YU DAN
Trích: Khổng Tử Tinh Hoa; Việt dịch: Hoàng Phú Phương - Mai Sơn; NXB Trẻ; 2010
Sống trên đời, chúng ta khó tránh khỏi những việc gây hối tiếc và thất vọng. Có thể ta thiếu sức mạnh để thay đổi những điều đó, nhưng chúng ta vẫn có thể thay đổi được chính thái độ của ta khi đối mặt với những trở ngại ấy.
Một trong những điều quan trọng nhất về Khổng Tử là ông dạy chúng ta biết cách đối mặt với sự tiếc nuối và giữ lấy một tinh thần thanh thản.
Nhưng liệu sự hiền minh cách nay 2.500 năm ấy có thực sự gỡ được những mối tơ lòng của con người ngày nay không?
Một ngày nọ, học trò của Khổng Tử là Tư Mã Ngưu lo rầu than rằng: “Người ta đều có anh em, chỉ có một mình ta thì không?”
Tử Hạ, bạn học, khuyên: “Thương1 này từng nghe Phu Tử2 dạy rằng: Chết sống có số, giàu sang ở Trời. Bậc quân tử lúc nào cũng thành kính tự tu, không phạm điều lỗi lầm; đối với người thì giữ khiêm cung và xử hạp lễ. Thế nên bốn bể đều là anh em cả. Vậy bậc quân tử cần chi phải lo ngại chẳng có anh em?” (Luận Ngữ, XII, 5)
Ta có thể hiểu câu nói này ở nhiều mức độ khác nhau. Vì sống và chết, giàu và sang, cũng như tất cả những gì giống thế đều bị quy định bởi số phận, chúng vượt khỏi sự kiểm soát của chúng ta. Ta phải học cách chấp nhận chúng và sống hài hòa với số phận của chúng ta.
Nhưng nhờ việc trau dồi cách nhìn của mình, chúng ta có thể giữ được một tâm hồn chân thành và kính cẩn, để giảm thiểu những sai trái trong lời nói và việc làm, để đảm bảo ta đối xử với người khác hòa nhã và tôn kính.
Nếu bạn có thể làm tốt việc làm người của mình, thì tất cả mọi người trên thế giới sẽ yêu mến và tôn trọng bạn như một người anh em.
Vì thế, nếu bạn là một người quân tử chân chính, có học thức, thì tại sao lo rầu mình không có anh em?
Dù những câu nói này do học trò của Khổng Tử nói lại, nhưng chúng đại diện cho một trong những giá trị mà Khổng Tử ủng hộ.
Trước hết, bạn phải dám đối mặt với những thất vọng trong cuộc sống và chấp nhận chúng. Bạn không nên theo đuổi mãi điều hối tiếc, than van số phận và hỏi đi hỏi lại rằng tại sao nó lại xảy đến với mình – điều này chỉ có thể làm tăng thêm nỗi đau của bạn.
Thứ hai, bạn phải làm hết sức có thể để đền bù cho sự hối tiếc ấy, bằng cách bắt đầu thực hiện những điều bạn có thể làm được.
Vì sự hối tiếc đôi khi lại bị thổi phồng hơn so với tính chất thực của nó. Và kết quả sẽ là gì? Như Tagore3, một nhà thơ Ấn Độ, đã nói: “Nếu bạn trào nước mắt khi mất mặt trời, bạn cũng sẽ mất luôn cả các vì sao”.
Biết chấp nhận những phần không vừa ý của cuộc đời và đền bù cho những thiếu sót ấy bằng nỗ lực của riêng mình, chính là thái độ mà Khổng Tử đã dạy chúng ta khi đối mặt với những điều hối tiếc trong cuộc đời.
Nếu một người không thể chấp nhận những hối tiếc ấy, thì sẽ dẫn đến những hậu quả nào trong tương lai?
Trong một tạp chí cũ mà tôi từng đọc, có câu chuyện kể về một nữ vận động viên quần vợt người Anh, Gem Gillbert, như sau:
Khi còn nhỏ, Gem đã chứng kiến một thảm kịch. Một ngày, cô cùng mẹ đi đến nha sĩ theo lệ thường. Cô nghĩ rằng cô và mẹ sẽ sớm về nhà, nhưng vì một biến chứng gì đó mà mẹ cô đã chết ngay trên ghế nha sĩ.
Cô không bao giờ quên được ký ức ảm đạm này và dường như cô không thể làm được gì để xóa bỏ nó. Thế là cô không bao giờ đi đến nha sĩ nữa.
Nhiều năm sau, cô trở thành một tay vợt danh tiếng và giàu có. Rồi một ngày, cô bị đau răng khủng khiếp đến mức không còn chịu được nữa. Gia đình cô cuối cùng cũng thuyết phục được cô phải làm điều gì đó. “Hãy gọi một nha sĩ đến nhà. Chúng ta không cần phải đến phòng khám, nha sĩ của con sẽ đến đây, chúng ta sẽ ngồi lại với con, con còn sợ gì nữa?”. Và thế là họ gọi một nha sĩ đến nhà cho cô.
Nhưng điều không mong đợi đã xảy ra; sau khi nha sĩ sửa soạn dụng cụ và chuẩn bị khám răng, ông quay lại và thấy rằng Gem Gillbert đã chết.
Đây là sức mạnh của nỗi ám ảnh trong tâm lý. Một sự hối tiếc riêng lẻ về một sự việc đã bị thổi phồng quá mức đến nỗi nó treo lơ lửng trên đầu bạn, tác động đến toàn bộ cuộc đời bạn. Nếu cuộc sống của bạn bị ám ảnh vì những điều hối tiếc mà bạn không thể thoát ra được, thì thực sự nó có thể gây hại cho bạn về thể chất cũng như cảm xúc.
Vì ta không thể tránh được những điều hối tiếc trong đời, nên thái độ của ta đối với những hối tiếc ấy là cực kỳ quan trọng. Mỗi thái độ khác nhau có thể dẫn đến một chất lượng cuộc sống hoàn toàn khác biệt.
Lại có một câu chuyện khác: Một cô gái mồ côi cha sống trong một thị trấn nhỏ. Cô và mẹ phải nương tựa vào nhau, sống đạm bạc qua ngày bằng nghề thủ công. Cô chịu đựng những điều giằng xé nội tâm khủng khiếp. Cô luôn cảm thấy tủi thân vì chưa từng có một bộ quần áo đẹp nào để mặc, cũng không có đồ nữ trang để đeo.
Vào dịp lễ Giáng sinh khi cô tròn 18 tuổi, mẹ cô đã đưa cho cô một ít tiền và nói cô hãy tự đi mua cho mình một món quà.
Việc ấy quả thực vượt xa khỏi những giấc mơ điên rồ nhất của cô, nhưng cô vẫn không đủ can đảm để làm điều đó một cách tự nhiên. Khi đi đến cửa hàng, tay nắm chặt chiếc ví, cô tìm đường tránh đám đông và đi nép sát vào tường. Trên đường đi, cô nhìn cuộc sống tốt đẹp của mọi người và than thầm: “Mình chẳng thể chường mặt ra ở đây, mình là cô gái nghèo hèn nhất ở thị trấn này”. Cùng lúc ấy, cô nhìn thấy chàng trai trẻ mà cô đã thầm thương trộm nhớ, cô buồn rầu tự nhủ không biết ai là người bạn nhảy với chàng ở buổi khiêu vũ tối nay.
Và thế rồi, sau khi rón rén tránh mặt mọi người suốt quãng đường, cô cũng đến được cửa hiệu. Khi bước vào bên trong, đập ngay vào mắt cô là một bộ cài tóc cực đẹp.
Khi cô còn sững sờ đứng đó, nhân viên cửa hàng đến nói với cô: “Chị có mái tóc vàng dễ thương quá! Chị thử cài một bông hoa xanh nhạt này xem, trông chị sẽ rất đẹp đấy!”. Cô nhìn bảng giá – một con số gần bằng số tiền cô có. Cô e dè: “Tôi không đủ tiền, chị đừng phiền nha”. Nhưng nhân viên cửa hàng lúc ấy đã cài chiếc kẹp lên tóc cô.
Người nhân viên mang đến cho cô một cái gương. Nhìn mình trong gương, cô rất đỗi ngạc nhiên. Cô chưa bao giờ thấy gương mặt mình bừng lên vẻ đẹp và sức sống mạnh mẽ như lúc này; cô cảm thấy như thể bông hoa ấy đã biến cô thành một thiên thần! Không do dự, cô lấy hết tiền ra mua nó. Choáng váng vì sự phấn khích, cô lấy tiền thừa, xoay mình và lao ra ngoài. Cô va vào một ông già vừa mới bước vào cửa. Cô nghĩ cô nghe thấy tiếng ông ta gọi cô, nhưng cô không còn tâm trí để nghĩ đến điều ấy và cô lao vút đi, đôi chân nhẹ tênh như bay.
Trước khi nhận ra mình đang làm gì, cô đã chạy một mạch ra đường chính của thị trấn. Cô thấy mọi người sững sờ nhìn theo hướng cô chạy và cô nghe họ nói: “Tôi chưa từng thấy một cô gái nào xinh đẹp đến nhường này trong thị trấn. Con ai đấy nhỉ?”. Cô lại gặp cậu trai mà cô thầm thích và cô rất ngạc nhiên khi cậu ta gọi cô lại và nói: “Anh có vinh hạnh được mời em làm bạn nhảy tại buổi khiêu vũ Giáng sinh không?”.
Cô không thể tin nổi. Cô vô cùng vui sướng. Cô nghĩ mình sẽ quay lại cửa hàng và mua thêm một cái gì đó be bé với số tiền còn dư này. Và với ý nghĩ đó, cô phấn khởi chạy thật nhanh trở lại cửa hiệu.
Ngay khi cô bước qua cửa, người đàn ông già mỉm cười nói với cô: “Tôi biết cô sẽ quay lại! Vì khi cô đụng vào tôi, chiếc kẹp hoa của cô đã rơi xuống! Nãy giờ tôi đợi cô quay lại lấy nó!”
Câu chuyện kết thúc ở đây. Cây kẹp tóc xinh xắn thực sự không bù đắp cho những thiếu thốn trong cuộc đời cô gái ấy, nhưng, chính sự tự tin chớm nở của cô đã tạo ra sự khác biệt.
Vậy sự tự tin ấy đến từ đâu? Nó đến từ cảm giác thực tế và vững vàng của một nội tâm thanh thản. Một trạng thái ung dung, không vội vã chính là dấu hiệu của một bậc quân tử chân chính.
Học trò của Khổng Tử là Tư Mã Ngưu có lần hỏi Ngài thế nào là quân tử?
Khổng Tử đáp: “Bậc quân tử thì không lo, không sợ”.
Tư Mã Ngưu hỏi tiếp: “Không lo, không sợ, đủ gọi là quân tử sao?”.
Có lẽ ông nghĩ rằng tiêu chuẩn ấy là quá thấp.
Khổng Tử nói: “Tự xét lấy mình, thấy mình chẳng mảy may tà ác thì còn lo, sợ nỗi gì?” (Luận Ngữ, XII, 4).
Ngày nay, chúng ta có thể dùng một câu châm ngôn thông thường để diễn giải ý nghĩa câu nói của Khổng Tử như sau: “Nếu lương tâm của bạn trong sáng, bạn sẽ không lo sợ bị gõ cửa lúc nửa đêm”.
Vậy thì, làm thế nào chúng ta có được một nội tâm mạnh mẽ có thể giúp chúng ta sống không lo âu, không do dự và không sợ hãi?
Nếu muốn có nội tâm mạnh mẽ, bạn phải bình tâm trước mọi sự được mất, nhất là về mặt vật chất. Những người quan tâm quá nhiều đến việc được mất đôi khi bị Khổng Tử xem như là “kẻ tiểu nhân”, và bị gọi là “thấp hèn”, hay nói khác đi, là những người có đầu óc bần tiện và thuộc loại tầm thường.
Khổng Tử từng nói rằng: “Ngươi có thể để loại tiểu nhân ấy lo chuyện đại sự quốc gia chăng?”. Không. Khi những kẻ như thế không giành được lợi lộc, họ sẽ than phiền về việc không đạt được lợi lộc ấy, khi họ đạt được cái mà họ muốn, họ lại lo sợ mất nó. Vì lo sợ mất nó, họ sẽ không bao giờ ngừng bảo vệ cái mà họ có và cố gắng thủ lợi nhiều hơn nữa.
—– ??? —–
Chú thích:
- Thương: Tên của Tử Hạ, một học trò giỏi của Khổng Tử
- Phu Tử: Cách gọi tôn kính của các học trò đối với Khổng Tử
- Tagore: Tên đầy đủ là Rabindranath Tagore (1861 – 1941). Nhà thơ, triết gia Bà La Môn và nhà dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ, được trao giải Nobel văn học năm 1913, trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel.