ĐẠI SƯ TINH VÂN
Trích: Pháp Môn Hạnh Phúc; Nguyễn Phố dịch; NXB. Lao Động
Có một lần tôi đến Nhật Bản xem Đông Chiếu Thần cung, thấy trên đòn đồng có chạm khắc ba con khỉ: Một con che mắt, một con bịt tai, một con bưng miệng. Tôi bỗng hiểu ra rằng ba con khỉ này tượng trưng cho một triết lý nào đó. Vậy đó là triết lý gì?
Cảm quan của con người gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, hàng ngày không ngừng theo bám ngoại vật, phân biệt thế giới hư ảo bên ngoài, do đó sinh ra nhiều phiền não. Nếu chúng ta có thể trở về với tự tâm và không để cho cái tâm ấy biến động theo cảnh, thì cái không đáng nhìn không nhìn, điều không dáng nghe không nghe, việc không đáng nói không nói. Điều này cũng giống như Khổng Tử nói: “Không đúng lễ không nhìn, không đúng lễ không nghe, không đúng lễ không nói, không đúng lễ không sờ”, tức là có thể khiến cho tâm của chúng ta không bị tham sân si làm ô nhiễm. Như vậy, hành vi sẽ không dẫn đến sai lầm, phiền não cũng sẽ tự nhiên giảm bớt.
Đức Phật từng nói con người có hai mươi cái khó, cái khó thứ nhất là “không nói đúng sai, khó”. Thánh nhân lấy “giữ kín miệng, ít nói, không lan truyền” làm phương châm cho trí tuệ, tức muốn nói cho chúng ta biết rằng không nghe, không lan truyền, không nói, không để ý đến đúng sai, thì tự nhiên có thể xa rời sự ràng buộc của thị phi phiền não.
Làm thế nào để xa rời thị phi phiền não?
- Tai họa do ở chỗ có lo phòng trước hay không. Chúng ta thường nói: “Người không lo xa, ắt có buồn gần”. Trong bài “Kinh Khế” của nhà thơ Đỗ Tuân Hạc thời Văn Đường có viết: “Kinh Khê thạch hiểm nhân cánh thận, chung tuế bất văn khuynh phúc nhân; khước thị bình sa vô hiểm xứ, thời thời văn thuyết hữu trầm luân.” (Đá hiểm sông Kinh người thận trọng, suốt năm chẳng thấy có người chìm, nhưng tại dòng bằng không nguy hiểm, luôn luôn nghe nói bị chết chìm). Điều này chính là để nhắc nhở chúng ta biết “trữ lúa phòng đói, trữ áo phòng lạnh” (tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn), có phòng bị không lo tai họa. Người xưa, trong những năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu phần lớn đều có tích trữ lương thảo để đề phòng việc mùa màng thất bát đột nhiên xảy đến. Chúng ta cũng nên luôn luôn có ý thức để tâm lo nghĩ đến họa hoạn, cần có kế hoạch dự trù trước cho tương lai, mới có thể giảm thiệt hại tối thiểu nếu có họa hoạn xảy ra.
- Thị phi do ở chỗ là người có trí hay không. Trong chú sở kinh “Dược Sư” có đưa ra một ví dụ: Có hai con mãnh hổ tình cảm rất khăng khít, tên gọi là “Cắn giỏi” và “Bắt giỏi”, thường ngày chúng cùng làm bạn đi bắt động vật để ăn thịt. Có một con cáo xảo trá chuyên đến gần để kiếm thức ăn thừa của hai con hổ. Con cáo lo sợ có ngày hai con mãnh hổ có thể hợp sức lại để đối phó với mình thì nguy, nên thường phao tin đồn nhảm có ý phân biệt đối với hai con hổ để ly gián tình cảm của chúng, nhân đó hai con hổ xem nhau như thù địch. Về sau, con hổ có tên “Bắt giỏi” bình tĩnh phân tích trước sau một cách chí lý, vạch trần sự khích bác của con cáo mới có thể hóa giải sự hiểu lầm giữa chúng. Do đó, khi nghe lời thị phi chúng ta cần dùng trí tuệ để phán đoán mới có thể thoát khỏi họa hoạn của thị phi.
- Thất bại do ở chỗ có mưu kế hay không. Thành bại của một sự việc được quyết định bởi chương trình sách lược đã dự thảo trước đó của chúng ta. “Sách lược vạch ra trong trưởng mạc (trưởng mạc: là một khái niệm trong Phật giáo), quyết định chiến thắng ngoài ngàn dặm”, tức là nói người giỏi vạch kế hoạch sự việc ắt thành công. Trái lại, làm việc cẩu thả, không vạch kế hoạch đầy đủ trước khi làm, chắc chắn sẽ thất bại. Sở dĩ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ chính là nhờ Trương Lương có mưu kế hoàn hảo. Nếu làm việc có kế hoạch trước, thì tránh được sự thất bại và nghênh đón sự thành công.
- Phiền não do ở chỗ có quán chiếu hay không. Khi phiền nào sản sinh, “đưa ra chánh niệm” là phương pháp tốt nhất. Có thể từ trong phiền não mê mờ mà nhìn rõ sự lý, soi rõ tư duy, rồi hiểu rõ mà phản tỉnh, sám hối, thừa nhận sai lầm, tự nhiên phiền não tiêu tán. Trong “Đại Huệ Phổ Giác Thiền sư ngữ lục” có nói: “Liếc nhìn là bệnh, không nhìn thêm nữa là thuốc, không sợ niệm khởi, chỉ ngại biết trễ.” Cho nên, không cần phải khiếp sợ phiền não, điều quan trọng là cần có sức quán chiếu, có sức quán chiếu thì có thể phá vỡ phiền não, xa rời phiền não.
Thị phi, phiền não, thất bại, họa hại của cuộc đời luôn luôn phát sinh trong mọi sinh hoạt của chúng ta, ta chỉ có dựa vào trí tuệ của mình để đưa ra những phán đoán thận trọng hợp lý trước mọi sự để thoát khỏi sự ràng buộc của thị phi phiền não.
Lời trích từ sách “Thái căn đàm”
Dùng chìa khóa của khoan dung để mở cánh cửa lòng chật hẹp,
Dùng kiếm sắc của trí tuệ để chặt đứt sợi dây tình của phiền não,
Dùng phương thuốc của lòng yêu thương để bồi bổ đau khổ của vết thương,
Dùng pháp thủy của hoan hỷ để tưới thấm cho cuộc sống ưu phiền.