TRUNG THỰC – Thomas More

JOHN McCAIN

MARK SALTER

Trích: Tính Cách Là Số Phận –Viết về những tính cách đẹp mà ai cũng nên đọc và ghi nhớ, Tập 1; Phan Hoàng Lệ Thủy dịch; NXB. Trẻ; 2008

Cuộc sống trên trần gian này của Thomas More trung thực đã chấm dứt. Vinh quang của ông cũng vừa bắt đầu.

CẢNH DIỄN RA LÀM ĐAU LÒNG CẢ NHỮNG NGƯỜI CỨNG CỎI NHẤT ĐANG CHỨNG KIẾN

Magaret More Roper, con gái cả yêu quý của Thomas More, xô đẩy chen qua đám đông, vượt qua đám lính gác cầm vũ khí để ôm chầm lấy cha, phủ lên mặt ông những nụ hôn khi ông bị giải đến nơi giam giữ, từ đó, sáu ngày nữa, ông sẽ bị hành quyết vì tội trung thực.

Thomas More ban phúc cho con gái và dịu dàng an ủi nàng trước khi nàng miễn cưỡng buông ông ra, và đám đông buồn bã cùng đi lại tiếp tục hành trình đến Tháp London. Nhưng nỗi đau đớn quá lớn không thể kìm nén được, nàng lại lao về phía cha ôm hôn ông.

Thomas More sinh năm 1478 trong một gia đình phát đạt ở London, nhưng không thuộc giới quý tộc đang cai trị nước Anh thế kỷ mười lăm. Gia đình More không được thừa hưởng tước hiệu. Họ thành đạt nhờ cần cù, hiểu biết, và nghị lực của chính mình. Cha của Thomas, John, là một luật sư thành đạt và có thế lực, đủ sức chu cấp cho con trai cả học ở một trường tốt, St. Anthony, nơi chàng trai trẻ Thomas tạo cho các giáo viên ấn tượng về một học trò có năng khiếu, chăm chỉ, và vui tính.

Nhờ hiệu trưởng trường St. Anthony tiến cử, Thomas được đưa đến làm tiểu đồng cho người có quyền lực đứng thứ hai ở Anh, Hồng y Giáo chủ John Morton – tổng giám mục Canterbury, tại tòa tổng giám mục – Điện Lambeth. Đối với chàng trai trẻ, đó chắc phải là một trải nghiệm có ấn tượng mạnh mẽ, vì chỉ có ở cung điện hoàng gia mới có những thứ tráng lệ hơn hay những hoạt động quan trọng hơn ở đây; vị tổng giám mục già đã cố gắng, nhân danh đức vua, và nhân danh chính ông, hạn chế quyền lực của các lãnh chúa phong kiến, những kẻ khiến cho nước Anh trước đó gần như không thể cai trị được. Morton là một chính khách lỗi lạc và sáng suốt, vừa là tín đồ sùng đạo của Giáo hội. Thomas quán sát tỉ mỉ, ngưỡng mộ, và học hỏi thiên tư của ông về chính trị – vào thời đó là một nghề nguy hiểm, và lòng mộ đạo chân thành của ông. Về phần tổng giám mục, ông thấy rất quý mến chàng tiểu đồng khôn sớm và vui tính, người mà ông đã tuyên bố một ngày nào đó sẽ “là một người phi thường”.

Ông ấn tượng với tài năng và tính cách của chàng trai trẻ Thomas đến mức bảo trợ cho cậu đi học Đại học Oxford, nơi Thomas trở thành sinh viên xuất sắc. Cậu bắt đầu học ở Oxford đúng vào năm Columbus phát hiện ra Tân Thế Giới, và phong trào Phục hưng đang nở rộ ở miền Nam châu Âu. Ở Anh, thời kỳ phong kiến, thời mà giới quý tộc thống trị đất đai với quyền sinh sát nông nô, đang gần chấm dứt, và ảnh hưởng của các thương gia, luật gia, và thường dân phát đạt khác đang tăng lên.

Cha của More cho cậu tiền tiêu vặt trong thời gian cậu học ở Oxford ít đến mức cậu không thể đến gần “những trò giải trí nguy hiểm và vô ích”. Cậu trưởng thành cùng các bạn học trong thời kỳ thay đổi lịch sử, khi thời trung cổ tăm tối và tàn bạo bắt đầu nhường chỗ cho thời đại của tri thức và lý trí nhiều hứa hẹn hơn.

Cậu tham gia vào phong trào có tên là chủ nghĩa nhân đạo, hy vọng cổ súy cho sự hiểu biết hơn về Phúc âm và áp dụng Phúc âm trung thực hơn vào các hoạt động của đời sống xã hội. Họ nghiên cứu các triết gia vĩ đại người Hy Lạp và La Mã, những người có quan điểm về đạo đức và xã hội công bằng mà họ tin rằng sẽ bổ sung cho các nguyên tắc của đạo Cơ đốc. Qua khám phá nhờ nghiên cứu và tranh luận học thuật, họ nghĩ rằng thế giới có thể trở nên êm đềm hơn với tình yêu Thiên chúa và tri thức lớn hơn – tình yêu và tri thức không chỉ phục vụ cho giới quý tộc của triều đình và Giáo hội, mà cho toàn thể nhân loại.

Cha Thomas không chấp nhận tư tưởng mới này, sau hai năm ông bắt cậu rời Oxford quay về học luật ở văn phòng ông. Thomas vâng lệnh cha. Cậu trở thành một luật gia thành đạt, thậm chí còn hơn cả cha. Nhưng cậu vẫn là một học giả tận tụy và còn là một nhà nghiên cứu khoa học nhân văn, và khuynh hướng đó sẽ mang đến cho cậu tiếng tăm lớn hơn và bền vững hơn là những chức vụ cao mà cậu có được với vai trò người nắm giữ luật pháp trung thực và đáng khâm phục.

Thomas More (1478-1535)

Thomas là tín đồ Cơ đốc sùng đạo, đã sống ở tu viện trong một thời gian ngắn với ý định thụ phong linh mục. Cuộc sống trong tu viện là cuộc sống cô lập và ép xác. Và mặc dù đã nghĩ đến việc hiến thân cho tôn giáo một cách nghiêm túc, anh vẫn thích những tiện nghi của cuộc sống gia đình, và những điều có được từ kiến thức và những niềm vui trần tục: âm nhạc và nghệ thuật, đọc và viết, tình bạn cùng những cuộc trò chuyện và đùa giỡn. Anh yêu thành phố của anh, Luân Đôn, là thủ đô lớn nhất Bắc Âu thời đó. Anh yêu cuộc sống. Vì thế anh rời tu viện để lập gia đình, và quay lại với những công việc trần tục của đàn ông.

Người vợ đầu, Jane, sinh cho ông ba cô con gái và một cậu con trai. Đó là một cuộc hôn nhân hạnh phúc nhưng ngắn ngủi. Jane mất ở tuổi hai mươi hai. Ông biết các con cần một người mẹ, còn ông cần một người phụ nữ trông coi gia đình, vì vậy ông nhanh chóng tái hôn với một phụ nữ góa chồng lớn hơn ông bảy tuổi, Alice Midleton. Đó cũng là một cuộc hôn nhân hạnh phúc, thể hiện bằng tình cảm âu yếm và tình bạn sâu sắc mà họ dành cho nhau. Ở cái thời mà nam giới có thể đánh vợ một cách hợp pháp, bằng một “cây gậy không lớn hơn ngón tay cái”, ông là một người chồng nhân hậu và tôn trọng vợ. Ngôi nhà rộng rãi và ấm cúng của họ bên bờ sông Themes, ở vùng Chelsea của Luân Đôn, thời đó vẫn còn là nông thôn, là một khung cảnh ấm áp đầy yêu thương, nơi con cái ông khôn lớn và là nơi ông trốn tránh những đòi hỏi ngày càng nhiều của đời hoạt động xã hội. Ngôi nhà có một mảnh vườn đẹp nhìn ra sông, đầy các loại chim chóc và thú vật mê hoặc ông. Ở đó ông giám sát việc giáo dục các con, mặc dù thời đó việc phụ nữ ngay cả học đọc cũng là điều bất bình thường, và khi các con trưởng thành, ngôi nhà trở thành trường học cho các cháu ông. Margaret, con gái cả và là người được ông yêu thương nhất, sẽ trở thành một người phụ nữ có kiến thức rộng, có lẽ là người phụ nữ có học thức nổi tiếng nhất toàn châu Âu lúc đó.

Ông hết lòng vì con cái, quý trọng sự có mặt của chúng hơn hết thảy. Ông thu hút tâm trí chúng bằng kỹ xảo và sự hóm hỉnh trong các cuộc trò chuyện, và bằng tấm gương về sự uyên bác của chính ông. Cuốn sách mà ông viết, Utopia, về một nền văn minh tưởng tượng và lý tưởng mang lại cho ông sự ca ngợi và tiếng tăm trên thế giới. Ông nuôi dưỡng tình bạn, trao đổi thư từ với một số bộ óc vĩ đại nhất châu Âu, trong đó có linh mục Đức, nhà triết học nghiên cứu khoa học nhân văn nổi tiếng Erasmus, người khâm phục More nhất ngoài gia đình ông, và lời miêu tả của ông về More đã trở thành danh hiệu còn được nhớ tới ngày nay: “Người đàn ông của mọi thời đại”.

Ngôi nhà của More thường đầy khách khứa, từ những người hàng xóm nghèo lẫn những người giàu có đầy quyền lực, bị lòng hiếu khách, sự vui vẻ và những cuộc trò chuyện hóm hỉnh của gia đình nổi tiếng này cuốn hút. Chính nhà vua trẻ tuổi Henry VIII, một người có tính khí thất thường và ích kỷ nhưng hâm mộ tri thức và sự hóm hỉnh, ghé thăm thường xuyên. Vua Henry rất thích ở bên người chủ nhà chân thật, trung thành và vui tính, coi trọng không chỉ ý kiến và việc phụng sự ngai vàng mà còn cả tình bạn của More.

Danh tiếng về học vấn và sự tài giỏi của người luật sư trung thực tuyệt đối, càng nổi bật hơn vào thời đó, được cố vấn quyền lực nhất của nhà vua, đại pháp quan Anh quốc, Hồng y Giáo chủ Thomas Wolsey nhận ra tài năng của người đàn ông trẻ này nên đã ép ông phục vụ đức vua.

Đầu tiên là làm nhà ngoại giao, sau đó là hàng loạt các chức vụ ngày càng cao hơn ở tòa án, được phong tước, được cấp đất đai và tiền bạc, More trờ thành sủng thần của Wolsey và vua Henry. Và mặc dù có lẽ ông vẫn thích cuộc sống của một triết gia, một người chồng, và người cha hơn sự khắc nghiệt của đời sống xã hội, chắc chắn ông thấy hãnh diện vì được nhà vua tin cậy và quý mến. ông càng tự hào nhiều hơn nữa là vì nhà vua và ông, phần lớn thời gian đó, đã cùng chia sẻ những quan điểm giống nhau về triết học và tôn giáo.

Khi Wolsey suy vi, vua Henry đưa bạn mình lên làm đại pháp quan. Đó là chức vụ cao nhất của tòa án, và Thomas More là thường dân đầu tiên nắm chức vụ đó. Việc bổ nhiệm ông được tòa án cũng như công chúng chào đón với nhiều thiện cảm, vì không ai không biết rằng Thomas là người trung thực, hẳn sẽ tận tình hoàn thành mọi trách nhiệm của ông.

Nhưng hóa ra, đối với đức vua, ông lại là người quá trung thực.

Các cuộc phản kháng của một linh mục tận tụy và cuồng nhiệt ở Đức tên là Martin Luther chống lại những hành vi nhũng nhiễu của Giáo hội Công giáo đã phát động một cuộc xung đột rồi sẽ chia rẽ châu Âu trong nhiều thế kỷ. Phong trào cải cách đạo Tin lành mà Luther khởi xướng là vết rách vĩnh viễn trong sự thống nhất của Giáo hội Công giáo, và bắt đầu của sự kết thúc trật tự cũ ở châu Âu. Sẽ đến lúc, nó sẽ khiến cho các nhà vua chống lại nhau, các gia đình chống lại nhau, và gây ra những cuộc chiến kéo dài nhiều thế hệ.

Thomas More bắt đầu tiến hành một cuộc chiến tòa án và trí tuệ chống lại những người theo Luther. Mới đầu, ông được nhà vua ủng hộ hoàn toàn việc khủng bố và truy tố những kẻ “dị giáo”. More bênh vực Giáo hội vì nguyên tắc tôn giáo, và vì ông và nhà vua lo ngại xã hội sẽ hỗn loạn không thể kiểm soát được vì sự phân hóa lâu dài giữa các tín đồ sùng đạo chắc chắn sẽ gây ra. Nhưng lòng căm thù của ông, nếu có thể gọi nó như vậy ở một người ôn hòa như thế, là dành cho dị giáo chứ không phải những người dị giáo. Trong các phiên tòa mà Thomas More xét xử, những người dị giáo đều bị xử tội chết, nhưng ông khuyến khích bị cáo công khai từ bỏ quan điểm để thoát tội. Thật ra, trong nhiều vụ mà ông xét xử, tất cả bị cáo, ngoại trừ bốn người đáng thương thà chết còn hơn công khai từ bỏ quan điểm, đều thoát khỏi lưỡi rìu của đao phủ. More rất mẫn cán với nhiệm vụ của ông, nhưng một mối đe dọa lớn hơn sự phản kháng mà Luther cổ súy rất nhiều đang lớn dần trong Giáo hội Công giáo ở Anh.

Hoàng hậu của vua Henry, Catherine xứ Aragon, không sinh được người thừa kế ngai vàng nam nào sống sót. Chỉ có con gái duy nhất của họ, Mary, là sống được đến lớn. Vua Henry quyết tâm lấy vợ mới để sinh cho ngài một người con trai khỏe mạnh. Nhiều vị vua và các nhà quý tộc khác đã được giáo hoàng hủy bỏ hôn nhân. Nhưng nhà vua nhiều quyền lực nhất ở châu Âu, hoàng đế của đế chế La Mã Thần thánh, Charle V, là cháu của Catherine, và có ảnh hưởng lớn với Giáo hoàng Clement VII. Ông thuyết phục Clement không ban phép hủy hôn để vương miện khỏi bị lấy mất khỏi đầu dì mình.

Khi vua Henry yêu Anne Boleyn, con gái mười lăm tuổi của một cận thần nhiều mưu đồ, ngài không chấp nhận sự phản đối của giáo hoàng về mong muốn tái hôn của mình nữa. Trong một xung đột nguy hiểm đang lớn dần như thế, Thomas More trở thành nhân vật chính, và ông sẽ vật lộn với tất cả trí tuệ, kỹ năng của luật sư, và lòng dũng cảm để tuân lệnh nhà vua mà không từ bỏ nhà thờ. Thực tế cho thấy là không thể được.

Mới đầu More làm theo mong muốn của nhà vua một cách đầy tinh thần trách nhiệm, tranh cãi ở Nghị viện rằng có những cơ sở để coi cuộc hôn nhân với Catherine là ngoài giá thú. Nhưng khi nhà vua tự tuyên bố, không phải do giáo hoàng, mình là nhân vật tối cao của Giáo hội Anh, More xin nhà vua cho từ chức. Vua Henry từ chối và hứa với bạn ngài rằng sẽ không bao giờ ép ông phải làm bất kỳ việc gì mà lương tâm ông không cho phép. Nhưng lời đảm bảo ấy của nhà vua không thật, và không bao lâu sau cả nhà vua và More đều nhận ra rằng mong muốn của nhà vua và lương tâm của More không thể hòa hợp được. More lại xin nhà vua chấp nhận sự từ chức của ông, lần này thì vua Henry chấp thuận. Thomas More, không còn là người hoạt động xã hội nữa, hài lòng quay về nhà với gia đình thân yêu, tình bạn của ông với nhà vua cũng chấm dứt.

Trong nhiều tháng, ông thận trọng không nói gì chống lại ước muốn của nhà vua, công khai cũng như riêng tư. Nhưng ông khước từ tham dự đám cưới của nhà vua với Anne Boleyn. Khi Nghị viện thông qua một đạo luật yêu cầu các thần dân của nhà vua ký vào lời tuyên thệ thừa nhận Anne là hoàng hậu, và tất cả con cái mà Anne sinh ra cho Henry là người thừa kế hợp pháp ngai vàng, ông không chịu ký vì nó phủ nhận quyền lực của giáo hoàng đối với Giáo hội Anh. Khi được cho xem danh sách dài những người đã ký, ông đáp, “Tự bản thân tôi không thể thề, nhưng tôi không trách những người đã thề”. Ông lấy lương tâm mình ra làm lý do từ chối, nhưng ông không nói ra suy nghĩ của mình về hành động của nhà vua. Ông giữ im lặng. và vì hành động nhún nhường theo lương tâm này, chỉ là “sự thận trọng về đức tin”, như người ta nhớ lại, Thomas More đã chuẩn bị đối diện với cơn giận của nhà vua ở cái thời mà ông đã được nhắc nhở rằng, “Nhà vua nổi giận nghĩa là chết”.

Ông bị bắt giam vào tháp London, ở đó cho đến phiên tòa xét xử ông mười lăm tháng sau. Hàng ngày ông được phép dự lễ Mass, được đọc sách và viết. Trong một thời gian ngắn, ông được phép có gia đình đến thăm thường xuyên và trao đổi thư từ với họ. Họ cầu xin ông ký vào lời tuyên thệ để được về nhà.

Margaret sợ sức khỏe của ông sẽ suy nhược do bị giam cầm. Ông đáp lại bằng cách nhắc nàng rằng nếu không vì yêu gia đình ông đã chọn sống trong hoàn cảnh của một thầy tu còn khắc nghiệt hơn. Khi Alice trách ông thích sống chung với rác rưởi và chuột bọ hơn với gia đình thân yêu, ông nhẹ nhàng phản đối rằng chỗ này cũng gần thiên đường như ở nhà.

Cuối cùng, sách và các tài liệu ông viết ra bị tịch thu, và đa số những người đến thăm đều bị từ chối. Sức khỏe ông giảm sút vì sự lạnh lẽo và ẩm ướt của tòa nhà. Râu tóc ông mọc dài không chải, ông gầy và già đi.

Ông cầu nguyện, suy ngẫm về sự đau đớn của Chúa Jesus, và sẵn sàng chết. Nhưng ông không làm gì để đẩy nhanh số phận của mình trừ việc tiếp tục từ chối tuyên thệ. Vua Henry cử phái viên tới thuyết phục ông ký. Họ không thành công, nhưng họ cũng không nghe ông nói lời nào chống lại lời tuyên thệ. Khi Thomas bị đưa ra xét xử vì tội mưu phản và được hỏi đi hỏi lại ý kiến của ông về tính hợp pháp của những tuyên bố của nhà vua, ông giữ im lặng. Ông quá yếu không thể đứng dậy nên được phép ngồi, nhưng ông biện luận cho mình rất giỏi, tuyên bố đó là vấn đề lương tâm, nhưng ông không nói lương tâm ông nói gì.

Chỉ có duy nhất một người, cố vấn pháp luật của nhà vua, Richard Rich, tuyên bố đã chứng kiến Thomas lăng mạ pháp luật. More đáp lại rằng ông đã biết rõ Rich từ khi ông ta còn là một chú nhóc, luôn biết ông ta sẽ là người thiếu trung thực, và vì vậy, khó mà tin được rằng ông sẽ nói với Rich điều mà ông từ chối không nói với bất kỳ ai khác. Khi Rich yêu cầu hai người chứng kiến cuộc nói chuyện mà ông ta tuyên bố là More đã bàn chuyện mưu phản khẳng định lời khai của ông ta, họ nói họ không thể. Điều đó cũng có rất ít ý nghĩa. Hội thẩm đoàn, gồm cha, anh và chú của Anne Boleyn, tuyên bố ông có tội, kết án treo cổ và xé xác phanh thây. Chỉ khi đó More mới nói thẳng, ông nói trong thâm tâm ông không thể chấp nhận việc nhà vua đứng đầu Giáo hội Anh.

Người chỉ huy đội gác hộ tống More trở lại tháp sau phiên xử đã lau nước mắt khi phải thực hiện nhiệm vụ đau buồn của mình. More an ủi anh ta. Sau đó ông gặp các con. John, con trai ông, xin được ông ban phúc, còn Margaret, người con gái mà ông hết sức yêu thương, người có tính cách và trí thông minh làm ông hết sức vui lòng, ôm hôn ông lần cuối.

Cuộc gặp gỡ của Ngài Thomas More với con gái sau khi bị kết án tử hình

Cái chết theo án xử ông lúc đầu hẳn sẽ chậm và đau đớn hơn nhiều so với cái chết mà cuối cùng ông phải chịu. Vua Henry đã khoan dung cho phép bạn cũ của mình được chết bằng cách chặt đầu.

Trở lại xà lim, More chuẩn bị cho cái chết một cách gan góc và vui vẻ. Khi thợ cạo đến cắt tỉa râu tóc cho ông, ông từ chối, giải thích rằng nhà vua định lấy cái đầu của ông, và “Ta sẽ không tốn thêm một chút gì về nó”. Ông viết ra lời cầu nguyện cuối cùng, Trong đó có lời xưng tội. Alice tới thăm ông lần cuối. Ông an ủi người vợ đau buồn và đưa cho bà lá thư gửi Margaret, trong đó ông viết biết ơn Chúa về gia đình ông, ban phúc cho họ, và xin họ hãy cầu nguyện cho ông.

Ngày bị hành quyết, ông bước lên các bậc thang lên đoạn đầu đài hơi khó khăn. Ông cám ơn người gác đã giúp ông, nhưng đùa rằng nên để ông “tự xoay sở” khi quay xuống. Ông đọc kinh sám hối. Người đao phủ đội mũ trùm đầu, theo tục lệ, đã xin người bị kết tội tha thứ. More đưa cho ông ta một đồng tiền, hôn ông ta, và cám ơn ông ta vì đã cho ông “một lợi ích lớn hơn bất kỳ một người có thể chết nào có khả năng cho tôi”. Và rồi con người suốt đời vẫn thích đùa giỡn đó nói đùa lần cuối. Khi quỳ xuống đặt đầu lên thớt, ông yêu cầu chờ ông sắp xếp lại bộ râu dài một chút để lưỡi rìu không chặt đứt nó, nhận xét rằng theo như ông biết thì bộ râu của ông đã không xúc phạm nhà vua.

Trong lời phát biểu sau cùng, được nói trước đó một chút, ông đã đề nghị đám đông chứng kiến cầu nguyện cho linh hồn ông và cho nhà vua, vì ông chết “làm bầy tôi trung thành của nhà vua, nhưng là của Chúa trước”.

Một nhát chém nhanh và nguyện vọng của nhà vua đã được hoàn thành. Cuộc sống trên trần gian này của Thomas More trung thực đã chấm dứt. Vinh quang của ông cũng vừa bắt đầu.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NÓI SỰ THẬT
  2. ĐỂ SỐNG ĐỜI SỐNG CÓ Ý NGHĨA

Bài viết khác của tác giả JOHN McCAIN

  1. TƯ CÁCH CÔNG DÂN – Pat Tillman
  2. HỢP TÁC – TÍNH CÁCH LÀ SỐ PHẬN

Bài viết khác của tác giả MARK SALTER

  1. TƯ CÁCH CÔNG DÂN – Pat Tillman
  2. HỢP TÁC – TÍNH CÁCH LÀ SỐ PHẬN

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN