QUAN SÁT THẾ GIỚI BẰNG CẶP MẮT CỦA TRẺ THƠ

VIRENDER KAPOOR

Trích: PQ Chỉ Số Đam Mê; Dịch Việt: Mai Hương; NXB. Lao động Xã hội; Công ty Sách Thái Hà; 2017

Maqbool Fida Husain (1915-2011), người họa sĩ 90 tuổi tài hoa đã làm nên một trang mới trong lịch sử hội họa Ấn Độ khi hàng loạt báo đưa tin: “Tranh của M. F. Husain bán được 3 tỷ rupi qua đấu giá!” Đó là cuộc đấu giá 100 bức tranh với chủ đề “Hành tinh chúng ta có tên là Trái Đất”.

Năm Husain 20 tuổi, tức vào quãng năm 1935, ông đến Mumbai và được nhận vào trường Mỹ thuật J.J. Thời đó không có mấy người hứng thú với hội họa, nên ông kiếm tiền bằng cách vẽ thuê các biển chiếu phim với thu nhập rất thấp.

Ngoài ra, ông còn nhận thiết kế và làm đồ chơi cho một số công ty sản xuất đồ chơi. Dần dần, ông bắt đầu vẽ và có tranh tham gia triển lãm. Đến những năm 1960, người ta biết đến tác phẩm của ông ngày càng nhiều và đến năm 1966 ông được chính phủ Ấn Độ trao giải Padmashree. Là một họa sĩ, ông còn thử lấn sân điện ảnh, bộ phim đầu tay của ông là Thế giới dưới góc nhìn của một họa sĩ (Through the eyes of a painter) được công chiếu tại Liên hoan Phim Berlin và giành giải Gấu Vàng (Golden Bear). Sau này ông được nhiều người biết đến và cũng tham gia vào nhiều cuộc tranh cãi cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Ông tổ chức trình diễn nghệ thuật bằng cách vẽ trước công chúng trong vài ngày liền, nhưng rốt cuộc, vào ngày cuối cùng ông hủy tất cả tranh vẽ của mình bằng cách phủ sơn trắng lên toàn bộ các bức tranh. Những bức tranh nổi tiếng nhất của ông đa phần đều là tranh vẽ ngựa và tranh trừu tượng. Các bức tranh tường của ông là độc nhất vô nhị.

Người nghệ sĩ có phong cách độc đáo này được trao giải thưởng Padma Bhushan vào năm 1973, giải thưởng Padma Vibhushan vào năm 1989 và được đề cử vào thượng viện Ấn Độ (Rajya Sabha) vào năm 1986. Ông đã đánh bại thời gian nhờ lối suy nghĩ trẻ trung và sẵn sàng thử nghiệm những hình thức hội họa mới mẻ. Ông chưa bao giờ tuân thủ các loại quy tắc lề lối mà chỉ vẽ những gì ông thích và theo cách ông muốn. Ông thử nghiệm nhiều loại hình hội họa khác nhau như tranh khung, tranh tường và cả giấy kiến nhựa. Khi được hỏi bí quyết thành công đột phá, ông trả lời rất khiêm nhường rằng đó là món quà của Tạo Hóa. Ông nói: “Đối với tôi, mỗi ngày sắp tới như một chiếc hộp diệu kỳ, luôn tràn ngập những điều mới mẻ. Tôi luôn hứng thú với mọi vật xung quanh và tôi quan sát thế giới bằng cặp mắt của trẻ thơ.” Hoàn toàn tự tin về tài năng của bản thân, ông tiếp tục: “Tôi luôn là bậc thầy trong môn nghệ thuật của riêng mình.” Mới đây ông đã vẽ bộ tranh Những góc nhìn! Thế kỷ 20 (Visions! The 20th century), đánh dấu những sự kiện, trạng thái cảm xúc và dấu mốc của thế kỷ vừa qua.

Người luôn khẳng định mình không thể nhìn thấy một suy nghĩ là người không hề biết gì về hội họa cả.” – Wynetka Ann Reynolds

? Bài học từ câu chuyện của M. F. Husain

  • Nếu bạn được Tạo Hóa tặng quà, chớ lãng phí nó.
  • Với món quà của Tạo Hóa, bạn cần phải hết sức kiên trì.
  • Để trở nên nổi bật giữa mọi người, bạn phải tạo sự khác biệt.
  • Nếu bạn có đam mê, khi đó tiền là thứ sản phẩm bạn có thể hô biến từ 15 rupi mỗi bức tranh thành 1 tỷ rupi.
  • Hãy ứng dụng tài năng của bạn vào các lĩnh vực khác nhau, luôn luôn sẵn sàng trải nghiệm – trong câu chuyện của Hussain, đó là các loại tranh khung, tranh tường và phim ảnh.
  • Đừng quan tâm người khác sẽ nghĩ gì về bạn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TRẺ TRUNG VUI ĐÙA

Bài viết khác của tác giả

  1. NĂNG LỰC SÁNG TẠO
  2. NHỮNG NGUYÊN TẮC HÀNG ĐẦU ĐỂ DUY TRÌ NIỀM ĐAM MÊ
  3. LẤY LẠI NGUỒN CẢM HỨNG CHO CÔNG VIỆC

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH