YÊU KẺ THÙ

VALERIE MASON - JOHN

Trích: Giải Thoát Thân Tâm- Detox Your Heart; Người dịch: Nguyên Tư Thắng; Nhà Xuất Bản Hồng Đức

???

Sự ghét bỏ là kẻ thù dích thực; nó là kẻ thù bên trong.

-Đức Dat lai Lat ma

Như chúng ta biết, khi khám phá nỗi tức giận, chúng ta tạo ra những thế giới trong tâm trí mình và chúng ta để người khác trở thành kẻ thù của mình. Chúng ta chọn không nhìn người chúng ta không thích khi gặp họ, chúng ta đưa ra những phán xét thiên vị dựa trên lời đồn đoán và những sự thật bị bóp méo, chúng ta quyết định khi nào thích ai và không thích ai. Lý trí là kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta.

Ý nghĩ của chúng ta là nguyên nhân gây ra nỗi đau cho mình. Ví dụ, nếu ai đó chúng ta yêu thương đột ngột chia tay chúng ta, chúng ta có thể chọn bắt đầu quá trình buông bỏ, chúc họ lời chúc tốt đẹp, rồi xây dựng lại cuộc sống và đi tìm niềm hạnh phúc mới. Hoặc chúng ta có thể tự nhủ rằng người này chưa thực sự ra đi, rằng họ sẽ quay trở lại – – sau đó, khi khao khát của chúng ta không được thỏa mãn, chúng ta cảm thấy đau đớn, tức giận, và ghét bỏ.

Sau khi người bạn trai quen nhau được 7 năm của một người bạn tôi chia tay cô, cô tức giận đến độ muốn trả thù. Cô thường ngồi một mình vào ban đêm và, dù cô biết cô cần khóc, cô đã kìm nén nó bằng thức ăn và rượu. Cô quá sợ nỗi đau của mình đến độ không thể nhìn nhận nó một cách bình tĩnh, nó làm cô choáng ngợp.

Khi thức ăn đồ uống không có tác dụng, cô hy vọng là anh ta bị tai nạn. Đôi khi cô cố hình dung ra nó, vì điều này làm cô cảm thấy khá hơn.

Mấy tháng sau đó, cô nghe tin anh ta bị tại nạn xe hơi. Cô rất bối rối, nhưng anh ta không chết và hồi phục hoàn toàn. Cô cũng bắt đầu hồi phục. Sự cố này đưa cô thoát khỏi sự tức giận và buộc cô đối mặt với nỗi đau của mình. Bị sốc bởi tại nạn, cô phải thừa nhận nỗi đau và nhận ra rằng mình không nhất thiết phải ghim giữ nó hoặc để người khác phải chịu đựng. Cô nhận ra mình có một sự chọn lựa: buông bỏ những ý nghĩ ghét bỏ hoặc giữ chúng lại bên mình. Cô có thể nhận trách nhiệm đối với cuộc đời của mình và bắt đầu quẳng đi nỗi oán giận và sự ghét bỏ người bạn trai cũ kia. Khi cô nhận ra điều này, tâm của cô nhẹ nhàng hơn, và sau vài tháng, đa phần nỗi tức giận trong cô đã tan biến.

Mọi thứ xảy ra trong tâm chúng ta. chúng ta phải biết rằng mình chịu trách nhiệm về mọi thứ, và rằng những trải nghiệm và cảm giác, người khác, và hoàn cảnh bên ngoài, không có chức năng gì ngoài hoạt động như một nút bấm khởi động.

“Tôi không có kẻ thù nào, cũng như tôi không có sự ghét bỏ nào” là một quan niệm phổ biến. Khi rèn luyện khám phá nỗi tức giận và xung đột, tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy mình nói một điều tương tự khi bước vào khám phá “tư duy kẻ thù”. Tôi tự thuyết phục mình rằng 12 năm thiền định đều đặn đã giúp tôi trừ diệt được mọi kẻ thù.

Suy ngẫm về điều này, tôi cười vang và cảm thán: “Mình nhận ra rằng chính mình khiến bạn bè trở thành kẻ thù của mình”. Tôi đột nhiên nhận ra rằng, khi bạn bè không cư xử theo kỳ vọng của mình, tôi đã nghĩ họ là những người tệ hại nhất trên thế giới. Chính chúng ta đã biến mọi người trở thành kẻ thù trong tâm trí của chúng ta.

Những người khác nói: “Tôi không có kẻ thù ngoài thủ tướng và tổng thống của nước tôi”. Đây là sự ghét bỏ. Nếu không có ông thủ tướng hoặc tổng thống nào để sự ghét bỏ bấu vào, nó thường tìm một kẻ thù khác. Sự ghét bỏ là độc tố và nó chỉ tồn tại khi nó gắn nó vào một điều gì đó. Nó có thể được thể hiện qua thái độ của chúng ta hoặc những người khác.

Ngay cả khi ai đó làm cho chúng ta trở thành kẻ thù, chúng ta vẫn có một chọn lựa là xem họ như là kẻ thù hoặc là bạn bè. Bạn bè sẽ giúp chúng ta động lòng trắc ẩn với họ, và sự tử tế sẽ tuôn trào. Nếu chúng ta thấy kẻ thù của mình là những thầy cô giáo thì chúng ta sẽ thấy mình còn rất nhiều việc phải làm, và cần nhiều chỗ cho nhiều sự tử tế hơn nữa trong tâm mình.

Trong Chương 4, tôi đã giới thiệu thiền định để vun bồi tâm từ ái. Giai đoạn 4 được gọi là giai đoạn “kẻ thù” hoặc “xung đột”. Tôi thường xuyên sử dụng nó để nuôi dưỡng tâm từ ái và giải phóng tâm mình khỏi nỗi tức giận, sự ghét bỏ, và nỗi sợ hãi. Bài thiền định này là một bài thuốc chữa lành hiệu nghiệm, giúp tôi thanh tẩy những ý nghĩ độc hại mà đôi khi tôi nhiễm phải. Thiền định đã mở rộng tâm của tôi để cho phép tình yêu và sự tử tế tuôn chảy vào. Nếu bạn không nghĩ mình đã sẵn sàng để đương đầu với giai đoạn kẻ thù, thì hãy quay trở lại bài thực hành phát triển sự tử tế và hài hoà dành cho chính mình. Đây là giai đoạn quan trọng nhất, vì chúng ta phải bắt đầu cảm nhận lòng trắc ẩn, tình yêu, và sự tha thứ hướng về chính mình trước khi có thể cảm nhận điều tương tự dành cho người khác.

Đó là lý do tại sao quan trọng là phải bắt đầu với bản thân mình trước khi thực hành bài thiền định này, sao cho chúng ta có thể phát triển những cảm giác tích cực trong tâm mình trước khi truyền đi sự tích cực tới người khác. Đừng bị cám dỗ bước vào giai đoạn kẻ thù mà chưa hoàn tất giai đoạn đầu của bài thiền định này. Bất kỳ khi nào kẻ thù xuất hiện trong tâm trí, quấy rồi bạn, thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần thực hành sự tử tế. Sẽ không thể nghĩ tử tế về ai đó nếu tâm bạn vẫn hung hãng và không được kiểm soát. Nếu cứ ôm giữ sự ghét bỏ kẻ thù của chúng ta, người mà chúng ta làm hại nhiều nhất là chính mình, chúng ta nên nhớ rằng thực hành tâm từ ái là vô cùng quan trọng. Nếu bạn chỉ có thời gian để thực hành một giai đoạn, hãy thực hiện giai đoạn thứ nhất, như được phác thảo ở phần trước.

? Thực hành: Phát triển tâm từ ai hương về kẻ thù

  • Đặt cuốn sách này xuống và an tọa trên ghế. Hãy đảm bảo là ghế này ngồi vừa vặn và thoải mái, và đôi bàn chân được đặt vững vàng trên sàn nhà. Dành thời gian để suy ngẫm về cảm giác của mình. Sau đó, ý thức về hơi thở. Bây giờ, một lần nữa, hãy thử nghiệm giai đoạn đầu tiên của việc thực hành tâm từ ái.
  • Bắt đầu giai đoạn đầu tiên của bài thiền, tập trung tinh thần. Hãy cầu cho chính mình được hạnh phúc và thoát khỏi nỗi đau. Khi bạn đã hoàn thành giai đoạn này, hãy bước vào giai đoạn xung đột.
  • Nhớ về người đã làm bạn tức giận hoặc thất vọng. Chọn một người bạn thích, nhưng đang có đôi chút xung đột trong thời gian này. Hãy tưởng tượng về họ, hoặc hình dung ra điều gì đó tượng trưng cho họ. Đừng quá theo đuổi những gì làm bạn tức giận. Những ý nghĩ này sẽ xuất hiện tự nhiên, nhưng chúng sẽ biến mất nếu bạn ngừng theo đuổi chúng. Sau một phút, hãy tự nhủ: “Cầu chúc họ có được hạnh phúc”, rồi hít thở và nhìn nhận cảm giác của mình. Sau đó, tự nhủ: “Cầu chúc họ được khỏe mạnh”, rồi tiếp tục hít thở và nhìn nhận cảm giác của mình. Sau đó, tự nhủ: “Cầu chúc cho họ thoát khỏi nỗi đau”, và thở ra. Hãy tiếp tục đọc những lời khẳng định trong khi hít thở đều đặn.
  • Sau 5 phút, hãy tập trung vào bản thân một lần nữa, và kết thúc bằng câu: “Cầu chúc tôi luôn có hạnh phúc, sức khỏe và được giải thoát khỏi mọi nỗi đau”, rồi kết thúc bài thiền định.

Nếu có thể thực hành bài này hàng ngày, nó sẽ giúp chuyển hoá tâm trí mình.

???

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LÒNG TRẮC ẨN LÀ THUỐC GIẢI
  2. SỰ TỬ TẾ DÀNH CHO NGƯỜI KHÔNG QUEN BIẾT
  3. MỞ LÒNG ĐỂ ĐÓN NHẬN

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH