BỆNH KHỔ DO VÔ MINH

KINH HOA NGHIÊM

Trích: Kinh Hoa Nghiêm - Phẩm Thập Địa Thứ Hai Mươi Sáu; Hán dịch: Đại Sư Thật Xoa Nan Đà; Việt Dịch: HT. Thích Trí Tịnh; NXB. Tôn Giáo

Ðây là mười pháp:

Tất cả pháp vì vô tướng nên bình đẳng, vì vô thể nên bình đẳng, vì vô sanh nên bình đẳng, vì vô diệt nên bình đẳng, vì bổn lai thanh tịnh nên bình đẳng, vì không hý luận nên bình đẳng, vì không thủ xả nên bình đẳng, vì tịch tịnh nên bình đẳng. Vì như huyễn, như mộng, như bóng, như vang, như trăng trong nước, như tượng trong gương, như dương diệm, như biến hóa nên bình đẳng, vì có không bất nhị nên bình đẳng.

Bồ tát quán sát các pháp như vậy, tự tánh thanh tịnh, tùy thuận không trái được vào Đệ Lục Hiện Tiền Địa, được minh lợi tùy thuận nhẫn, chưa được Vô sanh pháp nhẫn.

Chư Phật tử! Đại Bồ tát này quán như vậy rồi, lại lấy đại bi làm đầu, đại bi tăng thượng, đại bi đầy đủ, quán thế gian sanh diệt mà nghĩ rằng:

Thế gian thọ sanh đều do chấp ngã. Nếu lìa chấp ngã thời không chỗ sanh.
Lại nghĩ rằng: phàm phu không trí huệ chấp lấy ngã thường tìm có không, suy xét bất chánh, khởi vọng hạnh, làm đạo tà, nghiệp tội, nghiệp phước, nghiệp bất động tích tập thêm lớn. Ở trong các nghiệp hành trồng hột giống tâm hữu lậu hữu thủ, lại khởi hậu hữu: sanh và lão tử. Chính là: nghiệp làm đồng ruộng, thức làm hột giống, vô minh che rợp, nước ái thấm nhuần, ngã mạn tưới bón, lưới chấp kiến thêm lớn, mọc mầm danh sắc, danh sắc thêm lớn nẩy chồi ngũ căn, các căn đối nhau sanh ra xúc, xúc đối sanh có thọ, sau khi thọ rồi mong cầu sanh có ái, ái tăng thêm sanh ra thủ, thêm lớn thủ sanh ra hữu, đã sanh hữu thời ở trong các loài khởi thân ngũ uẩn gọi là sanh, suy biến gọi là lão, chết mất gọi là tử. Lúc lão tử sanh ra những nhiệt não. Do nhiệt não nên đủ thứ khổ ưu sầu, buồn than tập họp lại. Ðây là do duyên mà tập hợp chớ không có cái tập họp. Lần lượt mà diệt chớ không có cái diệt.
Bồ tát tùy thuận quán sát tương duyên khởi như vậy.

Chư Phật tử! Đại Bồ tát này lại nghĩ rằng: vì chẳng tỏ ngộ nơi Đệ nhứt Nghĩa đế nên gọi là Vô minh. Nghiệp quả đã làm là Hành. Sơ tâm của hành y chỉ là Thức. Bốn uẩn cùng thức sanh chung là Danh sắc. Danh sắc tăng trưởng là Lục nhập. Căn, cảnh, thức ba thứ hòa hiệp là Xúc. Xúc sanh chung mà có Thọ. Nhiễm trước nơi thọ là Ái. Thêm lớn ái thành ra Thủ. Nghiệp hữu lậu do thủ khởi lên là Hữu. Từ nghiệp khởi ra uẩn là sanh. Uẩn chín mùi là Lão. Uẩn hư hoại là Tử. Lúc tử ly biệt, ngu mê tham luyến trong lòng phiền muộn là Sầu. Rơi lệ than thở là Thán. Tại năm căn là Khổ. Tại ý tưởng là Ưu. Ưu khổ càng nhiều là Não.

Như thế thì chỉ có cây khổ tăng trưởng, trọn không ngã không ngã sở, không tác giả, không thọ giả.

Lại nghĩ rằng: Nếu có tác giả thời có tác sự. Nếu không tác giả thời không tác sự. Trong Đệ nhứt Nghĩa đế hoàn toàn bất khả đắc.

Chư Phật tử! Ðại Bồ tát này lại nghĩ rằng: toàn cả tam giới chỉ có nhứt tâm. Ở đây Ðức Như Lai phân biệt diễn nói mười hai chi, đều y cứ nhứt tâm mà an lập như vậy.

Tại sao vậy? Vì theo sự tham dục cùng tâm sanh chung. Tâm là thức, sự là hành. Mê lầm nơi hành là Vô minh. Cùng vô minh và tâm sanh chung là Danh sắc. Tăng trưởng danh sắc là Lục nhập. lục nhập ba phần là Xúc. Xúc sanh chung là Thọ. Thọ không nhàm đủ là Ái. Ái nhiếp chẳng bỏ là Thủ. Các hữu chi sanh là Hữu. Của hữu phát khởi gọi là Sanh. Sanh thục là Lão. Lão hoại là Tử.

Chư Phật tử! Trong đây Vô minh có hai thứ nghiệp: một là làm cho chúng sanh mê nơi cảnh sở duyên, hai là làm nhơn sanh khởi cho Hành. Hành cũng có hai thứ nghiệp: một là có thể sanh ra báo vị lai, hai là làm nhơn sanh khởi cho Thức. Thức cũng có hai thứ nghiệp: một là khiến các hữu nối tiếp, hai là làm nhơn sanh khởi cho Danh sắc. Danh sắc cũng có hai thứ nghiệp: một là trợ thành lẫn nhau, hai là làm nhơn sanh khởi cho Lục nhập. Lục nhập cũng có hai thứ nghiệp: một là đều riêng lấy cảnh giới của tự mình, hai là làm nhơn sanh khởi cho Xúc. Xúc cũng có hai thứ nghiệp: một là hay xúc cảnh sở duyên, hai là làm nhơn sanh khởi cho Thọ. Thọ cũng có hai nghiệp: một là hay lãnh thọ các sự yêu ghét, hai là làm nhơn sanh khởi cho Ái. Ái cũng có hai nghiệp: một là nhiễm trước sự khả ái, hai là làm nhơn sanh khởi cho Thủ. Thủ cũng có hai nghiệp: một là làm cho các phiền não nối tiếp, hai là làm nhơn sanh khởi cho hữu.

Hữu cũng có hai nghiệp: một là hay làm cho sanh trong các loài, hai là làm nhơn sanh khởi cho Sanh. Sanh cũng có hai nghiệp: một là hay khởi các uẩn, hai là làm nhơn sanh khởi cho Lão. Lão cũng có hai nghiệp: một là làm cho các căn biến đổi, hai là làm nhơn sanh khởi cho Tử. Tử cũng có hai thứ nghiệp: một là hay làm hoại cách hành, hai là vì chẳng giác tri nên nối tiếp chẳng dứt.

Chư Phật tử! Trong đây vô minh, duyên hành, nhẫn đến sanh duyên lão tử. Do vô minh làm duyên, nhẫn đến sanh làm duyên làm cho hành nhẫn đến lão tử chẳng dứt, vì nó trợ thành vậy.

Vô minh diệt thời hành diệt, nhẫn đến sanh diệt thời lão tử diệt. Do vô minh chẳng làm duyên nhẫn đến sanh chẳng làm duyên, khiến cho hành nhẫn đến lão tử dứt diệt, vì nó chẳng trợ thành vậy. Chư Phật tử! Trong đây vô minh ái và thủ chẳng dứt là phiền não đạo. Hành và hữu chẳng dứt là nghiệp đạo. Những phần khác chẳng dứt là khổ đạo. Tiền tế hậu tế phân biệt dứt diệt thời ba đạo dứt diệt. Ba đạo như vậy lìa ngã, lìa ngã sở, chỉ có sanh diệt dường như bó lau. Lại vô minh duyên hành là quán quá khứ. Thức nhẫn đến thọ là quán hiện tại. Ái nhẫn đến hữu là quán vị lai. Từ đây về sau xoay vần tiếp nối. Vô minh diệt, hành diệt, đó là quán chờ dứt diệt. Lại mười hai hữu chi gọi là Tam khổ. Trong đây Vô minh, hành đến Lục nhập là hành khổ. Xúc, Thọ là Khổ khổ. Những chi khác là Hoại khổ.Vô minh diệt, Hành diệt đó là ba khổ dứt.

Lại vô minh duyên hành là vô minh làm nhơn duyên hay sanh các hành. Các chi khác cũng vậy.Vô minh diệt hành diệt đó là do không vô minh thời hành cũng không. Các chi khác cũng vậy.

Lại Vô minh duyên hành đó là sanh hệ phược. Vô minh diệt hành diệt đó là diệt hệ phược. Các chi khác cũng vậy.

Lại vô minh duyên hành đó là tùy thuận vô sở hữu quán. Vô minh diệt hành diệt đó là tùy thuận tận diệt quán. Các chi khác cũng vậy.

Chư Phật tử! Đại Bồ tát quán nghịch thuận các duyên khởi có mười cách như vậy là vì hữu chi nối tiếp, vì nhiếp tại nhứt tâm, vì tự nghiệp sai biệt, vì chẳng bỏ lìa nhau, vì tam đạo chẳng dứt, vì quán quá khứ, hiện tại, vị lai, vì ba khổ tụ tập, vì nhơn duyên sanh diệt, vì sanh diệt hệ phược, vì vô sở hữu quán và tận quán.

Chư Phật tử! Ðại Bồ tát dùng mười tướng như vậy quán các duyên khởi biết là vô ngã, vô nhơn, vô thọ mạng, tự tánh không, chẳng có tác giả, không có thọ giả, liền được môn không giải thoát hiện tiền.

Quán các hữu chi đều là tự tánh diệt, rốt ráo giải thoát, không có chút pháp tướng sanh, liền được môn vô tướng giải thoát hiện tiền.

Nhập không, vô tướng rồi, không nguyện cầu, chỉ trừ đại bi làm đầu giáo hóa chúng sanh, liền được môn vô nguyện giải thoát hiện tiền.

Bồ tát tu ba môn giải thoát như vậy, lìa tưởng ngã, lìa tưởng tác giả, tưởng thọ giả, lìa tưởng hữu vô.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. VÔ NIỆM, VÔ TƯỚNG, VÔ TRỤ
  2. DUYÊN SANH VÀ TÂM
  3. MỘT NHẮC NHỞ VỀ “DUYÊN KHỞI” NOBEL Y SINH HỌC 2017

Bài viết khác của tác giả

  1. HẠNH PHỔ HIỀN: HỒI HƯỚNG ĐỒNG THỜI KHẮP CẢ
  2. CHÂN KHÔNG DIỆU HỮU TRONG KINH HOA NGHIÊM
  3. VÌ CHÚNG SANH MÀ BỒ TÁT HỒI HƯỚNG

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG