ĐẠO LÀM NGƯỜI

NGUYỄN HIẾN LÊ

Trích: Khổng Tử; Nguyễn Hiến Lê; NXB Tổng hợp TPCM; năm 2015

Sau thế chiến vừa rồi, nhiều người bi quan cho cuộc sống là buồn mửa, là vô nghĩa lý. Xét cuộc sống vạn vật trong vũ trụ thì thấy nó vô nghĩa lý thật: sống cơ hồ chỉ để duy trì sự sống, duy trì trong kiếp này rồi truyền lại cho kiếp sau, cứ như vậy tới vô cùng, chứ không có đích gì khác.

Nhưng chúng ta là người biết suy nghĩ, thì sao không cho cuộc sống của ta một ý nghĩa chẳng hạn như Khổng Tử: tu thân để giúp nhà, giúp xã hội và duy trì, truyền cho đời sau một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chân dung Khổng Tử

Chân dung Khổng Tử

Cuộc sống có mục đích như vậy rồi – hay một mục đích nào khác tùy mỗi người – thì ta cứ theo “nghĩa” theo điều ta cho là phải mà làm, chẳng cần trông cậy ở một đấng vô hình nào cả, làm hết sức mình rồi kết quả ra sao thì ra, thành công được phần nào thì mừng mà chẳng được gì thì cứ để cho người đời sau tiếp tục.

Thái độ đó, tôi cho là nghiêm trang, ung dung, vui vẻ, mà có phần cao cả nữa.

Lâm Ngữ Đường, trong cuốn The Importance of living kể rằng có hồi ông thấy những tín điều của đạo Ki-tô mâu thuẫn, không thỏa mãn ông được, muốn bỏ đạo đó, nhưng sợ bỏ thì sẽ bị sa đọa vì “nếu không có Thượng đế thì còn ai làm điều thiện nữa mà thế giới sẽ điên đảo mất”.

Ông tỏ nỗi lòng với một bạn đồng sự theo Khổng giáo. Ông bạn này đáp: “Tại sao lại như vậy? Chúng ta phải sống một đời sống hợp đạo chỉ vì chúng ta là những con người hiểu đạo, thế thôi”.

Nghe lời giảng đó về sự tôn nghiêm của đời sống con người. Lâm không còn thắc mắc nữa.

Không cần phải tin ở Thượng đế, hay một đấng nào khác xin các đấng ấy soi sáng, dắt dẫn mà vẫn làm trọn được đạo con người, như vậy chẳng là một thái độ cao cả ư? Có lẽ chỉ có dân tộc Trung Hoa mới nghĩ rằng người là một trong “tam tài” (ba ngôi: thiên, địa, nhân), ngang với trời, đất.

Sử kí của Tư Mã Thiên chép – mà Luận ngữ thì không – những lời than thở của Khổng Tử khi gần mất:

Núi Thái Sơn sắp sụp,

Cây thượng lương sắp đổ, Bậc triết nhân sắp mất!

Rồi ông rớt nước mắt, nói lời cuối cùng này với Tử Cống:

– Thiên hạ loạn từ lâu mà không một ông vua nào chịu theo lời khuyên của thầy. Thầy sắp đi đây.

Tôi không tin đoạn đó. Nó không hợp với tinh thần của Khổng Tử: quân tử… hành kì nghĩa dã, đạo chi bất hành, dĩ tri chi hĩ (XIII.7). Một hiền triết như ông, làm trọn nhiệm vụ rồi thì chết là nghỉ, có gì đâu mà buồn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÔN TRỌNG NGƯỜI LÀ TỰ TRANG NGHIÊM CHÍNH MÌNH
  2. KHỔNG TỬ NÓI THẾ NÀO VỀ SỰ HÒA NHÃ?
  3. TRIẾT LÝ SỐNG BÌNH DỊ CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA

Bài viết khác của tác giả

  1. NIỀM VUI CỦA TỰ HỌC
  2. THẾ GIAN

Bài viết mới

  1. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  2. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  3. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT