TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

HARVEY DEUTSCHENDORF

Trích: Trí Thông Minh Thực Dụng - 5 Phút Mỗi Ngày Để Thay Đổi Cuộc Sống; Tác giả: Harvey Deutschendorf; Dịch giả: Nguyễn Hồng Lê; NXB: Lao Động, Năm 2011

“Bạn không có mặt trên đời để kiếm sống. Bạn sinh ra là để khiến thế giới được đầy đủ hơn, với viễn cảnh rộng lớn hơn, với tinh thần hy vọng và thành tựu đẹp đẽ hơn. Bạn có mặt trên đời là để làm thế giới thêm giàu có. Bạn sẽ tự làm nghèo bản thân mình nếu bạn quên mất mục đích này”.
_ Woodrow Wilson, cựu Tổng thống Mỹ

Bạn có thể tưởng tượng ra một thế giới mà mọi người đều chỉ quan tâm tới lợi ích của chính bản thân mình không? Hãy cố hình dung ra một thế giới mà không ai quan tâm tới bất kỳ ai. Quả là đáng sợ, phải vậy không? Tôi thấy khó có thể hình dung ra một nơi như thế. Và khi tôi tưởng tượng ra những băng nhóm bạo lực, sẵn sàng giết bất kỳ ai cản đường chúng, hoặc những tên cướp biển, tồn tại trong cùng băng nhóm chỉ vì khi là một nhóm chúng có thể trở nên giàu có nhanh chóng hơn khi chúng đứng độc lập. Nhưng ngay cả trong những băng nhóm này, tôi vẫn hình dung hẳn phải có ít nhiều sự quan tâm lẫn nhau, bên trên những món lợi trước mắt.

Tôi chắc chắn bạn đã quen với câu nói của John Donne, tác giả người Anh thế kỷ XVII, đại ý là: “Một cánh én không làm nên mùa xuân”. Nó bao hàm trong đó bản chất của quan niệm về trách nhiệm xã hội. Tất cả chúng ta đều hiện diện trên trái đất này và việc chúng ta làm hoặc không làm ảnh hưởng tới rất nhiều người quanh ta. Chúng ta có trách nhiệm xã hội khi chúng ta tự coi mình là một phần của điều gì đó lớn lao hơn bản thân chúng ta. Những người có trách nhiệm xã hội có ý thức làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Tầm Quan Trọng Của Cộng Đồng.

Robin Sharma nói rằng, một dấu hiệu của những tổ chức vĩ đại là khả năng xây dựng những cấu trúc cho phép mọi người cảm thấy an toàn và được tôn trọng vì đóng góp và tính độc đáo của họ. Những tổ chức này có thể đánh trúng nhu cầu cơ bản nhất phù hợp với điều lớn lao hơn bản thân mỗi người. Đây chính là một phần bên trong của bản chất con người.

Có thể phần lớn chúng ta đều không cảm thấy chúng ta có tác động trực tiếp đối với thế giới. Vì dù sao chúng ta cũng không phải những nhà lãnh đạo thế giới, nắm trong tay số phận của hàng triệu người. Như mẹ Têrêsa từng nói: “Chúng ta không thể làm những việc vĩ đại, chúng ta chỉ có thể làm được những việc nhỏ nhoi theo cách vĩ đại mà thôi”. Tuy nhiên, chúng ta thật sự có ảnh hưởng tới thế giới nhỏ bé của chính mình, tới cộng đồng chúng ta đang sinh sống? Bằng cách góp phần cải thiện môi trường của chính mình, chúng ta đã, bằng cách nào đó, làm thế giới của mình trở nên tốt đẹp hơn. Huấn luyện viên bóng đá tình nguyện dành hàng giờ động viên và truyền cảm hứng cho các cầu thủ, có thể sẽ không bao giờ biết sự thay đổi mình đã làm cho cuộc đời những cầu thủ trẻ tuổi. Hãy nghĩ tới những điều bạn đã làm trong đời, điều sẽ là không thể nếu không có ai đó sẵn lòng cống hiến thời gian cho bạn.

Những tổ chức tuyệt vời như Girl Scouts, Boy Scouts, và Big Brother chỉ là một vài trong số rất nhiều tổ chức giúp định hình các thế hệ tương lai. Tất cả tổ chức đó đều phụ thuộc vào những người sẵn lòng đóng góp thời gian hoặc nguồn lực để đem lại điều tốt đẹp chung cho mọi người. Ở một cấp độ khác, trách nhiệm xã hội có nghĩa là tôn trọng quyền của người khác và tuân thủ luật pháp. Nó có nghĩa là chúng ta phải làm phần việc của mình để bảo vệ môi trường. Dù để làm được điều đó cần phải có thời gian, và chúng ta thường không nhận được những lợi ích trực tiếp từ bên ngoài.

Dù thông qua hoạt động tình nguyện hay công việc được trả công thì nó cũng cho thấy là những công việc giúp được người khác khiến chúng ta cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc. Tom W. Smith, người chỉ đạo cuộc Điều tra Xã hội Tổng quát (GSS) tại Trung tâm Khảo cứu Dư luận Quốc gia Mỹ, Đại học Chicago phát hiện ra rằng, những người báo cáo mức hạnh phúc và thỏa mãn cao nhất là những người làm công việc phục vụ người khác. Lợi ích của việc giúp đỡ người khác là vô cùng to lớn. Một trong những cách tự điều trị dành cho người đang phải đối phó với cảm giác chán nản được biết đến nhiều nhất, là giúp đỡ những người khác. Một nhà trị liệu đã khuyên các bệnh nhân đang cảm thấy buồn chán, hãy tìm ai đó cảm thấy tồi tệ hơn họ và làm người đó vui lên.

Vì chúng ta thường sống theo những gì chúng ta nghĩ, nên nếu chúng ta nghĩ tới những điều đang thiếu thì chúng ta sẽ buồn bã. Có thể khó thay đổi suy nghĩ của mình từ những gì chúng ta không có tới các suy nghĩ về lòng biết ơn. Có một cách để làm được điều này là tìm ai đó cần giúp đỡ và giúp đỡ họ. Điều này sẽ giúp chúng ta thấy rằng, bất kể hoàn cảnh nào, vẫn luôn có những điều chúng ta thấy biết ơn. Giúp đỡ không nhất thiết phải liên quan tới con người. Nếu chúng ta là những người yêu động vật thì dành thời gian với một con cún con vô chủ cũng có thể đem lại cho chúng ta cảm giác thỏa mãn và hạnh phúc.

Dù làm tình nguyện vẫn luôn là một phần trong cuộc sống của tôi, nhưng tôi đặc biệt tham gia nhiều hơn trong suốt quãng thời gian thất nghiệp. Đó là một thời điểm khó khăn với tôi. Bước ra ngoài và giúp những người kém may mắn hơn làm trí óc của tôi không bị ám ảnh bởi các vấn đề của mình nữa và làm tôi cảm thấy rằng mình đang đóng góp một cái gì đó đáng giá cho xã hội. Là người ủng hộ mạnh mẽ việc mọi người làm tình nguyện, tôi vẫn cảm thấy nó đặc biệt quan trọng với những ai thấy mình vô ích.

Có rất nhiều cá nhân cống hiến cả đời mình để phục vụ người khác như mẹ Têrêsa và Albert Schweitzer có lẽ là hai ví dụ nổi tiếng nhất. Mẹ Têrêsa dành cả quãng đời thanh xuân của mình để giúp những người nghèo tuyệt vọng nhất trên thế giới tại những khu ổ chuột ở thành phố Calcutta. Albert Schweitzer, một bác sĩ tài năng, chọn dành cuộc đời của mình giúp xóa bỏ bệnh tật ở Châu Phi và xây dựng một phòng khám mà ngày nay vẫn đang tiếp tục công việc ông bắt đầu.

Jimmy Carter, sau khi thất bại trong cuộc tranh cử với Ronald Reagan, đã phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Mất đi vị trí quyền lực và sự chú ý vẫn luôn là một tình thế khó chấp nhận cho những ai đã từng nắm giữ cương vị cao nhất và nhiều trách nhiệm, nhưng Jimmy Carter tìm thấy ý nghĩa trong công việc giúp đỡ người khác. Ông trở thành người phát ngôn cho Habitat for Humanity, một tổ chức phi chính phủ, xây nhà giá rẻ cho những người nghèo. Những người trong gia đình Carter không chỉ là một trong những nhà hảo tâm có tiếng nhất của tổ chức Habitat for Humanity, mà họ còn thường xuyên đi khắp đất nước và trực tiếp giúp công việc xây dựng. Gia đình Carter rất năng động và đều tham gia sâu vào công việc của cộng đồng.

Những Phẩm Chất Của Một Người Giúp Đỡ

Những người giành điểm cao trong lĩnh vực trách nhiệm xã hội cũng thường có khả năng thấu cảm cao. Họ nhạy cảm trước nhu cầu của người khác và có nội lực cống hiến mạnh mẽ. Họ cũng thường biết ơn về những điều họ được cuộc đời ban tặng và muốn chia sẻ điều đó. Nhìn chung, những người này đều hạnh phúc và lạc quan, tới mức họ thường suy nghĩ những điều tốt nhất về người khác. Một hình mẫu chung nữa về những người tình nguyện là bản thân họ cũng đã từng trải qua một khó khăn hay một khủng hoảng nào đó.

Trách nhiệm xã hội là đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong các đặc điểm trí tuệ cảm xúc để đánh giá con người, vì nó hữu hình và công khai. Đây là một trong những đặc điểm, xét về tổng thể, phụ nữ thường đạt được điểm số cao hơn. Một trong những cách giải thích là trong suốt lịch sử, vai trò trông nom nhà cửa và chăm sóc gia đình vẫn là thiên chức của người phụ nữ. Điều này làm tăng khả năng nuôi dưỡng của phụ nữ và khiến họ có nhiều ưu thế hơn trong các việc chăm sóc truyền thống như nghề điều dưỡng. Đàn ông, dù truyền thống được dạy không được bày tỏ xúc cảm và định hình vai trò để không nuôi dưỡng người khác, nhưng cũng đang dần trở nên cởi mở hơn trong những lĩnh vực này. Các tổ chức như Mankind Project khuyến khích nam giới bày tỏ và chia sẻ cảm xúc, chăm lo lẫn nhau và đóng góp cho cộng đồng của mình.

Dù các cá nhân quên mình cho cộng đồng vẫn luôn là những anh hùng thầm lặng trên thế giới, nhưng các tổ chức đang ngày càng tham gia sâu hơn vào hoạt động đóng góp cho cộng đồng của họ. Một công ty xây dựng lớn, trong vài năm qua, đã trả toàn bộ lương cho những thương nhân được họ thuê làm cho một dự án của tổ chức Habitat for Humanity.

Một trong những lợi ích của việc giúp đỡ người khác là làm tăng nhận thức về những điều có trong cuộc sống mà chúng ta có thể thấy biết ơn. Tiến sĩ Michael McCullough tại trường Đại học Miami thấy rằng, những người có cảm giác biết ơn thường có nhiều sức sống và tinh thần lạc quan hơn, phải chịu ít sự căng thẳng hơn và có ít hơn các giai đoạn trầm cảm so với số trung bình của toàn xã hội. Tiến sĩ Robert Emmons của trường Đại học California, Davis tiến hành một nghiên cứu đối với những người ghi nhật ký, trong đó theo dõi những điều họ thấy biết ơn. Ông thấy rằng nhóm người này có sức khỏe tốt hơn, lạc quan hơn, luyện tập thường xuyên hơn và cảm thấy mình hạnh phúc hơn những người không ghi nhật ký như họ.

“Chúng ta có xu hướng đánh giá thành công bằng danh mục lương hoặc kích cỡ ô tô thay vì bằng chất lượng phục vụ và mối quan hệ với mọi người”.
_ Martin Luther King

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TRÁCH NHIỆM CỦA BẠN
  2. NHẬN THỨC TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA
  3. CÂU CHUYỆN RAHULA VÀ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI TUỔI TRẺ

Bài viết khác của tác giả

  1. CÁC MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH
  2. LẠC QUAN
  3. KHẢ NĂNG THẤU CẢM

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM