ĐIỀU GÌ QUAN TRỌNG CHO CUỘC SỐNG CON NGƯỜI

TULKU THONDUP

Trích: Năng Lực Chữa Lành Của Tâm; Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB. Thiện Tri Thức

Thực phẩm, quần áo, chỗ ở, sức khỏe, sự chăm sóc và giáo dục là cần thiết để kéo dài cuộc sống quý giá của con người. Là thành viên của xã hội con người, chúng ta cần tôn trọng người khác, tôn trọng những nhu cầu căn bản, những thể chế làm lợi lạc cho người khác. Ngoài ra, không có gì ở bên ngoài đáng giá bằng thời gian, sự an bình, năng lực và trí huệ của chúng ta – những tặng phẩm lớn của cuộc sống chúng ta. Những tiện nghi khác của đời sống phần lớn là công cụ để thỏa mãn tâm khát khao của chúng ta, tôn sùng và đánh bóng bản ngã của chúng ta và siết chặt thêm sự bám chấp của chúng ta. Khi tích lũy những lạc thú thế gian, sự ham muốn chạy theo của chúng ta càng lúc càng mạnh mẽ hơn. Kinh Lalitavistara khuyên:

Hưởng thụ những lạc thú của tham dục,

Như uống nước muối, sẽ không bao giờ đem lại thỏa mãn

Giàu và nghèo đều đau khổ như nhau, vì những lo nghĩ bên ngoài liên hệ với tham dục. Thậm chí có hàng tỷ người đau khổ do giận dữ, thất vọng, buồn chán… Họ có hưởng thụ một ít an bình, nghỉ ngơi thật sự nhưng chỉ lo lắng mất đi những gì họ có hoặc cố kiếm cho được những gì họ không có. Họ không thể tận hưởng đời người mà họ đang thật có, mà chỉ sống cho cái mà họ bị lôi cuốn và bị nô lệ. Không phải bản thân việc kiếm tiền gây ra đau khổ, mà chính việc trao cuộc đời mình cho sự bạo ngược của những sở hữu bên ngoài mới là sự giết mất an vui.

Trong một cách tương tự, người nghèo mắc bẫy vào cuộc chiến đấu để sống còn. Họ không dám hưởng thụ một chút nào những gì họ có vì sợ mắc phải đau khổ hơn. Khi Mẹ Teresa nhận giải Nobel hòa bình, bà kể câu chuyện này: “Một ngày, những soeur truyền giáo ở Calcutta đem về một đứa bé mồ côi và họ đưa cho đứa bé một miếng bánh mì. Đứa bé chỉ ăn phân nửa. Khi hỏi tại sao, đứa bé trả lời: “Nếu con ăn hết, vậy đâu còn bánh mì nữa để con ăn.” Chỉ sau khi chắc chắn sẽ có bánh mì, đứa bé mới chịu ăn hết phần bánh còn lại.

Mặc dù sự tiến bộ và phát triển vật chất của văn minh hiện đại, nhiều người đã lệch đường khỏi ý nghĩa cuộc sống. Dù giàu hay nghèo, hoặc thoải mái giữa giàu và nghèo, chúng ta phải thận trọng, không nên quý chuộng những lạc thú vật chất với cái giá đánh mất bản tánh chân thật của chính mình. Nếu sử dụng năng lực của mình chỉ để nghĩ đến những việc trần tục và làm sao để có được nhiều hơn – thức ăn ngon hơn, nhiều tiền hơn, nổi tiếng và được biết đến nhiều hơn, bất cứ thứ gì ở bên ngoài chúng ta – thì chúng ta sẽ mất đi cái giá trị nhất.

Chúng ta tập trung chú ý đến tất cả mọi thứ cách xa chúng ta – càng xa con người chân thật của chúng ta, chúng ta càng cho là quan trọng. Chúng ta định giá trị những gì mình có và thân xác ở trên tâm thức, vẻ bề ngoài của ta lên trên sức khỏe, sự nghiệp đặt lên trên cuộc sống gia đình… Chúng ta đồng hóa với thân thể và xem tâm chỉ là công cụ của thân, như một người nào đó đã mô tả một cách hài hước là “nấm trên bộ não.” Chúng ta tự cắt mình ra khỏi nguồn hạnh phúc thực sự, tích lũy những sở hữu cho nhà cửa mình mà không chăm sóc cho thân, tâm, mặc dù điều kiện quan trọng nhất cho cuộc sống trong gia đình là tâm hạnh phúc và thân khỏe mạnh.

Khi tôi trưởng thành ở Tây Tạng, một người quen đã dùng rìu để đốn củi và chặt phải đôi giày mới. May thay, chân anh ta không bị thương mà lại rách giày da, chiếc giày rất có giá trị với một xứ nghèo như Tây Tạng. Anh ta nói thật lòng: “Nếu tôi không mang giày, chân tôi bị thương rồi sẽ lành. Tệ thật, đây là đôi giày mới và chúng không bao giờ lành.” Đây là cách nhìn rất buồn cười về sự vật, nhưng lại là phổ biến với những người đặt vấn đề vật chất lên trên hết, rồi tới thân và cuối cùng là tâm. Sự việc đã hoàn toàn bị đảo ngược!

Tulku Thondup Rinpoche – tác giả sách Năng Lực Chữa Lành Của Tâm

Mặc dù chúng ta có thể nói: “Tôi muốn được an bình và khỏe mạnh”, chúng ta lại thực sự coi trọng thành quả của sự năng nổ trong việc kiếm được những nhu cầu vật chất hơn là làm thăng bằng hay an bình để nuôi dưỡng sức mạnh bên trong ta. Chúng ta tiêu  tốn nhiều thời gian và sinh lực cho sự nghiệp hơn là việc xây dựng cuộc sống gia đình, dù chúng ta làm việc là để cho gia đình hạnh phúc.

Chúng ta sống giống như những con ong, bỏ cả đời gom góp mật, nhưng cuối cùng lại để cho kẻ khác hưởng thành quả suốt đời lao động của mình. Chúng ta đặt giá trị trên việc kiếm được nhiều tiền hơn và trên cách sống khoa trương dùng tiền mua sắm hơn là làm việc có mục đích và để ý xem việc làm ấy có ích lợi cho mình và người khác hay không. Chúng ta chấp nhận sự nguy hiểm cho cuộc sống quý giá của mình để kiếm tiền, giống như việc uống rượu để xoa dịu sự căng thẳng của công việc làm ta mắc bệnh đau dạ dày. Đồng tiền trở nên người chủ, là ý nghĩa và mục đích tối hậu cho quá nhiều người.

Nếu chúng ta cố gắng làm việc trên tâm để cải thiện những thái độ, phẩm chất của mình, xã hội hiện đại sẽ gán cho chúng ta là ích kỷ, không thực tế và lười biếng. Người sản xuất ra vật chất được đánh giá, ca ngợi cao chứ không phải là người tìm kiếm con đường tâm linh. Nếu chúng ta ở nhà chăm sóc phần bên trong và cuộc sống thiêng liêng, người ta đối xử với chúng ta như một kẻ bất tài, thất nghiệp và vụng về. Căn nhà bị giảm xuống thành nhà trọ, một nơi chỉ để nghỉ qua đêm.

Chúng ta phải từ bỏ những cái gì đó để có được những cái khác. Làm sao ta có thể nghĩ đến việc đánh mất trung tâm an bình quý giá và cuộc đời vui tươi tự nhiên chiếu sáng từ đó, chỉ để kinh nghiệm một cuộc sống đầy những khó khăn? Hiện nay, hình như không chỉ người bình thường mà thậm chí còn có cả những vị thầy tâm linh cảm thấy bị thúc giục theo đuổi nền văn hóa vật chất hiện đại. Có một câu chuyện cổ châm biếm về tình trạng này:

Ngày xưa ở Ấn Độ, những nhà tiên tri tiên đoán rằng trong bảy ngày nữa sẽ có một cơn mưa lớn, ai uống nước mưa sẽ bị điên. Khi mưa xuống, nhà vua đã trữ đầy nước sạch cho mình nên không bị điên. Dân chúng dùng hết nước sạch, phải dùng nước mưa nên bị điên. Sau đó, họ coi ông vua là điên. Do đó, để hiểu và cảm thông với dân, ông vua phải uống nước mưa và bị điên giống thần dân của mình.

Tôi không đề nghị rằng chúng ta có thể hay phải phớt lờ đi hệ thống của đời sống hiện đại. Chúng ta không thể tồn tại nếu không có những nhu cầu cơ bản, chúng ta cần thực tế và tôn trọng những quan điểm chung. Nhưng chúng ta cần đặt mọi sự vào viễn cảnh tổng quan. Điều thiết yếu là hiểu được chúng ta là ai, chúng ta đứng ở đâu, cái gì là giá trị thật sự và làm thế nào để sống trong thế giới.

Nếu chúng ta không thận trọng để cho tâm bám chấp trở thành siết chặt và khô cứng, những thói quen tiêu cực sẽ ăn mòn cảm thức an bình của ta. Kinh Udanavarga (Kinh Xuất diệu) nói:

Từ sắt, rỉ sét xuất hiện,

và rỉ sét ăn mòn sắt

Cũng vậy, những hành vi không thận trọng mà chúng ta làm,

Do nghiệp, dẫn ta xuống những cuộc sống địa ngục.

Trong thời gian đầu của cuộc sống tỵ nạn, có một biến cố đơn giản tạo một ấn tượng mạnh trong tôi. Tôi đã đến Kalim-pong với vài người bạn, một thị trấn dễ chịu nằm trên những ngọn đồi thuộc dãy núi Hy-mã-lạp Sơn của Ấn Độ. Trên đỉnh đồi, chúng tôi dừng lại ở một nghĩa trang để uống trà vì mệt và đói và cũng không đủ tiền để ăn tại nhà hàng.

Tôi đi tìm một số cây và đá để nhóm bếp. Khi qua phía bên kia ngọn đồi, tôi gặp một nhà sư già có khuôn mặt lớn và đôi mắt nhỏ chiếu sáng khoảng dưới tám mươi tuổi. Tôi nhận ra Ngài là một Lama từ Mông Cổ đến vì khuôn mặt tròn và lưỡng quyền cao. Ngài ngồi trong một phòng rất nhỏ đàng sau một căn nhà cũ, cửa sổ và cửa ra vào mở rộng. Căn phòng mỗi bề rộng tám bộ (khoảng 2,43 m). Ngài thiền định, đọc sách, nấu ăn, ngủ và nói chuyện với mọi người, ngồi xếp bằng trên cái giường suốt ngày trong một căn phòng nhỏ tương tự. Ngài có một bàn thờ nhỏ, với một ít tượng tôn giáo và vài quyển kinh trên một cái kệ nhỏ trên tường. Cạnh giường là một bàn ăn rất bé và cũng là bàn làm việc, gần bàn là một bếp than nhỏ, trên đó Ngài đang nấu một ít thức ăn cho mình.

Ngài nở một nụ cười hoan hỷ và hỏi tôi: “Anh tìm gì?” Tôi đáp: “Chúng tôi vừa tới đây và tôi đi tìm một ít củi nấu trà.” Ngài nói một cách êm dịu: “Không có nhiều thức ăn, nhưng anh và tôi hãy chia nhau bữa cơm tôi đang sửa soạn nhé?” Tôi cám ơn nhưng từ chối lễ phép. Các bạn tôi đang đợi. Rồi Ngài bảo: “Đợi một chút, tôi sắp nấu xong và bạn có thể mượn cái lò. Cũng còn ít than cho bạn đủ để nấu trà.”

Những điều đã thấy làm tôi sửng sốt. Ngài rất già, nhưng Ngài dường như không có thời gian để tự chăm sóc. Tuy vậy, cặp mắt nhỏ của Ngài đầy nhân từ, nét mặt trang nghiêm và duyên dáng đầy niềm vui, tấm lòng Ngài rộng mở đầy nhiệt tình chia sẻ, tâm ngài an bình. Ngài nói chuyện với tôi như một người bạn cũ dù rằng mới gặp tôi lần đầu. Một cảm giác an bình, hoan hỷ, lạ lùng xuyên suốt thân tôi. Tôi cảm thấy như vậy vì tinh thần tự nhiên và sức mạnh tâm linh của Ngài tỏa ra như một người giàu có và hạnh phúc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, theo cách nói của thế giới duy vật, Ngài là kẻ không nhà, không việc làm và không có hy vọng. Ngài không có một sự giúp đỡ, không lợi tức thu nhập, không trợ giúp của gia đình, không tín dụng xã hội, không có sự giúp đỡ của chính quyền, không đất nước, không tương lai. Hơn hết, Ngài là một người tỵ nạn ở nước ngoài, thậm chí còn khó giao thiệp được với dân địa phương. Ngay cả ngày nay, khi tôi nhớ đến Ngài, tôi không thể làm gì khác mà chỉ lắc đầu trong nỗi kinh ngạc và tôn vinh Ngài trong tâm. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, Ngài không phải là người duy nhất có tính chất ấy mà tôi đã gặp. Có nhiều người đơn giản mà vĩ đại như vậy.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHÚNG TA MUỐN GÌ, TÌM GÌ?
  2. Ý NGHĨA CỦA ĐỜI SỐNG
  3. CHÚNG TA ĐẾN TRẦN GIAN NÀY ĐỂ LÀM GÌ ?

Bài viết khác của tác giả

  1. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – PHẦN 1
  2. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – P2: NHỮNG LỢI ÍCH THỂ CHẤT
  3. THẤY MỖI TẾ BÀO ĐỀU LÀ ÁNH SÁNG

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN