SỰ SA MẠC HÓA TOÀN CẦU

MASANOBU FUKUOKA

Trích: Gieo Mầm Trên Sa Mạc – Làm nông tự nhiên phục hồi sự sống trên phạm vi toàn cầu và giải quyết căn bản vấn đề an ninh lương thực; Biên dịch: XanhShop; NXB. Tp. Hồ Chí Minh

“Cây cối là những kẻ bảo vệ đất”.

“Núi, sông, cỏ cây đều là Phật”.

Mặc dù bề mặt đất đai ở châu Âu và Hoa Kỳ nhìn thì có vẻ được bao phủ một màu xanh đáng yêu, nhưng nó chỉ là một màu xanh mô phỏng theo kiểu cảnh quan sắp đặt. Bên dưới bề mặt đó, đất đang kiệt quệ đi do kiểu thực hành nông nghiệp sai lần suốt hai nghìn năm qua.

Hầu hết đất châu Phi ngày nay vắng bóng cây, trong khi chỉ vài trăm năm trước thôi nơi này được bao phủ bởi những cánh rừng già. Theo Ủy ban nghiên cứu thống kê của Ấn Độ, thảm thực vật ở đó cũng đã biến mất nhanh chóng trong 45 đến 50 năm qua, và giờ đây chỉ bao phủ chưa tới mười phần trăm bề mặt của đất đai. Khi tôi tới Nepal, các nhà chức trách xã hội đã xót xa trước thực tế là trong hai mươi năm qua, dãy Himalaya đã trở thành những ngọn núi trọc lóc, chẳng còn cây cối.

Ở Philippines, trên các hòn đảo Cebu và Mindanao, có những đồn điền chuối đấy nhưng lại không có rừng, và người ta đang lo là trong vài năm nữa, ngay cả nước uống cũng có thể trở nên khan hiếm. Ở Thái Lan, Malaysia và Indonesia, khi mà những phương thức làm nông bảo vệ tự nhiên đã bị nuốt chửng bởi làn sóng văn minh hiện đại, tình trạng của đất đai cũng xấu đi. Nếu quá trình phá rừng ở những cánh rừng mưa nhiệt đới tại châu Á và Brazil cứ tiếp tục với tốc độ hiện tại, lượng oxi trên trái đất sẽ suy giảm và niềm vui của mùa xuân trên hành tinh này sẽ bị thay thế bởi sự cằn cỗi của mùa đông.

Nguyên nhân trực tiếp của việc thảm thực vật mất đi nhanh chóng là do nạn phá rừng bừa bãi và nông nghiệp quy mô lớn, được tiến hành nhằm phục vụ cho đời sống văn hóa vật chất của các nước phát triển, nhưng nguyên nhân sâu xa của nó thì bắt nguồn từ hàng nghìn năm trước.

Thế giới tự nhiên không tự nó biến thành sa mạc. Cả trong quá khứ lẫn hiện tại, con người với tri thức “siêu việt” của mình vẫn luôn là kẻ đầu sỏ trong việc biến trái đất và trái tim con người thành những mảnh đất chết. Nếu chúng ta diệt trừ được cái nguyên nhân gốc rễ của sự phá hoại này – chính là kiến thức và hành động của con người –  chắc chắn thiên nhiên sẽ trở về với sự sống lần nữa. Không phải tôi đang đề xuất việc loại bỏ loài người, mà đúng hơn là, tôi đề xuất thay đổi nền chính trị và cách mạng chúng ta thực hành quyền hạn của mình.

Các cách thức để chống lại sa mạc hóa của tôi thì giống y như phương pháp làm nông tự nhiên căn bản. Người ta có thể gọi nó là một cuộc cách mạng nông nghiệp tự nhiên, mục đích là trả trái đất về thành nơi thiên đường như đã từng.

Những bài học từ các cảnh quan ở châu Âu và Hoa Kỳ.

Lần đầu tiên tôi trông thấy sa mạc và bắt đầu quan tâm đến nó là vào mùa hè năm 1979, khi lần đầu bay đến Hoa Kỳ. Tôi chắc mẩm rằng lục địa châu Mỹ là một vùng bình nguyên bát ngát, xanh tươi màu mỡ với những cánh rừng sum suê, nhưng ngạc nhiên làm sao, nó lại là một vùng bán sa mạc màu nâu hoang vắng.

Tôi đã có một buổi nói chuyện với Cục Bảo tồn của bang California ở Sacramento, chủ trì bởi cô Priscilla, vào lúc đó đang là người đứng đầu của Cục. Tôi nói rằng môi trường ở California có những vấn để nghiêm trọng, là hậu quả của cách thực hành nông nghiệp tồi, quản lý nước kém, khai thác gỗ quá mức và chăn thả quá độ. Tôi nói với nhóm người đó rằng những việc này đang kết hợp lại và hình thành nên một “đại sa mạc California”. Sau buổi nói chuyện, tôi được mời tới trao đổi riêng với cô Grew, một nhà địa chất, tại văn phòng của cô trên tầng 13 tòa nhà Rosources Building.

Chúng tôi thảo luận về việc Nhật Bản và California gần như là ở cùng một vĩ độ, cả thảm thực vật lẫn nền đá kiến tạo của hai nơi là tương đồng, và trước đây rất lâu, các lục địa châu Á và châu Mỹ đã từng là một lục địa liền. Chẳng hạn như, các mẫu hóa thạch cho thấy các cánh rừng rộng lớn của loài cây thủy sam Metasequoia đã tồn tại ở cả hai nơi. Các loài rêu và địa y mà tôi thấy mọc ở những khu rừng không ai động chạm tới ở Sierra Nevada và ở Coast Range thì cũng giống hệt như tôi quan sát được ở các cánh rừng nguyên sinh Nhật Bản.

Phỏng đoán của tôi là quá trình sa mạc hóa và thay đổi khí hậu ở California bị đẩy nhanh bởi cách thức làm nông nghiệp sai lầm. Tôi đưa giả thuyết rằng việc phá rừng và sự thay đổi từ các loại cỏ bụi sống lâu năm từng có lúc bao phủ các bình nguyên sang các loại cỏ hàng năm như đuôi cáo và yến mạch hoang đã góp phần làm lượng mưa giảm đi. “Mưa không chỉ rơi xuống từ trên trời”, tôi nói. “Nó còn rơi ngược lên từ đất nữa”. Thảm thực vật, đặc biệt là cây cối, thực sự khiến cho mưa rơi.

Sau khi chúng tôi rời khỏi văn phòng của cô, có ai đó đề nghị tôi cùng đi thăm một nơi thú vị gần đấy. “Nơi thú vị gần đấy” hóa ra là một cao nguyên khô, nóng ở Coast Range, cách chừng hơn một trăm dặm.

Có khoảng hai mươi thanh niên đến từ nhiều quốc gia khác nhau, bằng cách nào đó đã xoay xở để sống được ở nơi xa xôi hẻo lánh trên mảnh đất thuộc phạm vi rừng quốc gia này. Họ đã yêu cầu tôi dạy cho cách sử dụng nông nghiệp tự nhiên để tạo sinh kế. Họ thậm chí còn không có cái liềm hay cái cuốc nào cho ra hồn. Nguyên cả vùng đó bao phủ bởi cỏ khô, không thấy một đốm xanh lá cây nào trong tầm mắt. Chỉ có lác đác vài cây sồi.

Nằm giữa những cảnh trạng vô vọng như thế này, tôi chẳng thể nào ngủ nổi. Sáng sớm ngày hôm sau, khi đang rửa mặt ở một con suối nhỏ, tôi để ý thấy nước ngập lên một cái lỗ chuột khiến cho một số hạt cỏ dại nảy mầm và mọc cao chừng gần chục phân.

Tôi đã luôn nghĩ rằng cỏ ở California chết đi là bởi vì mùa hè ở đây nóng và khô quá, nhưng tôi nhận ra rằng việc đưa các loại cỏ mọc lại hàng năm vào đã tạo ra cái ấn tượng đó. Chúng ngóc lên vào mùa thu cùng với cơn mưa đầu tiên, kết hạt và rồi chết đi vào đầu mùa hè. Những loài cỏ hàng năm này đã đánh bật các loại cỏ bản địa, là những loài vẫn xanh suốt hè. Việc chăn thả chắc có liên quan nhiều tới vấn đề này, nhưng trong khu vực này hiện không còn thú ăn cỏ nữa. Với suy nghĩ rằng những loài thực vật xanh lâu năm phải quay trở lại nếu chúng ta muốn loại bỏ cỏ dại hàng năm, tôi quyết định thực hiện một thử nghiệm.

Sau khi quăng hạt nhiều giống rau Nhật khác nhau vào giữa đám cỏ khô và dùng lưỡi liềm chế tại chỗ cắt chúng xuống, tôi dùng ống nhựa đưa nước từ con suối gần đỉnh một ngọn đồi và phun đẫm khắp khu vực đó. Tôi nghĩ chờ vài ngày cho tới khi nước bốc hơi hết thì sẽ biết thế nào ngay. Cuối cùng, màu xanh đã bắt đầu nhô lên giữa đám cỏ nâu. Tất nhiên, đấy là màu xanh của bọn cỏ đuôi cáo. Như tôi đã dự kiến, sau một tuần khi nước đã biến mất, chỗ cỏ đã nảy mầm đó bắt đầu héo đi trong cái nóng, nhưng trong đám ấy những cây bí Nhật, dưa leo, cà chua, đậu bắp, củ cải và ngô bắt đầu phát triển tốt um. Phần trung tâm của cánh đồng biến thành một vườn rau. Bọn cỏ đuôi cáo cứng đầu đã nảy mầm, rồi héo đi và trở thành lớp bổi, và từ chỗ của chúng, những cây rau lớn lên.

Chúng ta phải tái lập thảm thực vật cho California. Chúng ta phải đánh thức hạt cỏ dại đang nằm ngủ trong thời gian mùa hè bằng cách cấp nước cho chúng, rồi để cho chúng chết trước khi có thể kết thêm nhiều hạt khác. Cùng lúc đó, sẽ rất tốt nếu chính phủ bang cho rải hạt các giống cỏ mọc lâu năm được bọc trong các viên đất sét xuống từ trên không. Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm này, tôi buộc phải đi tiếp cho đúng lịch trình, thế nên tôi đã chia tay ngọn núi và giao phó giấc mơ của mình cho những con người có tinh thần cứng cỏi nơi đây.

Cuối năm đó, tôi được đưa đi quanh châu Âu bởi một quý ông người Hy Lạp và một phụ nữ trẻ người Ý, người đã từng đến ở trong một cái chòi trên sườn đồi của tôi. Các nước châu Âu đa phần là rất cẩn trọng trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên và duy trì được một thảm thực vật xinh tươi. Mới nhìn thì toàn vùng trông như một công viên quốc gia, nhưng đấy chỉ là vẻ đẹp của một tấm bưu thiếp. Nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy rằng có rất ít các chủng loại cây. Lớp đất trồng thì mỏng, cứng và không màu mỡ. Đối với tôi, có vẻ như đất ở châu Âu đã bị hư tổn bởi một nền nông nghiệp bao gồm những đồng cỏ dùng để sản xuất thịt cho hoàng gia được quản lý tồi, và những vườn nho để sản xuất rượu vang cho nhà thờ.

Nói chung thì, ta càng đi xa về phía Nam của đất nước Hà Lan, ngược dòng sông Rhine về phía nước Ý, thì càng thấy số lượng cây cối giảm đi và màu xanh lu mờ dần. Thêm vào đó, đa phần dãy Alps được tạo thành bởi đá vôi và có rất ít cây lớn. Càng đi về phía nam, nhiệt độ của lớp đất mặt càng cao và khí hậu càng khô đi. Lớp đất trồng mỏng đi và kém màu mỡ hơn hẳn. Ấn tượng của tôi là ở châu Âu, đất bị khô và bạc màu ngay bên dưới lớp bề mặt.

Khi người ta bắt đầu cày xới đất, việc đó đã đánh dấu cho sự khởi đầu của nền văn minh hiện đại ở châu Âu. Culture (văn hóa), nghĩa gốc ban đầu là “xới đất lên bằng một lưỡi cày”. Khi máy kéo được đưa vào sử dụng, năng suất tăng lên, nhưng đánh mất đi sức sống của nó thậm chí còn nhanh chóng hơn. Trong suốt lịch sử loài người, các nền văn minh đã được lập nên ở những khu vực đất màu mỡ và giàu tài nguyên khác. Sau khi đất bạc màu, hậu quả của việc chặt quá nhiều cây, của chăn thả quá mức, của các phương thức tưới tiêu tai hại và nông nghiệp dựa trên cày xới đất, thì các nền văn minh từng được đeo cho cái mặt nạ của sự thịnh vượng đó đã trở nên suy tàn và thường là biến mất hoàn toàn. Chuyện này vẫn xảy ra hết lần này tới lần khác.

Từ những quan sát của mình ở châu Âu và Hoa Kỳ, tôi có thể thấy những sai lầm của nông nghiệp hiện đại đang gây hại cho đất đai như thế nào. Điều đó củng cố thêm niềm tin của tôi, rằng các phương pháp làm nông tự nhiên là cách duy trì nhất có khả năng đảo ngược sự thoái hóa này. Để chứng minh điều này, tôi nhìn sang châu Phi.

Bi kịch của châu Phi

Tôi có nghe về một kế hoạch của nhóm người thuộc một tổ chức phi chính phủ tư nhân nhằm đẩy mạnh các phương pháp nông nghiệp hiện đại ở Somalia, nên tôi đã bay tới châu Phi tham gia cùng họ, hy vọng có cơ hội kiểm chứng phương pháp tái phủ cây cho sa mạc bằng cách làm nông tự nhiên của mình. Ngạc nhiên đầu tiên đến với tôi là khi bay trên đất Somalia và trông thấy con sông Juba rộng lớn. Nước sông chảy quanh năm, băng qua vùng bán sa mạc. Đầu nguồn con sông nằm ở những ngọn núi xa xôi tận Ethiopia

Con sông nằm cận kề với Ấn Độ Dương, ở một số đoạn nó biến mất dưới cát. Vào một thời kỳ nào đó, hẳn phải có rất nhiều những con sông vô hình như thế ở châu Phi, bởi lẽ, khi nhìn từ trên không, hầu như lúc nào tôi cũng có thể trông thấy một hoặc hai hồ nước nằm lọt thỏm giữa vùng bán sa mạc này, mà những người địa phương gọi là “mảnh đất của những cây gai”.

Lại nữa, khi đi theo đường bộ, tôi trông thấy những cây rất lớn không biết là cây gì. Người ta bảo với tôi rằng hàng trăm năm trước, những cây lớn này hình thành một khu rừng rậm rạp. Đương nhiên là tôi đã cố tìm hiểu xem tại sao khu rừng này lại biến mất.

Từ những giải thích mà một vị cao tuổi người Ethiopia và một số nông dân Somalia đưa ra cho tôi, thì nguyên nhân chính là các chính sách nông nghiệp thực dân, mang tới bởi những người phương Tây. Họ đã đưa vào trồng chỉ toàn những cây có giá trị thương mại như cà phê, chè, mía đường, bông, thuốc lá, lạc và ngô. Việc sản xuất những cây lương thực cho mục đích cá nhân bị cấm. Chuyện này được tiến hành dưới danh nghĩa làm giàu cho nền kinh tế quốc gia.

Khi đi xin thị thực từ chính phủ Somalia, tôi chẳng thể thốt nên lời khi họ thông báo với tôi rằng bất cứ chương trình truyền đạt kiến thức nào mà kích động nông dân và khuyến khích họ trở nên độc lập tự chủ sẽ không được chào đón. Nếu hành động như thế đi quá xa, họ nói, có thể sẽ bị khép vào tội phản quốc.

Ngày nay, sau hai trăm năm cai trị thực dân, những hạt giống cây trồng đảm bảo cho nhu cầu tự cấp gần như đã biến mất ở châu Phi. Khi không còn hạt giống và nông dân chỉ được trồng những cây thương mại, thì từ địa vị người nông dân họ bị hạ cấp chỉ còn là nhưng nhân công giản đơn. Họ sẽ không không có cơ hội nào tự đứng trên đôi chân của mình lần nữa, và bất cứ một khả năng nào mà nông nghiệp có thể làm lợi cho tự nhiên cũng sẽ bị loại bỏ. Vì đất đai không thể cấp dưỡng cho việc canh tác cà phê mà mía đường liên tục không ngừng, chúng ta phải gieo trồng những hạt giống khác để khôi phục lại chu kỳ của tự nhiên, từ đó kéo theo sự lành mạnh của đất.

Nếu nguyên nhân hàng đầu gây ra sa mạc ở châu Phi là những sai trái trong làm nông, thì nguyên nhân thứ hai chính là những chính sách sai lần liên quan tới dân du mục. Trong quá khứ, nhiều tộc người châu Phi sống theo kiểu du mục. Từ khoảng 2300 năm trước, họ sinh sống bằng cách lang thang tự do trên các triền đồi và bình nguyên cùng với lũ lạc đà và dê của họ. Tuy nhiên, dưới chế độ cai trị thực dân, cách sống này bị nghiêm cấm.

Ban đầu, có nhiều bộ lạc khác nhau, nhưng không hề có các quốc gia. Khi người phương Tây tới chinh phục và tùy tiện vạch ra những đường biên giới để tạo thành các nước khác nhau, họ cũng lập ra các công viên quốc gia rộng lớn, dưới danh nghĩa bảo tồn môi trường và động vật tự nhiên. Người thường không được phép tự do đi vào các công viên này, hay chăn thả súc vật ở đó nữa.

Đây là đòn chí tử đối với dân du mục. Nhìn bề ngoài, kiểu chăn thả cũ có vẻ như là ngẫu nhiên tùy tiện, nhưng trong thực tế, chúng được giới hạn bởi những luật tục nghiêm khắc của bộ lạc. Với sự ra đời của các công viên quốc gia, hệ thống luật lệ bộ lạc này đã bị phá vỡ.

Thời trước, dân du mục, cùng với đám gia súc của mình sẽ sống tại một thung lũng trong một khoảng thời gian nhất định, giả dụ là ba tháng. Khi lượng cỏ nuôi sống bọn gia súc khan hiếm đi, cả bộ lạc sẽ chuyển tới một nơi ở mới. Họ sẽ rời đi trước khi thảm thực vật mất khả năng hồi phục lại. Sẽ không ai cho phép đám gia súc của mình gặm cỏ ở các khu vực đã bỏ đi này trong sáu tháng hay một năm. Khi cỏ đã hồi phục và um tùn trở lại, các thành viên của một bộ lạc khác sẽ chuyển tới và bắt đầu sinh sống ở đó. Kiểu vận hành này là thỏa thuận không cần nói ra nhưng được tuân theo một cách nghiêm ngặt.

Nhưng một khi các đường biên giới quốc gia được vạch ra và các công viên được thành lập, những tộc người du mục đã phải đi một quãng đường rất xa để vòng qua chúng. Và để khỏi bất tiện, họ bắt đầu ở lại một chỗ trong khoảng thời gian dài. Khi chuyện xảy ra, cỏ khô cũng trở nên khan hiếm, tất cả cây cối dùng được làm củi đun đều bị chặt xuống, và nguồn nước trở nên khô cạn. Khi thực phẩm, quần áo mặc và chỗ trú thân bị hạn chế, các cuộc xung đột xảy ra, và người ta bắt đầu tranh đấu với nhau. Tình trạng này thường được những kẻ nắm quyền lợi dụng để duy trì sự kiểm soát về mặt chính trị.

Một giáo viên có liên quan tới phong trào chống phân biệt củng tộc ở Nam Phi có lần đã tới căn chòi trên đồi của tôi ở Nhật Bản và yêu cầu được dạy cho các phương pháp làm nông tự nhiên. Tình cờ là khi ông ta đến, tôi đang dùng liềm thu hoạch lúa. Ông nói ông muốn học cách sử dụng lưỡi liềm. Từ những câu chuyện ông kể thì có vẻ như hầu hết những người ở Nam Phi không biết cách gieo hạt hay chăm sóc cây một khi chúng đã nảy mần. Nhiều năm sau đó, ông chia sẻ với tôi rằng mình đã thành công trong việc dạy cho người dân biết rằng họ có thể giành đôc lập bằng cách bắt đầu làm nông tự nhiên, nhiều hơn là những gì đạt được qua con đường tuyên truyền các thông điệp chính trị của phong trào đòi độc lập. Hiện tại, có vẻ như người châu Phi đang phải chịu đựng những sự đói nghèo cực độ, nhưng họ vốn là những người rất kiêu hãnh. Có lẽ là những người du mục, những kẻ ngao du tùy ý thích khắp các ngọn đồi và bình nguyên châu Phi ấy đã sống một cuộc sống giống như các nhà sư Thiền tông, lang thang tự do như mây trời. Đúng vậy, khi nhìn thấy hình dáng tôn kính của một thanh niên Somalia đang cầu nguyện hướng về Mecca trong buổi hoàng hôn đỏ rực, tôi cảm thấy mình như đang nhìn thấy cả môt châu Phi trường tồn.

Gieo những hạt giống trong một trại tị nạn ở châu Phi

Người ta bảo tôi rằng việc đem hạt giống trao cho những người du mục có thể bị coi là bất kính, bởi lẽ nông dân bị xem là một giai cấp thấp kém hơn dân du mục. Một người đàn ông trẻ tuổi người Nhật đi cùng với tôi nhắc rằng bọn họ có thể sẽ cảm thấy bị xúc phạm và thậm chí còn có khả năng tôi sẽ gặp nguy hiểm nữa, nhưng tôi tảng lờ lời anh nói. Tôi đã đi đến khu định cư của những người tị nạn Ethiopia và bắt đầu phân phát hạt giống.

Ban đầu, chỉ có những đứa trẻ là lại gần tôi, chắc bởi vì trông tôi lạ mắt. Khi tôi đưa cho chúng một vốc đầy hạt giống, chúng nắm chặt đến nỗi vết móng tay hằn cả lên trên lòng bàn tay. “Đây là cái gì? Có phải thức ăn không?”, chúng hỏi. Khi tôi bảo chúng rằng đừng có ăn những hạt giống này mà hãy vùi xuống đất rồi tưới nước cho chúng trong ba ngày, chúng nhún vai và nói, “Bọn cháu không thể hiểu nổi thứng tiếng Anh kỳ lạ của ông”. Tất nhiên là bọn chúng không hiểu được một từ tiếng Nhật nào rồi.

Sau bốn hay năm ngày gì đấy, có khoảng hai mươi tới ba mươi đứa trẻ tới và yêu cầu tôi đi theo. Tôi thấy rằng mỗi đứa đã tạo một khoảnh tròn trên cát, đường kính tầm một mét đến một mét rưỡi, trong đó những hạt dưa leo, bí, đậu, cà tím và củ cải đã nảy mầm. Ba trong số đám trẻ đó bắt đầu gõ nhịp lên một cái xô hỏng và cất tiếng hát. Nhìn thấy vậy trái tim tôi thật ấm áp. Kể từ sau đó, ngay cả phụ nữ và những người già cũng tham gia vào việc gieo hạt.

Tốc độ lớn của cây ở đó thật đáng kinh ngạc. Tất cả, bao gồm các loại cây cho trái của Nhật, đều lên bời bời. Cụ thể là cam, nho và lựu mọc nhanh gấp hai hoặc ba lần so với tôi thường thấy. Một cây đu đủ sẽ mang khoảng mười trái trong vòng bốn đến sáu tháng, còn chuối thì sẽ cho trái trong vòng một năm. Sau một năm rưỡi là có chuối chín để ăn.

Nông nghiệp hiện đại trên sa mạc dựa trên ý tưởng rằng ta có thể trồng bất kể cây gì, chỉ cần ta có nước. Mỗi ngày, họ bơm nước lên từ những con sông, cho nó chạy vào các rãnh, rồi sau đó phun tưới cho các cánh đồng. Các nông trại lớn hiện đại được tài trợ bởi nguồn vốn viện trợ nước ngoài đều đi theo cách này. Như đã dự kiến, tất cả nông trại hiện đại tôi thấy đều thất bại. Chúng biến thành các cánh đồng muối và bị bỏ hoang.

Ngược lại, tôi khuyên người ta sử dụng trên sa mạc càng ít nước càng tốt. Tôi khuyến khích họ trồng keo kèm với các loại rau và ngũ cốc, chẳng hạn như cỏ lồng vực và kê. Tôi cũng gợi ý họ thêm vào một số loại cây có độc mà dê sẽ không xơi được, và trồng những giống cây hiệu quả trong việc đưa nước từ sâu bên dưới đất lên. Ở giữa những cây này, họ nên gieo hạt giống của ngũ cốc và rau.

Tôi cũng thử trồng tre, sậy và liễu có tác dụng chống xói mòn trong cát ở dọc các bờ sông. Đặc biệt là tre, nó có vẻ như là một lựa chọn tốt. Trồng mía đường cũng sẽ có tác dụng tốt trong việc tạo bóng mát và kiềm chế xói mòn.

Dưới sông có rất nhiều cá. Mặc dù dân bộ lạc bị suy dinh dưỡng, nhưng họ lại không quen ăn cá, vì một niềm tin tôn giáo là nếu anh ăn cá hoặc ăn rắn, trong tương lai anh sẽ biến thành cá hay rắn. Nhưng đến cuối cùng thì cánh trẻ cũng đã vui vẻ ăn con cá khô nhỏ mà tôi mang theo từ Nhật, và bọn họ tấm tắc bảo nó rất ngon.

Tôi đã trò chuyện  rất lâu cùng với một người già trong bộ lạc về tình trạng cộng đồng của ông ấy. “Mưa đã thôi rơi ở châu Phi, và vì thế chúng tôi chẳng thể làm được cái gì hết. Có vẻ như đất đai đã chết”, ông xót xa.

Tôi trả lời, “Bị ô nhiễm bởi phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ nên đất đai có vẻ như đã chết, nhưng đất châu Phi chỉ là đang nghỉ ngơi thôi. Lớp đất đỏ ấy đang chợp mắt. Nếu con người chịu làm việc để đánh thức lớp đất đang ngủ này, khi đó ta sẽ có thể trồng được bất cứ thứ gì.

“Chúng ta phải làm sao để đánh thức nó dậy? Hãy nói cho tôi biết một cách khoa học vào”, ông đáp lời.

“Vấn đề không phải là đất trồng thiếu hụt các dưỡng chất như ni-tơ, phốt-pho và ka-li. Vấn đề nằm ở chỗ những dưỡng chất này đã bị hút vào lớp đất sét và không tan trong nước, nên rễ cây không thể hấp thụ được chúng. Cái mà ta cần là đôi kéo để cắt những dưỡng chất này ra khỏi lớp đất sét”.

Ông cười lớn và nói, “Loài duy nhất sẵn có đôi kéo ấy là cua”.

Tôi trả lời, “Các vi sinh vật ở trong đất sẽ làm việc đó cho ta, mà không cần ta phải làm việc gì nặng nhọc cả. Thậm chí ta còn chẳng cần biết chút gì về các vi sinh vật hết. Khi gieo hạt giống lương thực và cây cối, ta chỉ cần đảm bảo trộn lẫn vào đó các hạt giống cây họ đậu, chẳng hạn như cỏ ba lá Ai Cập (Trfolium alexandrinum) và cỏ linh lăng. Càng có thêm cộng sự thì càng tốt mà.

Khi sự sống trong đất đã trở lại, các dưỡng chất một lần nữa sẽ trở nên sẵn sàng cho cây trồng hấp thụ”. Khi tôi giải thích theo cách này, ông có vẻ như hiểu ra.

Ở trong sa mạc, nhiệt độ cao từ bức xạ nhiệt là vấn đề đáng bận tâm hơn là chuyện thiếu nước. Nhưng ngay cả những điều này nữa sẽ thay đổi nếu bề mặt của đất trồng được bao phủ bởi thảm thực vật. Với một lớp phủ đất lành mạnh, nhiệt độ của đất sẽ dịu đi rất nhiều.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BẢO VỆ RỪNG
  2. THỰC PHẨM TỰ DO, HÃY NGHĨ ĐẾN PHÚC LỢI ĐỘNG VẬT
  3. XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC KHÔNG CÓ “XE RÁC”

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP