CHÚNG TA CÓ THỂ THEO ĐUỔI MỘT ĐIỀU KIỆN CHUNG KHÔNG?

RICHARD LAYARD

Trích: Hạnh Phúc – Những Bài Học Từ Một Môn Khoa Học Mới; Biên dịch: Hiếu Tân; Nhà xuất bản Tri thức

Bạn phải luôn đến viếng đám tang những người khác nếu không người ta sẽ không đến viếng bạn

Yogi Berra

Tôi luôn luôn nhìn quan điểm của người khác như một điều khó chịu đáng ghét.

Chú Pip Tôi

Hai thanh niên đi chơi trong rừng. Họ thấy một con gấu đến gần. Một người với lấy đôi giày để chạy. Người kia nói: “Mất công làm gì. Cậu sẽ không bao giờ chạy nhanh hơn con gấu”. Người nọ trả lời: “Có lẽ không, nhưng mình sẽ chạy nhanh hơn cậu”.

Đó là ý tưởng cơ bản của chủ nghĩa Darwin. Một trong hai người sẽ bị ăn thịt, chỉ có vấn đề là ai. Số chỗ trên thế giới này có hạn, ai thích hợp nhất để ở thì sống sót. Đó là thế giới của trò chơi “tổng số bằng không”. Các nguồn của cải là cố định. Hoặc là tôi giành được, hoặc là anh.

Nhưng dù chúng ta có làm gì chăng nữa thì tổng số đã có vẫn không hề thay đổi. Mọi cố gắng của chúng ta sẽ tạo ra tổng số bằng không. Đó là cuộc chiến tranh của tất cả chống lại tất cả.

Tất nhiên có một số trong cuộc sống con người giống như thế. Nhưng số lớn hơn, cái phần tốt đẹp hơn của cuộc sống, bao gồm những tương tác giữa con người, có tổng-khác-không, những tương tác đã cộng thêm vào tổng số hạnh phúc của chúng ta (Chính Darwin cũng biết điều này).

Một số trong những tương tác thành công là trong “tầm ngắn hạn”, như khi tôi mua hàng tạp phẩm; những trao đổi thị trường này là chủ đề của chương 9. Nhưng có một loại tương tác khác, nó gần gũi hơn và đòi hỏi sự hợp tác trực tiếp trong một cố gắng chung: Tôi và bạn nhất trí theo đuổi một mục tiêu chung, thậm chí nếu nó đòi hỏi phải hy sinh mối lợi trước mắt. Nếu con người không thể có hành vi loại này, thì ngay cả việc bàn đến những nguyên tắc hành động đạo đức, như chúng ta sẽ làm ở chương 8, cũng là vô ích. Vì vậy chương này chỉ là đoạn dẫn vào cuộc thảo luận đó. Nó bàn về việc con người có thể hợp tác với nhau đến mức nào cho những lợi ích lâu dài chung của họ.

Ảnh: nguồn Internet

Tiến thoái lưỡng nan

Trong bất kỳ cuộc hợp tác nào, mối quan tâm ích kỷ của tôi là rõ ràng: bạn sẽ làm việc, còn tôi nghỉ ngơi, thụ hưởng thành quả lao động của bạn. Nói cách khác, tôi muốn ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng nếu bạn cũng có quan điểm ấy thì công chuyện sẽ không đi đến đâu.

Loài người đã phải đối mặt với tình trạng khó xử này từ khi phát hiện ra các hoang mạc châu Phi. Tôi muốn minh họa nó bằng một câu chuyện thực tế trên hoang mạc – bởi vì chính ở đó chọn lọc tự nhiên đã đánh cược nền tảng sinh học của bản chất con người.

Chúng ta hãy tưởng tượng một tình thế như sau. Hai người trong số tổ tiên của chúng ta gặp nhau và bàn nhau đi săn hươu. Gọi hai vị tổ đó là “Bạn” và “Tôi”. Phần từ số hươu săn được chủ yếu sẽ dựa vào cách mỗi chúng ta thực hiện nghĩa vụ của mình. Hoặc là tôi sẽ hợp tác, chạy vòng quanh đuổi dồn hươu rồi nhận phần của mình, hoặc là tôi lừa cứ để bạn làm việc sau đó tôi ăn trộm con thú săn được. Bạn cũng đứng trước lựa chọn đó: bạn có thể làm việc hoặc có thể lừa.

Nếu chúng ta gắn bó với nhau, chúng ta sẽ kiếm được một mẻ lớn nhất: hai con hươu cho mỗi người. Nhưng nếu bạn lừa mà tôi không lừa, thì bạn sẽ được ba và tôi không có con nào. Điều ngược lại sẽ xảy ra nếu tôi lừa mà bạn thì không. Cuối cùng nếu cả hai chúng ta cùng lừa mỗi người đi mỗi ngả, thì kết cục mỗi người sẽ chỉ được một con hươu.

Bốn khả năng này được trình bày trong bảng dưới đây. Khi bạn và tôi bàn xem có nên tiếp tục đi săn nữa không, chúng ta biết rằng bất kỳ hành vi nào trong bốn khả năng này đều có thể xảy ra một cách hợp logic. Nhưng trước khi chúng ta quyết định liệu có tiếp tục săn nữa không, chúng ta đã có cái nhìn rõ ràng là hành vi nào dễ xảy ra nhất.

Tôi mong chờ gì? Nếu tôi không biết bạn và không có lý do gì để tin bạn, tôi nhận xét rằng, dù tôi có làm gì, bạn cũng làm tốt hơn bằng cách lừa tôi. Vì như bảng cho thấy, nếu tôi hợp tác, bạn được nhiều hơn do lừa gạt (3 con hươu thay vì 2) và nếu tôi lừa, bạn cũng vẫn được nhiều hơn do lừa gạt (1 thay vì 0). Vậy tôi sẽ thua nếu bạn lừa. Cũng với lý do đó bạn sẽ thua nếu tôi lừa. Bởi vậy mỗi chúng ta biết rằng người kia sẽ lừa, dù cách nào thì cuộc đi săn cũng chỉ mang lại cho chúng ta mỗi người một con hươu. Điều đó có thể là quá nhỏ để đánh giá những cố gắng đã bỏ ra.

Ngược lại, nếu chúng ta biết nhau và tin nhau, chúng ta có thể hứa hợp tác và hy vọng được tin cậy. Trong trường hợp này, chúng ta đáng tiếp tục đi săn vì mỗi người sẽ được hai con. Chắc chắn điều này sẽ đáng để tiếp tục cuộc săn.

Như vậy nếu chúng ta tin nhau, sẽ có những khả năng tốt đẹp hơn mở ra cho chúng ta – tổng số thú săn được sẽ nhiều hơn. Kết quả của hợp tác không phải là tổng số bằng không, nó là một hoạt động cả hai đều thắng. Nếu con người không có khả năng hợp tác theo cách đó, có lẽ họ đã không sống sót nổi trong cái khắc nghiệt của hoang mạc – rồi sau đó ở những vùng lạnh giá hơn nhiều. May lắm thì cuộc sống của họ chỉ là “cô đơn, nghèo khổ, bẩn thỉu, đần độn và ngắn ngủi” như Thomas Hobbes đã nói. Chúng ta sống sót vì gen của chúng ta cho chúng ta khả năng hợp tác.

Cái gọi là thế khó xử của những người tù mà tôi đã miêu tả dần dần lớn lên trong đời sống loài người. Đôi khi niềm tin ít ỏi đến mức hợp tác không thể nào đạt được thành tựu – hãy xem châu Âu năm 1914, hay Israel và Palestine vào thời điểm viết những dòng này, hoặc tình hình trong nhiều cơ quan xí nghiệp và gia đình. Nhưng trong phần lớn cuộc sống ngày hôm nay, hợp tác là một mệnh lệnh, và người ta có thể tạm quên đi những lợi ích riêng ngắn hạn của mình để theo đuổi một mục tiêu chung mà tất cả đều có lợi.

Hợp tác có ở khắp nơi quanh chúng ta. Người ta có thể tin tưởng về tiền bạc ở nơi mà không ai có thể kiểm soát. Tất nhiên không thể có hệ thống kiểm soát nào hoàn hảo, vì cuối cùng ai có thể kiểm tra những người đi kiểm tra, rồi ai lại kiểm tra những người kiểm tra ấy, v.v…? Vậy thì điều kỳ diệu ấy xảy ra như thế nào? Nó đến từ sự đa dạng của cơ thể, một số người có động cơ vị kỷ hơn, những người khác lại vị tha hơn. Có một quang phổ, và chúng ta sẽ bắt đầu từ đầu vị kỷ trước.

Sự trừng phạt

Như Thomas Hobbes đã chỉ ra ở thế kỷ XVII, có nhiều hành vi tốt đơn giản chỉ vì những hành vi xấu bị tòa án trừng trị. Tòa án buộc thực hiện các khế ước và trừng phạt các tội phạm. Các nhà xã hội học không nhất trí về việc nỗi sợ bị trừng phạt kiểm soát được tội ác đến mức nào, vì rất ít tội phạm bị bắt. Nhưng có một chứng cớ rõ ràng là tỉ lệ kết tội chắc chắn có tác động đến số lượng tội ác được ghi lại, và việc một hành vi nào đó bị liệt vào hạng tội phạm cũng khiến người ta tự nhiên do dự khi vi phạm.

Mặc dầu vậy, phần lớn những hành động đạo đức không nảy sinh từ nỗi sợ đối với luật hình. Vậy phải có những cách tự nguyện trong đó mọi người cùng hành động để tạo ra cuộc sống tử tế cho mọi thành phần.

Thanh danh

Trước hết, có những tính toán khôn ngoan đưa chúng ta đến chỗ biết coi trọng danh giá của chúng ta. Chúng ta biết “ngoài kia” có ai đó đang tìm kiếm một người có tinh thần hợp tác để cùng họ đạt được một tình thế tất cả đều thắng. Do đó ta cố gắng gây dựng danh tiếng tốt về hợp tác, tinh thần tập thể và sự tin cậy. Chúng ta quyết định không thụt két vì nếu bị bắt, tin tức sẽ loang ra làm hỏng các cơ hội sự nghiệp tương lai của chúng ta. Trong trường hợp này chính hy vọng được thưởng sẽ khiến chúng ta hợp tác. Trong trường hợp này chính hy vọng được thưởng sẽ khiến chúng ta hợp tác.

Hợp tác tất nhiên không phải là vô điều kiện. Nếu kẻ nào đó lừa chúng ta, chúng ta chơi lại. Đó là một chiến lược gọi là ăn miếng trả miếng. Nếu hai người hết lần này đến là khác phải đứng trước những lựa chọn như trong bảng trên, chiến lược tốt nhất thật ra là ăn miếng trả miếng. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ hợp tác ở vòng đầu của cuộc chơi, nhưng sau đó tôi đơn giản làm theo những gì người kia làm ở vòng đầu. Nếu anh ta ích kỷ ở vòng đầu, tôi sẽ hành động ích kỷ ở vòng hai, và v.v… Người ta không nhất thiết chọn chiến lược này trên nền tảng logic, thực ra họ thường làm thông qua các phản xạ bản năng được phát triển trong quá trình chọn lọc tự nhiên.

Như vật không nghi ngờ gì nữa, việc gây dựng thanh danh chắc chắn giải thích được phần lớn các hành vi có vẻ ngoài đạo đức. Tất nhiên ban đầu nó là một việc làm ích kỷ và phản ánh một nhân tố mạnh mẽ của tính ích kỷ ở con người, được bộc lộ trong một loạt thí nghiệm do nhà kinh tế học Ernst Fehr và những người khác tiến hành.

Sự chấp nhận

Tuy nhiên có nhiều hành vi đạo đức không phải đơn giản là sự tính toán khôn ngoan. Lên hai tuổi, nhiều em bé đã biết chạy đến dỗ bạn đang khóc vì đau? Người ta lớn lên từ trong gia đình và đó là nơi đầu tiên ta học về hợp tác. Động cơ ở đây là ước muốn liên tục được chấp thuận. Trẻ con muốn được cha mẹ chúng và các đứa trẻ khác chấp nhận. Cha mẹ và bạn bè chấp thuận khi đứa trẻ ngoan với họ. Muốn được chấp thuận đứa trẻ phải cố gắng để tỏ ra ngoan nhất.

Mong muốn được chấp thuận không phải chỉ là mong muốn có tiếng tốt. Nó phản ánh mong muốn được hòa hợp với những người xung quanh (Danh tiếng, ngược lại, có thể được tìm với những đối tượng trong trí óc hoàn toàn không liên quan đến ai). Vì thế, hành vi tốt có phần là một biểu hiện tính dễ hòa đồng của chúng ta. Chúng ta muốn có những quan hệ tốt, không chỉ như một phương tiện để đạt mục đích khác (tính toán khôn ngoan) mà còn vì sự thỏa mãn trực tiếp mà nó mang đến cho ta.

Ảnh: nguồn Internet

Cảm giác công bằng

Như vậy phần lớn hành vi của chúng ta được thúc đẩy bởi mong muốn giúp đỡ hoặc được người khác đánh giá tốt – ngay bây giờ hay trong tương lai. Nhưng trong một thế giới ngày càng xáo trộn, mà chúng ta thường xuyên thay đổi kết giao, sức mạnh của những động lực ấy cứ đều đều giảm xuống. hợp tác ngày càng gắn chặt với một cái gì khác hơn: đó là cảm giác đạo đức của chúng ta.

Chứng cớ rõ ràng nhất là khi chúng ta giúp đỡ cho những người mà ta sẽ không bao giờ gặp, hay không bao giờ gặp lại. Chúng ta trả lại đồ cho người mất, góp tiền cho quỹ Cứu trợ Trẻ em, lặn xuống vớt người chết đuối không quen biết. Tại sao? Điều đó đến từ sự cảm thông sâu thẳm chúng ta cảm thấy đối với người khác, cái cảm giác mà ta đối xử với mọi người như ta muốn mọi người đối xử với ta. Cái ý tưởng công bằng là cốt lõi của đạo đức.

Nó khác nhau giữa người này với người khác. Người bị bệnh tâm thần và người vô cảm về đạo đức không cảm được đến 1% tình cảm này. Nhưng trong mọi xã hội của con người đều có những khái niệm về sai và đúng, về sự lương thiện, về các quyền và các bổn phận.

Bất kỳ điều gì phổ biến như vậy đều có vẻ có nhân tố gen được tăng cường qua học hỏi. Chúng ta thấy điều này ở các em bé. Đầu tiên, chúng muốn mọi thứ cho bản thân (trừ những thứ chúng đã ném đi). Nhưng dần dần từng tí một, chúng nhận ra cái tốt của sự chia sẽ, và chỉ trên cơ sở ấy chúng mới đòi. Thật thú vị là nét tiêu biểu của lương tâm ấy có một thành tố gen, nói theo ngôn ngữ di truyền học, là 40% có thể di truyền.

Cư xử tốt tất nhiên có thể làm cho bạn cảm thấy thoải mái thích thú. Mặc dầu triết gia Immanuel Kant tin rằng, hành động đúng đắn có thể không mang lại niềm vui thích, nhưng máy scan MRI xác nhận là có. Trong một thí nghiệm nhiều người được yêu cầu chơi trò chơi ở bảng (trang 116) tranh giải bằng tiền thật trong một loạt màn chơi chống lại cùng một địch thủ. Nhưng chúng ta đã thấy, nếu hợp tác ta có thể bị thua, vì người kia có thể lừa. Nhưng khi những người hợp tác đáp lại hành vi hợp tác của người bạn chơi ở màn trước, thì não họ sáng lên ở vùng mà bình thường vẫn sáng lên khi có trải nghiệm được ban thưởng. Và điều này xảy ra trước khi họ biết trong lúc đó người kia có chơi đẹp không và như vậy họ có lợi không. Như vậy ít ra là đôi lần, những dây thần kinh của chúng ta làm cho chúng ta cảm thấy thích thú khi chúng ta hành động đẹp.

Nếu con người giống nhau, thì thật dễ dàng kể một câu chuyện về cách chúng ta có được cảm giác công bằng. Chẳng hạn, ta giả sử vấn đề chính mà con người phải giải quyết là chia một khẩu phần ăn hằng ngày cho hai người. Loại người nào sẽ giải quyết việc này tốt nhất? Giả sử cả hai người đều đòi hơn một nửa. Họ không thể đi đến nhất trí, trong trường hợp đó họ sẽ đánh nhau và cả hai đều đói. Bây giờ ta xét loại người chỉ đòi mỗi người 40%. Những người này sẽ dễ dàng nhất trí. Nhưng sau đó một sự thay đổi tình cờ tạo ra kiểu người chỉ đòi mỗi người 45%. Họ sẽ có nhiều để ăn hơn những người khiêm nhường. Theo các khái niệm tiến hóa, họ mạnh hơn và sẽ thay thế những cư dân khiêm nhường. Dần dần đến lượt họ lại bị thay thế bởi lớp người thực hiện chia 50:50. Đây là kiểu người tham vọng nhất có thể sống hiệu quả trên trái đất và họ sẽ đến để thừa hưởng nó (Một thế giới gồm những con người như thế gọi là “cân bằng ổn định về phương diện tiến hóa” và dân cư của nó là những người mà “chiến lược” của họ ổn định về mặt tiến hóa).

Lý thuyết này là một sự giải thích hơi có vẻ thực dụng cái cảm giác công bằng, được diễn tả thích đáng bằng bối cảnh của một lý thuyết tiến hóa dựa trên chọn lọc tự nhiên. Và sự chia phần tất nhiên là cực kỳ quan trọng đối với sự sống còn của chúng ta vào cái thời mà thực phẩm còn được cung cấp thất thường. Đó là một lý thuyết rất tốt về chúng ta có được cảm giác công bằng như thế nào. Nó giải thích tại sao phần lớn người ta có lòng tử tế và sự tin cậy, cái tình cảm bảo chúng ta nên cho đi nhiều như nhận vào, và chúng ta đối đãi với người khác theo cách mà chúng ta muốn được đối đãi.

Tuy nhiên, con người vô cùng khác nhau về phương diện cảm giác đạo đức. Vậy những kẻ xấu xa bạc ác – như lừa đảo tất cả chúng ta – có giàu không. Nói chung là không. Xét trung bình, những người có tình cảm đạo đức mạnh thường thành công hơn những người khác, cả trong lĩnh vực kinh tế. Đó là bởi vì họ là những người đáng tin cậy hơn, và họ thường được giao những trách nhiệm cao hơn. Điều này chỉ xảy ra khi những người đáng tin cậy có thể được mọi người nhìn nhận đúng như thực tế qua cách hành xử tự nhiên của họ. Nếu bình thường họ cư xử tốt, với cả những người không quen biết, thì mọi người có thể thấy điều đó, và những cơ hội tốt trong cuộc sống sẽ đến với họ.

Một trong những đặc điểm của hành vi tốt, là sự giữ lời trong các cuộc giao dịch: nếu anh nói anh sẽ làm, là anh nhất định làm, dù sau đó có thể anh thích làm cái khác hơn. Đó là cái mà chúng ta gọi là cam kết. Chúng ta sẽ giải thích ý tưởng này.

Cam kết

Như cái ví dụ về săn hươu ở trên minh họa một xã hội không thể trở nên thịnh vượng nếu mọi người không thể cam kết với nhau; họ phải giữ lời hứa, kể cả sau đó việc đó có thể bất lợi cho họ. Luật pháp, và ngay cả nhu cầu về danh tiếng là những cơ chế không thích hợp để cưỡng chế nó. Có một cơ chế hiệu quả hơn, đó là sự cưỡng chế từ bên trong của lòng tự trọng, nó ngược với tội lỗi.

Vậy đây là một người đứng trước cuộc đấu tranh nội tâm giữa cái lợi trước mắt và lợi ích lâu dài của anh ta. Sự cám dỗ nhắm ngay cái lợi trước mắt hình như đã ăn sâu vào bản chất chúng ta. Có vô số nghiên cứu trình bày trong những dòng tiếp theo đây. Nhiều người được yêu cầu lựa chọn nhận 100 đô la hôm nay hay 101 đô la vào tuần sau. Đa số chọn 100 đô la hôm nay. Sau đó họ lại được yêu cầu chọn 100 đô la sau ba tuần nữa, hay 101 đô la sau bốn tuần. Gặp tình thế này nhiều người đã chọn bốn tuần lấy 101 đô la. Như vậy nếu vấn đề là ngay tức khắc, nhiều người vội vã chọn ngay mối lợi trước mắt, dù vậy, khi lựa chọn cho tương lai, họ có cái nhìn dài hạn hơn. Sự cưỡng bách này có vẻ như liên hệ đến gen của chúng ta, bởi vì những lựa chọn tương tự cũng được đưa ra cho bồ câu, chuột, mèo, chó, lợn ghinê, cừu, và đều cho kết quả tương tự.

Nhưng áp lực của tư lợi tức khắc có thể được bù lại bằng một cảm giác còn mạnh hơn.

Trong phần lớn quyết định của con người, cảm xúc là một thành tố thiết yếu. Để bù lại cái áp lực thỏa mãn tức khắc, có lẽ chỉ tính toán cân nhắc về cái lợi lâu dài là không đủ. Một cảm giác đạo đức mạnh có thể làm được điều này. Và tình cảm này xét trung bình có lợi cho chúng ta về lâu dài, vì nó làm cho chúng ta đáng tin cậy hơn.

Những người có tình cảm đạo đức dễ được người khác nhận ra, từ việc họ làm, đến vẻ ngoài và cách ăn nói của họ. Trong các thí nghiệm tâm lý học với những trò chơi đòi hỏi hợp tác, những người được cho ba mươi phút trước khi chơi để nói chuyện với những người lạ khác, hoàn toàn đoán được người kia sẽ hành xử như thế nào khi trò chơi tiến hành. Con người không hề kém trong việc phân biệt ai đáng tin, ai không.

Tính đáng tin cậy là vô cùng quan trọng trong các cuộc làm ăn chung, và không có hợp đồng nào thành công nếu không có sự cam kết vì mục tiêu chung. Điều này áp dụng trong kinh doanh, trong tình bạn và trong hôn nhân. Đáng buồn là, chủ nghĩa cá nhân ngày càng lan tràn đã khuyến khích lối suy nghĩ giao kèo (contractarian) ngắn hạn, trong đó ngày càng nhiều quyết định được thực hiện trên cơ sở lừa miếng nhau. Thậm chí đến trong hôn nhân người ta cũng ngày càng tính toán hơn thiệt để đi đến những quyết định thiển cận.

Trong Chuyên luận về gia đình (Treatise on the Family) của mình, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Gary Becker của Đại học Chicago cho rằng, cả hôn nhân và độ lâu dài của nó đều bị quyết định bởi các nguyên tắc giao kèo đơn giản. Người ta lấy nhau chỉ vì họ muốn sống có đôi hơn là ở một mình, nếu một trong hai người muốn ở một mình, hôn nhân chấm dứt.

Trong môi trường tối ưu hóa liên tục này, không đáng ngạc nhiên rằng, như chúng ta vẫn thấy, người ta ít thỏa mãn với hôn nhân của mình. Cũng có những chứng cớ rõ ràng rằng, khi các cặp vợ chồng sắp xếp tỉ mỉ cuộc sống của họ trên cơ sở có đi có lại, họ kém thỏa mãn với hôn nhân của mình hơn khi hôn nhân dựa trên quan niệm dâng diến cho nhau. Điều này là đúng với cả đàn ông và đàn bà. Chứng cớ cũng cho thấy khi một bên làm điều gì đó mà đối phương không đền đáp lại, người ấy sẽ ít thỏa mãn hơn là khi không đặt vấn đề có đi có lại. Đó là bởi vì cho đi thì mang lại thỏa mãn, mà còn thỏa mãn nhiều hơn nhận về.

Trước hết, chúng ta cần biết rằng tình bạn của ta cam kết trọn vẹn vào cuộc. Nếu vậy, chúng ta biết người bạn tình sẽ gắn bó với quan hệ, ngay cả khi lợi ích trước mắt có thể bảo “tách ra” (Những lời hứa trong lễ cưới bao quát mọi tình hướng có thể xảy ra – lúc ốm đau cũng như khi mạnh khỏe). Nếu cả hai bên biết rằng bên kia thật sự cam kết, mỗi người sẽ đầu tư nhiều hơn và khả năng thành công tăng lên.

Ở tất cả mọi tầng lớp xã hội, hành vi tốt của một người bao giờ cũng kéo theo hành vi tốt của người khác. Một minh họa thú vị lấy từ một nghiên cứu năm 1968, trong đó người ta bỏ rơi những ví tiền trên vỉa hè ở Manhattan, bên trong đó có những đồ vật quý kèm theo 2 đô la tiền mặt và một tấm séc 26,3 đô la ký cho “EMH Co.”. Các ví tiền được bỏ vào phong bì có địa chỉ người chủ, bên trong có một bức thư làm như do người nhặt được viết. Một loạt những người ‘giả định nhặt được’ viết rất sôi nổi rằng được trả lại ví tiền cho người mất là một niềm vui lớn đối với họ. Một loạt những người giả định nhặt được khác viết ca thán những phiền nhiễu mà chuyện này gây ra cho họ. Trong số loạt ví thứ nhất (kèm theo bức thư “hào phóng” có 70% được trả lại, so với 10% của loạt thứ hai (kèm những bức thư cáu kỉnh). Chuyện này minh họa một cách đơn giản con người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những chuẩn mực thái độ và hành vi mà họ gặp đến mức nào.

Như vậy mặc dầu tính ích kỷ cố hữu muôn thuở của chúng ta, vẫn có một đức tốt khiến chúng ta có khả năng hợp tác với nhau để theo đuổi điều thiện chung. Tuy nhiên có người nói rằng, chúng ta chỉ có thể hợp tác để đánh lại một nhóm khác. Điều đó có đúng không?

Một tình thế khó khăn chung là người gieo giống tuyệt vời cho tinh thần hợp tác.

Tinh thần thị tộc

Khi tổ tiên của chúng ta ở thời đại đồ đá hợp tác lại với nhau, thì thường là để đánh lại một bộ tộc khác. Chiến tranh là một nét đặc thù của hầu hết các xã hội nguyên thủy. Như đồ thị dưới đây cho thấy, trong số nhiều dân tộc nguyên thủy mà chúng ta đã ghi lại được, trên 20% cái chết của đàn ông là trong chiến tranh. Ngược lại ở Châu Âu và Hoa Kỳ, hai cuộc chiến tranh thế giới ở thế kỷ XX chỉ có 2% đàn ông chết, kể cả chết đói và chết bệnh trong thời gian chiến tranh.

Như vậy, ý tưởng về Noble Savage hòa bình là một huyền thoại. Giống như ý tưởng về Merrie England hòa bình thời Trung cổ. Bảy trăm năm trước, số vụ giết người ở Anh nhiều hơn bây giờ hai mươi lần. Như vậy có tiến bộ trong hàng loạt dân tộc mà chúng ta có thể hợp tác hòa bình.

Một tình thế khó khăn chung là người gieo giống tuyệt vời cho tinh thần hợp tác.

Mặc dù vậy, tinh thần thị tộc đã ăn sâu vào bản chất chúng ta. Một thí nghiệm nổi tiếng của nhà tâm lý học Muzafer Sherif minh họa điều này. Một nhóm trẻ em mười một và mười hai tuổi đi cắm trại với nhau. Lúc đầu, bọn chúng được đưa vào một buồng và đã hình thành những tình bạn rất thân thiết. Sau đó, chúng được tách ra hai buồng riêng rẽ, phần lớn các cặp bạn bị xé lẻ ra. Các nhóm từ hai buồng khác nhau bắt đầu trêu chọc chửi bới nhau. Chúng trở nên ghét những người bạn cũ và tâng bốc các bạn mới. Quá trình gắn kết nhóm này hoàn toàn tự phát. Thời gian trôi qua, ở mỗi bên xuất hiện những thủ lĩnh hung hăng hơn. Các cuộc gặp không chính thức đàm phán và hòa giải đều không thể làm dịu hằn thù. Cuối cùng, để phá tình trạng bế tắc này chỉ còn cách tạo ra một vấn đề cần giải quyết để cho cả hai nhóm làm việc chung với nhau: chiếc xa tải chở thực phẩm bị sa lầy và tất cả bọn trẻ phải hợp sức kéo nó lên. Sau đó, thật ngạc nhiên, bọn trẻ biểu quyết cùng về nhà trên một chuyến xe buýt.

Như vậy Hobbes đã sai. Không phải chỉ nỗi sợ trước quyền lực cao hơn có thể ngăn cản chúng ta đấu tranh. Như chúng ta đã thấy, nhiều động lực khác ngoài nỗi sợ bị trừng phạt có thể dẫn đến sự hợp tác giữa mọi người: mong muốn có tiếng tốt và được chấp thuận, và ở những mức độ khác nhau, cảm giác công bằng. Đó là những động lực làm mở rộng phạm vi hợp tác qua đó tất cả đều có lợi.

Nói cho cùng, phần lớn người ta đều có cảm giác đạo đức. Họ có thể rời bỏ quyền lợi của riêng mình và xem xét cái gì có lợi cho cả tập thể. Họ cũng có thể mở rộng cảm quan tập thể của mình để, chúng ta dám hy vọng, có thể bao trùm những lợi ích của cả loài người.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TƯ CÁCH CÔNG DÂN – Pat Tillman
  2. HỢP TÁC – TÍNH CÁCH LÀ SỐ PHẬN
  3. SỰ TỰ DO – SỐNG SÁNG SUỐT

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP