NHỮNG BÀ MẸ PHẬT

THỊ GIỚI

Ở một mức độ nào đó, Mẹ đã là vị Bồ tát trong ý nghĩa ban cho và dạy chúng ta tình thương không điều kiện. Mẹ cũng là người dạy cho chúng ta kinh nghiệm đầu tiên về sự kết nối với tha nhân và thế giới. Tình thương không điều kiện và tâm kết nối là hành trang quí báu trên hành trình đến với Pháp.

Những bài thơ, bài hát, những câu chuyện về mẹ hầu như ở đất nước nào, dân tộc nào cũng có, có nhiều, và dễ làm rung động. Sau đây là một bài thơ không trau chuốt nói về tình thương không điều kiện của mẹ:

Tình của mẹ là khối tình tuyệt diệu

Từ trời cao được gói ghém tận tường

Tình của mẹ không giống tình nào khác

Trong cõi đời không có thứ tương đương.

***

Tình thanh khiết được chư thiên làm sạch

Chảy từ tâm của mẹ hướng về con

Tình của mẹ được trời cao trau chuốt

Từ tay người, người tạo dựng thành khuôn.

***

Tình của mẹ là tình không đối đãi

Từ tim người điều đó được nói ra

Tình của mẹ là thức ăn dinh dưỡng

Là trái cây nuôi nấng cõi hồn ta.

***

Tình của mẹ là khối tình chân thật

Từ tim người không thể nói điêu ngoa

Tình của mẹ là khối tình vĩnh cửu

Không bao giờ tình ấy bỏ đi xa.

***

Tình của mẹ là khối tình kết chặt

Không bao giờ bị tan vỡ rớt rơi

Tình của mẹ ghi sâu trong tâm khảm

Ngay cả khi mẹ không nói thành lời…

Nói về bài học đầu tiên về sự kết nối, Kurt Kowalski trong bài tiểu luận “Mothers, Buddhism And Developmental Psychology” viết:

“Mối liên hệ giữa mẹ và con biểu hiện nhiều khía cạnh của đạo Phật. Ngành tâm lý học về sự phát triển của trẻ con của Tây phương cho chúng ta biết rằng đầu tiên không có sự tách biệt giữa mẹ và con. Khi đứa trẻ phát triển trong bào thai, người mẹ và đứa con là một. Không có sự phân ly nào; cả hai gắn liền với nhau. Do đó, khi đứa trẻ mới sinh ra, nó không có một cảm giác nào về sự ngăn cách với người mẹ và thế giới xung quanh. Tất cả vẫn còn gắn bó. Ý thức về sự riêng biệt và nhận diên về cá thể không phải là những thứ có sẵn từ khi chúng ta mới lọt lòng mẹ. Đó là những thứ mà chúng ta xây đắp qua thời gian theo một tiến trình mà các nhà tâm lý học gọi là tiến trình phân ly và cá nhân hóa. Margaret Mahler gọi tiến trình nầy là ‘sự sinh sản tâm lý của đứa trẻ.’ Trước tiên, là sự sinh sản thuộc vật lý, ở đó sự phân ly vật lý ra khỏi người mẹ theo một con đường đầy ấn tượng và đáng chú ý. Tiếp theo là sự sinh sản thuộc tâm lý, một sự sinh sản tinh tế hơn xảy ra một cách chậm chạp qua một thời gian kéo dài. Ở đó chúng ta xây đắp ý thức về tính riêng biệt đối với mẹ và thế giới chung quanh để phát triển một sự nhận diện về cá thể. Và tâm lý học Tây phương chỉ đi đến chỗ nầy rồi dừng lại. Nhưng đạo Phật bảo chúng ta hãy đi xa hơn.

Và ở một mức độ nào đó, có thể chúng ta cảm ơn mẹ của chúng ta. Chính những bà mẹ là những người dạy cho chúng ta đầu tiên về sự kết nối.

Là một đứa trẻ, chúng ta cần xây dựng một ý thức về sự riêng biệt của cái ngã. Đó là cách chúng ta học hỏi để thực hiện những chức năng trong thế giới. Nhưng khi trưởng thành, chúng ta cần vượt khỏi việc xây dựng cái riêng biệt và nhìn thấy mối liên hệ hổ tương giữa chúng ta và thế giới. Chúng ta cần kết nối trở lại. Dogen Zenji, vị Tổ của phái Thiền Tào Động Nhật bản, lưu ý chúng ta rằng học Phật là học về cái ngã, và học về cái ngã là quên đi cái ngã trong việc hợp nhất với cái lớn hơn. Để phát triển đúng với tư cách của người Phật tử, chúng ta cần kinh nghiệm chính chúng ta là một cái gì khác hơn chỉ là cái ta cá thể hay bản ngã. Chúng ta cần trở về sự kết nối với cái lớn hơn. Có thể chúng ta bắt đầu bằng việc tìm lại sự kết nối trong gia đình, trong sự gắn bó đặc biệt giữa mẹ và con. Sau đó, chúng ta chuyển sự kết nối và tương liên đó đến cộng đồng của chúng ta, và rồi đến toàn thế giới. Chúng ta làm điều đó một cách hài hòa; chúng ta tạo sự hài hòa trong gia đình rồi tiến đến sự hài hòa với toàn thế giới.”

Rồi ông kết luận:

“Và ở một mức độ nào đó, có thể chúng ta cảm ơn mẹ của chúng ta. Chính những bà mẹ là những người dạy cho chúng ta đầu tiên về sự kết nối.”

Nói về Bà Mẹ Phật, tôi muốn đề cập đầu tiên đến bà mẹ của ngài Hám Sơn.

Mặc dầu có những giai đoạn trong đời bà, bà đã từng là một người mẹ hổ, mẹ hiền và rốt cùng là mẹ Phật. Là mẹ hổ khi ngài Hám Sơn còn là một đứa trẻ thơ bị bắt đi học. Là mẹ hiền khi ngài Hám Sơn bắt đầu hiểu biết và tỏ chí hướng xuất gia. Là mẹ Phật khi ngài Hám Sơn đã xuất gia một thời gian.

Sau khi đã xuất gia, trong dịp đem Đại Tạng Kinh về chùa Báo Ân, ngài ghé về thăm cha mẹ lúc đó đã ngoài tám mươi tuổi. Câu chuyện được kể như sau:

“Năm mười hai tuổi, ngài rời nhà vào chùa. Năm bốn mươi bốn tuổi, ngài trở về nhà thăm cha mẹ ngoài tám mươi. Khi trở về, cha mẹ ngài rất vui mừng. Ngài rất ngạc nhiên khi nghe lại câu chuyện trong buổi đàm luận của mẹ ngài với một vị trưởng lão trong tộc.

Vị trưởng lão hỏi: ‘Thầy trở về bằng đường thủy hay bằng đường bộ?’

Bà mẹ đáp: ‘Tại sao lại hỏi thầy trở về bằng đường thủy hay bằng đường bộ?’

Trưởng giả hỏi: ‘Vậy thầy từ đâu trở về?’

Bà mẹ đáp: ‘Thầy từ hư không trở về!’

Qua câu chuyện này, ngài bảo: ‘Thật chẳng ngạc nhiên gì việc lúc trước mẹ có thể xả bỏ, cho mình đi xuất gia.’” (Hám Sơn Đại Sư Tự Truyện – Thích Hằng Đạt dịch)

Về cuộc gặp mẹ lần cuối cùng, trong quyển nhật ký về cuộc lưu đày, ngài kể:

“Tôi bị khó khăn trong công cuộc hoằng pháp, như việc khơi dậy sự tức giận của hoàng đế. Âm thanh tức giận đó chát chúa như sấm sét. Tôi nghĩ rằng nếu mẹ mình mà biết được thì chắc sẽ sợ hãi lắm. Mạng sống còn là nhờ từ ân của hoàng đế, chỉ bị lưu đày tại Lạc Dương. Tôi gặp bà mẹ bên bờ sông Trường Giang khi được giải ngang qua làng quê. Lúc đó, chúng tôi vui mừng và cười hớn hở. Không có nổi đau buồn thống thiết.

Tôi hỏi bà mẹ: ‘Khi nghe thầy trở về, tránh được cái chết trong lằn tơ kẽ tóc, mẹ có buồn không?’

Bà đáp: ‘Việc chết sống là định nghiệp, sao mẹ lại buồn rầu cho thầy? Ngay chính mình còn không lo lắng, sao mẹ phải lo lắng cho thầy chứ? Song, nghe tin đồn mà mẹ không thể nghĩ rằng thầy bị đày như thế này. Nay thấy thầy khoẻ mạnh là mẹ mừng lắm rồi.’

Ðến chiều tối, tôi từ biệt mẹ mình lần cuối. Mẹ tôi bảo: ‘Vì Phật pháp, thầy bảo trọng. Phải biết tự trọng, chớ làm trái với lương tâm.’

Ngài đáp: ‘Xin vâng lời mẹ! Chỉ vì mẹ tuổi tác già nua, thầy sống xa xôi nơi miền biên giới, không thể xả bỏ được tâm lo lắng cho mẹ.’

Bà mẹ đáp: ‘Chớ lo lắng cho mẹ. Mẹ đã chuẩn bị hành trang rồi. Xưa kia mong muốn gặp mặt thầy lần cuối. Nay gặp lại đây, mẹ đã mãn nguyện lắm rồi. Hiện tại mẹ phải đi. Hôm nay là ngày mà mẹ con phải vĩnh biệt. Thầy hãy tự bảo trọng’. Vui vẻ, mẹ tôi bỏ đi thẳng không quay ngó lại.’

(Hám Sơn Đại Sư Tự Truyện – Thích Hằng Đạt dịch)

Về sau, ngài làm bài thơ:

MẸ CON

Tình mẹ con, nam châm hút sắt

Diệu thiên nhiên, gốc tự vuông tròn

Thấy lại mẹ, lửa từ gỗ phát

Gỗ cháy rồi, lửa lại hoàn không.

Tử sinh, sinh tử chẳng sờn

Ra từ gái đá cội nguồn thân ta.

MẪU TỬ

Mẫu tử chi tình, từ thạch dẫn thiết.

Thiên nhiên diệu tính, bản tự viên thành.

Ngã kiến ngã mẫu, như mộc xuất hoả.

Mộc dĩ bị phần, hoả nguyên vô ngã.

Sinh nhi bất luyến, tử nhược bất tri.

Thuỷ kiến ngã thân, thị thạch nữ nhi.

Tình cảm là một thứ tự nhiên của đời sống, là “diệu thiên nhiên”. Người Mẹ Lớn hay Mẹ Phật là người mẹ khởi tình thương con trong tánh Biết. Với tình thương đó, bà đã đón người con mà bà biết rõ là “từ hư không”, từ huyễn trở về. Tất cả đến từ huyễn và trở về huyễn. Bà biết rõ như vậy. Nên khi chia tay thì “vui vẻ, mẹ tôi bỏ đi thẳng không quay ngó lại”. Đó là “gỗ cháy rồi, lửa lại thành không.” Đó là vô sanh, là gái đá sinh con, là “đã chuẩn bị hành trang” như trong lời nói sau cùng của bà với ngài Hám Sơn.

Viết đến đây, tôi liên tưởng đến người mẹ của đức Phật là Hoàng hậu Maha Maya, một người mẹ có nguyện lớn “thà sinh một con mà phát tâm Bồ Ðề, hiện thế xuất gia, chứng được Nhất Thiết Trí, còn hơn sinh nhiều con mà không phát tâm Bồ Ðề.”

Hoàng hâu Maha Maya, một người mẹ có nguyện lớn “thà sinh một con mà phát tâm Bồ Ðề, hiện thế xuất gia, chứng được Nhất Thiết Trí, còn hơn sinh nhiều con mà không phát tâm Bồ Ðề.”

Theo Kinh Ðại Phương Tiện Phật Báo Ân, vào thời quá khứ xa xưa có một người nữ, do một nguyên nhân không tốt ở tiền kiếp đã sinh ra làm con của một con nai cái. Nhưng cũng nhờ những nguyên nhân tốt đẹp khác, cô gái do nai sinh ra có một tướng mạo đoan chính, tính tình bao dung từ thiện. Cô gái được một vị tiên thờ lửa nuôi lớn, và vì do nai sinh nên được gọi là Lộc Nữ.

Khi Lộc Nữ được 14 tuổi, người cha rất thương và được giao cho công việc giữ lửa. Một hôm vì vô ý, cô đã để lửa tắt. Người cha ra ngoài trở về thấy thế, phạt cô phải sang động của vị tiên bên cạnh, ở sườn núi phía Bắc, để xin lửa.

Vì tạo nhân trong sạch nhiều đời, sau mỗi bước chân của Lộc Nữ đều mọc lên một đóa sen. Vị tiên phía Bắc thấy vậy, yêu cầu Lộc Nữ đi bảy vòng quanh động của ông thì ông mới cho lửa. Và bảy vòng hoa sen trang nghiêm, đẹp đẽ mọc lên.

Khi đó, vua nước Ba La Nại cùng quần thần vào rừng săn bắn. Nhà vua thấy bảy vòng hoa sen quanh động vị tiên, sanh lòng hoan hỉ, ca tụng đức hạnh của vị tiên. Vị tiên nói với nhà vua về nguyên nhân của bảy vòng hoa sen, nhà vua vui mừng qua động phía Nam, ngỏ lời xin kết hôn cùng Lộc Nữ.

Về hoàng cung được một thời gian thì Lộc Nữ có thai. Nhưng đến ngày sinh, nàng chỉ sinh ra một đóa hoa sen. Nhà vua rất giận, cho là yêu tinh, sai liệng bỏ hoa sen và giáng chức phu nhân.

Sau đó mấy ngày, nhà vua cùng quần thần vào hậu viên để du ngoạn. Tình cờ nhà vua nhìn thấy trong ao sen có một đóa sen hồng tỏa ra ánh sáng mầu nhiệm. Vua sai người xuống ao xem. Hoa có năm trăm cánh, dưới mỗi cánh hoa có một em bé, mặt mày khôi ngô tuấn tú.

Khi nghe kẻ hầu tâu lại, nhà vua kinh ngạc hỏi: “Có thực quả như vậy chăng? Hoa sen ấy có phải do Lộc Mẫu sinh ra chăng?” Các người theo hầu đều bảo rằng hoa sen do Lộc Mẫu sinh ra được đem chôn ở đó.

Nhà vua ăn năn, đem hoa sen và năm trăm hoàng tử về hoàng cung, và phục chức cho Lộc Mẫu. Các hoàng tử được Lộc Mẫu chia cho các phu nhân khác của vua đồng đều nuôi dưỡng.

Khi năm trăm hoàng tử đến tuổi trưởng thành, một hôm cùng nhau du ngoạn đến ngồi trên bờ một ao sen. Nhìn thấy hình dung của mình ảnh hiện trong nước, các hoàng tử cùng bảo với nhau:

“Tất cả các pháp, chẳng khác nào trò huyễn thuật, như hoa đốm trên không, như cảnh tượng trông thấy trong giấc chiêm bao, như bóng hình dưới đáy nước, thể tính vốn không phải là chân thực, lũ chúng ta ngày nay cũng lại như thế. Tuy là chúng ta ở địa vị tôn quí cao sang, sống trong hoàng cung hưởng dụng bao nhiêu dục lạc, trẻ trung đẹp đẽ, rốt cuộc cũng không thể nào giữ được lâu. Vạn vật có thành tất phải có hoại, người ta rồi cũng phải chết, trẻ khỏe không được bao lâu, mà già nua sẽ tới, ăn uống không tiết độ tất nhiên bệnh hoạn sẽ phát sinh, dù cho sống lâu đến trăm tuổi, rồi cũng phải chết.”

Các hoàng tử lòng sinh không vui, trở về hoàng cung, cùng nhau thưa với cha mẹ:

“Thưa cha mẹ! Thế giới đều là khổ, không có gì đáng vui, nay xin cha mẹ cho chúng con được xuất gia.”

Nhà vua và hoàng hậu thấy không thể ngăn cản các hoàng tử nên cho họ xuất gia, ra ở hậu viên để tu hành.

Sau khi xuất gia, các hoàng tử đều chứng quả Bích Chi Phật. Chứng quả xong, các vị hoàng tử vì cha mẹ, hiện các thứ thần biến, rồi nhập Niết Bàn.

Hoàng hậu thâu các thân cốt, xây năm trăm tháp, ngày ngày thắp hương, trỗi nhạc để cúng dường. Hoàng hậu buồn lòng tự nhủ: “Ta tuy sinh năm trăm hoàng tử mà không có một người nào phát tâm Bồ Ðề.”. Bà lập thệ nguyện:

“Ta cúng dường năm trăm Phật Bích Chi, gồm xây năm trăm tháp, cúng dường xá lợi, công đức xin hồi hướng cho tất cả chúng sanh, khiến ta đời sau, thà sinh một con mà phát tâm Bồ Ðề, hiện thế xuất gia, chứng được Nhất Thiết Trí, còn hơn sinh nhiều con mà không phát tâm Bồ Ðề.”

Lộc Mẫu là tiền thân của Ðức Maha Maya. Lời nguyện lớn của Bà là nhơn duyên khiến bà đời đời làm Mẹ của Phật. Nền tảng của Phật Giáo Ðại Thừa là Bồ Ðề Tâm. Bồ Ðề Tâm là tâm vì chúng sanh. Ðức Phật đã xuất gia tìm Ðạo vì Ngài muốn tìm đường diệt khổ cho chúng sanh.

Ni trưởng MA HA BA XÀ BA ĐỀ (Mahaprajapati – Mahapajapati) – Di mẫu của Phật, người phụ nữ đầu tiên xuất gia và thành lập ni đoàn

Ngoài ra còn có những Bà Mẹ Lớn khác như Tì Kheo Ni Maha Pajapathi (Ma ha Ba Xà Ba Ðề), người đã vì “hết thảy phụ nữ” mà cầu xin xuất gia. Bà tâm sự về việc cầu đạo:

“Ta vì hết thảy phụ nữ, ba lần thỉnh cầu Ðức Như Lai cho được xuất gia, tu học Phật Pháp, mà Phật không thuận. Vì không được như nguyện, lòng ta buồn tủi, giận cho thân phận nữ nhân, bất giác lệ tràn mí mắt ta mới bước ra khỏi Kỳ Hoàn tịnh xá.”

Bà đã “vì hết thảy phụ nữ” mà không quản ngại bao nhiêu khó khăn quyết cầu xuất gia. Đó cũng là một Bà Mẹ Lớn, Bà Mẹ Phật.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. PHIM TÀI LIỆU KHOA HỌC BBC VỀ CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT THÍCH CA
  2. VUI THAY PHẬT RA ĐỜI
  3. ĐẠI BỒ TÁT ĐẢN SANH

Bài viết khác của tác giả

  1. PHẬT GIÁO VIỆT NAM VỚI TUỔI TRẺ
  2. CÚNG HOA
  3. THÔNG ĐIỆP ĐẦU TIÊN

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ