NHẬN BIẾT TÂM AN BÌNH

TULKU THONDUP

Trích: Độ Sinh Vô Biên; Mộc Tử - Phương Lan dịch; THAIHABOOKS, NXB Từ Điển Bách Khoa.

Sự an bình của tâm không phải là thứ chúng ta cất đi để dành cho thiền định hay quán tưởng về quá khứ như thể đó là một thứ cảm giác đặc biệt và tách rời cuộc sống hàng ngày đâu. Chúng ta có thể khuyến khích tâm luôn an bình hơn nữa. Đây là cách để mở mang thế giới quan và đảm bảo niềm hạnh phúc của chúng ta. Trong những thăng trầm của cuộc đời, luôn có cơ hội để chúng ta thực tập nhận biết cảm xúc tích cực.

Khi tôi nói về an bình, đôi khi mọi người tưởng lầm rằng điều này có nghĩa là tách mình ra khỏi dòng đời. Họ xem an bình là một thứ gì đó xa lạ, có thể là một cảm giác tê liệt hoặc buồn ngủ, bị say thuốc hay ở trong một trạng thái tinh thần khác. Nó không thể xa rời chân lý được. Bạn có thể “an bình” trong khi đang ngủ, nhưng đó chỉ là sự vắng mặt của ý thức mà thôi. Phương cách thực sự chữa lành cuộc sống của bạn là nhận biết những niềm vui đơn giản và phát triển một thái độ cởi mở, chào đón đối với tất cả các hoạt động và những cuộc gặp gỡ với mọi người. Bạn nên tận hưởng và dồn hết tâm trí cho việc bạn làm.

Hãy ghi nhận khi bạn cảm thấy cởi mở và an bình. Hãy nhận biết bất kỳ cảm giác tự do nào. Sự nhận biết chính là mấu chốt. Nếu bạn nhận biết an bình thì sẽ có cơ hội để trở thành một phần của cuộc sống. Khi bạn cảm thấy an bình, hãy tận hưởng. Bạn không nên tự ép buộc cảm xúc hoặc đuổi theo chúng hay khuấy động sự tán loạn hư giả. Đơn giản chỉ cần nhận biết và để cho cảm giác đó phát triển và mở rộng. Hãy an trú trong bất kỳ cảm giác tích cực nào và để cho tâm bạn được thư thái. Có thể bạn nhận ra cơ thể mình cũng đang cảm thấy an bình. Nếu bạn thấy hơi thở của mình ra vào thoải mái hơn hoặc có cảm giác ấm áp, hãy dừng lại, chú tâm vào đó và tận hưởng.

Bất kỳ điều gì cũng có thể dấy khởi sự an bình. Đó có thể là cái nhìn đầy tự hào của một em bé khi chập chững đi được vài bước trong ánh mắt dõi theo của cha mẹ. Đó cũng có thể là sự xuất hiện của ngôi sao hôm hay tia nắng chiều tỏa trên bề mặt của một tòa nhà thành phố hay tiếng mưa êm dịu vào buổi sáng khi bạn còn đang nằm trên giường. Có thể một người tốt bụng nào đó đã chào bạn với một nụ cười vui vẻ, cũng có thể bạn đã thoải mái làm một việc đơn giản để giúp một ai đó. Những hoạt động đơn giản như đi bộ hay thưởng thức một tách trà có thể khiến bạn thấy hài lòng và thậm chí vui vẻ nếu bạn có một thái độ cởi mở và dễ tiếp thu. Hãy phát triển một thái độ cảm kích.

Chúng ta có thể cảm thấy an lạc mà không hề có lý do gì, hoặc đang ở trong những hoàn cảnh khó khăn. Tâm giác ngộ không cần đối tượng cảm thọ sự an bình phát sinh một cách tự nhiên. Tuy nhiên, đối với tâm bình thường, tốt hơn hết là bắt đầu với những cảm xúc tích cực. Sau đây là những gì bạn có thể làm:

Nhận biết sự tích cực. Đầu tiên, hãy tập trung vào những tình huống, hình ảnh tích cực và vui thích với sức mạnh chữa lành của chúng.

Thấy được mặt tích cực của cái tiêu cực. Sau khi bạn đạt được một chút sức mạnh trong tâm, hãy tập trung không chỉ vào những đối tượng tích cực mà còn tập trung vào mặt tích cực của những đối tượng tiêu cực. Hãy tìm kiếm khía cạnh tốt trong những tình huống xấu, trong cái rủi vẫn có cái may. Sự hài hước chính là phương pháp phổ biến, nó có thể thay đổi quan điểm của bạn và đảo ngược tình huống tiêu cực một cách đột ngột.

Nhiều người có tâm quá nhạy cảm cho nên cảm thấy cái tiêu cực mạnh hơn, khiến cho những mối lo âu bén rễ và tăng trưởng. Phát triển một tâm thức bớt tổn thương chính là phương thuốc chữa trị. Thậm chí bạn có thể quyết định “không nghĩ tưởng nhiều” khi những tình huống xấu xảy đến – và như vậy, ta sẽ có thể xử lý chúng dễ hơn. Ngài Dodrupchen Đệ Tam đã viết: “Nếu chúng ta không dễ tổn thương thì nhờ vào sức mạnh tinh thần, ngay cả khi đau đớn cùng cực, ta cũng cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhàng như một miếng bông vậy”.

Xem mọi thứ là tích cực. Nhìn thấy mặt tốt trong mọi vấn đề và xem mọi thứ đều tốt, và rồi ta có thể thấy rõ sự an bình chân thật vượt ra khỏi cái tích cực lẫn tiêu cực. Cuối cùng, mọi thứ đều có thể là nguồn chữa lành mà không hề có sự phân biệt giữa cái được gọi là tích cực hay tiêu cực.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BỐN SỨC MẠNH CHỮA LÀNH CỦA TÂM
  2. CUỘC SỐNG CON NGƯỜI – NHỮNG NGÀY QUÝ BÁU CỦA CHÚNG TA
  3. MỞ RỘNG TÂM VỚI LÒNG BI

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ