DEAN CUNNINGHAM
Trích: SỐNG SÁNG SUỐT; Nguyễn Hoàng Yến Phương dịch; NXB Tuổi Trẻ, 2013.
Dean Cunningham là một nhà vô địch karate với hơn 30 năm kinh nghiệm và một huấn luyện viên cuộc sống. Ông đã sống ở Nhật Bản trong hơn năm năm, đắm mình trong karate, ông được đào tạo với các bậc thầy, bị hấp dẫn bởi cách suy nghĩ của họ và cách tiếp cận cuộc sống. Ông tổng hợp những ý tưởng đó với kinh nghiệm của riêng mình, ông đã viết cuốn sách hướng dẫn rõ ràng, đơn giản và sâu sắc này.
Đó là một tranh cãi bất tận. Chúng ta có chịu trách nhiệm về những việc mình làm không? Chúng ta có tự do ý chí không? Trong hầu hết thời gian chúng ta cảm thấy mình được tự chủ, nhưng cũng có lúc không phải vậy. Trong những lúc như thế chúng ta tin rằng mình có lý do chính đáng khi tuyên bố “Chuyện đó không phải tại tôi!”. Nhưng tại sao lại không? Chắc chắn có những hoàn cảnh đó có tạo nên lý do không? Chúng ta có nên chịu trách nhiệm đối với việc làm của mình kể cả khi chúng ta căng thẳng, đau buồn, hay bị chi phối bởi hoàn cảnh?
Hãy xem xét chuyện lừa dối chẳng hạn. Nếu một người chồng lừa dối vợ mình, liệu anh ta có quyền đổ lỗi các hành động lừa dối đó là do người đàn bà khác, do áp lực từ bạn bè, hay do hành vi của vợ không? Hiếm có người đàn ông nào không biện minh cho hành động này của mình. Thường thì đám đàn ông không muốn chịu trách nhiệm. Và, thật đáng buồn, chuyện người vợ tự trách mình cũng không phải là hiếm. Nhưng một người đàn ông (hay một người phụ nữ cũng vậy) có lừa dối không nếu người bạn đời của mình đang chứng kiến các hành động của họ? Tôi cho là không. Thế thì tại sao họ lại không phải chịu trách nhiệm về những hành động mà họ biết là không nên làm?
Mỗi một hành động của chúng ta đều gây hậu quả. Nhưng thường chúng ta vẫn hành động vô trách nhiệm dù biết rõ các biến tướng hậu quả của việc mình làm. Chẳng hạn, dù biết rằng nếu mua cái áo đó, hoặc cái máy tính hay chiếc xe đó, chúng ta sẽ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Thế nhưng chúng ta cứ cắm đầu mà mua. Trong nhiều trường hợp chúng ta buông thả theo thèm muốn của mình, phản ứng theo sự thôi thúc bốc đồng thay vì cân nhắc các hậu quả. Tuy nhiên để cuộc sống được lành mạnh hơn và viên mãn hơn, chúng ta cần biết tự chủ và cân nhắc hành động của mình, cần biến việc phản ứng trở thành đáp ứng. Nói tóm lại, chúng ta cần có tinh thần trách nhiệm.
Có thể chúng ta không hoàn toàn chủ động trong cuộc sống. Có thể chúng ta là một tên nô lệ của lề lối thông thường. Nhưng chúng ta có sức mạnh để bứt phá khỏi các xiềng xích đã trói buộc mình vào một mẫu hành vi nhất định. Hơn nữa, cho dù thế giới này là một hệ thống tất định thì chúng ta vẫn có một mức độ tự chủ để đạt đến cái đích cuối cùng. Nói cách khác, tất cả chúng ta đều sẽ chết – việc này đã được lập trình và bạn không thể tránh khỏi – nhưng chúng ta được quyền lựa chọn mình sẽ đi con đường đó thế nào. Bạn thấy đấy, chúng ta luôn có thể chọn thái độ để đáp ứng với các sự kiện trong cuộc sống, và chọn một đại lộ hay một con hẻm để đi.
Chắc chắn rằng thói quen đã kiềm hãm khả năng đáp ứng của bạn rồi, và thay vào đó chúng buộc bạn phản ứng. Nhưng bạn có thể thay đổi những khuôn mẫu hành vi giới hạn của mình, chỉ cần hiểu rõ hơn về chúng, bằng cách lùi một bước và xem xét chúng. Hãy nhớ: để thay đổi một hành động, trước tiên bạn phải nhận thức được nó. Và ngay trong giây phút nhận thức đó bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm những điều mới mẽ. Việc lựa chọn đáp ứng hay phản ứng luôn nằm trong khả năng của bạn. Đáp ứng ngay lập tức, và các thử thách sẽ trở thành cơ hội. Còn nếu phản ứng, hãy tin rằng cuộc sống vẫn như cũ, hoặc tồi tệ hơn mà thôi.