BÀI CA DÀNH CHO CON CHIM BỊ CỘT

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Đời Không Tâm Điểm , Dịch Giả: Nguyễn Ước, NXB: Văn Học, Năm 2002

Hãy thức giấc, trỗi dậy, khi tiến gần vị đạo sư vĩ đại, hãy học
Đường ấy gian nan, nơi giao nhau sắc như vạnh lưỡi dao cạo.
KHATHA UPANISHAD III

——-***——-

Tôi gặp Krishnamurti lần đầu vào tháng Giêng năm 1948. Tôi 32 tuổi, trước đó đến sống tại Bombay sau khi kết hôn với chồng là Manmohan Jayakar năm 1937. Thành hôn được một năm, tôi sinh đứa con duy nhất, con gái, tên là Radhika.

Ấn độc lập đã 5 tháng, tôi thấy tương lai êm ái trải dài trước mặt mình. Tôi sắp dấn thân vào chính trị. Nay là lúc những người từng tham gia cuộc đấu tranh cho độc lập tự do, nam cũng như nữ, đều hướng đến những gì lúc này được xem là các chương trình xây dựng hoặc xã hội do Thánh Gandhi đề xướng. Việc này bao trùm mọi khía cạnh kiến thiết đất nước, cách riêng những hoạt động liên quan tới nông thôn Ấn . Từ năm 1941, tôi hoạt động rất tích cực trong các vấn đề tổ chức, liên can tới phúc lợi của phụ nữ nông thôn, hợp tác xã, tiểu công nghệ gia đình. Với tôi, đó là một khởi đầu cam go và khắc nghiệt. Với nền độc lập và hậu quả việc chia cắt khiến tôi làm việc tất bật tại trung tâm chính của tổ chức cứu trợ, được lập ra ở Bombay, dành cho người tị nạn từ Pakistan tuôn về quê cũ.

Một sáng Chủ nhật, tôi đến thăm mẹ mình sống tại Đồi Malabar, Bombay, trong một ngôi nhà trệt bằng gỗ, nhiều ngóc ngách, mái lợp ngói đất nung. Tôi thấy bà và cô em Nandini của tôi đã sẵn sàng rời nhà. Cả hai cho biết Sanjeeva Rao, bạn cùng học với cha tôi tại Học viện King, Đại học Cambridge ở Anh, đã đến gặp mẹ tôi. Ông gợi ý là bà có thể nguôi ngoai nhờ gặp Krishnamurti. Bất chợt trong tâm trí tôi hiện lên hình ảnh ngôi trường ở Varanasi nơi tôi học ngoại trú giữa thập niên 1920. Tôi nhớ mình đã thấy một Krishnamurti rất trẻ, vóc gầy, thanh tú, ngồi xếp bằng tròn, quần áo trắng, và tôi thay mặt 50 học sinh đặt hoa trước mặt ông.

Sáng Chủ nhật đó không có việc gì làm nên tôi đi theo mẹ. Khi chúng tôi đến nhà của Ratansi Morarji trên đường Carmicheal, nơi Krishnamurti ở lại, tôi thấy Achyut Patwardhan đứng ở lối vào. Trong những năm qua, ông là người chiến đấu cho cách mạng độc lập tự do và tôi biết ông từ khi mình còn bé tại Varanasi vào thập niên 1920. Chúng tôi trò chuyện đôi chút trước khi cùng vào phòng khách đợi Krishnamurti.

Krishnamurti lặng lẽ vào phòng, và cảm xúc tôi bùng lên; tôi đột nhiên nhận thấy có sự mãnh liệt mênh mông và tỏa sáng. Căn phòng trở nên tràn ngập hình bóng ông và lập tức tôi thấy mình chới với. Tôi chẳng thể làm gì hơn ngoài việc chỉ nhìn ông.

Nandini giới thiệu bà mẹ mong manh nhỏ nhắn của chúng tôi rồi quay sang giới thiệu tôi. Chúng tôi ngồi xuống. Với đôi chút ngại ngần, mẹ tôi bắt đầu nói về cha tôi, về tình yêu bà dành cho ông và về nỗi mất mát lớn lao bà dường như không chịu nổi. Bà hỏi Krishnamurti rằng liệu bà có thể gặp cha tôi ở thế giới bên kia không. Lúc ấy, trong tôi đã nhạt dần sức mãnh liệt của sự tiếp nhận cao độ do hình bóng ông tác động lúc đầu, tôi ngồi ra sau chờ nghe một câu trả lời an ủi. Tôi hiểu rằng nhiều người u sầu đã đến gặp ông và tôi nghĩ là ông biết dùng lời vỗ về họ.

Bất ngờ, ông lên tiếng, “Thưa bà, xin bà thứ lỗi. Bà đến gặp sai người rồi. Tôi không thể đưa ra lời an ủi mà bà tìm kiếm.” Tôi đứng lên, ngơ ngác. “Bà muốn tôi nói với bà rằng sau khi qua đời bà sẽ gặp lại chồng mình, có điều bà muốn gặp người đàn ông nào? Người đàn ông làm lễ thành hôn với bà, người đàn ông sống chung khi bà còn trẻ, người đàn ông đã từ trần hoặc người đàn ông hiện nay, người đã từng sống?” Ông ngừng lại, im lặng trong giây lát. “Người chồng nào bà muốn gặp lại? Vì chắc chắn người đàn ông đã từ trần ấy không phải cùng một người đã thành hôn với bà.”

Tôi cảm thấy trong tâm trí mình bật lên sự chú ý; tôi vừa nghe điều gì đó thách thức lạ thường. Mẹ tôi dường như rối bời. Bà không sẵn lòng chấp nhận là thời gian có thể gây ra sự khác biệt trong người đàn ông bà yêu. Bà nói, “Chồng tôi không bao giờ thay đổi.” Krishnamurti trả lời, “Tại sao bà muốn gặp ông ấy? Cái bà nhớ không phải là chồng bà mà là ký ức về chồng bà.” Ông ngừng lại, để nói lời lắng sâu.

“Xin bà tha lỗi cho.” Ông khoanh tay và tôi nhận thấy dáng điệu của ông thật hoàn hảo. “Tại sao bà giữ sống động mãi ký ức về ông ấy? Tại sao bà muốn dựng lại ông trong tâm trí mình? Tại sao bà chống chỏi, sống trong sầu thảm và tiếp tục sống với sầu thảm?” Tôi cảm thấy mọi giác quan mình sôi lên: việc ông không chịu đóng vai người tử tế bằng cảm giác cam chịu đã làm tôi bị xáo trộn. Tâm trí tôi lao vào bắt gặp sự sáng sủa và chính xác trong lời ông nói. Dù lời nói nghe cay nghiệt nhưng mắt ông dịu dàng và từ người ông tuôn trào tính cách cứu chữa. Ông vừa nói vừa cầm tay mẹ tôi.

Thấy mẹ tôi bối rối, Nandini chuyển hướng câu chuyện, bắt đầu nói với Krishnamurti về những người còn lại trong gia đình. Cô kể với ông rằng tôi là một công tác viên xã hội có quan tâm tới chính trị. Nghiêm nghị, ông quay sang tôi, hỏi tại sao tôi làm công tác xã hội. Tôi trả lời bằng cách kể với ông về sự đầy đủ trong cuộc sống mình. Ông cười, tôi cảm thấy bứt rứt, căng thẳng. Kế đến ông nói, “Chúng ta như người ráng đổ cho đầy nước chiếc thùng bị lủng. Nước người ấy càng đổ vào thì càng chảy ra, thùng vẫn rỗng.”

Với ánh mắt thanh thản, nhẹ nhàng ông nhìn tôi và nói, “Cái mà bà đang trốn chạy là gì? Công tác xã hội, lạc thú, sống trong khổ não – có phải những cái đó là lối thoát, những toan tính lấp đầy sự trống trải nội tâm? Nếu có thể lấp đầy được khoảng trống ấy không? Vậy mà, toàn bộ diễn tiến của cuộc sống chúng ta là ra sức lấp cho đầy khoảng trống ấy.”

Tôi thấy rất bối rối vì những lời ông nhưng lại cảm thấy mình cần xem xét chúng tỉ mỉ. Với tôi, hành động là đời sống; tôi không hiểu nổi lời ông. Tôi hỏi có phải ông muốn tôi ở nhà, đừng làm gì hết. Ông lắng nghe. Tôi có cảm giác kỳ dị là sự lắng nghe của ông khác hẳn bất cứ những gì tôi từng biết tới hoặc từng nếm trải. Rồi ông cười câu hỏi của tôi và căn phòng lại tràn ngập. Lát sau, chúng tôi ra về. Krishnamurti nói với tôi, “Chúng ta còn gặp nhau.”

Cuộc gặp gỡ ấy làm tôi xao xuyến quá. Tôi không ngủ được, lời ông tiếp tục hiện lên trong tâm trí tôi. Vào các ngày sau đó, tôi bắt đầu dự những cuộc diễn thuyết của ông trong vườn nhà Tôn ông Chunial Mehta, nhạc phụ của Nandini.Tôi thấy mình khó mà hiểu những gì Krishnamurti nói nhưng hình bóng ông làm tôi không tự chủ được và tiếp tục đến dự. Ông nói về thế giới đang hỗn loạn và một phóng chiếu sự hỗn loạn riêng lẻ của cá nhân. Ông nói với chúng tôi rằng mỗi tổ chức và “chủ nghĩa” đã thất bại, rằng vì mưu sự an toàn chúng ta thiết lập các tổ chức mới và các tổ chức đó lần lượt phản bội chúng ta.

Tôi có cảm giác rằng tôi không với tới được ông đúng trình độ những gì ông phát biểu. Ít ngày sau tôi xin được gặp riêng ông.

Tôi bị thôi thúc dồn ép muốn gặp ông, được ông quan tâm, thăm dò sự bí nhiệm thấm sâu và bao phủ hình bóng ông.Tôi sợ điều gì đó có thể xảy ra nhưng tôi không tránh được. Suốt hai ngày trước cuộc gặp riêng, tôi dự tính những gì sẽ nói với ông và cách nói. Khi bước vào phòng, tôi thấy ông đang ngồi dưới sàn nhà, thẳng lưng, xếp bằng tròn, mặc áo dài kurta trắng tuyền phủ quá đầu gối. Thấy tôi, ông duỗi chân, chấp các ngón tay dài đẹp như cánh hoa, để chào đón. Tôi ngồi xuống đối diện. Nhận thấy tôi căng thẳng, ông yêu cầu tôi ngồi im lặng.

Sau một lúc, tôi bắt đầu lên tiếng. Tính tôi vốn lúc nào cũng vững chãi dù hơi có vẻ ngại ngần. Liền ngay đó tôi thấy mình nói bình thường và tung ra những gì mình định nói. Tôi nói về sự đầy đủ trong cuộc sống và công việc của mình, về quan tâm của mình đối với những người bị thiệt thòi quyền lợi, khát vọng dấn thân vào chính trị, công tác của mình trong phong trào hợp tác xã, sở thích của mình đối với nghệ thuật. Tôi hoàn toàn bị cuốn vào những gì phải nói, vào ấn tượng tôi muốn tạo ra. Tuy thế, chẳng bao lâu, tôi bứt rứt cảm thấy là ông không đang nghe. Tôi ngước mắt lên thấy ông đang nhìn tôi, trong mắt ông ánh lên vẻ thắc mắc và thăm dò thật sâu. Tôi ngại ngần, dần dần im tiếng. Sau một lúc yên lặng, ông nói, “Tôi để ý bà trong lúc thảo luận, khi bà ngừng nói, trên mặt bà lộ nỗi buồn sâu xa.”

Tới đây thì tôi quên điều tôi dự tính nói, quên hết thảy trừ sự khổ não trong tôi. Tôi không chấp nhận để nỗi đau ấy xuyên thủng mình. Nó đào sâu chôn chặt tới độ hiếm khi tác động lên tâm trí ý thức của tôi. Tôi kinh hoàng với ý nghĩ rằng tôi bị ai đó tỏ lòng thương hại và trìu mến, tôi che dấu khổ não của mình bằng tầng tầng lớp lớp xông xáo.Tôi không bao giờ bày tỏ nỗi lòng ấy cho bất cứ ai – ngay chính tôi cũng không thừa nhận sự cô độc của mình: nhưng trước người lạ lặng yên này, mọi lớp mặt nạ ấy bị quét sạch. Tôi nhìn vào mắt ông, thấy trong đó chính khuôn mặt mình mà tôi đã chối bỏ. Lời tôi tuôn trào tựa dòng nước lâu ngày bị ứ đọng.

Tôi nhớ lại mình những ngày thơ dại, một trong đàn con 5 đứa, nhút nhát dịu dàng và dễ tủi thân vì sự chua chát nhẹ nhàng nhất. Vẻ ngoài đen đúa trong một gia đình ai cũng đẹp; trong khi lý ra phải là trai thì tôi lại là gái, không được chú ý tới, sống trong ngôi nhà rộng lớn nhiều ngóc ngách, thui thủi hằng giờ, đọc những cuốn sách mà mình ít khi hiểu. Tôi nhớ lại mình ngồi trong hành lang thăm thẳm đăm đăm nhìn hàng cổ thụ; lắng nghe các truyền thuyết nhân gian về yêu tinh và anh hùng, về Hatim Tai và Alibaba – những chuyện truyền khẩu về các miền đất xa xưa kể bởi Immamudin, người thợ may Hồi giáo râu bạc, ngồi suốt ngày trong hàng hiên bên chiếc máy may. Tôi nhớ mình đang nghe bài ca Ram Charit Manas của Tulsida hát bởi người lão bộc mù lo quạt cho chúng tôi, và mùi thơm dìu dịu, những chiếc chiếu ẩm ngày hè. Tôi nhớ lại mình đang đi dạo với cô gia sư người Ái Nhĩ Lan, học về cỏ cây và tên các loài hoa, say mê chuyện lịch sử các hoàng tử và công nương nước Anh, Athur và Guinevere, Henry Đệ Bát và Anne Boleyn; tôi chưa bao giờ chơi búp bê, hiếm khi đùa vui với các đứa trẻ khác. Tôi nhớ lại mình sợ người cha, tuy âm thầm ngưỡng mộ.

Tôi nhớ lại năm lên 11 tuổi, những lộc hoa chớm nở cung lòng, lần kinh nguyệt đầu tiên, mang theo niềm hứa hẹn dị thường. Để khôn lớn và làm thiếu nữ quả là nỗi ngây ngất. Để được ngưỡng mộ, để sống sôi nổi – cưỡi ngựa, bơi, chơi quần vợt, khiêu vũ. Trong phóng túng hoang dại, tôi đua tranh gặp gỡ đời.

Tôi nhớ mình đang trên đường tới Anh, tới trường Đại học và sự phấn khích của tâm trí; gặp người chồng, trở về Ấn, hôn lễ và sinh đứa con gái Radhika.

Tiếp đó, tự nhiên là tôi không chịu đóng vai người nội trợ. Tôi lao vào công tác xã hội, chơi bài tây tiền cước cao, sống ở tâm điểm cuộc sống xã hội và trí thức thành phố Bombay. Rồi thêm lần nữa thụ thai, đến tháng thứ 7 thì bị kinh phong tấn công khiến người tôi coi giật dữ dội rồi gần như bị mù.

Tôi nhớ lại cơn hoang mang sầu khổ trong bóng tối và những bão tố màu sắc bùng nổ: màu xanh da trời, màu chim thúy, màu lửa xanh. Não tôi bị những cơn thân thể co giật tàn phá; nhịp tim ngừng bằn bặt và cái chết của đứa con tôi không nhìn được mặt; sự im lặng chết chóc nặng nề của cung lòng mình. Qua màn sương, thị lực trở về như những điểm xám tụ lại thành hình thể.

Tâm trí tôi dừng, lời lẽ ngưng, tôi lại nhìn người lạ thanh tú này. Nhưng lập tức trong tôi thức dậy cơn nhói buốt về cái chết của người cha yêu quý, tôi lại thấy lòng xé đau quằn quại, không sao chịu nổi.

Lời chưa dứt hẳn. Tôi nói với những vết sẹo đời mình, chiến đấu sinh tồn, tàn nhẫn tăng dần, dày dạn chầm chậm, bản năng hiếu thắng và tính tình tham vọng. Trong tôi có nỗi thúc bách đòi hỏi phải thành đạt. Kế đến lần thụ thai khác, sinh bé gái, mặt đẹp mà dị hình. Tám năm trống trải, trí, tâm, lòng và rồi cái chết.

Trước hình bóng ông, quá khứ ẩn mật lâu ngày trong bóng tối lãng quên nay thức giấc định hình. Ông là chiếc gương phản chiếu. Nơi đây vắng mặt người phán xét, để cân đo và xuyên tạc. Tôi tiếp tục ra sức lùi mình về những gì thuở trước nhưng ông ngăn tôi lại. Lúc này, trên cánh đồng từ bi và mênh mông vô lượng. Ông nói, “Tôi có thể nhìn nếu bà muốn tôi nhìn”. Và như thế, tôi nói nên lời những gì bao năm qua tàn phá tôi. Thổ lộ chúng lòng tôi đau đớn khôn cùng, nhưng ông lắng nghe, như lắng nghe tiếng gió thổi về hoặc tiếng dòng nước chảy mênh mang.

Tôi ở bên Krishnamurti trong 2 giờ. Khi rời phòng, tôi thấy thân thể mình tan tành, nhưng qua đó tuôn trào sự cứu chữa. Tôi đã chạm đến một lối quan sát mới, một cách lắng nghe mới, không phản ứng, một lắng nghe xuất hiện từ chốn xa xôi thăm thẳm. Trong khi tôi nói, ông dường như nhận biết không chỉ những gì đang biểu lộ – những diễn tả, điệu bộ, thái độ – mà còn những gì diễn ra chung quanh – chim hót trên cành ngoài cửa sổ, hoa rụng từ bình. Trong màn sương quằn quại của tôi, tôi nghe tiếng ông vọng đến: “Bà có thấy đóa hoa kia đang rơi?” Tâm trí tôi ngừng lại, ngơ ngác.

Trích: Đời Không Tâm Điểm
Tác Giả: Krishnamurti
Dịch Giả: Nguyễn Ước
NXB: Văn Học, Năm 2002

Ảnh: nguồn internet

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỨC TỈNH MỤC ĐÍCH SỐNG
  2. BỆNH DO TAM ĐỘC
  3. NƠI TƯ TƯỞNG CHẤM DỨT

Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN