NGUYỄN HIẾN LÊ
Trích: Trang Tử Nam Hoa Kinh; NXB. Văn Hóa Thông Tin; 2008
Nhan Hồi lại thăm Trọng Ni (tức Khổng Tử), xin phép đi xa. Trọng Ni hỏi:
Anh tính đi đâu?
Con đi qua nước Vệ.
Để làm gì?
Con nghe nói vua Vệ (Vệ Trang Công) đương tuổi tráng niên, hành vi độc đoán, coi thường việc nước, không thấy lỗi của mình, coi thường mạng dân, người chết đầy đất, nhiều như cỏ khô trong đồng cháy, dân không biết trốn đi đâu. Con đã từng nghe thầy bảo: “Nước nào đã bình thì mình nên bỏ mà đi. Nước nào loạn thì mình nên tìm tới.”. Như một thầy lang thấy bệnh nhân là trị1. Con theo lời dạy của thầy mà mong lại cứu nước Vệ được phần nào chăng.
Trọng Ni bảo:
Lại đó để mà bị giết à? Đạo thì không nên tạp, tạp thì hóa phiền toái, phiền toái thì gây hỗn loạn, hỗn loạn thì gây lo lắng, mà không thể cứu được. Hạng “chí nhân”2 thời xưa giữ vững đạo mình rồi sau mới cứu giúp người khác. Đạo của anh chưa được vững mà sao sửa được hành vi tàn bạo của người khác [tức vua Vệ].
Lại thêm, anh biết tại sao “đức” sở dĩ bại hoại, còn mưu trí do đâu mà ra không. Đức bại hoại do hiếu danh, mưu trí phát ra do thích tranh đua. Hiếu danh gây ra sự khuynh loát lẫn nhau, mưu trí tạo ra những phương tiện để tranh giành. Hai cái đó đều là những khí cụ bất tường; không làm cho hành vi con người được tận thiện3.
Đức cao và lòng chân thành không đủ để thắng được tính khí của người; danh tốt và tinh thần hiếu hòa vị tất đã cảm được lòng người; nếu anh cứ cố lấy những lời nói nhân nghĩa, phải đạo mà thuyết con người tàn bạo ấy, thì tức là lấy cái xấu của họ để làm nổi bật cái tốt đẹp của mình, như vậy là “bừa” người ta như bừa cỏ. Bừa người ta thì bị người ta bừa lại. Thầy ngại rằng anh sẽ bị hãm hại mất.
Giả sử vua Vệ yêu người hiền mà ghét kẻ ác, thì cũng đâu phải đặc biệt cần tới anh [vì nước Vệ cũng đã có nhiều bậc hiền tài rồi]. Anh không can gián thì thôi, nếu can gián thì vua Vệ sẽ nhân kẽ hở của anh mà đả anh4; anh mà chịu thua thì mắt anh sẽ hoa lên, nét mặt anh sẽ dịu xuống, miệng anh sẽ tìm cách tự bào chữa, thái độ anh sẽ phục tòng, anh sẽ thuận theo ý ông ta. Như vậy, không khác gì dùng lửa để diệt lửa, dùng nước để ngăn nước, chỉ tăng thêm tội ác của ông ta. Vì mới đầu đã phục tòng thì sau sẽ vĩnh viễn thuận ý ông ta. Còn như nếu anh nhất định một lòng can gián, mà không được ông ta nghe thì nhất định sẽ bị ông ta giết.
Xưa, vua Kiệt giết [hiền thần là] Quan Long Phùng; vua Trụ giết [chú là] Vương tử Tỉ Can5. Những bậc đó ở địa vị thấp mà làm trái ý vua để bênh vự dân chúng, bị vua hãm hại chính vì hiền đức của họ. Ham danh thì hậu quả như vậy đó.
Xưa, vua Nghiêu đánh các nước Tùng Chi6 và Tư Ngao; vua Vũ đánh nước Hữu Hổ. Ba nước đó bị tàn phá, dân chúng bị diệt, vua bị giết, vì vua của họ dùng binh lực để cướp bóc các nước láng giềng mà làm giàu. Vừa hiếu danh vừa tham lợi thì hậu quả như vậy đó. Anh không biết điều dó ư? Dẫu bậc thánh nhân cũng không khắc phục được lòng ham danh và lợi, huốn hồ là anh. Nhưng có lẽ anh đã có kế hoạch nào đó rồi, thử nói cho thầy nghe nào.
Nhan Hồi đáp:
Con sẽ ráng cung kính mà khiêm nhượng; cương quyết làm chuyên nhất, như vậy có được không?
Không được, vì vua Vệ tự mãn mà tính tình bất thường; không ai dám trái ý ông ta; ông ta áp đảo thiện ý của người khác để làm theo ý mình. Con người đó, những thói tốt hàng ngày có thể sửa tính được, mà còn không chịu nghe theo thì làm sao thực hành được đức lớn?7 Ông ta tất sẽ cố chấp, không chịu sửa đổi. Nếu ông ta bề ngoài tán đồng anh, mà trong lòng không phản tỉnh8 thì anh dùng phương pháp đó có lợi ích gì?
Nếu vậy thì con dùng cách “trong thẳng mà ngoài cong”9 của cổ nhân.
Kẻ nào “trong thẳng” là môn đệ của trời; môn đệ của trời thì cho vua với mình cùng là con của trời. Là con trời thì đâu cần người khác phê phán ngôn luận của mình là phải hay trái. Thuận theo tự nhiên như vậy thì giữ được thiên chân như đứa bé, nên người ta gọi là em bé, mà em bé là môn đệ của trời.
Kẻ nào “ngoài cong” là môn đện của người. Hai tay chắp lại, cầm cái hốt, quỳ xuống, cúi đầu, đó là kẻ bề tôi giữ lễ với vua. Mọi người giữ lễ đó, làm sao con dám không giữ? Làm như mọi người thì không ai trách mình. Như vậy là môn đệ của người.
Kẻ nào hành động như cổ nhân thì là môn đệ của cổ nhân; kẻ đó chỉ lặp lại những lời của cổ nhân can ngăn vua, nhưng đó là những lời của cổ nhân chứ không phải lời của chính mình; cho nên dù có cương trực thì cũng không có tội vì chỉ là theo cổ nhân thôi mà.
Con tính làm như vậy, thầy nghĩ có nên không?
Trọng Ni đáp:
Biện pháp của anh nhiều quá mà không thông đạt. Anh chỉ tính làm sao cho khỏi bị tội, như vậy cảm hóa nhà vua sao được?
Con hết cách rồi. Xin thầy chỉ cho con có biện pháp nào nữa không?
Anh trai giới đi rồi thầy sẽ chỉ cho. Làm việc theo thành kiến mà dễ thành công là điều trái với lẽ trời10.
Nhà con nghèo, đã mấy tháng nay con không uống rượu, không ăn thịt, như vậy có thể gọi là trai giới được không?
Trọng Ni bảo:
Đó là sự trai giới để tế lễ, không phải là trai giới của tâm (tâm trai).
Thưa thầy, thế nào là trai giới của tâm?
Anh tập trung tinh thần, không nghe bằng tai mà nghe bằng tâm, không nghe bằng tâm mà nghe bằng cái khí. Tai chỉ nghe được thanh âm, tâm chỉ lãnh hội, được hiện tượng, khí vốn hư cho nên dung nạp được vạn vật. Đạo ở chỗ hư không, cho nên bảo “hư không” là trai giới của tâm.
Con khi chưa biết sự trai giới của tâm thì chỉ cảm thấy có mình thôi, khi đã biết rồi thì không thấy có mình nữa11. Như vậy có phải là “hư không” không?
Phải, chỗ kỳ diệu của sự trai giới của tâm là vậy đó. Thầy bảo anh này: anh có vô nước Vệ thì đừng nên động tâm vì danh lợi12. Vua Vệ có nghe lời anh thì anh hãy nói, không nghe thì đừng nói. Đừng để cho họ thấy kẽ hở của mình, công kích được mình, cứ hư tâm mà đợi khi nào không thể không nói được hãy nói, như vậy là gần đạt được Đạo.
Đi mà không chạm đất là điều khó hơn không để một vết chân nào trên đất13. Giúp việc cho người thì dễ gian dối, giúp việc cho Trời thì khó gian dối14. Thầy nghe nói có cánh thì bay được, chưa hề nghe nói không cánh mà bay được, nghe nói dùng trí tuệ thì đạt được tri thức15, không nghe nói không dùng trí tuệ mà đạt được tri thức. Từ cái hư không của tâm thần mà phát ra ánh sáng; cái phúc ở cả trong sự hư tĩnh của tâm thần. Tâm thần không hư tĩnh thì gọi là “ngồi mà rong ruổi” (tọa trì: thân thể ngồi yên mà tâm thần thì lang thang). Người nào có thể khiến cho tai, mắt thành những cảm quan hướng nội mà thông suốt, mà không dùng tâm trí, thì dù quỷ thần cũng phải quy phục, huống hồ là người? Đó là phép thích ứng với mọi biến hóa của vạn vật, cái nút, cái chốt của sự sáng suốt của ông Vũ, ông Thuấn, cái quy tắc xử sự xuất đời của Phục Hi, Kỷ Cừ16 huống hồ là bọn người thường.
—– ??? —–
Chú thích:
- Dịch sát thì là: cửa nhà thầy lang thì có nhiều bệnh nhân.
- Tức hạng đạt Đạo, đức rất cao.
- Nguyên văn: phi sở dĩ tận hành dã – Có sách dịch là không làm tiêu chuẩn cho phép xử thế được.
- K.H dịch là: Nếu anh không có gì để can gián thì vua Vệ sẽ thấy anh làm thinh mà tỏ rằng ông ta thắng anh. , dùng nước để ngăn nướcu
- Tỉ Can là chú ruột của vua Trụ, cũng là con vua, nên gọi là vương tử.
- Bài II.9 chép là Tông, Khoái (2 nước)
- C.H dịch là: sao có thể dùng đức lớn mà cảm hóa ông ta được?
- K.H dịch là: Nếu bề ngoài anh cúi đầu trước mặt ông ta mà trong lòng không chỉ trích ông ta thì có ảnh hưởng gì đến ông ta được.
- Nội trực, ngoại khúc nghĩa là bề ngoài chiều đời, nhưng trong lòng vẫn giữ chủ trương của mình.
- Câu này mỗi sách giảng mỗi khác. L.K.H dịch là: Kẻ nào có thành kiến thì chẳng thấy công việc của mình dễ dàng ư? Trời rực rõ không hợp với kẻ đó (!).
- K.H dịch khác: Con chưa đạt được cảnh giới hư không ấy nên con vẫn còn là Nhan Hồi. Nếu con đạt được thì sẽ không còn là Nhan Hồi nữa.
- K.H dịch là: Nếu anh giúp việc vua Vệ thì đừng động tâm vì địa vị của ông ta.
- N.L và H.C.H đều dịch: Không đi trên đường là điều dễ, đi mà không để một vết chân trên đất là điều khó. Nguyên văn: tuyệt tích dị, vô hành địa nan.
- C.H dịch là: Làm việc người thì dễ, vô tâm mà thuận theo tự nhiên là khó. D.N.L: Ở đời mà có thành kiến thì dễ làm bậy, không có thành kiến thì khó làm bậy.
- Nguyên văn: Văn dĩ hữu trí tri giả hỉ. Chữ trí (trí tuệ) ở đây có lẽ nên hiểu là trực giác, khi mình đã hư tâm được rồi.
- Đời thượng cô Trung Hoa không có ông vua nào tên là Kỷ Cừ, cho nên Văn Nhất Đa, một thi sĩ kiêm học giả hiện đại, cho hia từ Kỷ Cừ là Nhân Toại, mà Nhân Toại là Toại Nhân (người đầu tiên dạy cho dân tộc Trung Hoa dùng lửa) viết ngược.