HẠNH CỦA ĐẤT

HT. THÍCH TRUNG ĐỊNH

Đất, trong thuật ngữ chung là các vật chất nằm trên bề mặt Trái đất, có khả năng hỗ trợ sự sinh trưởng của thực vật và phục vụ như là môi trường sinh sống của các dạng sự sống động vật từ các vi sinh vật tới mọi loài động vật lớn hay nhỏ. Đất vô cùng quan trọng cho mọi loại hình sự sống, vì nó hỗ trợ sự sinh trưởng của thực vật và đến lượt mình thì các loài thực vật lại cung cấp thức ăn và ôxy (O2) cũng như hấp thụ điôxít-cacbon (CO2). Đất có đủ các dưỡng chất nuôi mầm sự sống. Đất còn là nơi nâng đỡ con người, mọi sự vật tồn tại đều nhờ đất. Đất dung hòa, ôm ấp, bao bọc tất cả mà không hề có một sự than phiền hay oán trách.

Đất, trong tiếng Hán gọi là “địa”, là một đại trong tứ đại: địa đại, phong đại, thủy đại và hỏa đại. Địa là đất. Đại là lớn. Ý nói địa đại là sự to lớn bao la của đất. Đất có thể dung chứa tất cả, nên gọi là đại.

Đất đai là một tài nguyên thiên nhiên quý giá của mỗi quốc gia và nó cũng là yếu tố mang tính quyết định sự tồn tại và phát triển của con người và các sinh vật khác trên trái đất. “Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng” (Luật Đất đai). Đất có tính cố định, không thể di dời. Đất là tư liệu sản xuất gắn liền với đời sống con người. Đặc biệt, đất đai là một tài sản không hao mòn theo thời gian và giá trị của nó là miên viễn. Nếu không có đất thì không có sự tồn tại của sự sống.

Đất có nhiều dạng, trong đó các dạng đất cơ bản như đất thịt, đất cát, đất sét, đất phù sa, đất đỏ… Mỗi dạng đất cho chúng ta những giá trị khai thác khác nhau và phù hợp với các loại cây trồng cho năng suất cao. Đất giúp người trồng trọt, chăm bón, tạo ra sản phẩm nuôi sống con người. Đất màu mỡ phù sa cho đồng lúa tốt tươi, nặng mùa gặt hái. Đất đỏ là thổ nhưỡng cho các loài cây ăn trái như nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng, cà phê, cao su. Đất thịt có thể làm gạch ngói nung, trồng các loài hoa màu như ngô, khoai, sắn, đậu, mè. Đất cát cho nhiều loài rau trái, ươm mầm sức sống cho muôn cây trổ chồi đâm ngọn. Mỗi thứ đất đều cho một giá trị kinh tế khác nhau phục vụ con người. Đất còn là nơi dung chứa tất cả các quặng mỏ quý giá. Các thứ trân bảo như vàng, bạc, đá quý đều có ở đất. Đất còn nhiều điều bí ẩn mà con người chưa thể khám phá ra hết. Đất còn mang nặng ân tình, bỗng hóa thành tâm hồn, chan chứa yêu thương.

Trong lời dạy của Đức Phật, đất luôn là ẩn dụ quan trọng để Ngài sử dụng trong việc dạy dỗ hàng đệ tử học theo hạnh của đất. Bởi đất có nhiều đặc tính mà người tu cần phải học. Trong đó, hạnh nhẫn nhục như sự chịu đựng của đất được xem là đệ nhất đạo. Sự bao dung, ôm ấp bảo bọc của đất trở thành hạnh lành tối thắng. Sự trưởng dưỡng, tự làm mới bản thân của đất trở thành hạnh tinh tấn nỗ lực tu tập để vươn lên trên con đường đạo. Rất nhiều ý nghĩa và giá trị thực tiễn cao quý của đất trở thành phương châm hành trì cho người tu học. Đất như người mẹ hiền chan chứa tình thương, ôm ấp bao dung con người vào lòng để trưởng dưỡng, nuôi nấng. Khi ta sống thì đất nâng đỡ, chở che. Khi ta chết thì đất ôm sâu vào lòng. Tình của đất đậm đà sâu lắng muôn đời không hề lạt phai.

Trong một lần Đức Phật muốn giáo dưỡng La-hầu-la học theo hạnh của đất để điều phục lại tâm ý của mình. Bởi thời tuổi trẻ La-hầu-la còn có những hành vi thất thố về oai nghi tế hạnh, phóng túng tâm ý, khởi niệm tự tôn. Do vậy, trong những dịp cần thiết Đức Phật lấy hạnh của đất để giáo giới. “Này Rahula, con hãy học theo hạnh của đất. Dù người ta đổ và rải lên đất những thứ tinh sạch và đẹp đẽ như hoa, nước thơm, sữa thơm, hoặc người ta đổ lên đất những thứ dơ dáy hôi hám như phân, nước tiểu và máu mủ, hoặc người ta khạc nhổ xuống đất thì đất cũng tiếp nhận tất cả những thứ ấy một cách thản nhiên, không vui vẻ mừng rỡ mà cũng không chán ghét tủi nhục. Cũng như thế, khi những cảm thọ khoái lạc hoặc buồn khổ phát sinh, con đừng để cho chúng làm nhiễu loạn tâm con và chiếm cứ lòng con”.

Lời dạy này đã mở ra một con đường thênh thang cho một tâm hồn tràn đầy lý tưởng. Khi tâm đủ lớn dung chứa tất cả mọi thứ khó dung thì khi ấy tâm mới trở nên quảng đại. Tâm ấy là Bồ-tát tâm, Tứ vô lượng tâm, có khả năng lớn trong bao dung và thâu nhiếp. Khi tâm không còn phân biệt thị phi, hơn thua, dơ sạch thì người ấy mới có khả năng tự tại như đất. Và khi đón nhận tất cả mọi thứ hơn thua thị phi nhân ngã, lại có khả năng chuyển hóa như đất cho hoa thơm trái ngọt thì hành giả học hạnh như đất sẽ sinh khởi những đức tính cao thượng, dùng những đức tính ấy để nhiếp hóa chúng sinh. Thành ra, khi chúng ta trang bị học hạnh như đất thì dù có vào ra sinh tử, lui tới trong đời sống ngũ trược ác thế mà tâm bồ-đề vẫn không thối chuyển, như nhiên thường tại. Lời dạy này không chỉ dành riêng cho Tôn giả La-hầu-la mà dành cho tất cả mọi người áp dụng hành trì. Bởi ai cũng cần học hạnh như đất để kiện toàn đạo nghiệp. Trong tâm thức của mọi người ai cũng có những hạt giống xấu, bất thiện. Và ai cũng có khả năng tu tập để chuyển hóa những hạt giống ấy trở nên thanh cao, thánh thiện. Nhờ đó ta tự rọi soi vào tâm mình để tự điều chỉnh, kiện toàn. Cho nên, đất muôn đời vẫn là tấm gương cao quý để mỗi người tự rọi soi.

Ngoài hạnh của đất, Đức Phật cũng dạy hành giả học theo hạnh của nước, lửa, và không khí: “Con hãy học theo hạnh của nước. Khi người ta giặt rửa những thứ dơ bẩn trong  nước, nước cũng không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường. Con lại nên học hạnh của lửa. Lửa đốt cháy mọi thứ, kể cả những thứ dơ bẩn, vậy mà lửa cũng không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường. Con lại cũng nên học hạnh của không khí. Không khí thổi đi các thứ mùi, mà vẫn không cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường”.

Một câu chuyện khác về vị Đại đệ tử đệ nhất trí tuệ – Tôn giả Xá lợi-phất – cũng muốn học theo hạnh của đất. Câu chuyện cảm động về một vị Đại đệ tử của Đức Phật làm bài học cho hậu thế muôn đời. Chuyện kể rằng: Tại tinh xá Kỳ Viên sau ba tháng hạ, Tôn giả Xá-lợi-phất tạm biệt Đức Phật để lên đường đi hóa đạo. Khi ngài ra khỏi cổng tinh xá, một Tỳ-kheo thưa với Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, Xá-lợi-phất vô cớ nhục mạ con, rồi bỏ đi với lý do đi giáo hóa, thực sự Xá-lợi-phất không đi truyền bá Phật pháp. Nghe câu chuyện xong, Đức Phật cho gọi Tôn giả Xá-lợi-phất trở lại và yêu cầu cho biết sự kiện. Ngài Xá-lợi-phất trình Phật:

Bạch Đức Thế Tôn! Sau khi theo Đức Thế Tôn học đạo đến nay tuổi gần 80, con chưa bao giờ làm tổn hại sinh mạng kẻ khác, chẳng biết dối trá, chăm lo thăng tiến đạo nghiệp, kể cả 40 năm qua, được vinh dự làm môn đệ của Đức Thế Tôn, dù nhiều lần được Đức Thế Tôn khen ngợi, nhưng con chưa bao giờ tỏ ý kiêu mạn coi thường người khác, từ đó đâu dám nhục mạ người trong giáo đoàn.

Con thiết nghĩ: Đất luôn luôn nhận lãnh hết tất cả những sự dơ uế của thế gian, con tự nguyện làm đất luôn luôn nhẫn nhịn tất cả những điều trái ý, không hạ nhục bất cứ ai. Dòng nước cuốn trôi, rửa sạch tất cả những vết dơ bẩn của trần gian, con tự nguyện rửa sạch trần cấu cho mọi người. Cái chổi quét sạch hết tất cả rác rưởi không hề phân biệt con tự nguyện làm cái chổi quét sạch bụi trần của chúng sanh. Bấy lâu con chưa hề khinh khi ai, chưa hề có ý niệm phân biệt, cố gắng không để tâm vọng động, thường an trú trong chánh niệm. Bởi thế nếu con còn có lỗi lầm nào, xin các Tỳ-kheo từ mẫn chỉ bảo con xin thành khẩn y pháp sám hối”.

Để thỏa mãn cho tất cả các môn đệ, Phật cho gọi các Tỳ-kheo đương cáo ra đối chứng. Trước giáo đoàn, vị Tỳ-kheo đã nói dối rất hổ thẹn, xin Phật và Xá-lợi-phất rộng lượng khoan dung. Phật bảo trong đời có hai hạng người mạnh nhất đó là người không có tội và người có tội mà biết ăn năn sám hối. Riêng Xá-lợi-phất không những không oán giận mà còn hoan hỷ khoan dung.

Đất như người mẹ hiền chan chứa tình thương, ôm ấp bao dung con người vào lòng để trưởng dưỡng, nuôi nấng.

Hạnh của đất cũng được Đức Phật đưa ra như là biểu mẫu của tình bạn chân thật, cao quý nhất. Trong một đoạn kinh khác Đức Phật dạy kết bạn có bốn thứ: Một là kết bạn như hoa, hai là kết bạn như cân, ba là kết bạn như núi, bốn là kết bạn như đất. Sao gọi là kết bạn như hoa? Khi bông hoa còn tươi tốt thì giắt trên đầu, khô héo rồi bỏ đi. Kết bạn cũng thế: hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, thấy nghèo nàn lại bỏ làm lơ. Sao gọi là kết bạn như cân? Khi để vật nặng thì đầu gục xuống, vật nhẹ thì đầu vổng lên, có qua lại thì cung kính nhau, không qua lại thì khi dễ nhau. Sao gọi là kết bạn như núi? Hòn núi vàng muôn loài chim thú tụ về, lông cánh được chói màu vàng rực, kết bạn cũng thế, khi sang thì sang với nhau, khi vui thì đồng vui. Như thế gian nói, thấy sang bắt quàng làm họ. Sao gọi là kết bạn như đất? Tất cả mọi vật đều nương dựa nơi đất mà sinh, làm bạn nuôi dưỡng để ủng hộ, ân hậu không bạc.

Trong bốn loại bạn, thì làm bạn như đất là tình bạn chân thật, cao quý nhất. Đây là mối quan hệ bạn bè nương tựa nhau để cùng tiến bộ, là tấm gương bạn bè chân tình và cao quý, một trong những yếu tố tạo nên tinh thần tùy hỷ trong đạo Phật. Khi thấy bạn có những tiến bộ, mình không sanh lòng ganh tỵ; khi thấy bạn gặp cảnh ngộ thiệt thòi, kém sút, mình cũng không sanh tâm khi dễ, rẫy ruồng. Đó là đức tính của đất, và nên kết bạn như đất mới bền vững.

Trong truyền thống Đại thừa Phật giáo, có một vị Bồ-tát lớn, gọi là Bồ-tát Địa Tạng. Một vị Bồ-tát lớn có hạnh nguyện rất cao thâm: chừng nào địa ngục chưa trống không thì ngài vẫn chưa dừng nghỉ công việc hóa độ (Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận phương chứng Bồ đề). Danh hiệu Địa Tạng rất thâm sâu và đầy ý nghĩa. Danh hiệu ấy có nghĩa là trái đất với tính cách vững chãi và dày dặn của nó có khả năng chứa đựng và ôm ấp được tất cả (Địa ngôn kiên, hậu, quảng hàm tàng). Tuy biết rằng khổ đau và phiền não không có giới hạn, nhưng hạnh nguyện cứu đời của một vị Bồ-tát cũng không có giới hạn. Chừng nào còn có khổ đau, còn có phiền não, thì vị Bồ-tát còn chưa dừng tay cứu độ. Trái đất này cần những con người như Bồ-tát Địa Tạng, và mọi người cũng cần học làm theo hạnh nguyện của ngài. Cuộc đời còn có nhiều khổ đau phiền não, oan trái và thù hận, Bồ-tát Địa Tạng với năng lực lớn sẽ hóa giải tất cả. Ngài cũng có năng lực vững chãi và bao dung của đất, vì thế nên Ngài có thể ôm ấp và chuyển hóa tất cả.

Có một bản kinh với tên gọi Tâm địa quán bao gồm 13 phẩm. Chủ đề của bản kinh là quán tâm như đất. Đây là một lộ trình tu học đi từ địa vị phàm phu lên bậc thánh trí giác ngộ giải thoát. Khi tâm được quán chiếu như hạnh của đất, thực hành như hạnh của đất thì lộ trình giác ngộ sẽ được mở ra. Và khi tâm đã được vững chãi, bao dung như đất thì lý tưởng Bồ-tát được thực hiện trọn vẹn. Ngoài ra trong giới pháp Đại thừa còn có Kinh Phạm Võng Bồ-tát tâm địa giới. Đây là giới pháp cho hàng Đại thừa Bồ-tát có tâm lớn như đất. Hạnh của đất trong kinh tạng Nikāya hay Đại thừa đều mang ý nghĩa như vậy. Đó là sự thống nhất giữa kinh điển Nam truyền và Bắc truyền. Mặc dù hình thức triển khai khác nhau nhưng nội dung và ý nghĩa thì vẫn xuyên suốt.

Tóm lại, chúng ta phải học hạnh của đất như Bồ-tát Địa Tạng, như Tôn giả Xá-lợi-phất, và Tôn giả La-hầu-la. Học theo hạnh của đất để những nỗi khổ niềm đau, tủi nhục, giận hờn, khổ đau buồn chán… được ôm ấp và chuyển hóa. Học theo hạnh của đất để tâm càng ngày càng đủ lớn để thâu nhiếp và bao dung. Học hạnh như đất để hoa trái từ bi và trí tuệ khai mở trong tâm thức chúng ta, trên quả địa cầu này ngày càng thêm tươi đẹp.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 312, 1/1/2019

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TIN NHÂN QUẢ, TẠO PHƯỚC ĐỨC, SỐNG CHÂN THƯỜNG
  2. ĐỨC PHẬT DẠY LA HẦU LA

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP