quay về lại Việt Nam và chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm sau khóa học tập tại Pháp.
Mười sáu năm sau khi gặp tai nạn, con trai tôi đã chủ động tìm tôi. Cậu ấy học ở Sài Gòn nên cậu cũng đến thăm tôi thường xuyên. Sau khi tốt nghiệp con trai tôi quay về Huế, chúng tôi vẫn tiếp tục giữ liên lạc. Cậu ấy đã trở thành nhạc công, nhưng con trai tôi không phải là một đứa trẻ ngoan. Tôi đã không bên cạnh con nên con thiếu đi sự quan tâm và dạy dỗ của một người cha.
Hôm nay tôi vẫn tiếp tục công việc vẽ của mình tại Trung tâm Chắp Cánh (nơi đào tạo nghề – BBT). Buổi tối, tôi quay về nhà của tôi ở Làng May Mắn (trường tiểu học, căn hộ cho những người khuyết tật thuê…– BBT), một trong những căn hộ được thiết kế phù hợp cho người khuyết tật với người vợ mới của mình. Tôi luôn tận dụng thời gian để chơi bóng rổ trong sân của Làng May Mắn. Ở đây tôi không bao giờ thấy buồn chán nữa vì xung quanh tôi luôn luôn có những người anh em, người bạn cùng cảnh ngộ bên cạnh mình.