VIRENDER KAPOOR
Trích: PQ – Chỉ Số Đam Mê; Người dịch: Mai Hương; NXB. Lao động - Xã hội; Bản quyền tiếng Việt, 2011; Công ty Cổ phần Sách Thái Hà.
Hầu như tất cả các cuốn sách, câu chuyện về những người thành công và động lực thành công đều ít nhiều có nhắc đến lòng đam mê. Mọi vấn đề riêng tư như sắp xếp cửa nhà, dàn xếp chuyện hôn nhân, tổ chức các chương trình ở trường, một chuyến đi picnic cùng bè bạn, làm hòn non bộ trong vườn, lái xe đường dài, giữ dáng hay tán tỉnh một ai đó có tác động mạnh mẽ đến tất cả mọi người đều chỉ đòi hỏi đúng một từ – đam mê. Đây là bí quyết thành công cho mọi hoạt động trong cuộc sống. Ở trường, học sinh sinh viên khi đã có hứng thú với môn học gì thì sẽ dành ra nhiều thời gian cho nó mà không cảm thấy mệt và cuối cùng giành được điểm cao trong môn học đó. Chẳng có gì lạ khi bạn nghe ai đó nói: “Mình thích học toán” và một người khác lại nói: “Mình ghét học tiếng Pháp, mình chẳng hiểu lấy nửa chữ nữa!”. Nhiều người đặc biệt mê khoa học, yêu vật lý nhưng ghét hóa học. Tất cả những điều này liên quan đến hứng thú của bạn.
Nó có mối liên hệ trực tiếp với động lực bên trong – nền tảng tạo nên tinh thần năng nổ của những người thành công. Nó cũng là một thành phần quan trọng của nghệ thuật lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo thành công đều hết sức hứng thú với công việc của mình. Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù rất nhiều người ý thức được tầm quan trọng của niềm đam mê và thường đưa ra những lời khuyên như: “Hãy theo đuổi niềm đam mê của bạn”, “Hãy làm việc say mê”, “Nhận diện niềm đam mê của bạn” nhưng không ai chỉ cho bạn biết phải làm thế nào cả. Do đó, chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề này một cách tổng thể và trên từng phần, sao cho những kiến thức chúng ta có được sẽ có ích, mang tính thực tiễn và có tính ứng dụng cao, hơn là chỉ nói sơ qua.
Trong nhiều buổi hội thảo, tôi đặt ra một câu hỏi đơn giản: “Niềm đam mê của bạn là gì?” Thật đáng ngạc nhiên là rất nhiều cử toạ bối rối. Một vài người hỏi tôi xem có nhất thiết phải có đam mê hay không. Nhiều người không biết cách nhận diện niềm đam mê, nhiều người sở hữu lòng đam mê, thấy rõ nó nhưng không biết làm gì tiếp theo. Hiện thực hóa niềm đam mê thực sự là một vấn đề nan giải. Một số người quan tâm đến một số lĩnh vực nhưng không biết đó là niềm đam mê hay chỉ là sở thích nhất thời. Còn với những người bộc lộ rõ rằng họ không có niềm đam mê nào thì sao? Liệu chúng tôi có thể ươm mầm và nuôi dưỡng nó, họ hỏi.
Điều quan trọng nhất mà nhiều người muốn biết là làm cách nào để có hứng thú trong mọi việc cho dù là ở nhà, ở công sở hay trong cuộc sống nói chung. Nếu cuốn sách có thể giúp tăng chỉ số đam mê của bạn lên thêm 20% nữa, nó sẽ thay đổi cuộc đời bạn. Cuộc sống sẽ trở nên có ý nghĩa hơn, thú vị hơn, và tất nhiên nó sẽ là bệ phóng giúp bạn đạt đến những đỉnh cao mà chẳng bao giờ bạn tưởng tượng đến – mà không cảm thấy áp lực chút nào. Nó có tác dụng như một “nguồn năng lượng ảo”, hiện hữu ngay đó, chỉ có điều bạn không nhận thấy mà thôi.
Đam mê là một trạng thái tình cảm mãnh liệt. Nó trú ngụ trong tim, có lẽ là từ sâu thẳm trong tâm hồn, nhưng chắc chắn không phải trong đầu bạn! Và đa phần bạn chẳng thể hiểu được lý do. Đó là một trạng thái cảm xúc, vì thế nó là một yếu tố mang tính tình cảm. Thật không may khi cảm xúc của con người không thể được chỉ ra rạch ròi, cụ thể vì chúng có mối liên hệ chồng chéo. May mắn lắm bạn mới có thể lọc ra một nhóm các cảm xúc gần nhau. Dựa trên mối liên hệ trực tiếp có thể chỉ ra một số nhóm như nhiệt tình, hứng thú, nỗ lực, tò mò, can đảm, động cơ, thậm chí còn có nhóm ám ảnh.
“Chúa tể các vị thần không muốn cuộc sống con người chỉ toàn nỗi buồn đau, u ám nên đã ban cho họ niềm đam mê mà không cần lý do. Hơn thế nữa, ngài phong tỏa các loại lý do vào trong chiếc đầu tù túng, để toàn bộ phần còn lại của cơ thể cho những đam mê.”
_Desiderius Erasmus (1466- 1536), Nhà văn, học giả Hy Lạp__
Không thể đong đếm chính xác các xúc cảm của con người. Do đó, bạn không thể cụ thể hóa niềm đam mê thành một con số như trường hợp của chỉ số thông minh (IQ). Tuy nhiên bạn vẫn bắt gặp đây đó các thuật ngữ như “Chỉ số hứng thú”, “Chỉ số thời trang”, “Chỉ số hài hước” hay “Chỉ số hoạt động”, về bản chất, các thuật ngữ này chỉ có tính tương đối. Trong cuốn sách này tôi cũng dùng thuật ngữ “Chỉ số đam mê” với cách hiểu tương tự.
Tính sáng tạo và sự khuyến khích có mối gắn bó đặc biệt đối với khả năng tỏa sáng của một người. Có thể tính sáng tạo không hoàn toàn thuộc lĩnh vực của xúc cảm nhưng dám chắc rằng nó được khởi nguồn, được truyền năng lượng và bộc lộ nhờ sự tác động của thái độ tích cực. Bạn có thể thấy rằng những người sáng tạo thường rất chú tâm vào công việc họ làm. Trên thực tế, niềm đam mê làm nảy sinh sự sáng tạo và muốn sáng tạo được thì bạn cần phải đam mê. Với vô số mối liên quan, có thể coi các xúc cảm và tính sáng tạo là những yếu tố làm nên ngành “Đam mê học”. Cũng giống như một thìa bột đông có khả năng biến cả cốc sữa thành một thực thể rắn, chỉ cần một thìa đam mê, cuộc đời bạn có thể rẽ sang hướng khác. Hãy thử mà xem.