NHỮNG NỀN TẢNG CỦA SỰ CHỮA LÀNH

TULKU THONDUP

Trích: Năng Lực Chữa Lành Của Tâm; Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB. Thiện Tri Thức

Tâm chúng ta sở hữu sức mạnh chữa lành đau khổ và tạo ra hạnh phúc. Nếu chúng ta sử dụng sức mạnh này cùng với lối sống đúng đắn, một thái độ tích cực và việc thiền định, ta có thể chữa lành không chỉ những phiền não tâm trí và tình cảm mà ngay cả những vấn đề thể chất.

NHỮNG LỢI LẠC CỦA SỰ CHỮA LÀNH

Đạo Phật khuyến khích sự buông bỏ những căng thẳng không lành mạnh và không cần thiết do chúng ta tạo ra trong cuộc sống, bằng cách nhận ra chân tướng sự vật thật sự là thế nào. Tôi đã từng thấy nhiều trường hợp điển hình về sức mạnh chữa lành của tâm đối với những vấn đề cảm xúc, tinh thần và cả bệnh về thể xác.

Một trường hợp như thế đã xảy ra trong chính cuộc đời tôi. Khi tôi được mười tám tuổi, vị Thầy thân yêu Kyala Khenpo và tôi quyết định rời bỏ Tây Tạng, dù biết rằng chúng tôi phải mất nhà cửa, bạn hữu và cách sinh sống. Trong một thung lũng trống trải nhưng linh thiêng, Thầy Kyala Khenpo đã viên tịch vì bệnh tật và tuổi già. Ngài không chỉ là vị Thầy giác ngộ từ ái mà còn là người chăm sóc tôi như cha mẹ ruột từ khi tôi mới được 5 tuổi. Đây là khoảng thời gian đau buồn và bối rối nhất trong đời tôi. Tuy nhiên, sự hiểu biết về vô thường – sự thật là mọi sự luôn luôn thay đổi trong đời sống – khiến tôi dễ chấp nhận hơn. Những kinh nghiệm tâm linh giúp tôi vẫn giữ được sự bình thản và ánh sáng trí huệ của giáo pháp giúp tôi nhìn rõ hơn con đường tương lai của mình. Nói khác đi, việc nhận biết bản chất của sự việc đang xảy ra, mở ra với nó và dùng những nguồn sức mạnh mà tôi đã được trao cho, giúp tôi chữa lành những mất mát một cách dễ dàng hơn.

Chúng ta sẽ thấy có ba bước cơ bản: nhận biết những khó khăn và đau khổ, mở rộng ra với chúng, và trau giồi một thái độ tích cực. Đó là toàn bộ quá trình chữa lành.

BẤT CỨ AI CŨNG ĐƯỢC LỢI LẠC

Khả năng chữa lành những bệnh nặng nhờ thiền định tùy thuộc vào mức độ lòng tin và kinh nghiệm tâm linh của người đó. Dĩ nhiên, phần lớn chúng ta sẽ rất vui được giải phẫu khi bị viêm ruột thừa sắp vỡ. Tôi kể câu chuyện này để minh họa sức mạnh của tâm, và vì người ta quan tâm mạnh mẽ về việc duy trì sức khỏe thân thể của họ. Một số chúng ta là những vị thầy tâm linh. Nhưng bất cứ ai cũng có thể được lợi lạc từ thiền định và từ thái độ tích cực. Bắt đầu từ ngay bây giờ, chúng ta có thể sống một cuộc sống hạnh phúc và mạnh khỏe hơn.

Đạo Phật là một con đường phổ quát. Mục tiêu của nó là chứng ngộ chân lý phổ quát, trạng thái toàn giác, hay Phật tánh. Theo chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có vô số những chúng sanh chứng ngộ Phật tánh trước khi Ngài đản sanh. Đang có, đã có, và sẽ có đạo Phật, con đường và những vị Phật (những người đã giác ngộ) trong thế giới này cũng như trong nhiều thế giới khác ở quá khứ, hiện tại và vị lai. Có thật rằng cách đây hơn 2.500 năm, đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền bá những giáo lý được gọi là Phật giáo. Phật giáo được dạy bởi đức Thích Ca Mâu Ni là một trong những hình tướng biểu hiện của đạo Phật, nhưng không phải là loại đạo Phật độc nhất. Người nào với tâm thức rộng mở sẽ nghe được con đường thực sự, mà người Phật tử gọi là Pháp, thậm chí ngay trong thiên nhiên. Dharmasamgiti nói: “Người nào có tâm thức tốt, ngay cả vào thời không có Phật, sẽ nghe được Pháp từ bầu trời, tường vách và cây cỏ. Với những người tìm cầu mà tâm thanh tịnh, những giáo pháp và những giáo huấn sẽ hiển lộ theo những mong muốn của người đó.”

Đạo Phật nhận biết những khác biệt trong những nền văn hóa và thực hành của mọi người trong thế gian, và trong những sự nuôi nấng và nhân cách cá nhân. Nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác có những truyền thống chữa lành, và đưa ra những lời khuyên đặc biệt về đối trị đau khổ. Ngay cả ở Tây Tạng cũng có nhiều cách tiếp cận với đạo Phật. Có nhiều sự khác biệt về cách tiếp cận là tốt, ngay cả đôi lúc chúng có vẻ mâu thuẫn với nhau, bởi vì con người khác nhau. Toàn bộ mục đích là làm cho thích hợp với nhu cầu của mỗi cá nhân.

SỰ THIỀN ĐỊNH, TÂM THỨC, THÂN THỂ

Đạo Phật là một con đường phổ quát. Mục tiêu của nó là chứng ngộ chân lý phổ quát, trạng thái toàn giác, hay Phật tánh. – Ảnh: langmai.org

Chữa lành bằng thiền định không giới hạn cho một niềm tin tôn giáo nào. Ngày nay, nhiều thầy thuốc được đào luyện trong truyền thống y khoa phương Tây đã giới thiệu những phương thức thiền định truyền thống như một cách hồi phục và duy trì sức khỏe tinh thần và cơ thể. Những thực hành này hiếm khi biết đến kinh nghiệm về cái mà đạo Phật gọi là Thật Tánh hay sự rộng mở vĩ đại, mà chỉ nhấn mạnh vào việc quán tưởng, sự phát triển thái độ và năng lực tích cực.

Bệnh cao huyết áp, trong nhiều trường hợp được tạo ra và tiến triển nặng hơn do những căng thẳng tinh thần, đặc biệt phù hợp với những điều trị thay đổi luân phiên như vậy (thiền quán, thái độ tích cực…). Một số thầy thuốc đã giới thiệu việc chú tâm vào một điểm trên cơ thể ở những vùng bị co cơ và sau đó chủ động buông lỏng những cơ đó, kết quả đạt được sự giảm đau và thư giãn. Phương pháp này theo cùng nguyên lý của đạo Phật về cách nhận biết một vấn đề và nới lỏng sự bám chấp vào nó.

Sự chữa lành có hiệu quả nhất nếu có kèm theo bất kỳ niềm tin tâm linh hay kinh nghiệm thiền quán nào. Tiến sĩ Herbert Benson, khoa y trường Đại học Harvard, người khởi đầu Liệu Pháp Thư Giãn đã viết như sau: “Nếu bạn thật sự tin tưởng vào triết lý cá nhân hay niềm tin tôn giáo –nếu bạn gắn chặt tâm hồn với thế giới quan của bạn – bạn có thể đạt được những sự kỳ diệu khác thường của tâm và thân mà thường chúng ta chỉ suy đoán về chúng.”

Tiến sĩ Y Khoa Bernie Siegel, giáo sư và phẫu thuật gia của Đại học Yale, mô tả một số lợi ích của thiền định: “Thiền định làm bình thường hay giảm áp huyết, nhịp tim, những mức độ nội tiết tố căng thẳng trong máu, làm thay đổi những mẫu sóng não, cho thấy não ít bị kích thích… Thiền định cũng làm nâng cao ngưỡng chịu đau và giảm tiến trình lão hóa sinh học của con người. Tóm lại, nó làm giảm sự hao mòn của thân, tâm, giúp con người sống khỏe mạnh và lâu hơn.”

Nhiều nhà báo như Bill Moyers, đã ghi nhận chi tiết về sự liên hệ giữa thân, tâm với sức khỏe. Ông đã nói trong phần giới thiệu quyển sách “Tâm và sự chữa lành”, dựa theo nội dung loạt phát sóng của chương trình truyền hình Public Broadcasting System:

“Tôi cho rằng mình luôn quan tâm về mối liên hệ giữa thân và tâm, mặc dầu tôi đã lớn lên trong một nền văn hóa phân chia tách biệt tâm và thân. Tuy vậy, hằng ngày trong thế giới phân chia dứt khoát tâm và thân này, ngôn ngữ chúng ta đã phản bội giới hạn của những phạm trù của chúng ta.

“Bà quả phụ Brown đã chết vì một cơn vỡ tim – bà ta không bị bệnh tim trước khi chồng bà qua đời. Cha mẹ tôi nói chuyện về người bạn bán tạp hóa của họ, người ‘hay tự lo rằng mình bệnh hoạn.’ Chú tôi, Carl, tin rằng cái cười có thể làm dịu sự đau khổ, rất lâu trước khi Norman Cousins xuất bản câu chuyện của ông về cách đối phó với căn bệnh hiểm nghèo bằng cách xem những phim hài hước như ‘“Anh em nhà Marx’ và những bộ phim video hài “Candid Camera”.

Trong những năm gần đây, y học phương Tây đã bắt đầu có cách nhìn xác thực hơn về thân và tâm, khảo sát sự liên hệ giữa tâm trí, những cảm xúc và sức khỏe. Trong những năm 70, các nhà nghiên cứu tìm ra bằng chứng ở não có những cái mà họ gọi là chất dẫn truyền thần kinh, là những sứ giả hóa chất đưa tín hiệu đến và đi từ bộ não. Một số chất này có tên là endorphin và enkaphalin có tác dụng như những loại thuốc giảm đau trong thiên nhiên. Một số khác dường như có liên quan đến trạng thái cá biệt của tâm trí như: giận dữ, sự bằng lòng, hay bệnh tâm thần.

Sư nghiên cứu tiếp tục tìm thấy những liên hệ sinh học giữa não bộ, hệ thần kinh và hệ miễn nhiễm. Mặc dầu y học phương Tây không phải là chủ đề của quyển sách này, thì những phát minh trong lãnh vực này rất đáng quan tâm. Bằng chứng mới về tâm và thân luôn luôn được đón nhận và có thể lợi ích cho nhiều người. Tuy nhiên, ý niệm căn bản phía sau những cuộc nghiên cứu này thật ra là rất xưa. Đạo Phật tin vào sự quan trọng của tâm nhiều thế kỷ đã lâu trước khi có những học thuyết về sinh học phân tử hiện đại.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CON ĐƯỜNG CHỮA LÀNH
  2. TẠI SAO CHÚNG TA ĐAU KHỔ
  3. TÂM VÀ BẢN TÁNH CỦA TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – PHẦN 1
  2. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – P2: NHỮNG LỢI ÍCH THỂ CHẤT
  3. THẤY MỖI TẾ BÀO ĐỀU LÀ ÁNH SÁNG

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH