TRÁCH NHIỆM THỰC SỰ

TARTHANG TULKU RINPOCHE

Nguồn: Làm Việc Một Nguồn Vui; Tác giả: Tarthang Tulku Rinpoche; Thích Nữ Trí Hải dịch; NXB Tp Hồ Chí Minh - 2001

Nhận ra được trách nhiệm riêng của mình là điều giản dị: tất cả chúng ta đều có một số phận sự phải hoàn tất, một vài nhiệm vụ phải làm xong. Điều ấy ai cũng thấy rõ. Nhưng trách nhiệm của ta không chỉ giới hạn vào những phận sự của riêng ta mà thôi, vì trong một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều, chúng ta phải chịu trách nhiệm về toàn thể kinh nghiệm sống, về cái cách ta liên hệ đến thế giới nói chung.

Tinh thần trách nhiệm thực sự là yêu thương chân thực và tính nhạy bén để ứng phó với mọi sự xảy ra quanh mình, sẵn sàng làm bất cứ gì cần phải làm. Điều này có nghĩa chúng ta phải có trách nhiệm không những về một số phận sự bắt buộc nào, mà về mọi phương diện của đời sống, đáp ứng mỗi kinh nghiệm xảy ra bằng một thiện chí năng động, một thái độ tỉnh thức đối với cuộc đời tuôn phát từ sự yêu thương sâu xa.

Muốn phát triển tinh thần trách nhiệm thì ta cần có chánh niệm, nghĩa là biết rõ mọi sự thực tế là như thế nào. Điều này có nghĩa phải tỉnh thức để rõ biết về những hành vi và ý tưởng của mình, và hậu quả của chúng đối với người khác, cả đến biết hậu quả chúng trên bình diện toàn cầu. Sự tỉnh giác này khiến ta luôn luôn đáp ứng một cách thích hợp, biết rõ những nhu cầu đích thực của những người quanh ta, và hành động một cách tự nhiên bằng những cách đem lại quân bình hòa hợp.

ĐÀO LUYỆN YÊU THƯƠNG

Ai trong chúng ta cũng có cái khả năng đáp ứng và tỉnh thức như vậy, nhưng phần đông chúng ta không được giáo dục để phát triển nó. Theo truyền thống giáo dục là quá trình học tập tri thức và tài khéo để đảm nhận một vị trí thật sự có trách nhiệm trong đời. Nhưng ngày nay, giáo dục thường chỉ cung cấp thông tin mà không thể dạy chúng ta làm sao để sử dụng nó trong đời sống chúng ta. Chúng ta không biết bản chất đích thực và giới hạn trách nhiệm của mình như thế nào với tư cách làm người.

Chúng ta cần phát triển một nền giáo dục “tăng thượng” có gốc rễ trong yêu thương và được xây dựng trên sự tôn trọng tri thức và kinh nghiệm. Mặc dù ngày nay không dễ gì tìm ra một nền giáo dục như thế, chúng ta vẫn có thể nhìn lại những giá trị truyền thống của quá khứ, vì chúng truyền đạt tri thức được tích lũy bởi tất cả những tiền bối của chúng ta. Đây là kho tàng ta được thừa kế, và nếu biết sử dụng, ta sẽ thu thập được từ đấy cái tri kiến làm thế nào để hành động hữu hiệu trên đời.

Công việc đem lại cho chúng ta cơ hội để tự giáo dục chính mình, để đưa những giá trị cao thượng vào kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta. Nhờ yêu thích công việc đáp ứng nó trọn vẹn, mà ta có thể khởi sự hiểu được bản chất của trách nhiệm mình kể như những con người. Vì chúng ta có một trách nhiệm phải làm việc, phải thi thố tài nghệ khả năng mình, phải đóng góp năng lượng của mình cho cuộc đời. Bản chất chúng ta là sáng tạo, và nhờ diễn đạt nó, ta luôn luôn phát sinh thêm nhiệt tình và sáng tạo, khởi động một tiến trình tiếp diễn thú vị trong đời sống quanh ta. Làm việc một cách tự nguyện với trọn vẹn năng lực và nhiệt tình đó là cái cách ta đóng góp cho đời.

Loại công việc nào cũng có thể là một niềm vui. Ngay cả những việc trong nhà cũng có thể là một cơ hội cho ta thực tập và chan hòa niềm yêu thương, tính cảm ứng và hiệu năng trong ta. Khi ta đáp ứng một cách đầy yêu thương và sáng suốt đối với mọi việc, tức là ta đã phát triển khả năng ứng xử trong đời. Mỗi hành động phát ra một năng lượng tích cực mà ta có thể san sẻ với người khác. Những phẩm chất này – quan tâm đáp ứng – là quà tặng quý nhất mà ta có thể dâng hiến.

CHỐNG KHÁNG TRÁCH NHIỆM

Khi ta không đem hết năng lực để đáp ứng với công việc là ta đã hạn chế tiềm năng của mình và chối bỏ bản chất chân thực của ta. Thay vì đóng góp trọn vẹn cho đời sống, có trách nhiệm đối với bản chất sáng tạo của mình, ta lại đặt những giới hạn về những gì mình có thể làm. Khi công việc của ta không trôi chảy, ta lại rêu rao mình có quá nhiều trách nhiệm, hoặc ta đã bị gán cái trách nhiệm kia. Chúng ta cố quy sự thiếu hiệu quả là do ta thiếu kinh nghiệm. Hơn nữa, vì ta đã không cần quan tâm đặt hết năng lực vào công việc, nên không thật sự xem mình có trách nhiệm về hậu quả mình đem lại.

Khi ta không tham dự trọn vẹn vào công việc của mình là ta không biểu hiện trọn vẹn năng lực của mình đối với gia đình, xã hội và cuộc đời. Sự chống lại trách nhiệm làm người như thế có thể có nhiều hình thức – có thể ta nghĩ vì ta đã đủ tiền tự nuôi sống nên không cần làm việc – ta có thể đến với công việc như một bổn phận mà ta không muốn nhưng bị bắt buộc phải làm – ta có thể chỉ làm vì tiền. Dù trường hợp nào, chỉ xem công việc như một điều gì phải phản đối hơn là một dịp may đáng được tận dụng thì thật sự là ta đã lợi dụng tất cả những người khác trong vũ trụ; ta lợi dụng chính cuộc đời. Ta được tặng phẩm là sự sống nhưng nếu ta không sử dụng nó một cách trọn vẹn là ta tạo nên một thế mất quân bình trong vũ trụ, vì những người khác phải nuôi ta bằng năng lượng của họ.

Lịch sử đã chứng minh rõ ràng những hậu quả của hành động ích kỷ vô trách nhiệm, như không thi hành thỏa ước, xung đột xã hội, tai nạn sinh thái, tất cả đều chứng tỏ sự thiếu trách nhiệm thật sự, không đáp ứng trọn vẹn một cách có ý thức đối với những đòi hỏi của sự sống. Ta đã thấy những người đưa kẻ khác vướng vào những khó khăn nguy hiểm rồi không chịu nhận trách nhiệm về hành động của mình. Nhưng những người đi theo cũng chịu trách nhiệm, vì dù ta là người điều khiển hay bị sai khiến thì vẫn phải chịu trách nhiệm về những gì đã làm.

Nếu ta không bảo đảm được rằng những người dẫn đạo chúng ta phải chứng tỏ tinh thần trách nhiệm, tính liêm khiết của họ, tức là ta chuẩn bị để đón nhận sự hướng dẫn vô ý thức về sau. Khi nghe lời những người khéo dụ ngọt hơn là nghe theo những người có trí và có kinh nghiệm để dẫn dắt ta, là ta nuôi dưỡng một tính thiếu bén nhạy, thiếu quan tâm về mọi sự nói chung.

Muốn hành động với tinh thần trách nhiệm thì chúng ta cần phải tăng cường cảm thức yêu mến công việc. Khi ấy ta có thể cố nhìn tình huống công việc từ một viễn cảnh rộng hơn. Khi bén nhạy hơn để đáp ứng những người xung quanh, công việc và những người cộng sự, ta sẽ thấy rõ hơn những hậu quả có thể có về những hành động chúng ta. Sự tỉnh giác và khả năng ứng xử càng lan rộng thì ta càng dễ chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hạnh phúc tương lai của con cái ta, cộng đồng xã hội và thế giới mà ta sống.

BÀI TẬP: QUAN TÂM TRỌN VẸN.

Sự nhìn lại quá khứ của chính mình có thể giúp ta phát triển khả năng cảm thông.

Ai trong chúng ta cũng có thể nhớ lại một thời mà chúng ta đáp ứng lẫn nhau một cách cởi mở, trọn vẹn, xem nhu cầu của họ cũng như của mình. Hãy để thì giờ nhớ lại những chi tiết về kỷ niệm ấy: cái gì đã xảy ra, bạn cảm thấy người kia như thế nào, bạn đã làm gì.

Rồi xoay sự chú ý của bạn về một thời mà bạn đã không hành động với yêu thương săn sóc, khi những lời nói và hành vi của bạn làm tổn thương một người khác. Hãy cẩn thận ôn lại tình huống ấy, xem xét những động lực và hành động của mình, cách ứng phó với người kia. Hãy nhớ xem bạn có nghĩ gì đến cảm nghĩ của người ấy trước khi hành động không; ghi nhận bạn quan tâm đến cái gì lúc đó. Khi bạn đã ôn lại tình huống ấy một cách toàn triệt, hãy tưởng tượng bạn đang ứng phó bằng tất cả năng lực của tình yêu thương săn sóc, và để cho những cảm giác tích cực tăng cường trong tim bạn.

ĐỨNG VỮNG TRÊN SỰ THẬT

Hành động có trách nhiệm gợi nên những thái độ tích cực và sự tăng tiến lành mạnh làm cho đời bạn có ý nghĩa. Chúng ta sẽ sống một cách tự nhiên, hòa theo nhịp bước của vũ trụ, có niềm quan tâm sâu xa đến bất cứ việc gì ta làm. Khi càng hiểu biết thêm bản chất của đời sống, ta sẽ thấy cuối cùng chính ta phải chịu trách nhiệm về sự thật.

Mặc dù đứng vững trên sự thật có thể là một vị trí hết sức cô độc, song sự thật sẽ giải phóng chúng ta khỏi tính ích kỷ, hận thù, sợ hãi, lo âu. Khi ta nhận trách nhiệm sống để theo đuổi sự thật và luôn luôn gìn giữ nó, ta sẽ thấy cuộc đời ta thêm vững mạnh. Sự thật soi sáng nhãn quan ta và hướng dẫn ta trên con đường lành mạnh của trưởng thành, viên mãn. Một khi ta hành động có trách nhiệm, thời gian và tri kiến sẽ mở cho ta thấy vô hạn khả năng trong cuộc đời. Mặc dù ta có thể vấp ngã lúc đầu song nếu tiếp tục cố gắng, ta sẽ đạt đến tự do chân thực.

Hành động có trách nhiệm trở thành việc tự nhiên một khi đã được phát triển. Khi ấy chúng ta không còn bị cảm giác nặng nề về bổn phận, công việc ta bị bắt buộc phải làm, mà chúng ta hành động có trách nhiệm chỉ vì đó là một lối sống tự nhiên và lành mạnh. Khi ấy ta sống phù hợp với sự tương quan với cuộc đời bằng một thái độ sẵn sàng đáp ứng đầy yêu thương. Tính sẵn sàng đáp ứng này cũng trọn vẹn như đáp ứng giữa trời với đất, một thỏa ước không gián đoạn được hoàn tất không do dự.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NIỀM HOAN HỶ – LÀM VIỆC MỘT NGUỒN VUI
  2. THỰC HÀNH GIẢI TỎA NHỮNG CĂNG THẲNG, LO ÂU
  3. CẢM THÔNG VỚI NGƯỜI KHÁC

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN