LOẠI HÌNH GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Giáo Dục và Ý Nghĩa Cuộc Sống; Biên dịch: Đinh Hồng Phúc; NXB. Hồng Đức; Công ty VH Sáng tạo Trí Việt - First News; 2017

Jiddu Krishnamurti (1895 – 1986) là một triết gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần, các chủ đề bao gồm: mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội.

Những lời dạy của ông không dựa vào những hiểu biết thuộc sách vở hay kinh sách mà dựa vào sự thấu triệt về tình trạng bị khuôn định của con người. Ông không trình bày bất kỳ triết thuyết nào, trái lại chỉ nói về những sự việc có liên quan đến tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.

Bài viết dưới đây nằm trong loạt bài được Ban biên tập trích từ tác phẩm Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống (Chương II – Loại hình giáo dục đúng đắn). Nội dung mà J. Krishnamurti đề cập trong chương này liên quan đến ý nghĩa và mục đích thật sự của giáo dục, loại hình giáo dục đúng đắn và vai trò của  người làm công việc giáo dục trong quá trình giúp cho mỗi cá nhân được giáo dục nhận ra được ý nghĩa thật sự của cuộc sống, hiểu được chính bản thân mình để từ đó có được sự hòa hợp với mọi thứ xung quanh và tận hưởng một đời sống an lạc, hạnh phúc hơn. Những điều mà ông nêu ra rất thực tế và đặc biệt hữu ích trong thời đại công nghệ, kỹ thuật ngày nay.

Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu cùng quý đọc giả, đặc biệt là quý đọc giả đang làm trong ngành giáo dục hoặc liên quan đến lĩnh vực giáo dục cùng đọc và chia sẻ quan điểm cá nhân về những điều được nêu ra trong loạt bài viết này.

—– ??? —–

Người dốt nát không phải là người không có học thức, mà là người không hiểu biết về chính mình. Người có học thức sẽ là kẻ dốt nát nếu anh ta cứ mãi dựa vào sách vở, vào kiến thức và vào uy quyền để trao cho anh ta sự hiểu biết. Sự hiểu biết chỉ đến với những ai hiểu rõ chính mình, nghĩa là với những ai nhận biết được toàn bộ diễn trình tâm lý của chính mình. Vì thế giáo dục, theo ý nghĩa thực sự của từ này, là hiểu biết chính mình, bởi vì toàn bộ cuộc tồn sinh được tập hợp lại bên trong mỗi người chúng ta.

Cái hiện nay chúng ta gọi là giáo dục chẳng qua là sự tích lũy thông tin và kiến thức từ sách vở, điều mà bất kỳ người biết đọc nào cũng có thể làm được. Kiểu giáo dục như thế chỉ cung cấp cho chúng ta một hình thức đào thoát khỏi chính mình một cách tinh vi; và giống như mọi kiểu đào thoát khác, nó chắc chắn gây ra tình cảnh khốn khó ngày một chất chồng. Những cuộc xung đột và trạng thái hỗn loạn của chúng ta là kết quả của mối tương quan lầm lạc giữa chính ta với người khác, hay với các sự vật và tư tưởng; và chừng nào ta còn chưa nhận chân ra được mối tương quan ấy và cải sửa nó, thì việc học hành đơn thuần, tức là việc thu thập các dữ kiện và sở đắc những kỹ năng khác nhau, chỉ càng dìm ta lún sâu hơn nữa vào trạng thái hỗn loạn và sự hủy hoại nhau mà thôi.

Như cách xã hội chúng ta được tổ chức hiện thời, chúng ta gửi con cái của mình tới trường để học hành một phương thức nào đó rồi mong chúng sau này có thể dựa vào đấy mà mưu sinh. Chúng ta dồn mọi ưu tiên vào việc biến đứa trẻ thành một chuyên gia, qua đó hy vọng mang lại cho chúng một vị thế kinh tế an toàn. Nhưng chỉ vun bồi cho phương thức như thế liệu có giúp chúng ta hiểu biết về chính mình hay không?

Cho dù rõ ràng là việc biết đọc biết viết, việc học hành nghề kỹ sư hay học những nghề nghiệp khác để kiếm sống là chuyện cần thiết không cần bàn cãi, nhưng liệu những kỹ thuật, những phương thức này có giúp ta hiểu hết về cuộc sống hay không lại là chuyện khác. Chắc chắn kỹ năng nghề nghiệp chỉ là thứ yếu; nếu kỹ năng nghề nghiệp là thứ duy nhất ta đang phấn đấu đạt được thì rõ ràng là ta đang rũ bỏ điều gì đó thuộc về bản chất cuộc sống.

Cuộc sống là nỗi thống khổ, là niềm hân hoan, là vẻ đẹp, là sự xấu xí, là tình yêu. Khi chúng ta hiểu nó một cách toàn diện, ở mọi cấp độ, thì lối hiểu ấy tạo ra phương thức của riêng nó; bằng ngược lại thì không đúng: phương thức không bao giờ có thể mang lại sự hiểu biết đầy tính sáng tạo.

Nền giáo dục hiện nay đã hoàn toàn thất bại, bởi lẽ nó quá chú trọng đến kỹ thuật, hay phương thức. Khi gán cho kỹ thuật một vai trò quan trọng thái quá, chúng ta đã hủy hoại con người. Vun bồi năng lực và tính hiệu quả mà không màng đến sự hiểu biết về đời sống, không nhận biết một cách toàn diện về cách thức vận hành của suy nghĩ và những ham muốn, sẽ chỉ khiến ta ngày càng trở nên tàn nhẫn hơn, gây thù chuốc oán hoặc rước họa vào thân nhiều hơn. Việc chỉ vun bồi cho phương thức đã sản sinh ra các nhà khoa học, các nhà toán học, các kỹ sư cầu đường, những người chinh phục không gian,… nhưng liệu họ có hiểu được toàn bộ diễn trình của cuộc sống huyền diệu này không? Một vị chuyên gia liệu có thể trải nghiệm cuộc sống một cách toàn vẹn hay không? Có thể, chỉ khi nào anh ta thôi xem mình là một chuyên gia.

Sự tiến bộ về công nghệ có thể giải quyết được một số vấn đề nào đó, cho một số cá nhân nào đó, ở mức độ nào đó, nhưng nó cũng đem đến một hệ lụy lớn hơn và khó lường hơn. Sống mà không đếm xỉa gì tới toàn bộ diễn trình cuộc sống chẳng khác nào đang mời gọi sự khốn cùng và sự hủy hoại. Nhu cầu lớn nhất và cấp bách nhất đối với mỗi cá nhân là có sự hiểu biết toàn diện về cuộc sống, điều đó cho phép anh ta đương đầu với những hoàn cảnh ngày càng diễn biến phức tạp hơn.

Kiến thức công nghệ, dù cần thiết đến đâu, sẽ không thể nào giải quyết được những áp lực và xung đột trong nội tâm con người; và cũng chính vì ta đã sở đắc kiến thức kỹ thuật mà không hiểu gì về toàn bộ diễn trình của cuộc sống nên kỹ thuật lại trở thành một phương tiện hủy hoại chính ta. Người biết cách tách một nguyên tử nhưng không có tình yêu trong tâm hồn sẽ trở thành quỷ dữ.

Chúng ta lựa chọn nghề nghiệp tùy theo năng lực của mình; nhưng liệu việc theo đuổi một nghề nghiệp sẽ giúp ta thoát khỏi sự xung đột và hỗn loạn chăng? Một số hình thức đào tạo kỹ thuật xem chừng là cần thiết; nhưng sau khi chúng ta đã trở thành kỹ sư, y sĩ, kế toán viên,… thì sao nữa? Việc hành được một nghề nào đó có nghĩa là ta đã sống một cuộc đời trọn vẹn chăng? Dường như với hầu hết chúng ta thì là như vậy. Nghề nghiệp khiến ta bận bịu suốt phần lớn cuộc đời mình; nhưng những gì mà chúng ta tạo ra, và theo đó bị chúng mê hoặc, lại là những thứ đang gây ra sự hủy hoại và tình trạng khốn cùng. Thái độ và các giá trị của chúng ta biến công việc và thế giới thành công cụ cho sự đố kỵ, cay cú và thù hằn.

Chúng ta lựa chọn nghề nghiệp tùy theo năng lực của mình; nhưng liệu việc theo đuổi một nghề nghiệp sẽ giúp ta thoát khỏi sự xung đột và hỗn loạn chăng?

Không hiểu rõ bản thân, công việc sẽ chỉ dẫn ta đến chỗ thất vọng, cùng sự đào thoát tất yếu thông qua mọi loại hoạt động ranh mãnh. Không có sự hiểu biết này, kỹ thuật sẽ dẫn ta đến chỗ thù địch và nhẫn tâm vốn được ta che đậy bằng những lời lẽ êm tai. Chú trọng đến kỹ thuật và ráng trở thành những thực thể hiệu quả phỏng có ích gì nếu kết quả mà chúng mang tới là sự hủy diệt lẫn nhau? Tiến bộ kỹ thuật quả là ngoài sức tưởng tượng, nhưng nó chỉ làm tăng thêm sức mạnh hủy diệt lẫn nhau của chúng ta mà thôi, và ở đâu cũng có cảnh đói rách, khốn cùng. Nếu vậy thì chúng ta đâu phải là những con người dựng xây hòa bình và hạnh phúc.

Khi chức năng trở thành yếu tố quan trọng nhất, cuộc sống trở nên u ám và tẻ nhạt, nó trở thành một lề thói máy móc và cằn cỗi đến mức ta phải tìm đến đủ thứ hoạt động tiêu khiển để nương nhờ. Việc tích lũy các dữ kiện và chú trọng phát triển năng lực, cái mà chúng ta gọi là giáo dục, đã tước đi tính toàn vẹn của cuộc sống và của hành động. Chính vì không thông hiểu toàn bộ diễn trình cuộc sống nên chúng ta mới bám víu vào năng lực và tính hiệu quả, cũng là những thứ được chúng ta đề cao quá mức. Nhưng chúng ta không thể lấy cái bộ phận mà đòi hiểu cái toàn thể; chúng ta chỉ có thể hiểu được nó bằng hành động và kinh nghiệm của mình mà thôi.

Trong việc đào luyện kỹ thuật, một yếu tố khác cũng mang lại cho ta cảm thức an toàn, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt tâm lý nữa. Thật an tâm khi ta biết rằng mình có năng lực và có sự hiệu quả. Khi biết mình có khả năng chơi đàn hoặc xây nhà, ta cảm thấy tràn đầy sinh lực, cảm nhận được sự tự lập, xông xáo; nhưng việc đề cao năng lực do muốn có sự an toàn về tâm lý sẽ phủ nhận tính toàn vẹn của cuộc sống. Toàn bộ nội hàm của đời sống có thể chẳng bao giờ tiên đoán được hết, nó phải được trải nghiệm hết lần này đến lần khác; nhưng ta lại e dè trước những cái mình không biết, thế cho nên ta xác lập quanh mình những vành đai an toàn cho tâm lý dưới hình thức là các hệ thống, các phương thức và đức tin. Chừng nào chúng ta còn tìm kiếm sự an toàn nội tâm thì chúng ta vẫn chưa thể hiểu hết toàn bộ diễn trình của đời sống.

Loại hình giáo dục đúng đắn là loại hình giáo dục vừa khuyến khích việc trao dồi phương thức, vừa thực hiện một điều gì đó quan trọng hơn nhiều: giúp con người trải nghiệm toàn bộ diễn trình của đời sống. Chính trải nghiệm này sẽ đưa năng lực và kỹ thuật /phương thức về đúng vị trí tương xứng của chúng. Nếu người ta thực sự có điều gì đó để nói, thì chính việc diễn đạt sẽ tạo nên phong cách riêng; nhưng học một phong cách mà không có trải nghiệm nội tâm chỉ dẫn đến biểu hiện hời hợt, giả tạo mà thôi.

Các kỹ sư trên toàn thế giới đang điên cuồng thiết kế ra những cỗ máy không cần người điều khiển. Trong một cuộc sống hầu như toàn bộ được vận hành bằng những cỗ máy thì con người đóng vai trò gì trong đó đây? Chúng ta sẽ có nhiều thời gian rỗi rãi hơn nhưng lại không biết dùng nó thế nào cho khôn ngoan, và chúng ta sẽ tìm cách đào thoát khỏi nó trong mớ kiến thức, trong những trò tiêu khiển đến mụ người, hoặc trong vô vàn các quan điểm.

Rất nhiều cuốn sách nói lên các quan điểm về giáo dục đã được viết, thế nhưng sự thực thì chúng ta lại mù mờ về chủ đề này hơn bao giờ hết. Không có lấy một phương pháp nào thỏa đáng giúp giáo dục một đứa trẻ thành con người toàn diện và tự do. Chừng nào chúng ta còn quá quan tâm đến các nguyên tắc, các lý tưởng và các phương pháp, thì chúng ta vẫn chưa thể giúp cá nhân thoát khỏi thói quen lấy bản ngã làm trung tâm, cùng với hệ quả của nó là nỗi lo sợ và xung đột.

Không một lý tưởng nào, không một bản thiết kế nào cho xứ sở Không tưởng hoàn hảo (Utopia) có thể mang lại sự thay đổi triệt để trong tâm hồn; sự thay đổi là thiết yếu nếu người ta muốn chấm dứt chiến tranh và tránh gây hủy hoại cho tất cả. Các lý tưởng không đủ sức làm thay đổi các giá trị hiện thời. Các giá trị này chỉ có thể được thay đổi bằng nền giáo dục đúng đắn, tức nền giáo dục thúc đẩy sự hiểu biết về cái đang tồn tại.

Khi chúng ta cùng dốc sức cho một lý tưởng, cho một tương lai hoàn hảo, chúng ta đang định hình các cá nhân theo quan niệm của ta về tương lai ấy; chúng ta không quan tâm đến con người, mà chỉ quan tâm đến ý tưởng Họ nên là gì. Cái nên là này trở nên quan trọng đối với ta nhiều hơn so với cái đang tồn tại, tức cá thể với toàn bộ tính phức tạp của nó. Nếu chúng ta hiểu về một cá thể một cách trực diện thay vì xem xét anh ta qua tấm màn của cái mà ta nghĩ anh ta nên là, thì lúc đó chúng ta đang quan tâm đến cái đang tồn tại. Và khi ấy chúng ta không còn muốn tìm cách biến cá thể thành cái gì đó khác; mối quan tâm duy nhất của ta là giúp anh ta hiểu về chính mình, và trong việc này không có động cơ hay lợi ích riêng tư nào hết. Nếu ta ý thức một cách đầy đủ về cái đang tồn tại, ta sẽ hiểu nó và theo đó thoát khỏi nó; nhưng để ý thức về cái đang tồn tại, ta không nhất thiết nhọc công gắng sức đạt tới cái gì đó không phải là mình.

Các lý tưởng không có chỗ trong loại hình giáo dục đúng đắn vì chúng cản trở sự hiểu biết về thực tại. Chắc chắn ta có thể nhận ra cái đang tồn tại miễn ta không trốn tránh vào tương lai. Hướng tới tương lai, nỗ lực đạt một lý tưởng, điều đó làm bộc lộ sự trì trệ của tinh thần và ý muốn tránh né hiện thực.

Loại hình giáo dục đúng đắn là loại hình giáo dục vừa khuyến khích việc trao dồi phương thức, vừa thực hiện một điều gì đó quan trọng hơn nhiều: giúp con người trải nghiệm toàn bộ diễn trình của đời sống.

Việc theo đuổi một xã hội Không tưởng được xây dựng sẵn chẳng khác nào rũ bỏ sự tự do và tính hợp nhất của mỗi cá thể? Khi người ta đuổi theo một lý tưởng, một hình mẫu, khi người ta chăm chăm vào một công thức cho cái nên là, ấy chẳng phải người ta đang sống một cuộc sống tự động hóa rất ư giả tạo đó sao? Chúng ta không cần những con người lý tưởng hay những thực thể có đầu óc máy móc, mà chúng ta cần những con người toàn diện có trí tuệ và sự tự do. Mỗi khi hiện thực hóa cho ý niệm về một xã hội hoàn hảo, ta phải đấu tranh đến đổ máu cho cái phải là và bỏ qua cái đang tồn tại.

GIả như con người là những thực thể máy móc, những cỗ máy tự động, thì tương lai có thể dự đoán được và các kế hoạch cho một xã hội Không tưởng hoàn hảo có thể được đề xuất; khi đấy hẳn chúng ta có thể xây dựng một cách cẩn trọng các khuôn khổ của một xã hội tương lai và hướng đến việc hiện thực hóa chúng. Nhưng rất tiếc con người không phải là những cỗ máy như vậy để có thể sắp đặt theo các khuôn mẫu nhất định.

Giữa hiện tại và tương lai có một khoảng trống rất lớn, trong đó có nhiều yếu tố đang ảnh hưởng đến mỗi người chúng ta; và qua việc hy sinh hiện tại cho tương lai, chúng ta đang theo đuổi những phương tiện sai lầm cho mục đích mà chúng ta nghĩ là có khả năng đúng. Nhưng chính các phương tiện lại đang quyết định mục đích; chưa kể chúng ta nghĩ mình là ai mà dám quyết định con người nên là thế này, thế kia? Ta có quyền gì mà tìm cách nhào nặn người khác theo một khuôn mẫu đặc thù nào đó chỉ biết được qua sách vở, hay do những tham vọng, hy vọng và nỗi lo sợ của chính mình quy định?

Loại hình giáo dục đúng đắn không quan tâm đến bất cứ ý thức hệ nào, cho dù nó có thể hứa hẹn một xã hội Không tưởng trong tương lai ra sao. Loại hình giáo dục đúng đắn không dựa trên bất cứ hệ thống nào, dù hệ thống ấy có suy tính kỹ càng đến đâu, nó cũng không phải là phương tiện quy định cá thể theo một cách nào đó. Giáo dục theo đúng nghĩa của nó là giúp cá thể trưởng thành và tự do, phát triển trọn vẹn trong tình yêu và tình người. Đấy là điều ta nên quan tâm, chứ không tìm cách định hình trẻ theo một khuôn mẫu lý tưởng nào.

Bất cứ phương pháp nào dùng để phân loại đứa trẻ dựa theo tính nết và năng khiếu chỉ làm bật lên những khác biệt giữa chúng mà thôi. Phương pháp ấy sẽ nuôi dưỡng sự đối kháng lẫn nhau, khuyến khích sự phân chia trong xã hội và không giúp phát triển con người toàn diện. Rõ ràng là không có phương pháp hay hệ thống nào có thể mang đến loại hình giáo dục đúng đắn, và việc bám chặt vào một phương pháp cụ thể nào đó càng cho thấy sự trì trệ ở phía nhà giáo dục. Chừng nào nền giáo dục còn dựa trên những nguyên tắc được xác lập rõ ràng, nó chỉ có thể sản sinh ra những con người khéo làm việc, chứ không thể tạo ra những con người sáng tạo.

Chỉ tình yêu mới có thể giúp ta thấu hiểu người khác. Ở đâu có tình yêu, ở đó lập tức có sự đồng cảm, cùng một mức độ và cùng một thời điểm. Bản thân chúng ta quá khô khan, trống rỗng và thiếu vắng tình yêu đến mức chúng ta đã cho phép các hệ thống đảm nhiệm thay việc giáo dục con cái và định hướng cuộc sống của chúng ta, nhưng các hệ thống quản lý cấp cao lại muốn những “cỗ máy” giỏi việc, chứ không muốn những con người thực thụ, vì con người là mối nguy hiểm đối với họ. Đó là lý do tại sao các hệ thống, các tổ chức chuyên quyền luôn tìm cách kiểm soát và thao túng giáo dục.

Cuộc sống không được tạo ra nhằm mục đích phục tùng một hệ thống, nó không thể bị buộc vào một khuôn khổ, dẫu cái khuôn khổ ấy có cao quý cỡ nào; và một trí óc được đào luyện để nắm bắt các dữ kiện thì không thể nào chạm vào cuộc sống muôn màu muôn vẻ, với đầy đủ sự tinh tế, với những chiều sâu và độ cao ngút ngàn. Khi giáo dục con cái theo một hệ thống tư tưởng hay một bộ môn cụ thể, chúng ta dạy chúng cách suy nghĩ theo những khuôn khổ cục bộ, chúng ta vô hình trung đã cản đường chúng, không cho chúng phát triển thành những con người toàn diện, và do đó chúng không thể tư duy một cách thông minh, tức là tiếp cận cuộc sống một cách vẹn toàn.

Chức năng lớn nhất của giáo dục đúng đắn là tạo ra những cá thể toàn diện có thể xem xét cuộc sống trong tính toàn diện của nó. Người lý tưởng, cũng giống như nhà chuyên môn, không quan tâm tới cái toàn bộ, mà chỉ quan tâm tới cái bộ phận. Không thể xảy ra sự hợp nhất cho tới chừng nào con người vẫn còn theo đuổi một khuôn mẫu hành động lý tưởng; và hầu hết các nhà giáo dục theo chủ nghĩa lý tưởng đều gạt bỏ tình yêu, cái đầu họ khô khan còn con tim thì sắt đá. Để nghiên cứu một đứa trẻ, nhà giáo dục phải tỉnh táo, thận trọng, biết rõ về bản thân, và điều này đòi hỏi phải có trí tuệ và tình cảm hơn là khuyến khích đứa trẻ chạy theo một lý tưởng.

Một chức năng khác của giáo dục là tạo ra những giá trị mới. Chỉ khắc sâu vào trí não trẻ những giá trị hiện tồn và buộc các em phục tùng các lý tưởng, đấy là một hình thức đóng khuôn các em mà không giúp đánh thức trí tuệ của các em. Giáo dục có mối tương quan mật thiết với tình hình khủng hoảng của thế giới hiện nay, và nhà giáo dục nào nhìn thấu được nguyên nhân của sự hỗn loạn mang tính toàn cầu này ắt sẽ tự hỏi mình cần làm gì để đánh thức trí tuệ ở học sinh, theo đó giúp cho thế hệ sau không gây thêm bất kỳ xung đột hay thảm họa nào nữa. Anh ta phải dành toàn bộ trí lực và tình cảm của mình cho việc tạo ra môi trường phù hợp cho việc phát triển sự thông hiểu, sao cho khi đứa trẻ đến độ tuổi trưởng thành đều có thể giải quyết một cách thông minh các vấn đề mà em gặp phải. Nhưng để làm được điều này, nhà giáo dục trước tiên phải hiểu biết chính bản thân mình thay vì cậy vào các ý thức hệ, các hệ thống hay các đức tin.

Chúng ta hãy ngưng ngay lối suy nghĩ dựa theo các nguyên tắc và lý tưởng, mà hãy nhìn nhận sự việc đúng như chúng là; vì chính lối xem xét cái đang tồn tại mới làm thức tỉnh trí tuệ, và trí tuệ của nhà giáo dục còn quan trọng hơn kiến thức của anh ta về một phương pháp giáo dục tân tiến nào đó. Khi nhà giáo dục áp dụng một phương pháp, ngay cả khi nó được khai triển bởi một người thông minh và cẩn trọng, thì phương pháp ấy chỉ quan trọng khi nó tương thích với bọn trẻ. Người ta đo lường và phân loại những đứa trẻ, rồi sau đó tiến hành giáo dục bọn trẻ theo một phương thức định sẵn nào đó. Quá trình giáo dục kiểu này có thể tạo thuận tiện cho người thầy, nhưng không một sự áp dụng theo hệ thống nào, hay không một sự áp đặt ý kiến hoặc cách học tập nào có thể tạo ra một con người toàn diện.

Loại hình giáo dục đúng đắn là loại hình giáo dục thực sự hiểu trẻ em mà không áp đặt lên chúng một hình ảnh mà ta nghĩ các em nên trở thành như thế. Bao bọc đứa trẻ trong khuôn khổ của một lý tưởng là khuyến khích em chỉ biết tuân phục, làm vậy là chúng ta đang gieo rắc nơi đứa trẻ nỗi sợ hãi, cũng như mối xung đột thường trực giữa cái em đang là, với cái em nên là; và mọi sự xung đột trong nội tâm sớm muộn gì cũng sẽ bộc lộ ra bên ngoài. Mọi lý tưởng đều là rào cản ngăn trở ta hiểu về đứa trẻ và không cho đứa trẻ thấu hiểu chính các em.

Bậc phụ huynh nào thực sự muốn hiểu con của mình thì sẽ không xem xét em qua lăng kính của những lý tưởng. Nếu họ thực sự yêu thương đứa trẻ, họ sẽ quan sát em, tìm hiểu các khuynh hướng của em, tâm trạng của em, các nét cá tính của em. Chỉ khi nào người ta cảm thấy mình không có tình yêu thương dành cho đứa trẻ thì họ mới áp đặt lên đứa trẻ một lý tưởng, vì lúc đó những tham vọng của họ đang cố hiện thực hóa nơi đứa trẻ, buộc em phải trở thành người này hay người nọ. Nếu cái người ta yêu, không phải lý tưởng, mà là đứa trẻ, thì họ có thể giúp đứa trẻ hiểu đúng về bản thân em.

Chẳng hạn như, nếu đứa trẻ nói dối, thì việc bày ra trước mặt em một lý tưởng về sự trung thực phỏng có ích gì? Ta phải dành thì giờ tìm hiểu lý do tại sao em lại nói dối. Để giúp đứa trẻ, ta phải dành thời gian tìm hiểu và quan sát em, điều này đòi hỏi phải có sự nhẫn nại, có tình yêu thương và sự chu đáo, ân cần; nhưng khi ta không yêu cũng chẳng hiểu em, thì ta gò ép đứa trẻ vào một khuôn mẫu hành động mà ta gọi là lý tưởng.

Cưỡng buộc học trò theo lý tưởng là một hình thức đào nhiệm dễ dàng, và nhà giáo dục nào chạy theo lý tưởng thì không tài nào hiểu học trò của mình và biết cách ứng xử phù hợp với các em; đối với anh ta, lý tưởng trong tương lai, tức cái nên là, quan trọng hơn nhiều so với đứa học trò trước mặt. Chạy theo lý tưởng là khước từ tình yêu thương, và nếu không có tình yêu thương thì không một vấn đề nào của con người có thể được giải quyết tận gốc rễ.

Loại hình giáo dục đúng đắn là loại hình giáo dục thực sự hiểu trẻ em mà không áp đặt lên chúng một hình ảnh mà ta nghĩ các em nên trở thành như thế.

Nhà giáo dục thực thụ là người không để mình lệ thuộc một cách cứng nhắc vào một phương pháp, mà sẽ sẵn lòng linh hoạt tìm hiểu từng học sinh của mình. Trong mối tương giao giữa chúng ta với trẻ em và thanh thiếu niên, chúng ta đang giao thiệp với những con người sống động vốn dễ bị tác động, hay thay đổi, nhạy cảm, e ngại, dễ xúc động, chứ không phải là những thiết bị máy móc có thể được sửa chữa một cách nhanh chóng; và để tương giao với các em, ta phải hiểu kỹ càng, phải hết sức kiên nhẫn và có tình yêu thương sâu sắc. Khi ta thiếu những phẩm chất này, ta viện đến những “phương thuốc” cứu chữa nhanh chóng và dễ dãi, và hy vọng tự động sẽ có những kết quả thần kỳ. Nếu ta lơ là, máy móc trong thái độ và trong hành động của mình, vô hình trung ta sẽ trốn tránh những đòi hỏi gây phiền toái cho ta và ta không thể đáp ứng một cách tự động, và đây là một trong những khó khăn chính của việc giáo dục.

Đứa trẻ là kết quả của cả quá khứ lẫn hiện tại, do đó chúng đã bị quy định sẵn. Nếu chúng ta chuyển nền tảng quá khứ của mình sang cho đứa trẻ, chúng ta sẽ tiếp diễn tình trạng bị quy định của em và của chính ta. Chỉ khi nào ta hiểu được tình trạng bị định đặt của mình và thoát khỏi nó thì mới có thể có sự thay đổi triệt để. Còn ngồi bàn luận và cố xác định xem đâu mới là loại hình giáo dục đúng đắn trong khi bản thân chúng ta vẫn bị các điều kiện quy định là một điều hết sức viễn vông.

Khi trẻ còn nhỏ, đương nhiên là phải bảo vệ các em khỏi những mối nguy hiểm về thân thể và tránh cho các em cảm giác bất an về thân thể. Nhưng khổ nỗi, chúng ta không dừng lại ở đó; chúng ta muốn tiến tới định hình cả cách cảm nhận và suy nghĩ của các em, chúng ta muốn nhào nặn các em theo những khao khát và ý định riêng của mình. Chúng ta tìm cách hiện thực hóa chính mình nơi con trẻ, kéo dài sự tồn tại của chúng ta qua bọn trẻ. Chúng ta xây những bức tường bao quanh các em, khuôn đặt các em bằng các đức tin và ý thức hệ, bằng nỗi sợ hãi và niềm hy vọng của chúng ta – và rồi chúng ta khóc lóc và cầu nguyện khi chúng bị giết chết hay bị thương trong các cuộc chiến, hay phải chịu những thiệt thòi trong cuộc sống.

Những trải nghiệm như thế không mang lại sự tự do; trái lại chúng củng cố thêm ý muốn mãnh liệt của cái tôi. Cái tôi được tạo thành từ một loạt những phản ứng phòng vệ hay bành trướng, và những thành tựu của nó luôn nằm trong các dự phóng và trong những hình thức đồng hóa mà nó thấy thỏa mãn. Chừng nào chúng ta còn hiểu những trải nghiệm cuộc sống qua lăng kính của cái tôi – “tôi” và “của tôi”, chừng nào cái tôi vẫn còn được duy trì qua những kiểu phản ứng của nó, thì ta không thể thoát ra khỏi trải nghiệm xung đột, trạng thái hỗn loạn và nỗi đau khổ. Tự do chỉ đến khi ta hiểu được phương cách tồn tại của cái tôi, tức cái chủ thể đang trải nghiệm. Chỉ khi nào cái tôi, cùng với những phản ứng được tích lũy của nó, không còn là kẻ trải nghiệm, thì trải nghiệm ấy sẽ khoác lên mình một ý nghĩa hoàn toàn khác và nảy sinh sự sáng tạo.

Nếu muốn giúp đứa trẻ tự do khỏi những phương cách tồn tại của cái tôi, vốn là những điều gây quá nhiều đau khổ, thì mỗi người chúng ta phải bắt đầu thay đổi một cách sâu sắc thái độ và mối tương giao giữa mình và đứa trẻ. Cha mẹ và các nhà giáo dục, thông qua cách suy nghĩ và ứng xử của mình, có thể giúp đứa trẻ trở thành người tự do, được phát triển trong tình yêu thương và sự tử tế.

Nền giáo dục, như trong tình trạng hiện nay, không khuyến khích mọi người tìm hiểu các xu hướng kế thừa và ảnh hưởng của môi trường bên ngoài đã khuôn đặt tâm trí và nuôi dưỡng nỗi sợ hãi của chúng ta như thế nào, và vì thế không giúp ta thoát khỏi sự quy định này và hé lộ ra một con người toàn diện. Bất kỳ loại hình giáo dục nào liên quan đến một bộ phận, chứ không phải tổng thể một con người, tất yếu sẽ làm gia tăng sự xung đột và nỗi đau khổ.

Chỉ trong sự tự do cá nhân, tình thương yêu và sự tử tế mới có thể đơm hoa kết trái; và loại hình giáo dục đúng đắn mỗi mình nó cũng có thể mang lại sự tự do này. Không có sự tuân phục đối với xã hội hiện nay hay lời hứa hẹn về một xã hội Không tưởng trong tương lai nào có thể mang lại cho cá nhân cái minh kiến bên trong ấy. Nếu không có cái minh kiến này, anh ta khó lòng thoát khỏi một cuộc sống đầy xung đột.

Nhà giáo dục đúng nghĩa, người thấy được bản chất bên trong của sự tự do, sẽ giúp cho mỗi học trò của mình biết cách quan sát và hiểu được các giá trị, cũng như những đòi hỏi quá đáng mà các em tự phóng chiếu lên bản thân như thế nào; anh ta giúp các học trò ý thức hơn về những ảnh hưởng bên ngoài đã và đang quy định, đang tác động đến các em, và ý thức về những ham muốn của chính các em, cả hai thứ ấy đều góp phần hạn chế năng lực tinh thần của các em và gây ra nỗi sợ hãi; khi các em trưởng thành, anh ta sẽ giúp các em biết cách quan sát và hiểu được chính bản thân mình trong mối tương quan với mọi thứ khác. Khao khát khỏa lấp những mong nguyện của bản thân là cái làm cho cuộc sống của các em triền miên xung đột và đau khổ.

Đương nhiên ta có thể giúp mỗi cá nhân nhận chân ra các giá trị bền vững của cuộc sống mà không bị định đặt gì cả. Một số người cho rằng sự phát triển hoàn thiện của cá nhân sẽ dẫn tới sự hỗn loạn; thế thì đã sao? Hỗn loạn thì vốn đã hỗn loạn rồi. Thế giới này đã rối beng từ lâu bởi người ta không được giáo dục để hiểu về chính mình. Khi con người được trao cho một thứ tự do giả tạo, thì họ cũng được dạy cho cách tuân phục, chấp nhận các giá trị hiện tồn.

Nhiều người đang nổi dậy chống lại việc tuân phục các hệ thống kiểm soát; nhưng thật không may, sự nổi dậy của họ chỉ là một phản ứng có tính tư lợi, phản ứng ấy chỉ làm cho cuộc sống thêm tăm tối mà thôi. Nhà giáo dục đích thực, người biết rõ xu hướng phản ứng của tâm trí, sẽ giúp người học biết cách thay thế các giá trị hiện tại, không phải bằng cách phản ứng chống lại chúng, mà bằng cách hiểu được toàn bộ diễn trình của cuộc sống. Sự hợp tác toàn tâm toàn ý không thể có được nếu không có sự hợp nhất toàn diện mà nền giáo dục đúng đắn có thể góp phần làm thức tỉnh nơi mỗi cá nhân.

Sao chúng ta lại chắc mẩm rằng cả chúng ta lẫn thế hệ kế tiếp không thể tạo ra sự thay đổi căn cơ trong mối quan hệ giữa mọi người với nhau thông qua một nền giáo dục đúng đắn? Chúng ta chưa bao giờ thử làm điều đó, và vì đa phần chúng ta có vẻ như e sợ thứ giáo dục ấy nên chẳng hề có xu hướng muốn thử nó. Nếu không thực lòng mong muốn truy vấn triệt để câu hỏi này, thì chúng ta buộc phải khẳng định rằng bản tính con người là không thể thay đổi, chúng ta buộc phải chấp nhận mọi thứ như chúng vốn là và khuyến khích đứa trẻ phải thích ứng với xã hội hiện tại; chúng ta uốn nắn các em theo lối sống hiện có của mình, và cầu mong sao cho đó là điều tốt đẹp nhất. Nhưng việc tuân phục các giá trị hiện tồn như thế liệu có phải là giáo dục hay không? Kiểu tuân phục này không sớm thì muộn sẽ dẫn tới chiến tranh và đói khổ.

Chúng ta hãy thôi tự dối lòng rằng kiểu uốn nắn này sẽ giúp phát triển trí tuệ và mang lại hạnh phúc cho bọn trẻ. Nếu chúng ta cứ mãi lo sợ, bàng quan, lãnh đạm đến mức không thể hy vọng gì nữa, nghĩa là chúng ta không thực lòng quan tâm đến việc khuyến khích các cá nhân phát triển trong tình yêu thương và sự tử tế, mà thực chất chúng ta lại thích thấy anh ta sống trong sự khốn cùng mà chúng ta cũng đã tự mình chuốc lấy và anh ta cũng là một phần trong đó.

Khuôn đặt cho học sinh quen với việc chấp nhận môi trường hiện tại rõ ràng là hoàn toàn xuẩn ngốc. Nếu không tình nguyện tạo ra sự thay đổi tận gốc rễ cho giáo dục, chúng ta phải trực tiếp chịu trách nhiệm cho sự kéo dài tình trạng nhiễu nhương và khốn khổ; và sau rốt khi cuộc cách mạng tàn bạo khủng khiếp nổ ra, nó sẽ chỉ mang lại cơ hội trục lợi cho một nhóm người nào đó và khiến họ trở nên tàn nhẫn. Tổ chức chuyên quyền nào cũng đều khai triển những phương tiện áp bức của riêng họ, dẫu bằng cách thâu phục nhân tâm mềm mỏng hay sử dụng bạo lực thô thiển.

Vì những nguyên do chính trị và công nghiệp, kỷ luật đã trở thành một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc xã hội hiện đại, và chính vì muốn an toàn về mặt tâm lý mà chúng ta chấp nhận và thực thi các hình thức kỷ luật khác nhau. Kỷ luật đảm bảo cho kết quả, và đối với chúng ta, lẽ ra mục đích quan trọng hơn phương tiện nhưng phương tiện lại đang quy định mục đích.

Một trong những mặt trái nguy hiểm của kỷ luật chính là hệ thống trở nên quan trọng hơn con người trong hệ thống đó. Thế là kỷ luật trở thành cái thay thế cho tình thương yêu, và bởi tâm hồn trống rỗng nên chúng ta mới bám víu vào kỷ luật. Tự do không bao giờ biểu lộ qua kỷ luật, qua sự phản kháng; tự do vốn không phải là một mục tiêu hay một mục đích phải đạt được. Tự do nằm ở chỗ bắt đầu chứ không phải ở chỗ kết thúc, nó cũng không ngụ trong một lý tưởng xa xôi diệu vợi nào.

Tự do không phải là cơ hội nhằm thỏa mãn sở thích cá nhân hay gạt sự quan tâm đến người khác sang một bên. Nhà giáo dục chân chính sẽ bảo vệ học sinh và giúp các em phát triển theo chiều hướng tự do đích thực bằng mọi giá; nhưng mọi biện pháp sẽ vô dụng nếu anh ta bị nghiện một kiểu ý thức hệ nào đó hoặc anh ta là kẻ giáo điều, tư lợi.

Sự tinh nhạy không bao giờ có thể đánh thức bằng cách cưỡng ép. Người ta có thể buộc đứa trẻ phải giữ yên lặng, nhưng họ đã tránh né đối mặt với vấn đề khiến đứa bé ấy trở nên bướng bỉnh, hỗn xược… Ép buộc là mầm mống của sự chống đối và sợ hãi. Thưởng phạt dưới bất cứ hình thức nào cũng chỉ là cách nô dịch tinh thần và làm cho nó ngày càng ngu dốt; và nếu đấy là điều chúng ta muốn, thì giáo dục bằng sự cưỡng ép là phương pháp cực kỳ hiệu quả!

Lối giáo dục ấy không thể giúp chúng ta thấu hiểu đứa trẻ, cũng không thể tạo dựng được một môi trường xã hội đúng đắn trong đó sự chia tách và thù hận không tồn tại. Tình yêu thương mà ta dành cho đứa trẻ đã hàm chứa sẵn đường hướng giáo dục đúng đắn. Nhưng buồn thay, hầu hết chúng ta đều không thực sự yêu thương con cái mình; chúng ta muốn chúng giỏi giang – đấy chẳng qua là chúng ta muốn chính mình giỏi giang, muốn mình nở mày nở mặt. Khổ nỗi, chúng ta bận bịu với những công việc đầu óc đến mức chẳng có mấy thì giờ lắng nghe những lời mách bảo trong tim. Sau rốt, kỷ luật bao hàm tính đối kháng; và sự đối kháng đã bao giờ mang lại tình yêu thương chăng? Kỷ luật chỉ có thể xây lên những bức tường bao quanh chúng ta mà thôi; nó luôn mang tính loại trừ và luôn dẫn đến xung đột. Kỷ luật không dẫn đến sự hiểu biết; vì sự hiểu biết luôn sánh đôi với sự quan sát, với sự truy vấn mà trong đó mọi thành kiến đều bị gạt sang một bên.

—– ??? —–

Quý đọc giả có thể theo dõi các bài viết trong cùng chủ đề này theo các liên kết dưới đây:

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CUỘC SỐNG CÓ Ý NGHĨA GÌ VÀ VÌ SAO TÔI LẠI Ở ĐÂY?

Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH