Ý NGHĨA CỦA TRUNG ĐẠO

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Trích: Con Người Toàn Diện - Hạnh Phúc Toàn Diện; Văn Hóa Phật Giáo; THAIHABOOKS.

Con đường Bồ-tát là con đường của hai sự tích tập: tích tập công đức và tích tập trí huệ. Tích tập công đức là việc làm nằm trong vòng duyên sanh, nhân quả. Tích tập công đức là hoàn thiện trí huệ soi thấu tánh Không. 

Với Bồ-tát, hai sự tích tập này phải thông với nhau, đồng bộ dần dần cho đến mức hợp nhất. Ví dụ trong kinh Kim Cương, tích tập công đức là bố thí, nhẫn nhục, trang nghiêm cõi Phật, thuyết pháp, cứu giúp chúng sanh…, mọi hành động này đều phải tương ưng với trí huệ soi thấu tánh Không. 

Như vậy đây là con đường Trung Đạo của Bồ-tát, đi giữa một bên là duyên sanh, tạo nhân để thành quả, và một bên là tánh Không. Con đường Trung Đạo này đi giữa sanh tử (duyên sanh) và Niết-bàn (tánh Không). 

Trung Đạo của người hành Bồ-tát đạo là tạo lập, xây dựng công đức, là công việc ở trong nhân quả duyên sanh của sanh tử, nhưng không ở trong sanh tử vì đồng thời vẫn thể nhập tánh Không; và thể nhập tánh Không nhưng không lìa bỏ sanh tử, không lìa bỏ chúng sanh. Ở một cấp độ rất cao, Bồ-tát vẫn học tánh Không mà không chứng nhập tánh Không. (Học Không bất chứng, một phẩm của kinh Đại Bát-nhã). 

“Bồ-tát tuy hành môn tam muội giải thoát Không, nhưng trong đó không chứng vô tướng, không rơi vào hữu tướng. Vì sao thế? Bồ-tát này trí huệ sâu xa, thiện căn đầy đủ, nghĩ như thế này, ‘nay là lúc học không phải lúc chứng’…, vì Bồ tát không từ bỏ tất cả chúng sanh.” (Kinh Phật Mẫu Bát-nhã Ba-la mật-đa, phẩm Phương tiện thiện xảo.) 

Với sự tích tập công đức ở trong ba cõi sanh tử, Bồ- tát dần dần thành tựu Sắc thân, gồm Báo thân và Hóa thân. Với sự tích tập trí huệ tánh Không, Bồ-tát dần dần thành tựu Pháp thân. Khi hai sự tích tập ấy viên mãn, Bồ- tát đầy đủ cả ba thân, Pháp thân, Báo thân và Hóa thân viên mãn, và thành một vị Phật. 

Trung Đạo là đi giữa và hợp nhất sanh tử sanh diệt và Niết-bàn tánh Không. Sự hợp nhất này là “duyên sanh tức vô sanh” và “vô sanh mà duyên sanh”. Cuối cùng, Bồ tát chứng ngộ sanh tử sanh diệt là Niết bàn tánh Không, còn gọi là Vô trụ xứ Niết-bàn, như Trung Luận phẩm Quán Niết-bàn nói: 

Niết-bàn và thế gian 

Không mảy may phân biệt 

Thế gian và Niết-bàn 

Cũng không chút phân biệt.

Thật tế của Niết-bàn 

Và thật tế thế gian 

Cả hai thật tế ấy 

Không mảy may sai khác. 

Sự không mảy may sai khác vượt khỏi mọi có không này được các kinh gọi là tánh Như, Chân Như. Trong Kinh Đại Bát-nhã, tánh Không cũng tức là tánh Như, Chân Như, Nhất Tướng… Kinh Kim Cương nói: “Như Lai, đó là nghĩa Như của tất cả các pháp”. 

Tánh Không không phải là không có gì cả, mà là không có những vọng tưởng thấy sai lầm về thực tại, cho nên còn được gọi là tánh Như. Tánh Như là nghĩa Trung Đạo trong bài kệ của Ngài Long Thọ: 

Pháp các nhân duyên sanh – ta nói tức là Không – cũng gọi là giả danh – cũng là nghĩa Trung Đạo.” Chúng ta trích thêm một đoạn về tánh Như trong kinh Duy-ma-cật, phẩm Bồ-tát: 

“Làm sao ngài Di-lặc được thọ ký sanh một đời nữa thì thành Phật? Là theo Như sanh mà được thọ ký ư? Là theo Như diệt mà được thọ ký ư? Nếu vì Như sanh mà được thọ ký, thì Như không có sanh. Nếu do Như diệt mà được thọ ký, thì Như không có diệt. Tất cả chúng sanh đều là Như. Các thánh hiền cũng là Như. Cho đến ngài Di-lặc cũng là Như. Nếu ngài Di-lặc được thọ ký thì tất cả chúng sanh cũng phải được thọ ký. Tại sao như thế? Đã vốn là Như, thì không hai, không khác. 

Nếu Ngài Di-lặc đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì tất cả chúng sanh cũng phải đắc. Tại sao như thế? Tất cả chúng sanh là tướng Bồ-đề. Nếu ngài Di-lặc được diệt độ, thì tất cả chúng sanh cũng được diệt độ. Tại sao như thế? Chư Phật thấy biết tất cả chúng sanh rốt ráo tịch diệt, tức là tướng Niết-bàn, chẳng phải chờ đợi sự diệt độ nào nữa.”

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN SỰ CƯỜNG THỊNH CỦA ĐỜI TRẦN
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. TỰ DO, BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH