TẠI SAO CHÚNG TA ĐAU KHỔ

TULKU THONDUP

Trích: Năng Lực Chữa Lành Của Tâm; Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB. Thiện Tri Thức

ĐƯỜNG LỐI CỦA Y HỌC TÂY TẠNG TRONG VIỆC CHỮA LÀNH TÂM LINH

Trong đạo Phật, tâm phát sinh những năng lực chữa lành, trong lúc thân vốn là thể rắn và vững chắc, làm nền, quy tụ và làm mạnh cho chúng. Bản văn chính của y học Tây Tạng là Bốn Tantra (Gyud Zhi), người Tây Tạng gọi là Terma hay là sự Mặc khải huyền bí, được Ngài Trawa Ngonshey tìm ra ở thế kỷ mười một. Theo những bản văn cổ này, gốc rễ mọi bệnh tật của thân và tâm là sự chấp ngã. Những độc của tâm thức khởi lên từ sự bám chấp này là tham, sân, si.

Những bệnh tật của thân phân làm ba loại chính. Sự mất hài hòa của khí hay năng lượng, thông thường tập trung ở phần dưới cơ thể và có tính lạnh là do tham dục gây ra. Sự mất hài hòa của mật, thường tập trung ở phần trên cơ thể và có tính nóng là do sân hận gây ra. Sự mất hài hòa về thủy dịch, thường tập trung ở đầu, mang tính lạnh là do si (vô minh) gây ra. Ba phạm trù: tham, sân, si này cũng như nhiệt độ phối hợp của chúng, ngày nay còn có thể rất ích lợi trong việc xác định những bài tập thiền quán nào có hiệu quả nhất, tùy theo những tính chất và trạng thái cảm xúc cá nhân.

Theo y học Tây Tạng, sống trong an vui tự tại với phiền não và buông xả ngã chấp là phương thuốc tối hậu cho sức khỏe tinh thần lẫn vật chất.

Bản ngã là gì mà chúng ta hay gặp trong sách này? Quan điểm của đạo Phật đôi lúc khó hiểu cho những người không phải đạo Phật. Dù bạn có thể thiền định mà không cần biết bản ngã là gì, một số hiểu biết về bản ngã sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc thực tập những bài tập chữa lành được giới thiệu ở phần sau.

Ngôn ngữ có thể lừa dối chúng ta khi nói về chân lý tối hậu. Trong ý nghĩa hằng ngày, khi chúng ta nói về “bản thân tôi” hay “bản thân bạn” là hoàn toàn tự nhiên. Tôi nghĩ chúng ta có thể đồng ý rằng tự hiểu biết là tốt, và tính ích kỷ có thể làm chúng ta không hạnh phúc. Nhưng hãy đi xa hơn một chút và thử nghiệm sự thật sâu hơn về bản ngã theo cách nhìn của đạo Phật.

TẠI SAO CHÚNG TA ĐAU KHỔ

Tâm chúng ta tạo ra kinh nghiệm hạnh phúc lẫn đau khổ và khả năng tìm thấy an vui nằm trong chúng ta. Thật tánh của tâm là an bình và giác ngộ. Bất cứ ai hiểu được điều này là đã bước trên con đường đạt đến trí huệ.

Đạo Phật đặt trọng tâm trên nguyên lý hai chân lý: chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối. Cái tuyệt đối là thật tánh của tâm thức chúng ta và của vũ trụ là giác ngộ, an bình, và toàn thiện. Thật tánh của tâm với Phật giáo Nyingma nghĩa là sự hợp nhất giữa tỉnh giác và rỗng rang, hay tánh giáctánh không.

Chân lý tương đối hay quy ước là trong toàn bộ đời sống bình thường – cuộc sống trần tục vô thường qua đi của sanh tử mà đạo Phật gọi là luân hồi (samsara) – thế giới được kinh nghiệm như là nơi chốn của đau khổ, của sự thay đổi không ngừng và vọng tưởng, vì khuôn mặt của thật tánh bị che khuất do những thói quen tâm thức và phiền não mọc rễ trong sự chấp ngã của chúng ta.

Trong tư tưởng phương Tây, “bản ngã” thường mang nghĩa cá nhân hay ý thức bản ngã về “tôi, là tôi và của tôi”. Đạo Phật bao gồm ý nghĩa bản ngã này đồng thời cũng hiểu “bản ngã” là bất cứ hiện tượng hay đối tượng nào – tất cả mọi sự vật – mà chúng ta bám chấp như thể là một thực thể đang hiện hữu thực sự. Đó có thể là bản ngã của người khác, bản ngã của cái bàn, của đồng tiền hay bản ngã của một ý niệm.

Nếu chúng ta bám chấp vào những sự vật đó, chúng ta đang kinh nghiệm chúng theo cách nhị nguyên, như một chủ thể bám chấp một đối tượng. Bấy giờ tâm trí bắt đầu phân biệt, chia tách và dán nhãn sự vật như ý niệm rằng “tôi” thích “cái này”, hay “tôi” không thích “cái này”… Chúng ta nghĩ “cái này” đẹp, vậy là trói buộc đến; hay “cái kia” không đẹp, thế là đau khổ đến. Chúng ta khao khát những gì mình không có hoặc cảm thấy buồn rầu khi mất chúng. Khi tâm thức chúng ta càng nắm siết hơn, ta càng cảm thấy gia tăng kích thích hay đau khổ và đây là chu trình đau khổ.

Với tâm “tương đối” hay tâm phàm tục, chúng ta chấp ngã như thể nó vững chắc và có thực. Tuy nhiên, bản ngã là một ảo giác, vì mọi kinh nghiệm trong luân hồi đều tạm thời, thay đổi và diệt mất. Tâm phàm tục của chúng ta nghĩ bản ngã như là một cái gì đó thực sự hiện hữu như một thực thể độc lập. Nhưng trong quan điểm đạo Phật, bản ngã không thực sự hiện hữu. Nó không cố định hoặc là một cái gì bền vững, mà chỉ là một mệnh danh, được dán nhãn bởi tâm. Bản ngã cũng không là một thực thể độc lập. Trong quan điểm Phật giáo, mọi pháp vận hành tùy thuộc lẫn nhau, bởi thế không có gì thực sự có một phẩm chất hay bản tính độc lập.

Trong đạo Phật, luật nhân quả được gọi là nghiệp (karma). Mỗi một hành động đều có một hậu quả tương ứng, mọi sự tùy thuộc lẫn nhau. Hạt nẩy mầm thành cây, đơm hoa, kết trái rồi tạo ra hạt trở lại. Đó là một ví dụ rất đơn giản về nguyên nhân. Nhờ nghiệp, hành vi của chúng ta đã định hình thế giới mà chúng ta sống. Ngài Thế Thân (Vasubandhu), một luận sư vĩ đại của Đại thừa đã nói: “Do nghiệp, những thế giới khác nhau được tạo ra.

Bám chấp tạo ra nghiệp tiêu cực – những thói quen và khuynh hướng tiêu cực của chúng ta. Nhưng không phải mọi nghiệp đều xấu, dù có một số người suy nghĩ nhầm lẫn về điều này. Chúng ta cũng có thể tạo ra nghiệp tích cực và đó gọi là sự chữa lành. Sự bám chắc bản ngã tạo ra nghiệp tiêu cực. Nghiệp tích cực tháo gỡ sự bám chấp này, và khi buông lỏng sự nắm chặt ấy, chúng ta tìm thấy sự an vui trong mình và trở nên hạnh phúc, mạnh khỏe hơn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG NỀN TẢNG CỦA SỰ CHỮA LÀNH
  2. BỆNH DO TAM ĐỘC
  3. BỆNH KHỔ DO VÔ MINH

Bài viết khác của tác giả

  1. BỐN SỨC MẠNH CHỮA LÀNH CỦA TÂM
  2. CUỘC SỐNG CON NGƯỜI – NHỮNG NGÀY QUÝ BÁU CỦA CHÚNG TA
  3. NHẬN BIẾT TÂM AN BÌNH

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ