CÚNG HOA

THỊ GIỚI

Tôi thường kết nối ngày Đản sinh của đức Phật với sự nở ra của một bông sen. Nhưng thay vì bông sen, tôi chỉ có thể cắm một đóa hồng màu trắng vào chiếc bình nhỏ trên bàn làm việc trong ngày vui đó. Chỗ tôi ở không làm gì tìm được một bông sen.

Nhưng nói chung, hầu hết các loại hoa đều đẹp, đều tinh khiết và an lành. Hoa nào cũng chứa sẵn nụ cười, cũng sẳn sàng thể hiện cái tinh túy của đất trời, của sự sống, chất liệu nền tảng cho sự kết nối, trao truyền. Hoa nào cũng là hiện thân cái đẹp của thế giới vật chất cũng như của trí tuệ và tâm hồn.

Hoa nở hồn nhiên như sự sống trôi chảy hồn nhiên khi chưa có tâm phân biệt. Vô tư, tinh khiết như những bước chân đầu tiên không ngăn cách, vướn ngại của em bé Tất Đạt Đa lúc mới ra đời. Tự nhiên như cảnh giới Thiền đầu tiên mà vị thái tử vị thành niên lọt vào không chủ ý khi ngồi dưới bóng mát cây táo trong một ngày hội lớn của bộ tộc.

Hoa cũng là chất xúc tác làm nở ra trong tâm người đóa hoa vĩnh cữu, như đã nở trong tâm của ngài Ca Diếp khi đức Phật đưa lên một bông sen và mỉm cười. Hoa cũng nở trong tâm của những người đệ tử đương thời và những Phật tử về sau khi Thiền sư Mãn Giác gợi lên một cành mai nở ra ở sân trước trong đêm hôm qua. (1)

Trong cuộc sống chung quanh, lúc nào cũng có những đóa hoa sẵn sàng nở, sẵn sàng tỏa hương và kêu gọi chúng ta cùng nở, cùng tỏa hương. Khi chúng ta mở lòng để đón nhận những đóa hoa đó và cùng nở với, lúc đó chúng ta sẽ thấy được niềm vui, sự tinh khiết, siêu thoát, bình an và hạnh phúc của đời sống.

Thế giới của Phật giáo là một một thế giới đầy hoa: Pháp Hoa, Hoa Nghiêm…. Đức Phật sinh dưới hoa vô ưu và bước đi trên những bông sen. Ngài trao truyền Chánh Pháp, Phật Tâm, cũng qua một bông sen. Trong một Pháp hội ở Linh sơn, đức Phật cầm bông sen mỉm cười. Cả đại chúng im lặng, lúc đó chỉ có ngài Ma Ha Ca Diếp nhìn Phật mỉm cười. Phật ấn chứng cho ngài Ca Diếp để ngọn đèn Thiền Tông tiếp nối và soi sáng đến ngàn sau.

Cuộc đời đức Phật cũng liên hệ nhiều với hoa. Khi đức Phật sắp thành Đạo, những mũi tên độc đã nở thành những đóa hoa an lành để đáp lại tánh tham, sân, si của ma quân bằng tâm Từ bi. Trong các kinh điển, ở đâu cũng thấy hoa, cũng thấy chư thiên rải hoa để cúng dường đức Phật, lúc sinh, lúc thành Đạo, lúc thuyết Pháp, lúc ở trong chánh định…

Việc cúng dường hoa không chỉ hiện diện ở thế giới loài người. Chư thiên các cõi trời và thánh chúng cõi Tịnh độ cũng coi hoa như phẩm vật thích hợp và tốt đẹp nhất để cúng dường. Kinh A Di Dà nói: “Chúng sanh ở cõi ấy, cứ mỗi sáng sớm, thường dùng đãy y, đựng các hoa đẹp, đem cúng dường mười vạn ức Phật ở phương khác”. 

Công đức cúng hoa được các Kinh nói lên như sau:

Kinh Vinaya-sutra (Tỳ Ni Phương Quảng) nói: “Người hiểu biết dùng tâm hoan hỉ cúng dường bông hoa trước tháp của Phật thì công đức lớn hơn nhiều so với việc cúng dường trăm ngàn con sông chứa đầy vàng ròng”. 

Kinh Ratnakuta (Đại Bảo Tích) nói: “Cúng Phật một nắm bông sen và bông utpala sẽ được tái sinh trong bông sen báu ở trước Như Lai”.

Tái sinh trong sen báu ở trước Như Lai nghĩa là có đầy đủ sự trang nghiêm và đức hạnh của Như Lai.

Trong đạo Phật, bông sen tượng trưng cho toàn bộ con đường Đạo là Giới, Định và Tuệ. Giới hạnh trong sạch như bông sen, Tâm Thiền tự tại và thanh thoát như bông sen, Trí tuệ bình đẳng và kết nối như bông sen.

Bông sen do đó là một loại bông gắn liền với đời sống nghệ thuật và tâm linh của người Phật tử, có nghĩa là một đời sống đẹp từ ngoài vào trong. Nó tượng trưng cho Tâm Phật và Hạnh Phật, là lý tưởng và con đường mà mỗi Phật tử đi theo.

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà giữa thành phố Thăng Long, ngôi Chùa Một Cột mang hình dáng của một bông sen thờ đức Quán Thế Âm được dựng lên và sống mãi với đất nước trải qua gần một ngàn năm và sẽ còn tiếp tục cùng đất nước hướng về tương lai. Có thể nói đó là hình ảnh của thế giới Bông Sen Ngọc Quí, thế giới của Om Mani Padme Hum. Mani là ngọc quí, Padme là bông sen. Om Mani Padme Hum là câu thần chú xuất ra từ tâm Đại bi của đức Quán Thế Âm.

Bông Sen Ngọc Quí đó là tinh hoa của mỗi con người nói riêng và của mọi xã hội hay toàn nhân loại nói chung. Tinh hoa đó là sự trong sạch, lành mạnh hoàn toàn trong hành động, lời nói và ý nghĩ. Đó cũng là tất cả những gì đức Phật muốn trao phó cho chúng ta. Nói như đức Dalai Lama :“Sáu chữ nầy, om mani padme hum, có nghĩa là thực hành con đường hợp nhất không phân ly giữa phương tiện và trí tuệ để chuyển hóa thân, miệng và ý bất tịnh của chúng ta thành thân, miệng và ý của Phật”.

 Và ngôi chùa thể hiện tinh thần Từ Bi Hỉ Xả đó đã trở thành một biểu tượng của Thăng long, gắn liền với cái hồn của Thăng Long và của nền văn hóa Việt. Khi nói đến Thăng Long, người ta không thể không nhắc đến ngôi chùa bông sen đó. Ý hướng xây dựng cái hồn Thăng long trên tinh thần Bông Sen là ý hướng xây dựng một cõi tịnh độ ở nhân gian, dù ý thức hay không ý thức.

Kỷ niệm Phật Đản, chúng ta không gì hơn là noi theo cha ông, lấy tinh thần Từ Bi Hỉ Xả làm nền tảng cho những hành động, việc làm của chúng ta. Tinh thần đó là nền tảng vững bền nhất cho mọi sự phát triển thành công của cá nhân cũng như tập thể đã được cha ông chúng ta chứng minh qua lịch sử, cũng như được nói lên qua cái nhìn thấu thị của đạo Phật:

“Nhiều người cho rằng sống một đời sống từ bi là vấn đề thuộc tâm linh. Thật sự, sống từ bi là một cách sống có hiệu quả nhất để thành tựu trong bất cứ lãnh vực nào. Tu tập Từ bi có thể tốn nhiều thời gian hơn là áp dụng bạo lực, nhưng những kết quả của Từ bi thì ổn định và dài lâu hơn nhiều. Từ bi là cách giải quyết dài hạn cho những vấn đề. Cách giải quyết nầy tạo ảnh huởng tích cực lên xã hội và nền kinh tế của chúng ta. Nó làm cho đời sống của chúng ta và đời sống của người khác được ổn định. Khi chúng ta có can đảm trong việc trau dồi Trí tuệ và Từ bi, những loại cỏ dại sân giận, đố kị, và ích kỷ có ít khoảng trống hơn để mọc” (Sakyong Mipham, Viên Ngọc Như Ý).

Và chúng ta cũng biết rằng, Từ bi thật sự chỉ có được khi thấm nhuần đạo lý mà Thiền sư Vạn Hạnh, một vị Thiền sư xây dựng nền móng tinh thần cho thời đại độc lập tự chủ của nước nhà, dặn đệ tử khi ngài sắp viên tich: “Các vị nên nương tựa và đâu? Tôi thì tôi không nương tựa vào nơi có thể nương tựa và cũng không nương tựa vào nơi không thể nương tựa”.

Thị Giới.

***

(1) Trước khi viên tịch, Thiền sư Mãn Giác (1052-1096) khuyên bảo đệ tử bằng bài kệ như sau:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

 HT Thích Thanh Từ dịch:

Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa nở

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu, già đến rồi

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua – sân trước – một cành mai.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. PHẬT ĐẢN SANH
  2. HOA TÀN HOA NỞ CHỈ LÀ XUÂN

Bài viết khác của tác giả

  1. PHẬT GIÁO VIỆT NAM VỚI TUỔI TRẺ
  2. THÔNG ĐIỆP ĐẦU TIÊN
  3. NHỮNG BÀ MẸ PHẬT

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP