Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG LÀ TẤT CẢ

DEEPAK CHOPRA

Trích: Cuốn sách của những bí mật; Deepak Chopra; Thế Anh dịch; NXB Hồng Đức;2021

VỀ TÁC GIẢ

Deepak Chopra sinh ngày 22 tháng 10 năm 1946) là một tác giả người Mỹ gốc Ấn Độ, diễn giả cộng đồng, người ủng hộ y học thay thế và là một nhân vật nổi bật trong phong trào Thời đại mới . Thông qua sách và video, ông đã trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng và giàu có nhất trong ngành y học thay thế.

Chopra đã nghiên cứu y học ở Ấn Độ trước khi di cư sang Hoa Kỳ vào năm 1970, nơi ông đã hoàn thành việc cư trú trong nội khoa và nội tiết. Là một bác sĩ được cấp phép, ông trở thành chánh văn phòng tại Bệnh viện Tưởng niệm New England (NEMH) năm 1980. Ông gặp Maharishi Mahesh Yogi vào năm 1985 và tham gia vào phong trào Thiền Siêu Việt (TM). Ông đã từ chức vị trí của mình tại NEMH ngay sau đó để thành lập Trung tâm Y tế Maharishi Ayurveda . Chopra đã đạt được một số lượt theo dõi vào năm 1993 sau khi ông được phỏng vấn trên The Oprah Winfrey Show về những cuốn sách của mình. Sau đó, ông rời khỏi phong trào TM để trở thành giám đốc điều hành của Trung tâm y tế cơ thể của Sharp HealthCare và vào năm 1996, ông đồng sáng lập Trung tâm chăm sóc sức khỏe Chopra. 

Chopra tin rằng một người có thể đạt được “sức khỏe hoàn hảo”, một tình trạng “không mắc bệnh, không bao giờ cảm thấy đau đớn” và “không thể già hay chết”. Thấy cơ thể con người bị một “cơ thể lượng tử” bao gồm không phải là vật chất mà là năng lượng và thông tin, ông tin rằng “sự lão hóa của con người là chất lỏng và có thể thay đổi, nó có thể tăng tốc, làm chậm, dừng lại trong một thời gian, và thậm chí đảo ngược chính nó, “như được xác định bởi trạng thái tâm trí của một người. Ông tuyên bố rằng các thực hành của mình cũng có thể điều trị bệnh mãn tính. 

Những ý tưởng mà Chopra thúc đẩy đã thường xuyên bị các chuyên gia y tế và khoa học chỉ trích là giả khoa học . Lời chỉ trích này đã được mô tả là từ “từ chối [đến] gây tổn hại”. Triết gia Robert Carroll tuyên bố Chopra cố gắng tích hợp Ayurveda với cơ học lượng tử để biện minh cho giáo lý của mình. Chopra lập luận rằng cái mà ông gọi là ” chữa bệnh lượng tử ” chữa khỏi mọi căn bệnh, kể cả ung thư, thông qua các hiệu ứng mà ông tuyên bố theo nghĩa đen dựa trên các nguyên tắc giống như cơ học lượng tử. Điều này đã khiến các nhà vật lý phản đối việc ông sử dụng thuật ngữ lượng tử liên quan đến các điều kiện y tế và cơ thể con người. Nhà sinh vật học tiến hóa Richard Dawkins đã nói rằng Chopra sử dụng “biệt ngữ lượng tử như là sự tập trung âm thanh hợp lý”. Các phương pháp điều trị của Chopra thường không gợi ra gì ngoài phản ứng giả dược , và đã đưa ra những lời chỉ trích rằng những tuyên bố không chính đáng được đưa ra cho họ có thể làm tăng “hy vọng sai lầm” và lôi kéo người bệnh khỏi các phương pháp điều trị y tế hợp pháp.

DEEPAK CHOPRA

DEEPAK CHOPRA

——-???——-

Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG LÀ TẤT CẢ

Liệu chúng ta đã gần trả lời được câu hỏi “Ý nghĩa của cuộc sống là gì?” chưa? Hãy thử tưởng tượng xem ai đó đã trả lời được câu hỏi này. Dù trực tiếp hay gián tiếp thì đa số câu trả lời truyền thống đều sẽ phổ biến với tất cả mọi người; ý nghĩa cuộc sống thường xuất hiện với một mục đích cao cả, chẳng hạn như:

Vinh danh Thượng đế

Vinh danh sự sáng tạo

Yêu thương và được yêu thương

Sống thật với bản thân

Cũng như với rất nhiều câu hỏi tâm linh khác, tôi nhận lấy việc kiểm chứng những câu trả lời là rất khó. Nếu một người có công việc tốt, chăm sóc gia đình, tuân thủ luật pháp, thì đó là ví dụ điển hình về việc vinh danh Thượng đế hay sống thật với bản thân? Trong những thời khắc khủng hoảng, liệu ý nghĩa cuộc sống có thay đổi không? Có lẽ đó là tất cả những gì một người có thể làm để sống thoải mái và thực sự hạnh phúc khi gặp khủng hoảng.

Một cách để kiểm chứng câu trả lời cho câu hỏi “Ý nghĩa của cuộc sống là gì?” là viết câu hỏi ra giấy, dán kín trong phong bì và gửi đến cho một ngàn người ngẫu nhiên. Nếu câu trả lời là đúng thì bất kỳ ai mở phong bì ra cũng sẽ nhìn thấy những gì được viết và nói “Vâng, bạn nói đúng. Đó chính là ý nghĩa của cuộc sống”. Một cô dâu trẻ hồi hộp sẽ đồng ý với điều này vào ngày kết hôn của cô. Một cụ già bị bệnh nặng cũng sẽ đồng ý khi nằm trên giường hấp hối. Những người luôn đấu tranh với nhau vì sự khác biệt chính trị hay tôn giáo cũng sẽ đồng ý. Tương tự như thế là những người có tâm trí hòa hợp với nhau.

Tuy nhiên, đây dường như là một phép thử bất khả thi, bởi lẽ chắc chắn không có câu trả lời nào có thể thỏa mãn tất cả mọi người. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tờ giấy được bỏ trống hoặc được viết rằng: “Ý nghĩa của cuộc sống là tất cả”? Trong thực tế duy nhất thì đó không phải là những câu trả lời khôn ngoan mà là rất gần gũi với nhau trên khía cạnh nói lên chân lý. Mảnh giấy để trống cho thấy rằng cuộc sống tràn đầy tiềm năng và chỉ chờ ai đó định hình chúng thành một hình dạng cụ thể. Ý nghĩa của sự tràn đầy tiềm năng chính là cuộc sống luôn rộng mở vô tận. Tương tự như thế, việc nói rằng ý nghĩa cuộc sống là tất cả cho thấy cuộc sống không loại bỏ bất kỳ ai và bất kỳ điều gì. “Tất cả” là một cách nói khác để bao hàm những tiềm năng vô tận.

Cuộc sống không chấp nhận sự hạn chế. Dù muốn vũ trụ phản ánh ý nghĩa gì thì vũ trụ đều chiều theo ý bạn. Ở châu Âu thời Trung cổ, con người muốn vũ trụ phản ánh niềm tin mãnh liệt của họ vào Thiên Chúa ba ngôi; trong cùng thời kỳ đó, con người ở Ấn Độ lại muốn vũ trụ phản ánh vũ điệu bất tử của thần Shiva. Bất kỳ khi nào Hồi giáo thể hiện sức mạnh thì vũ trụ đều được kỳ vọng sẽ phản ảnh ý chí của Allah. Hiện tại thì những người theo thuyết bất khả tri kỳ vọng vũ trụ sẽ phản ánh những nỗi nghi ngờ và lăn lộn của chính họ; do đó, vũ trụ dường như chỉ là một vụ nổ hỗn độn bắt đầu với Big Bang. Rất nhiều tín đồ tôn giáo chấp nhận thực tế này, ngoại trừ những khi vũ trụ phản ánh một cách yếu đuối năng lực của một đấng tạo phép mầu.

Nếu tìm cách hạn chế sự phản ánh của vũ trụ trong khuôn khổ một thứ gì đó đơn nhất thì bạn cũng sẽ tạo ra ranh giới cho cuộc sống của chính mình. Thực tại cũng giống như tấm gương hai chiều, vừa phản ánh hình ảnh của bạn, vừa cho thấy những gì nằm ở phía bên kia. Hệ quả qua lại này là tất yếu vì vũ trụ không xử lý một nhóm dữ kiện duy nhất. Trong vai trò người quan sát, bạn mang nhận thức của mình về thực tại vào sự hiện hữu. Hãy để tôi nêu lên một ví dụ về cơ chế hoạt động của tấm gương hai chiều trong lĩnh vực y khoa.

Việc cơ thể con người có thể được chữa lành theo nhiều cách khác nhau dường như là điều rất khó hiểu. Nếu chọn một căn bệnh bất kỳ, chẳng hạn như ung thư, bạn sẽ nhìn thấy một lịch sử liên quan đến căn bệnh đó. Ví dụ, ung thư vú hiện có tỉ lệ sống sót khá cao so với lần đầu tiên sự bất thường được phát hiện ở các tế bào. Nhiều phụ nữ mắc bệnh sẽ rơi vào vùng biểu đồ có tỉ lệ sống sót cao. Như một bác sĩ chuyên khoa ung thư từng nói cách đây vài năm thì ung thư là một trò chơi với các con số. Một thống kê sẽ giúp bạn biết được ở độ tuổi nào căn bệnh này dễ xảy ra nhất. Phản ứng của khối u trước các hình thức xạ trị và hóa trị liên tục được ghi nhận. Với những dữ kiện như vậy, ngành y khoa bắt đầu tìm kiếm một phương pháp chữa trị hiệu nghiệm. Nếu phương pháp ấy chưa được tìm thấy thì khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu cho đến khi thành công.

Tuy nhiên, ngoài phạm trù thống kê đơn thuần thì những điều kỳ lạ luôn xảy ra. Trong trải nghiệm y khoa của riêng mình, tôi đã từng gặp gỡ một số bệnh nhân:

  • Một phụ nữ trẻ nói với tôi rằng mẹ cô, vốn sống trong một nông trại ở vùng xa xôi, có một khối u lớn trong ngực nhưng bà nói rằng mình quá bận để có thể đi điều trị. Bà vẫn sống hơn 10 năm mà không cần đến sự can thiệp y tế.
  • Một phụ nữ cảm nhận được khối u nặng nề ở ngực và quyết định sẽ tìm cách tưởng tượng như cảm giác ấy không tồn tại. Cô hình dung thấy một nhóm bạch cầu đang tràn xuống như tuyết lở để nhận chìm khối u. Sau khi thực hiện phép hình dung này trong 6 tháng thì khối u của cô đã biến mất.
  • Một phụ nữ với khối u lớn đã quyết định xuất viện chỉ một ngày trước khi cuộc phẫu thuật diễn ra vì cô không muốn đón nhận trải nghiệm của mình bằng nỗi sợ hãi và hoảng loạn. Cô quay trở lại nhiều tháng sau đó khi cảm thấy tự tin về khả năng sống sót của mình hơn. Cuộc phẫu thuật thành công tốt đẹp và cô đã sống sót.

Mọi bác sĩ đều từng đối diện với khía cạnh đối nghịch của thực tại, có những người phụ nữ qua đời rất nhanh sau khi đón nhận tin tức về số lượng nhỏ các tế bào ác tính. (Trong một số trường hợp, các tế bào chỉ hơi dị thường, tức là chúng có thể vô hại, nhưng ở một số phụ nữ thì những tế bào dị thường có thể nhanh chóng chuyển thành khối u. Hiện tượng được ghi nhận từ cách đây khá lâu bằng tên gọi “cái chết từ kết quả chẩn đoán”). Tôi không đưa ra khuyến nghị về cách tiếp cận bệnh ung thư, nhưng chỉ nhận định rằng căn bệnh dường như phản ánh niềm tin của bệnh nhân dành cho nó. Một nghiên cứu hiện rất nổi tiếng của David Siegel ở Stanford đã chọn một nhóm phụ nữ bị ung thư vú giai đoạn cuối và chia họ thành hai nhóm. Một nhóm được chăm sóc y tế trong điều kiện tốt nhất, cho dù trong thời điểm ấy thì điều này mang lại hiệu quả rất ít. Nhóm còn lại họp mặt mỗi tuần một lần và chia sẻ những cảm xúc của họ về việc bị mắc bệnh. Điều này cũng đã tạo ra một kết quả đáng ghi nhận. Chỉ sau hai năm, tất cả những người sống sót lâu dài đều thuộc về nhóm thứ hai. Tỉ lệ sống sót nhìn chung ở nhóm đó cũng cao gấp đôi so với nhóm không trao đổi thẳng thắn về cảm xúc của mình. Nói tóm lại, những người phụ nữ dám đối đầu với cảm xúc của mình có thể làm thay đổi hình ảnh phản chiếu trong gương.

Cơ thể con người vận hành với hai bộ điều khiển. Nếu bạn chữa lành cho cơ thể từ bên ngoài bằng các phương tiện vật chất thì cơ thể sẽ phản ứng lại. Nếu bạn chữa lành cho cơ thể từ bên trong bằng các phương tiện cảm xúc thì cơ thể cũng sẽ phản ứng lại. Làm thế nào việc trò chuyện về những cảm xúc của bạn lại tạo ra hiệu quả tương đương (hoặc thậm chí cao hơn) như khi sử dụng thuốc trị ung thư? Câu trả lời là do nhận thức luôn chọn hai con đường. Nó vừa mở rộng một cách khách quan như vũ trụ hữu hình, vừa chủ quan như các sự kiện diễn ra trong tâm trí. Cả hai đều chỉ là một tâm thức duy nhất. Tâm thức duy nhất cũng đeo hai chiếc mặt nạ, thể hiện với thế giới “ngoài kia” và thế giới “trong này.” Do đó, các cảm xúc xuất hiện ở một bệnh nhân ung thư giao tiếp với cơ thể cũng giống như các phân tử của thuốc.

Hiện tượng ấy giờ đây không có gì là đặc biệt nữa – tất cả các loại thuốc tâm trí – thể xác đều dựa trên sự khám phá ra các “phân tử sứ giả” bắt nguồn từ bộ não như suy nghĩ, niềm tin, ao ước, sợ hãi và khát khao. Kết quả đột phá sẽ diễn ra khi thuốc không còn ghi nhận công lao của các phân tử. Khi Mozart muốn sáng tác một bản giao hưởng mới thì ý định của ông sẽ làm gợi lên những chức năng cần thiết của bộ não. Sẽ rất kỳ lạ khi nói rằng bộ não của Mozart muốn sáng tác nhạc giao hưởng trước, sau đó tạo ra các phân tử sứ giả để truyền thông tin này cho ông. Nhận thức luôn xuất hiện đầu tiên, sau đó đến những phóng chiếu của nó, cả chủ quan lẫn khách quan.

Điều này mang chúng ta đến với một nguyên tắc mới vốn hết sức quan trọng, gọi là “sự tương thuộc phát sinh đồng thời” (simultaneous interdependent co-arising). Đồng thời là vì điều này không làm phát sinh điều kia. Tương thuộc là vì mỗi khía cạnh đều được điều phối qua lại với nhau, và mỗi phần tách biệt đều bắt nguồn từ cùng một nguồn gốc.

Khi Mozart muốn sáng tác nhạc giao hưởng thì mọi thứ liên quan đến năng lực sáng tạo của ông sẽ diễn ra một cách đồng thời: ý tưởng, các nốt nhạc, âm thanh trong trí não, các hoạt động cần thiết của hệ thần kinh, các tín hiệu truyền xuống tay khi ông viết nhạc. Tất cả những thành phần như vậy được tổ chức trong một trải nghiệm duy nhất và chúng phát sinh cùng nhau. Sẽ là sai lầm nếu nói rằng điều này làm phát sinh điều kia.

Nếu một thành phần không diễn ra đúng trình tự thì toàn thể dự án sẽ phá sản. Nếu Mozart cảm thấy căng thẳng thì trạng thái cảm xúc của ông sẽ làm cản trở âm nhạc. Nếu Mozart kiệt sức thì sự mệt mỏi cũng sẽ làm cản trở âm nhạc. Chúng ta có thể nghĩ đến hàng trăm cách mà sự rối loạn có thể gây hại cho bức tranh tổng thể: Mozart có thể gặp trở ngại trong hôn nhân, bị đột quỵ hay bệnh tim, bị cản trở trong quá trình viết nhạc, bị xao nhãng bởi tiếng ồn.

Sức sáng tạo được tránh khỏi tình trạng hỗn loạn bởi sự phát sinh đồng thời.

Vũ trụ quá gần gũi và tương đồng với tâm trí con người đến mức không thể phớt lờ nó. Điều này giống như thể vũ trụ đang trình diễn một tiết mục lạ lùng của các thiên hà xuất hiện từ hư không chỉ để trêu đùa chúng ta. Chẳng có lý do gì một quá trình kéo dài hàng tỉ năm ánh sáng và mở rộng với tốc độ khó tin để tạo ra hàng tỉ tỉ vì sao lại đạt đến đỉnh điểm chỉ vì sự xuất hiện của DNA con người. Tại sao vũ trụ cần chúng ta ngắm nhìn sự kỳ diệu của nó? Có lẽ là do thực tại muốn như thế: Màn trình diễn đang hé mở của vũ trụ tồn tại đồng thời với tâm trí con người, một phương tiện được điều chỉnh hòa hợp đến mức có thể kết hợp với bất kỳ cấp độ nào của tự nhiên. Chúng ta chính là những khán giả tối thượng. Không điều gì có thể vượt qua chúng ta, dù nhỏ hay lớn.

Bây giờ thì một câu trả lời phi thường đang bắt đầu xuất hiện: Có lẽ chúng ta đang tự mình thực hiện toàn bộ màn trình diễn. Ý nghĩa của cuộc sống là tất cả, bởi lẽ chúng ta không đòi hỏi gì khác ngoài việc vũ trụ là sân chơi của chúng ta.

Vật lý lượng tử đã từ lâu thừa nhận rằng người quan sát là yếu tố then chốt trong mọi quan sát. Điện tử sẽ không có vị trí cố định trong không gian trừ khi ai đó tìm kiếm nó, khi đó thì điện tử sẽ xuất hiện ở đúng nơi mà nó đang được tìm kiếm. Trước khoảnh khắc đó thì điện tử tồn tại như một sóng tiềm năng trôi nổi khắp nơi trong không gian. Sóng này có thể trở thành một hạt ở bất kỳ đâu. Mỗi nguyên tử đơn lẻ trong vũ trụ đều có thể được định vị ở rất xa hoặc rất gần.

Vũ trụ đang vận hành với một chiếc công tắc chỉ có hai vị trí, Bật và Tất. “Bật” là thế giới vật chất với tất cả những sự kiện và đối tượng trong đó. “Tắt” là tiềm năng đơn thuần, là không gian thay đổi nơi các lượng tử ghé đến khi không có ai tìm kiếm chúng. Vị trí “Bật” chỉ có thể được kiểm soát bởi các phương tiện bên ngoài. Sau khi bật công tắc thì vũ trụ vật lý sẽ hành xử theo một số quy tắc nhất định. Tuy nhiên, nếu bạn chuyển sang vị trí “Tắt” thì vũ trụ có thể thay đổi để không còn phụ thuộc vào không gian hay thời gian. Không điều gì được xem là cố định không thể lay chuyển trong vị trí “Tắt,” bởi lẽ ở vị trí này thì không đối tượng nào tồn tại. Không điều gì là quá gần hay quá xa. Không điều gì bế tắc ở quá khứ, hiện tại hay tương lai. Vị trí “Tắt” là tiềm năng thuần túy. Ở đó, cơ thể của bạn là một tập hợp những khả năng đang chờ diễn ra, còn hiện tại cũng là những khả năng đã diễn ra hoặc có thể diễn ra. Ở vị trí “Tắt,” mọi thứ trong quá trình sáng tạo đều quy về một điểm, kỳ diệu thay, bạn lại sống ở chính điểm đó; đó chính là nguồn gốc của bạn.

Tuy nhiên, vị trí “Bật” và “Tắt” không tạo ra một bức tranh chính xác. Nếu thực tế vật lý tồn tại nhiều cấp độ thì thực tại phi vật lý cũng thế. Cơ thể của bạn là một đối tượng không trống rỗng, một cơn lốc xoáy của các nguyên tử, một cơn bão của các hạt hạ nguyên tử, và một bóng na của năng lượng, tất cả đều xuất hiện đồng thời. Những trạng thái này xuất hiện đồng thời, nhưng mỗi trạng thái lại hoạt động theo một nhóm những quy tắc khác nhau. Trong vật lý, các quy tắc này được gọi là “phân cấp hỗn độn” (tangled hierarchy). Từ phân cấp cho thấy các cấp độ được sắp xếp theo một trình tự nhất định. Cơ thể bạn không có nguy cơ phân rã thành các phần tử ngẫu nhiên, bởi lẽ trong hệ thống phân cấp thì các đối tượng luôn nằm đúng vị trí. Tuy nhiên, thực tế thì bạn là đám mây của các điện tử, là sóng tiềm năng và cũng là tất cả những gì tồn tại giữa hai phạm trù ấy.

Đó chính là vị trí “Bật”. Ở vị trí “Tắt”, sự hỗn độn vẫn tiếp diễn, nhưng hoàn toàn nằm ngoài tầm nhìn của chúng ta. Phạm trù hữu hình được chia tách theo những cách rất kỳ lạ. Ở một cấp độ nhất định thì mọi sự kiện đều được hòa lẫn vào nhau. Sự khởi đầu và kết thúc gặp nhau; không điều gì xảy ra mà không ảnh hưởng đến điều khác. Nhưng ở một cấp độ khác, một số sự kiện lại có tầm quan trọng hơn những sự kiện khác; một số chịu sự kiểm soát trong khi số khác lại tự do xuất hiện với quy luật nhân quả yếu ớt. Bằng phép loại suy, hãy nhìn vào tâm trí bạn: Một số suy nghĩ đòi hỏi bạn phải thực hiện ngay, trong khi số khác lại trôi qua như những ý thích bất chợt; một số tuân theo logic khắt khe trong khi số khác lại chỉ thuận theo những sự kết hợp lỏng lẻo. Các sự kiện trong vũ trụ chính là tập hợp lẫn lộn của những sự kiện tiềm năng. Nếu muốn thì bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về vị trí “Tắt” và bắt đầu tạo ra những sự kiện mình muốn. Tuy nhiên, bạn cần được chuẩn bị để đối diện với thuyết phân cấp hỗn độn, bởi lẽ mọi sự kiện mà bạn muốn thay đổi đều có dây mơ rễ má với mọi sự kiện khác. Mặc dù vậy thì vẫn có một số hoàn cảnh nhất định sẽ không bao giờ thay đổi.

——-???——-

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÁI SINH
  2. VŨ TRỤ SUY NGHĨ THÔNG QUA BẠN
  3. SỰ TỒN TẠI

Bài viết khác của tác giả

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NHÂN QUẢ
  2. THAY ĐỔI THỰC TẾ CỦA BẠN ĐỂ THÍCH ỨNG VỚI BÍ MẬT THỨ CHÍN
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN