CHIỀU THỨ TƯ HIỆN HỮU – THỰC TẠI TỐI HẬU

TIẾN SĨ LƯU HỒNG KHANH

Trích : Tâm Lý Học Chuyên Sâu - Ý Thức Và Những Tầng Sâu Vô Thức.  NXB Hồng Đức, Năm 2017
“Tiến sĩ Lưu Hồng Khanh sinh ngày 11 tháng 7 năm 1932 tại Hà Tĩnh. Ông du học và nghiên cứu về Thần học, Triết học, Xã hội học tại các Đại học München và Marburg thuộc Cộng Hòa Liên Bang Đức. Ông nhận bằng Tiến sĩ Triết học tại Đại học Marburg năm 1978. Ông tham gia giảng dạy ở phân khoa Triết học tại Đại học Hamburg và Frankfurt nước Đức. Đồng thời ông cũng tham gia giảng dạy và hướng dẫn nhiều buổi thuyết trình, thảo luận trong các lĩnh vực Triết học, Tâm lý, Tâm linh, Giáo dục… cho nhiều tầng lớp ở Châu Âu.”
CHIỀU THỨ TƯ HIỆN HỮU: TRÙNG PHÙNG (SYNCHRONICITY)
A. Nhận Diện Vấn Đề
Bên cạnh những hình thức bói toán thường được coi là mê tín dị đoan, còn có một số hiện tượng, xem ra ngẫu nhiên, nhưng lại là những trường hợp có ý nghĩa. Trong số những hiện tượng này, người ta phải kể đến: thần giao cách cảm, trực giác, trực kiến, trực thị, tiên tri, khải tượng…
Chắc mọi người trong chúng ta đều đã từng hơn một lần kinh nghiệm, thí dụ chiều hôm nay xôn xao nóng ruột, thì sáng hôm sau nhận được hung tin một người thân ở xa qua đời đúng chiều tối hôm qua; hoặc ngược lại, tâm hồn sáng nay khoan khoái tưởng nhớ đến một người bạn đã từ nhiều năm biệt vô âm tín, bỗng chiều tối nhận được tin vui người bạn vẫn đang còn sống, làm ăn khá giả và giữ những trách nhiệm quan trọng trong một tổ chức hiệp hội nào đó.
Hoặc như bà Marie – Louise Von Franz nói: Hôm nay tôi đặt mua một bộ đồ màu xanh và người ở cửa hàng đã đưa đến cho tôi bộ đồ màu đen, đúng ngày mà một người thân của tôi qua đời. Hai sự kiện trên đối với tôi là một sự ngẫu nhiên có ý nghĩa (in: C.G. Jung 1999, 211).
C.G. Jung thuật lại câu chuyện một bệnh nhân của ông, một người già mà C.G. Jung cho là một trí thức duy lý phân diện, đã kể cho C.G. Jung nghe trong một buổi tham vấn tâm bệnh giấc mộng của đương sự đêm qua về một con bọ hung. Cùng lúc người bệnh đang kể, thì một con bọ hung đã bay đến dập đầu vào cánh cửa sổ phòng thăm bệnh. Qua biến sự đó, người bệnh đã cảm nghiệm được một “hoát ngộ” đâm thủng bức tường duy lý của tâm thức ông, những tầng lớp tâm thức khác từ đó được giải mở và nhờ vậy cả hệ tâm thức được chữa lành (in: spies 1984, 96t).
Một câu chuyện khác cũng tương tự như thế. C.G. Jung kể: một phụ nữ trẻ tuổi tên là Gabriele đến tham vấn tâm bệnh với C.G. Jung. Bà kể, chồng bà ép bà phá thai vì kinh tế chật vật trong gia đình. Bé trong bụng sẽ là đứa con thứ tư, nếu nó được ra chào đời. Bà rất yêu trẻ và vẫn luôn mong ước có một gia đình đông con. Nhưng bởi ông chồng không chịu thay đổi ý định, nên bà đã phải miễn cưỡng chiều lòng. Kể đến đấy, bỗng bà nấc nghẹn lên và nói với tôi rằng, mỗi ngày bà vẫn cầu nguyện cho linh hồn của bào thai bị phá. Cùng lúc khi bà kể đến đó, thì có một tiếng động lớn ở cửa sổ phòng tôi. Chúng tôi mở cửa ra hiên lầu và thấy một con chim sẻ nằm chết trên sàn nhà, vì bay đụng đầu vào kính cửa sổ bởi bị lóe ánh sáng mặt trời. Chúng tôi trở lại phòng. Gabriele im bặt không nói một lời. Cuối cùng bà ta kể thêm, chuyện như thế đã xảy ra một lần rồi, khi bà kể chuyện phá thai của bà cho một bác sĩ tâm bệnh khác.
Câu chuyện này đối với C.G. Jung là một sự trùng hợp có ý nghĩa. Từ những thời gian xa xưa, trong nhiều truyền thống văn hóa, chim là tượng trưng cho linh hồn của con người (in: Pascal 1995, 203t).
B. Trùng Phùng Là Gì?
Nguyên lý nguyên nhân hệ quả và nguyên lý trùng phùng: những hiện tượng các biến sự “ngẫu nhiên trùng hợp và có ý nghĩa” được nêu ra trong phân đoạn trên đặt ra vấn đề về nguyên lý “nguyên nhân hệ quả”. Khoa học vật lý mà C.G. Jung được tiếp cận thông qua những nhà vật lý nổi tiếng như chính Albert Einstein (1879 – 1955, giải thưởng Nobel vật lý 1921) và Wolfgang Pauli (1900 – 1958, giải thưởng Nobel vật lý 1945) cho biết: có những quá trình biến chuyển trong lĩnh vực nguyên tử, hạ nguyên tử (sub – atomic) và lượng tử (quantum) không còn thực hiện dựa trên nguyên lý “nguyên nhân hậu quả”, nhưng là trên “tính xác suất” (probability). Như hiện tượng phóng xạ và phân rã của nguyên tử radium không thể giải thích bằng nguyên nhân nào, nhưng đơn giản xảy ra như thế với một mức độ xác suất nào đó. Cũng không phải vì khoa học chưa khám phá ra nguyên nhân, nhưng đơn giản nguyên lý “nguyên nhân hệ quả” không áp dụng được ở đây (Stein 2000, 237 – 241). Nhà vật lý và triết gia có tiếng quốc tế Carl Friedrich Von Weizsäcker (1912 – 2007) nói: “Giải thích thực tại chỉ bằng sự phối kết nguyên nhân hậu quả là một sai lầm”. Nhà vật lý Robert Pleich, trong một buổi trao đổi với soạn giả vừa rồi đây còn cho biết: theo nhà khoa học Ilya Prigogine, thì nguyên lý tính xác suất (thay vì nguyên lý nguyên nhân hệ quả) cũng được thể hiện cả trong các lĩnh vực sinh lý và hóa học.
Vậy bên cạnh nguyên lý “nguyên nhân hậu quả”, cũng còn có một nguyên lý khác giải thích. C.G. Jung gọi nguyên lý giải thích mới này là nguyên lý “trùng phùng” (synchronicity). C.G. Jung định nghĩa “trùng phùng” là sự “trùng hợp phi nguyên nhân” (an causality connection principle) hay sự “trùng hợp có ý nghĩa” (a meaningful coincidence). Định nghĩa trên đây gồm ba yếu tố: trùng hợp giữa hai biến sự, phi nguyên nhân và có ý nghĩa.
C.G. Jung phân ra ba loại biến sự trùng hợp:
Loại thứ nhất có một sự tương ứng ý nghĩa giữa một ý tưởng hay một cảm xúc nội tâm với một biến sự bên ngoài, như trường hợp câu chuyện phá thai của bà Gabriele, khi bà kể và cầu nguyện cho linh hồn đứa bé đồng thời một con chim đụng đầu vào kính cửa sổ; hay như câu chuyện ông trí thức duy lý kể lại giấc mộng về con bọ hung và đồng thời cùng một lúc khi ông đang kể thì một con bọ hung thực sự đã dập đầu vào cửa sổ; hoặc như câu chuyện bà Franz nhận được bộ đồ màu đen cùng một lúc với hung tin có người thân qua đời.
Loại trùng hợp thứ hai nói đến một sự tương ứng khi một người có một thị kiến, một khải tượng hay một giấc mộng về một biến sự ở một nơi xa, và rồi sau đó được biết biến sự nói trên quả thật đã xảy ra. Triết gia Immanuel Kant (1724 – 1804) có kể lại trong một lá thư về một buổi họp ở Đức; trong buổi họp đó, nhà nghiên cứu thiên nhiên Emanuel Swedenborg (1688 – 1772) người Thụy Điển có thị kiến về một đám cháy ở Stockholm cách xa nơi họp hàng trăm cây số. Swedenborg còn cho biết rằng, tư gia của ông ở ngay Stockholm đã không bị thiệt hại gì. Về sau người ta được biết, quả thật đã có đám cháy lớn vào đúng thời điểm buổi họp nói trên, và tư thất của ông đã bình yên vô sự.
Một loại trường hợp thứ ba là khi người nào đó có một thị kiến, một khải tượng hay một giấc mơ tiền báo, hoặc một dự cảm, một linh cảm về một biến sự sẽ xảy ra, và sau đó biến sự đó quả thật đã xảy ra. Người ta thuật lại rằng, tổng thống Abraham Lincoln (1809 – 1865) trước khi bị ám sát (1865) đã chiêm bao thấy tử thi mình được chưng ra và các tang khách đến phúng điếu từ biệt ông.
C. Nguyên Lý Thứ Tư Về Nhận Thức Luận
Với nguyên lý “trùng phùng” (synchronicity), C.G. Jung không có chủ ý đưa ra một học thuyết nhận thức nào mới, nhưng chỉ muốn bổ túc vào 3 nguyên lí truyền thống cơ bản là không gian, thời gian và nguyên nhân hệ quả, một nguyên lý nhận thức thứ tư vẫn từng được nhận định trong thực tế. Hậu ý suy tư của C.G. Jung cũng là để nói lên một hiện tượng tương tự trong ngành vật lý: cách tiếp cận bằng nguyên lý nguyên nhân hệ quả và nguyên lý trùng phùng cũng tương tự như cách tiếp cận ánh sáng trong ngành vật lý thông qua “thuyết sóng” (wavetheory) hay “thuyết hạt” (corpuscle theory),tùy theo phương diện nghiên cứu và giải thích về hiện tượng ánh sáng, bởi ánh sáng nay được định nghĩa như là “sóng” hoặc như là “hạt”.
Hơn nữa, C.G. Jung còn muốn lưu ý về tính tương đối của cả 3 nguyên lý nhận thức truyền thống (không gian, thời gian và nguyên nhân hệ quả) trước những hiện tượng tâm lý vượt trên cả 3 nguyên lý đó: những hiện tượng tâm lý mang tên ngoại giác cảm (extra sensory perception: ESP) mà nhiều nghiên cứu và thực nghiệm của nhà tâm lý học Bắc Mỹ có tiếng Joseph Banks Rhine (1895 – 1980) đã được trình bày tại Đại học Duke. Nhưng hiện tượng “ngoại giác cảm” như thế cũng đã từng được biết đến, chẳng hạn như các hiện tượng “thần giao cách cảm” mà số đông chúng ta có thể đã nhiều lần kinh nghiệm. Và như thế, các nguyên lý nhận thức của C.G. Jung được phối kết thành bộ “tứ tuyến nguyên lý”, con “số bốn” đặc biệt có ý nghĩa đối với C.G. Jung.
D. Chiều Thứ Tư Hiện Hữu – Nguyên Lý Ý Nghĩa
C.G. Jung vẫn chưa bằng lòng với mô hình nguyên lý tứ tuyến trong nhận thức trên đây. Với gợi ý của nhà vật lý Wolfgang Pauli lấy chiều kích năng lượng đối chiếu với chiều kích không – thời – gian, C.G. Jung phác họa một mô hình nguyên lý tứ tuyến thứ hai, nguyên lý tứ tuyến trong hiện hữu, vừa sử dụng chiều kích năng lượng của khoa vật lý, vừa làm nổi bật chiều kích trùng phùng như là chiều kích ý nghĩa. Trong khi nguyên lý nguyên nhân hệ quả là một tương quan có tính nhất thiết và hằng số, thì nguyên lý trùng phùng lại bất thường hằng vì chỉ bởi sự trùng hợp của ý nghĩa. Ý nghĩa là nhịp cầu giữa các phân tố, giữa các biến sự tương phùng. C.G. Jung hiểu chiều kích ý nghĩa ở đây là một ý nghĩa bài trí (Angeordnetsein) với nhiệm vụ nối kết các biến sự lại với nhau và đem lại cho chúng một ý nghĩa mới, ý nghĩa tổng bộ.
C.G. Jung tham chiếu “chiều kích ý nghĩa” của trùng phùng với “chiều kích ý nghĩa” của khái niệm “đạo” trong triết lí lão giáo: một kế đồ đại đồng cơ bản, có tác động trong toàn thể cũng như trong thành phần, và làm cho cả hai khối kết hòa hợp với nhau. Vậy C.G. Jung đã đi từ nguyên lý trùng hợp có ý nghĩa đến một nguyên lý ý nghĩa siêu hằng và đại đồng trong tất cả, hiện diện bên ngoài cũng như bên trong và như thế giải thích sâu rộng hiện tượng trùng phùng.
C.G. Jung cũng so sánh mô hình nguyên lý trùng phùng của mình với những mô hình tư duy của nhiều truyền thống nhân loại; như với nguyên lý tương cảm vạn vật (sympathy of all things) của thời Cổ đại, nguyên lý tương chiếu (correspondence theory) của thời Trung cổ, nguyên lý hòa đồng tiên thiên (prestabilized harmony) của Leibniz (1646 – 1716), nguyên lý ý lực siêu hằng (transcendental will) của Schopenhauer (1788 – 1860).
Chiều kích ý nghĩa bài trí tham chiếu và đặt trên cơ sở “mẫu tượng”. Và bởi mẫu tượng luôn hàm chứa những kinh nghiệm thâm sâu của nhân loại cũng như hướng về những chiều kích vô tận, nên mẫu tượng luôn có tác động sâu xa, mãnh liệt, hấp dẫn và huyền dụ (numinous). Do đó, trùng phùng với chiều kích “ý nghĩa bài trí” và trong tham chiếu với mẫu tượng, lại có tác dụng đưa con người tìm đến những ý nghĩa vượt trên hiện hữu cá nhân, để đi đến những ý nghĩa của toàn thể, tổng bộ, siêu cá thể (GW 8, 559. 856.949).
Nếu di chuyển cách trình bày có tính lý thuyết – và do đó có phần trừu tượng – trên đây qua một hình thức diễn tả thông thường và sinh động hơn trong cuộc sống, ta có thể nói như sau: trong cuộc sống của con người, của bản thân ta, có biết bao nhiêu biến sự đã xảy ra một cách “ngẫu nhiên”, ta không hề tìm kiếm, thu xếp, sắp đặt hay phối kết với nhau, nhưng sau đó ta lại đã nghiệm thấy một sự “trùng hợp có ý nghĩa” vô cùng lạ lùng. Chẳng hạn, một cơn bệnh nặng, một cuộc giã từ đau thương, một sự hiểu lầm hay hành xử bất công… Nhưng rồi những biến sự đó cuối cùng lại dẫn ta đến những cảnh sống mới thật bất ngờ, tốt đẹp và nhất là ý nghĩa hơn là nếu những biến sự thử thách đó đã không xảy ra.
Ta “ngờ ngợ” như có một bàn tay linh thiêng nào “bài trí” và “sắp xếp” ở phía sau các biến sự, như có một thực tại tinh thần đầy khôn ngoan, trí lực và yêu thương nào ở phía sau và phía trên dòng biến sự trong cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như của toàn thể loài người, vũ trụ và lịch sử vẫn hằng sắp xếp, bài trí, theo dõi, dẫn đưa con đường ta đi trên hướng thành tựu, an bình và phúc lạc…
Và để diễn tả lại một trong hình thức có tính phổ cập của lý thuyết: cuộc sống như thế mang một chiều kích mới, và suy tư về điều ẩn giấu phía sau các biến sự trùng phùng, có thể dẫn tới một ý thức thâm sâu hơn, dẫn tới cả bình diện thâm sâu nhất của thực tại, cả hiện hữu. Khi một trường mẫu tượng (archetypal field) được tụ kết lại và mô hình các biến sự tâm lý và ngoại giới trùng hợp phối kết với nhau, thì người ta có thể cảm nghiệm được “Đạo” là gì điều được khải thị cho tâm thức thông qua những biến sự trùng hợp và những cảm nghiệm thâm sâu như thế quả là một điều cơ bản; đó là một ánh nhìn, một chớp hoát ngộ đến Thực tại Cuối cùng, Thực tại Tối hậu.
Chìm sâu vào thế giới mẫu tượng của các biến sự trùng phùng, người ta sẽ cảm nghiệm được như là đi vào một cuộc sống được an bài bố trí bởi ý lực hằng hữu của Đấng Tối cao vậy.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÂU CHUYỆN LUÂN HỒI: MẮC NỢ PHẢI HOÀN TRẢ, NHÂN QUẢ LUÔN CÔNG BẰNG

Bài viết khác của tác giả

  1. TIẾN TRÌNH THÀNH TOÀN TỰ NGÃ – MỘT KINH NGHIỆM CHUNG CỦA NHÂN LOẠI

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ