SƯU TẦM
HIẾU LÀ NỀN TẢNG ĐỨC HẠNH CỦA CON NGƯỜI
Từ ngàn xưa, ca dao của người Việt Nam vẫn có những câu nói về cách hành xử của con cái đối với cha mẹ: “Mẹ già ở túp lều tranh / Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con” hay “Đêm đêm khấn nguyện Phật Trời / Cầu cho cha mẹ sống đời với con” cho thấy trong nhân cách của người Việt ta, lòng hiếu đối với cha mẹ là một điều rất căn bản. Hiếu chính là cách hành xử đúng mực đối với người mình đã thọ ơn. Người Việt tiếp thu cả học thuật Trung Hoa và tư tưởng Phật giáo từ hơn hai ngàn năm qua, hai nguồn văn hóa này đều đề cao hiếu đạo. Đặc biệt, hiếu đạo trong quan điểm Phật giáo hết sức thực tiễn, quan tâm đến con người với tư cách là một cá thể tự do có năng lực tự giải thoát khỏi mọi vướng mắc của tham sân si chứ không tìm cách gò con người vào trong khuôn khổ cứng nhắc của các định chế xã hội có giá trị tuyệt đối. Tiếc rằng trong quá trình tiếp xúc với văn minh phương Tây, có lúc những giá trị nền tảng của người Việt, trong đó có hiếu đạo, đã bị xã hội lơ là, dẫn đến tình trạng trên không ra trên dưới không ra dưới như hiện nay. Việc đề ra các chương trình phòng chống tội phạm lấy gia đình làm hạt nhân mang tính cách kỹ thuật mà không dựa vào nền tảng hiếu đạo có thể cũng có kết quả nhưng e rằng không bền vững và thiếu chiều sâu. Vì thế, việc xây dụng hiếu đạo trong quá trình hình thành nhân cách con người là điều cần được tính đến một cách căn bản. Ở đây, chúng ta nên tìm hiểu về hiếu đạo của người con Phật.
HIẾU LÀ NỀN TẢNG ĐỨC HẠNH CỦA XÃ HỘI
Xã hội không chỉ là một tập hợp những cá nhân riêng lẻ mà phải là một cộng đồng chia sẻ với nhau những giá trị văn hóa đạo đức chung. Có một sự nối kết giữa các chúng sinh theo lời Đức Phật nói trong kinh Tương ưng, “Này các Tỳ-kheo, sữa mẹ mà các thầy đã uống trong suốtquá trình luân hồi nhiều hơn nước trong bốn biển”. Nước ở trong bốn biển thì biết bao nhiêu mà kể, vậy mà sữa mẹ ta đã uống từ suốt đời này qua đời khác còn nhiều hơn; nghĩa là quá trình luân hồi của mọi chúng sinh là không thể tính đếm được và mọi chúng sinh đều đã từng là quyến thuộc của nhau; nhưng đặc biệt, những chúng sinh ở trong cùng một quốc độ thì có những căn bản giá trị chung. Mọi cá nhân trong một cộng đồng đều phải nương gá vào nhau mà tồn tại và phát triển. Các cộng đồng cũng phải tập hợp thành xã hội, quốc gia; tất cả đều hiện hữu nhờ vào đất đai, sông suối, lùm rừng, các hệ động vật thực vật, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, khí quyển… do đó, mọi cá nhân hiện hữu tồn tại và phát triển đều phải biết đến ba ơn lớn là ơn cha mẹ, ơn quốc gia xã hội và ơn chúng sinh. Với người con Phật, chúng ta còn có ơn Tam bảo, gọi chung là Tứ trọng ân. Với tất cả những ơn trên, con người đều phải biết đền ơn, biết cách hành xử đúng mực, nghĩa là phải có lòng hiếu. Từ quan niệm đó, ngoài lòng hiếu đối với cha mẹ, người Phật tử còn nói đến hiếu với chúng sinh, với quốc gia xã hội, nghĩa là có thể nói đến hiếu với dân. Từ đây, người ta đã mở rộng quan niệm hiếu đạo. Do vậy mà có thể nói đến trung với nước và hiếu với dân như một nền tảng đức hạnh của xã hội.
Ở bình diện xã hội, tất nhiên mọi người đều phải hiếu với dân, nhưng đặc biệt, những kẻ là công bộc của dân, những người thay mặt dân hành xử quyền cai trị, chính là thành phần cần phải quan tâm đến lòng hiếu này hơn cả. Ở đây, người công bộc thể hiện lòng hiếu với dân phải gần dân, gắn bó với dân, kính trọng và học tập dân, lấy dân làm gốc, chăm lo đến việc hiểu rõ dân tâm, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, nhờ đó mà có thể thực hành việc lãnh đạo dân, cai trị dân, phục vụ dân một cách sáng suốt và hữu hiệu.
XÂY ĐẮP MỘT XÃ HỘI HIẾU HẠNH
Hiếu vốn là nền tảng đức hạnh của cá nhân và của xã hội. Với những con người có hiếu với cha mẹ, xã hội sẽ có được những con người có hiếu với dân. Khi ấy, việc xây đắp một xã hội hiếu hạnh không phải là điều khó. Một xã hội hiếu hạnh thì sẽ không có hiện tượng đối xử với nhau bằng bạo lực, sẽ không sợ tao loạn; thay vào đó là việc cùng nhau xây dựng các cộng đồng an lạc, hòa bình.
Xét trong lịch sử dân tộc, có thể thấy một xã hội hiếu hạnh rất gần với người Việt, nhưng nếu ngay từ bây giờ, chúng ta không chú tâm gieo rắc và ươm mầm hạnh hiếu theo quan kiến nhà Phật trong lòng giới trẻ thì có thể mãi mãi xã hội ấy đối với chúng ta chỉ là không tưởng.
Bình luận
[…] XÂY ĐẮP MỘT XÃ HỘI HIẾU HẠNH […]