HỢP TÁC – TÍNH CÁCH LÀ SỐ PHẬN

JOHN McCAIN

MARK SALTER

Trích: Tính Cách Là Số Phận –Viết về những tính cách đẹp mà ai cũng nên đọc và ghi nhớ, Tập 1; Phan Hoàng Lệ Thủy dịch; NXB. Trẻ; 2008

“Đây là môn thể thao có tính đồng đội. Là môn thể thao đẹp khi được chơi theo đội. Đối với tôi, không có gì đẹp khi chỉ có một cá nhân một mình dẫn bóng và thực hiện một cú úp rổ đẹp mắt… Đó có thể là điều mà hình như đa số người hâm mộ đều thích, nhưng tôi thì không”.

 

Con người giản dị với hiểu biết sáng suốt và sự khuôn phép đã dạy cho các chàng trai cách trở thành người chiến thắng và người tốt.

Bill Walton, trung phong trong đội bóng rổ vô địch của UCLA (Trường đại học California, Los Angeles – ND) đầu những năm 1970 là một chàng trai trẻ có quan điểm rõ ràng về nhiều vấn đề: chính trị, âm nhạc, giáo dục, thể thao, và đặc biệt nhất là vấn đề tự do cá nhân. Bill là một người độc lập. Cậu ta luôn quyết định về cách nghĩ, điều cần nói, cách ăn mặc, và cách để tóc dài cỡ nào. Và nếu cậu ta quyết định chưng diện với một bộ râu thì đó sẽ là quyết định của cậu ta và chỉ của một mình cậu ta mà thôi.

Huấn luyện viên của cậu cũng có quan điểm riêng, mặc dù công bằng mà nói ông thể hiện quan điểm ít kịch tính hơn, ít dữ dội hơn trung phong ngôi sao của mình. John Wooden là một người giản dị, trầm tính, nệ cổ, công bằng, khoáng đạt, và khoan dung nhưng cũng mạnh mẽ làm chủ lý lẽ của mình y như Walton, thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Ông lãnh đạo chủ yếu bằng làm gương. Những chỉ thị của ông – nhiều cầu thủ khi nghe có thể nghĩ rằng kỳ quặc và lỗi thời – thường được nói một cách êm ả bằng những câu châm ngôn giản dị mà ông học được từ cha mình, hoặc bằng những câu thơ mà ông có ấn tượng, hoặc những trình tự lặp đi lặp lại một cách kiên nhẫn.

Ông quan tâm đến các cầu thủ, và nghiêm khắc chú ý dạy họ từ chuyện nhỏ đến việc lớn để giúp họ trở thành những cầu thủ bóng rổ giỏi hết khả năng, và quan trọng nhất là trở thành những con người tốt nhất trong khả năng họ. Ông có thể rút một cầu thủ ra khỏi sân vì tội văng tục hoặc chỉ trích đồng đội hay vì thiếu tôn trọng đối thủ. Ông muốn cầu thủ của mình ăn mặc thích hợp, lịch sự với tất cả mọi người, bày tỏ lòng biết ơn đồng đội khi họ ghi bàn, và tự kiềm chế không biểu lộ tình cảm quá mức trên sân. Ông dạy họ về phẩm giá đúng như bản chất của nó là dựa vào lòng tự trọng và sự tôn trọng người khác. Và ông không chỉ dạy họ về lợi ích của tinh thần đồng đội – cả năm người đều giữ đúng vai trò được phân công, mà còn dạy họ tác dụng của sự hợp tác và cảm giác toại nguyện mà nó mang lại cho từng người. Ông là một người thầy, danh hiệu mà nhiều huấn luyện viên tự tuyên bố về mình, nhưng không phải ai cũng là thầy thật sự.

Trong buổi tập luyện đầu tiên của mỗi mùa, huấn luyện viên Wooden sẽ dành khoảng nửa giờ để dạy các cầu thủ cách đi vớ và giày. Hồi còn làm huấn luyện viên ở trường trung học, ông đã nhận thấy cách các cầu thủ đi vớ đầy nếp nhăn và những đôi giày lớn hơn chân nửa số khiến chân họ phồng rộp khi dừng và chạy đột ngột trong khi chơi. Vì vậy ông dạy họ cách cuộn vớ, làm thẳng các vết nhăn trước khi đi giày vào, những đôi giày mà ông đã chọn cho họ sau khi chắc chắn rằng chúng nhỏ hơn nửa số so với những đôi giày mà họ từng đi. Sau khi nhẫn nại hướng dẫn cho họ chuyện nhỏ đó xong một bên chân, trong khi các cầu thủ ném cho nhau những cái nhìn thích thú hoặc khó chịu, ông chờ cho họ làm đúng xong rồi nói, “Tốt. Bây giờ làm tiếp với chân bên kia”.

Ông không bao giờ ra vẻ kẻ cả với bất kỳ cậu học trò nào. Sự khác biệt trong chủng tộc, tôn giáo, đẳng cấp hay chính trị không biến một con người thành giỏi hơn hay kém hơn. Ông cương quyết yêu cầu các cầu thủ phải tôn trọng đồng đội và vai trò mà mỗi cá nhân nắm giữ, chơi mở đầu hay chơi thay thế hay ngồi ghế dự bị, toàn thể bao giờ cũng lớn hơn tổng cộng của từng phần. Ông yêu quý họ, tất cả bọn họ, ông cương quyết như vậy, dù không phải lúc nào ông cũng thích tất cả bọn họ.

Ông khen ngợi sự tự tin, và ông thích các cầu thủ dũng cảm bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng dũng cảm có nghĩa là ta phải sẵn sàng đón nhận hậu quả hành vi của ta. Vì vậy hôm Bill Walton xuất hiện ở buổi tập với bộ râu mà cậu ta đã nuôi trong suốt mười ngày nghỉ của mùa, huấn luyện viên, người có một nguyên tắc về những chuyện như vậy, đã đề nghị cậu ta cạo đi. John Wooden lo rằng tóc và râu dài sẽ làm mất nhiều thời gian sấy khô sau khi tắm; cầu thủ sẽ rời khỏi phòng thay quần áo và ra ngoài với râu tóc còn ướt và có thể bị cảm lạnh. Ông cũng đã buông lỏng, nhưng không nhiều lắm, với nguyên tắc để tóc dài, xét việc có bao nhiêu là giáo sư và các nhà quản lý ở UCLA để tóc dài, chiều theo mốt thời đại, ông cho phép họ để tóc dài đến cổ áo. Nhưng ông cương quyết kiên trì với nguyên tắc không để râu.

Walton trực tính, tự tin tin rằng đây là một sự xâm phạm tự do không thể chấp nhận được, cậu ta cãi rằng Wooden không có quyền ra những quyết định riêng tư như vậy với các cầu thủ. John Wooden ưa thích và hâm mộ trung phong ngôi sao của mình. Quan điểm chính trị của họ khác nhau, dĩ nhiên, quan điểm về diện mạo và cách cư xử cũng thế. Wooden từng bảo lãnh cho Walton ra khỏi tù sau khi anh chàng bị bắt ở một cuộc biểu tình chống chiến tranh. Chuyện đó khiến huấn luyện viên của cậu buồn lòng, ông bảo cậu ông hiểu niềm tin mạnh mẽ của cậu, nhưng ông cho rằng bị bắt không phải là chuyện hay.

Nhưng có rất nhiều điều hay ở Walton. Xét cho cùng, Walton là trụ cột của các đội vô địch của UCLA năm 1972 và 1973, ba lần là Cầu thủ của Năm toàn quốc. Sau này, huấn luyện viên Wooden viết, “Bill là một trong những cầu thủ chơi hay nhất ở vị trí của cậu ấy ở mọi cấp độ tranh tài”; đó là những lời của người vài năm trước đó từng huấn luyện Lew Alcinder (sau này đổi tên thành Kareem Abdul-Jabbar) vĩ đại. Ông hâm mộ sức mạnh của Walton, cách làm việc nghiêm túc và thông minh của cậu. Walton cũng là một sinh viên Toàn nước Mỹ, điều khiến huấn luyện viên rất tự hào về cậu. Và ông còn chân thành ngưỡng mộ quyết tâm tự chủ của Walton. Theo nguyên tắc của huấn luyện viên Wooden thì để có những đức tính đáng khâm phục đó cần có sức mạnh và lòng can đảm. Nhưng phải nói lại một lần nữa, ta phải chấp nhận hậu quả hành vi của ta, cả tốt lẫn xấu, nếu ta thực sự là người độc lập.

Vì vậy huấn luyện viên hỏi chàng cầu thủ là cậu có cương quyết giữ bộ râu đó không. Walton trả lời có. “Được thôi, Bill ạ. Tôi khâm phục những người có niềm tin vững chắc và trung thành với niềm tin ấy, thật đấy. Chúng tôi sẽ rất nhớ cậu”.

Walton cạo bộ râu ngay tại chỗ. Cậu có quyền quyết định vẻ bề ngoài của mình, nhưng huấn luyện viên của cậu lại có quyền quyết định ai chơi cho đội bóng rổ của các Chú gấu UCLA (UCLA Bruins – Tên gọi các đội thể thao của trường UCLA – ND). Và Walton sẽ không bỏ lỡ dịp chơi cho John Wooden, không vì bất kỳ lý do gì. John Wooden là huấn luyện viên bóng rổ vĩ đại nhất trên đời, là một trong những người thầy giỏi nhất trong môn này, và Bill Walton, một chàng trai thông minh, biết rõ điều đó.

John Wooden sinh năm 1910 tại thành phố nhỏ Martinsville bang Indiana. Ông được nuôi dạy trong trang trại của gia đình ở ngoại ô thành phố, nơi ông đã học những giá trị sẽ có ích cho ông suốt đời, những giá trị mà ông dùng để huấn luyện, cũng như áp dụng cho tất cả mọi mặt trong cuộc sống. Nhà ở của gia đình ông không có cả nước máy lẫn điện, và do đó là những năm Đại Suy thoái, nhà Wooden có rất ít tiền. Bốn cậu con trai nhà Wooden đã làm việc chăm chỉ theo gương cha mẹ, nhưng cuộc sống của họ không đến nỗi khắc nghiệt. Cha mẹ họ là những người hiểu biết, thương con, luôn dành thời gian cho họ học và chơi.

John Wooden rất tôn trọng ký ức về cha mẹ, và tin rằng cha ông, Joshua, là người tốt nhất mà ông từng biết. Ông Joshua Wooden đã dạy cho con cái những bài học quan trọng nhất trong cuộc sống bằng kiến thức và làm gương. Con trai John của ông thường nhớ lại ba điều quan trọng nhất:

  1. Không bao giờ nói dối, không bao giờ gian lận, không bao giờ ăn cắp.
  2. Đừng lo lắng về quá khứ, ta không thể thay đổi được nó, nhưng phải biến từng ngày mới thành kiệt tác của ta.
  3. Và bài học mà ông suy nghĩ nhiều nhất: Đừng cố trở thành người tốt hơn bất kỳ ai khác, hãy cố trở thành người tốt nhất trong khả năng mình.

Khi trang trại nhà Wooden bị phá sản trong những năm 1930, gia đình Wooden phải quay về thành phố, những lời dạy và tấm gương của cha ông đã giúp họ vượt qua những quãng thời gian khó khăn mà không đứa con nào cảm thấy bất công vì thiếu thốn hay nản chí.

Bang Indiana những năm 1920 cũng đã nhiệt tình với bóng rổ y như ngày nay. John Wooden chơi bóng rổ lần đầu với các anh em trai trong kho thóc ở nhà, dùng rổ đựng cà chua và nhồi quần áo cũ rách làm bóng. Thành phố nhỏ Martinsville có một đội bóng của trường trung học giỏi nhất bang. John Wooden có lẽ là hậu vệ giỏi nhất từng chơi ở đó. Từ năm 1924 đến năm 1928, ông đưa đội tham gia ba cuộc thị đấu giành giải vô địch bang, đoạt giải năm 1927. Ông là Cầu thủ toàn Bang của học sinh năm thứ hai, thứ ba và thứ tư bậc trung học. Kỹ năng, nguyên tắc xử thế, và trí thông minh trên sân bóng của ông đã thu hút sự chú ý của các huấn luyện viên của trường, và ông đã được tuyển chơi cho Đại học Purdue tham gia giải bóng rổ Big Ten.

 

 

Ở Purdue, người ta gọi Wooden can trường là “Người Cao su Indiana”, để tỏ sự cảm kích trước cách ông lao mình xuống sàn gỗ cứng tranh cướp bóng. Ông thể hiện năng khiếu thể thao rất rõ ràng, nhưng chính trí thông minh, sự chuẩn bị, lòng nhiệt tình và tính cần cù đã biến ông thành một sinh viên xuất sắc. Với Wooden lúc đó, Purdue đã đoạt chức vô địch Big Ten hai lần, và khi ông học năm thứ tư đoạt giải vô địch quốc gia. Ông ba lần là Cầu thủ toàn nước Mỹ, và năm 1932, đoạt danh hiệu Cầu thủ của Năm  toàn quốc, ghi 154 điểm trong mười hai trận đấu, một con số chưa từng có trong thời kỳ điểm số còn thấp đó. Năm 1942, ông có tên trong Đội bóng rổ toàn nước Mỹ mọi Thời đại ở Tòa nhà Kỷ niệm những Người Nổi tiếng (năm 1960, ông được đưa vào Tòa nhà Kỷ niệm những Người Nổi tiếng với tư cách là cầu thủ, và mười hai năm sau với tư cách là huấn luyện viên – người đầu tiên được đưa vào với cả hai tư cách cầu thủ và huấn luyện viên). Ông còn là sinh viên danh dự. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi những người chiêu mộ nhà nghề đề cử một hợp đồng chơi bóng chuyên nghiệp với Người Cao su Indiana về cho công ty họ.

John Wooden đã có những kế hoạch khác. Huấn luyện viên của ông ở Purdue, Ward “Piggy” Lambert, là một ảnh hưởng lớn khác đến chàng trai trẻ John Wooden, và khi Celtics đề nghị ký hợp đồng, chính huấn luyện viên Lambert là người ông đến gặp để xin ý kiến. Trước khi họ gọi điện, Wooden đã nhận làm giáo viên tiếng Anh ở một trường trung học Kentucky, và ông đã lưỡng lự không biết có nên xem xét lại không vì đề nghị chơi bóng rổ chuyên nghiệp hứa hẹn một khoản lương lớn hơn. Lambert hỏi ưu tiên lớn nhất của ông ở Purdue là học tập hay bóng rổ. Khi Wooden trả lời là học tập, Lambert cho rằng ông đã tự biết phải làm gì rồi.

Khi mới vào học ở Purdue, Wooden chọn chuyên ngành xây dựng dân dụng, nhưng sau đó ông phát hiện ra rằng lựa chọn đó đòi hỏi ông phải đi học cả trong kỳ hè, thời gian mà ông phải làm việc kiếm tiền trang trải học phí. Ông chuyển sang ngành tiếng Anh. Wooden yêu thích thơ ca Anh, nhất là những vần thơ thời Victoria, cũng như Shakespeare và Dickens. Ông có tính cách, kiến thức và lòng nhiệt tình để trở thành một giáo viên tiếng Anh giỏi. Và ông đã trở thành giáo viên tiếng Anh.

Nhận việc ở Kentucky cũng có nghĩa là ông có thể cưới ngay vị hôn thê của mình, Nellie Riley. Bà là người yêu của ông từ thời trung học, là cô gái đầu tiên và duy nhất mà ông hẹn hò. Ông yêu bà ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ông là một người nhút nhát và Nellie sẽ giúp ông thoát ra khỏi sự nhút nhát đó, và cũng giúp ông rất nhiều để trở thành một huấn luyện viên bóng rổ. Cuộc hôn nhân của họ gắn bó, hết lòng vì nhau kéo dài suốt năm mươi ba năm.

Ngay từ khi còn trẻ, John Wooden đã suy nghĩ rất nhiều về ý nghĩa của thành công. Trong đời, ông còn may mắn chịu một ảnh hưởng khác nữa là thầy giáo toán thời trung học, người có lần bảo ông định nghĩa từ thành công, có phải nó có nghĩa là đạt được danh tiếng và của cải không, hay là cái gì đó lớn hơn giá trị vật chất. Ông chưa bao giờ và sẽ không bao giờ thật sự thôi nghĩ về nó. Những suy nghĩ của ông đã dẫn tới một câu châm ngôn súc tích mà ngày nay ông vẫn chia sẻ với những người quan tâm tới định nghĩa thành công của con người rất thành công này. Phần lớn câu châm ngôn ấy dựa vào sự hiểu biết mà cha ông đã chia sẻ cùng ông. Thành công là “sự thanh thản của tâm hồn – kết quả trực tiếp của việc tự thấy thỏa mãn vì biết rằng ta đã làm hết sức mình để trở thành con người tốt nhất hết khả năng mình”. Kết quả của việc không ngừng suy ngẫm về khái niệm thành công của ông là Hình chóp Thành công (Pyramid of Succes) – bài học về cuộc sống và công tác huấn luyện nổi tiếng nhất của John Wooden được xây dựng trong mười bốn năm.

Ông quyết định trở thành giáo viên tiếng Anh và huấn luyện viên giỏi hết khả năng mình. Ông dạy hai năm ở Dayton, bang Kentucky, và dạy tất cả các môn thể thao ở đó. Sau đó, ông và Nellie chuyển về South Bend, bang Indiana, dạy học và ba môn thể thao, bóng rổ, bóng chày và quần vợt ở đó trong chín năm. Trong sự nghiệp mười một năm làm huấn luyện viên bóng rổ ở trường trung học, ông ghi được thành tích 214 trận thắng và 43 trận thua. Với tư cách là giáo viên tiếng Anh, ông thấy tiếc cho những bậc cha mẹ nghĩ rằng con cái họ thất bại nếu không đạt điểm cao. Ông luôn coi trọng một học sinh trung bình nỗ lực tối đa để đạt điểm C hơn một học sinh thông minh nhưng thờ ơ với chuyện học, không cần cố gắng cũng được điểm A.

Ông gia nhập hải quân trong Chiến tranh Thế giới Thứ Hai, sau khi chiến tranh kết thúc trở về nhận làm giám đốc phụ trách thể thao và huấn luyện viên trưởng môn bóng rổ ở Đại học bang Indiana. Năm đầu tiên làm huấn luyện viên, đội của ông lần đầu tiên nhận được lời mời tham gia giải quốc gia. Cầu thủ thứ mười hai trong đội, người hiếm khi vào sân, là người Mỹ gốc Phi. Thời đó giải đấu không cho các cầu thủ da đen tham dự. Và cho dù Wooden gần như chắc chắn là sẽ không cho cậu cầu thủ đó vào sân, ông vẫn không dung thứ cho sự cố chấp và giữ đội Indiana ở nhà.

Thành công của ông ở bang Indiana – trong hai năm dưới sự lãnh đạo của ông, đội đã ghi được thành tích 44-15 – đã dẫn đến hai đề nghị làm huấn luyện viên của hai trường đại học lớn hơn, Đại học Minnesota và Đại học California, Los Angeles. John và Nellie thích ở lại vùng trung bắc Mỹ hơn; cuộc sống nhộn nhịp ở Los Angeles hoa lệ ít hấp dẫn hai con người giản dị vùng trung bắc. Đáng ra ông sẽ nhận lời Minnesota, nhưng một cơn bão mùa đông đã khiến người của trường không thể liên lạc mời ông trước UCLA, và ông đã chấp nhận. Ngày hôm sau khi Minnesota gọi điện mời, lời mời mà ông thích hơn, John đã lịch sự từ chối không nuốt lời hứa với các Chú gấu.

Thoạt đầu cả John, Nellie lẫn hai con đều không thích California. Đối với những người quen ở tỉnh lẻ như họ, thành phố này quá lớn, quá cuồng nhiệt và lạnh lùng vô cảm. Nhưng rồi họ cũng quen đi, và thành đạt. John cũng đặc biệt không hài lòng với điều kiện tập luyện và thi đấu ở UCLA. Phòng tập thể dục ở tầng hai của họ là một nơi cũ kỹ, bẩn thỉu, chật chội, hôi mùi mốc, mà họ còn phải tập chung với các đội thể thao khác của trường. Họ chỉ chơi ở đó có vài trận, cho đến khi đội trưởng đội cứu hỏa đến bảo tòa nhà không bảo đảm về phòng cháy chữa cháy thì các chú gấu phải chơi ở phòng tập đi mượn. Hàng ngày trước mỗi buổi tập, John và những người quản lý đội phải quét và lau sân bằng những cái chổi và giẻ lau đặc biệt lớn do John thiết kế. Nhiều năm sau UCLA mới xây một sân tập hiện đại hạng nhất, Pauley Pavilion, như họ đã hứa với John Wooden khi ký hợp đồng làm huấn luyện viên.

Rất lâu trước khi các Chú Gấu có một sân tập hiện đại rộng rãi để chơi, John Wooden đã lập nên một triều đại nổi tiếng nhất trong lịch sử thể thao trong trường đại học. Hai mươi bảy năm John Wooden huấn luyện đội bóng rổ UCLA là một điều rất đáng tìm hiểu đối với những người hâm mộ môn thể thao này ngày nay, khi mà các cầu thủ từ trường trung học vào thẳng đội NBA, hoặc chỉ ở lại trường đại học một hai năm rồi bỏ đi vì những khoản lương béo bở và cuộc sống xa hoa của các cầu thủ chuyên nghiệp; khi các cầu thủ tập trung vào thành tích và quảng cáo cá nhân là chính và chỉ có một ý nghĩ thoáng qua về đội của họ; khi quay người một cách thật nổi bật với một cú úp rổ khiến mọi người kinh ngạc là quan trọng, nếu không nói là quan trọng hơn giành chiến thắng; khi chuyển về phía sau cho một cầu thủ đang bị đeo bám thích hơn là chuyền về phía trước cho một cầu thủ không bị ai kèm; khi các cầu thủ đi những đôi giày trị giá hàng trăm đô la, quần short dài đến gối (trước đây, quần của các cầu thủ bóng rổ ngắn và vừa vặn – ND), và các vết xăm.

Những bài tập của John khét tiếng là dài và gian khổ. Ông muốn các cầu thủ khi tập luyện cũng có cảm giác bị sức ép giống y như trong trận đấu. Bill Walton, cũng giống như đa số đồng đội, đều rất quý trọng và yêu mến huấn luyện viên Wooden, nhớ lại những bài tập của họ luôn luôn được tổ chức xoay quanh bốn nguyên tắc học: giải thích, làm mẫu, sửa chữa, và làm theo. Nhưng John không bao giờ quát tháo hay hăm dọa các cầu thủ. Ông sửa lỗi cho họ mỗi khi họ mắc sai lầm, nhưng không bao giờ làm ai phải xấu hổ. Ông luôn động viên họ tập luyện hết sức để trở thành những cầu thủ giỏi nhất trong khả năng. “Cầu thủ cần người làm mẫu hơn cần người chỉ trích”, ông nói. “Huấn luyện viên dạy chúng tôi kỷ luật tự giác”, Kareem Abdul-Jabbar nhớ lại, “và ông luôn chính là tấm gương tốt nhất”.

Năm đầu tiên ông làm huấn luyện viên của UCLA, các Chú Gấu đạt kết quả 22-7; năm kế tiếp là 24-7, là năm đầu tiên họ được mời tham gia giải NCAA (Giải Hiệp hội Thể thao các trường đại học quốc gia – ND). Sáu năm sau, lần đầu tiên đội chơi một mùa giải liên đoàn tuyệt hảo, 16-0, kết quả mà họ còn lặp lại thêm tám lần nữa trong sự nghiệp của John ở đó. Năm 1962, các Chú Gấu vào được vòng tứ kết, nhưng thua ở vòng bán kết. Hai năm sau, họ đoạt chức vô địch. Hai năm tiếp sau đó họ cũng giành chiến thắng. Hai năm sau, năm 1967, cùng với Lew Ailcinder, họ lặp lại kết quả, và thêm một lần nữa vào năm kế tiếp, năm sau đó, và năm sau đó nữa.

Trong suốt những năm Walton chơi ở đó, họ cực kỳ nổi bật. Họ khởi đầu một vận đỏ kéo dài hơn ba mùa, cho đến khi thua đội Notre Dame, tám mươi tám trận thắng liên tiếp lạ lùng, gồm cả ba giải vô địch quốc gia (mà nếu bạn đếm thì là bảy lần liên tiếp). Không một đội nào từng đến gần được một thời vận như vậy. Năm 1975, các Chú Gấu lại tham gia giải vô địch quốc gia một lần nữa. Trước trận đấu, huấn luyện viên Wooden bảo với đội đây sẽ là trận cuối cùng của ông. Ông đã sáu mươi lăm tuổi, làm huấn luyện viên được bốn mươi năm, hai mươi bảy năm ở UCLA. Tôi không biết các cầu thủ nhận tin này như thế nào. Nhưng, như thường lệ, đêm đó họ lại thắng. John Wooden đã dẫn dắt các Chú Gấu đoạt mười giải vô địch quốc gia, một kỷ lục nữa mà không huấn luyện viên nào có khả năng đạt được. Ông là huấn luyện viên bóng rổ giỏi nhất trong lịch sử của môn này, và mọi người sẽ luôn biết điều đó.

Tính cách chính là cái làm ông trở nên vĩ đại. Bản thân ông là một người hoàn hảo. Nhưng điều làm ông thực sự đặc biệt chính là cách ông lấy mình làm gương và cách dạy dỗ đã tạo ảnh hưởng lâu dài lên tính cách của các cầu thủ. “Hãy cố gắng hết sức mình trong bất kỳ công việc nào mà ta đảm trách. Đừng lo lắng gì về tỷ số”, Bill Walton nhớ lại lời huấn luyện viên, “đừng lo lắng gì về hình ảnh. Đừng lo gì về đối thủ”. Ông giúp họ trở thành những cầu thủ bóng rổ giỏi hơn bằng cách dạy họ ý nghĩa của thành công, và tất cả những yếu tố tạo nên thành công. Hình chóp Thành công mười lăm bước của ông đặt lòng nhiệt tình và tính cần cù làm góc móng, nhưng nền móng chính là sự hợp tác. Ông cần những cầu thủ không nghĩ đến lợi ích bản thân, những người yêu thích trò chơi, nhưng cũng yêu đội của mình y như vậy.

“Đây là môn thể thao có tính đồng đội. Là môn thể thao đẹp khi được chơi theo đội. Đối với tôi, không có gì đẹp khi chỉ có một cá nhân một mình dẫn bóng và thực hiện một cú úp rổ đẹp mắt… Đó có thể là điều mà hình như đa số người hâm mộ đều thích, nhưng tôi thì không”.

“Tôi đã cố giải thích cho các cầu thủ rằng mỗi con người đều có một vai trò và mỗi vai trò đều quan trọng… Hãy thực hiện vai trò của bạn. Một cỗ máy làm sao chạy tốt được nếu ta đánh mất một bánh xe”.

Ở tuổi chín mươi lăm, huấn luyện viên Wooden nói ông có thể nhớ gần hết hàng trăm chàng trai đã chơi cho ông, thậm chí gần hết các cầu thủ của ông thời ở trường trung học. Ông biết nhiều người hiện đang ở đâu. Và bạn có thể chắc rằng các cầu thủ của ông nhớ ông. Tuổi tác có thể xóa mờ ký ức về người đã dạy ta thành một cầu thủ bóng rổ giỏi. Nhưng ta không bao giờ quên người đã dạy ta trở thành một con người tốt hơn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO – CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
  2. TRUNG THỰC – Thomas More
  3. NHỮNG ĐIỀU MÀ GIÁO DỤC NÊN LÀM

Bài viết khác của tác giả JOHN McCAIN

  1. TƯ CÁCH CÔNG DÂN – Pat Tillman
  2. TRUNG THỰC – Thomas More

Bài viết khác của tác giả MARK SALTER

  1. TƯ CÁCH CÔNG DÂN – Pat Tillman
  2. TRUNG THỰC – Thomas More

Bài viết mới

  1. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI
  2. BỔN PHẬN
  3. ĐỔ LỖI CHO AI ?