NHÂN QUẢ ĐỂ TẠO DỰNG MỘT ĐỜI SỐNG HẠNH PHÚC

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Trích: Đời Sống Hoan Hỷ; NXB Thiện Tri Thức.

 

Kinh nói, “Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.

Người thiện lành thông minh sợ tạo ra những nhân xấu vì sẽ hưởng những quả xấu, và biết tạo ra những nhân tốt để lợi mình lợi người. Còn không sợ quả là khi quả xấu đã đến do đã tạo ra những nhân xấu ở trong những đời trước mà những hành động tốt trong đời này không đủ để chuyển hóa toàn bộ chúng thì phải thản nhiên chịu nhận thôi. Cách cải thiện duy nhất cuộc đời mình là từ nay chỉ tạo những hành động tốt, những nhân tốt.

Cho nên cuộc đời chúng ta hạnh phúc khi chúng ta có những hành động tốt là nhân để tạo ra hạnh phúc. Nếu khổ đau, không như ý thì chúng ta phải tìm và sửa lại những nhân đã tạo ra khổ đau, không như ý đó bằng những nhân ngược với chúng. Như thế, cuộc đời này là những cơ hội trước mắt để tạo ra hạnh phúc. Chính nhờ định luật nhân quả này mà người ta có thể cải thiện cuộc đời mình, tiến đến chỗ đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn, nghĩa là đến chỗ hạnh phúc hơn, bằng cách tạo ra những nhân đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn.

Người ta tạo ra những nhân tốt hay xấu trong từng giây phút một bằng vốn tài sản thân khẩu ý của mình. Trước một sự cố, phản ứng người ta có thể tốt hoặc xấu, có thể tích cực hoặc tiêu cực. Chẳng hạn, trước một sự cố trái ý mình, thay vì tức giận và làm sự việc thêm rắc rối theo chiều hướng tiêu cực, thì với một tâm an nhẫn, chúng ta giải quyết sự việc theo chiều hướng tích cực lợi mình lợi người. Trước một sự việc, chúng ta có một phản ứng tích cực thay vì tiêu cực, đó là một hành động tốt. Tất cả những hành động tốt con người có thể làm được đều được nói đến trong Bồ-tát hạnh. Bồ-tát hạnh gắn liền sự tích tập phước đức và tích tập trí huệ với nhau.

Đời sống này được tạo bằng những phản ứng, những tương tác của thân khẩu ý của những cá nhân. Nếu chúng ta phản ứng theo chiều hướng tiêu cực do tham, giận, si, kiêu mạn, đố kỵ… chúng ta đã làm cho đời sống nhiễm độc. Kết quả là khổ đau, bất như ý từ cá nhân, gia đình, đến xã hội. Trái lại, phản ứng theo chiều hướng tích cực, nghĩa là phản ứng theo trí huệ và từ bi, dần dần chúng ta sẽ biến đổi thế giới này thành vàng ròng: Tất cả thế giới được trang nghiêm bằng vàng ròng của trí huệ và từ bi.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. VỀ NHÂN QUẢ

Bài viết khác của tác giả

  1. TU QUÁN
  2. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
  3. KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH