TRÁCH NHIỆM VÀ CHIẾN BINH NHÂN TỪ

BRIAN KLEMMER

Trích: Tinh Thần Samurai Trong Thế Giới Phẳng; Tác Giả: Brian Klemmer; NXB Trẻ 2012

“Ai cũng có thể thất bại rất nhiều lần, nhưng họ sẽ không thực sự thất bại cho đến khi họ bắt đầu đổ lỗi cho người khác”. – Khuyết danh

Có một quan điểm mà hầu hết mọi người không muốn chấp nhận, đó là tất cả mọi điều chúng ta có, không có và sẽ có trong cuộc đời là do chính chúng ta lựa chọn. Song đây chính xác là cách nhìn của chiến binh nhân từ. Họ tin rằng vị trí mà họ đang đứng hôm nay có liên quan trực tiếp đến những lựa chọn trước đây của họ. Còn những người bình thường lại mang lập trường của một nạn nhân, nghĩa là họ luôn ở trạng thái bị động.

Tôi nhớ đến câu chuyện cũ về một người công nhân xây dựng thường mang theo thức ăn trưa trong chiếc hộp kim loại màu đen. Mỗi bữa, khi mở hộp ra, anh ấy lại than phiền về món bánh phết bơ đậu phộng mang theo. Hành động đó cứ lặp đi lặp lại hết ngày này qua ngày khác. Đến cuối tuần, một đồng nghiệp quá mệt mỏi với sự cằn nhằn ấy đã hỏi rằng: “Sao cậu không bảo vợ cậu làm món bánh kẹp thịt bò hoặc cá ngừ đi?”.

Anh ta đáp: “Vợ à? Tôi đâu có vợ. Tôi tự làm bữa trưa đấy chứ”. Chuyện nghe thật buồn cười nhưng không hiếm gặp. Người bình thường tự tạo ra tình huống cho mình và không ngừng ca than về điều đó. Vậy thì hãy đặt niềm tin trên cơ sở rằng mọi thứ bạn có, không có hoặc sẽ có đều là kết quả từ sự lựa chọn của bạn.

Sau đây là lợi ích của việc nhìn nhận cuộc sống theo hướng đó:

1. Nâng cao độ trải nghiệm và cảm nhận của bạn, ngay cả khi hoàn cảnh của bạn không thay đổi.
2. Bạn sẽ có cơ hội đạt được những kết quả khác biệt.
3. Giúp bạn luôn ở thế chủ động.

Đó là lựa chọn của bạn

Mỗi thời khắc là một sự lựa chọn. Bạn phải lựa chọn và mỗi chọn lựa sẽ mang lại một kết quả tương ứng – cả những điều được và mất. Hãy hiểu rằng mỗi giây phút trôi qua đều mang đến cho chúng ta những cơ hội để thay đổi trải nghiệm của mình. Hãy thử nói: “Tôi buộc phải đi làm”, bạn cảm thấy thế nào? Một cảm giác uể oải, chán nản. Vậy bạn thay đổi cách diễn đạt đi. Hãy nói: “Tôi chọn đi làm”. Bạn có nhận ra sự khác biệt không? Có phải bạn cảm thấy sung sức và lạc quan hơn không?

Cùng một hành động nhưng việc lựa chọn quan điểm khác nhau sẽ thay đổi trải nghiệm của chúng ta.Đây là lợi ích lớn nhất của quyền tự do lựa chọn bởi vì chúng ta đang tạo ra trải nghiệm cho chính mình, thay vì đặt mình vào vị trí nạn nhân. Chịu trách nhiệm cá nhân có nghĩa là đồng ý với quan điểm cho rằng chúng ta chính là tác nhân tạo ra trải nghiệm của bản thân thông qua những lựa chọn mà chúng ta quyết định thực hiện. Bạn cũng sẽ trở thành một chiến binh nhân từ khi bạn chọn quan điểm rằng chính bạn sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả mọi việc trong cuộc sống.

Bạn phải chịu trách nhiệm về mọi mối quan hệ của mình trong cuộc sống.

Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn.Khoản tiền bạn kiếm được hàng tuần, hàng tháng, hàng năm thực sự có liên quan trực tiếp đến những lựa chọn của bạn, và cá nhân bạn chịu trách nhiệm cho thu nhập của mình. Tôi thường nghe mọi người phàn nàn về công việc của mình, nhưng họ vẫn tiếp tục làm công việc đó suốt nhiều năm, thậm chí đến tận lúc nghỉ hưu. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng đó là thực tế cuộc sống. Chất lượng đời sống hôn nhân, quan hệ với con cái, với cha mẹ, với họ hàng, và ngay cả  tình trạng độc thân hay kết hôn đều là kết quả trực tiếp của những lựa chọn mà bạn đã thực hiện.

Con người thường kêu ca về một người nào đó hết năm này sang năm khác và khăng khăng cho rằng bản thân họ không góp phần tạo ra thực tế đó.Họ quên rằng chính họ đã quyết định hẹn hò với người ấy và không tìm hiểu kỹ mọi điều trước khi bước vào một cam kết lâu dài. Họ không nhận ra tác động của thái độ hay sự thiếu vị tha của chính mình đã góp phần tạo ra “phản ứng khó coi” của người bạn đời. Tại sao lại có người chấp nhận sống trong tình cảnh bế tắc? Trước hết là bởi người bình thường không tin rằng mình còn có một lựa chọn khác.

Mọi người tin rằng họ phải nhận lấy bất cứ điều gì cuộc sống mang đến cho họ. Nếu bạn tin rằng mình đáng được hưởng mức lương cao hơn và bạn có thể lý giải yêu cầu của mình, vậy thì hãy mạnh dạn đề nghị tăng lương. Tuy nhiên, rất nhiều người chỉ biết than phiền mà không bao giờ hành động. Nếu bạn yêu cầu tăng lương và bị từ chối, điều đó không có nghĩa rằng bạn không xứng đáng với khoản tiền mà bạn yêu cầu. Nó chỉ có nghĩa là người chủ công ty không nhìn thấy giá trị của bạn theo cách bạn nhìn nhận. Giải pháp đơn giản là tìm một công ty biết công nhận giá trị của bạn, hoăc tự mở công ty riêng.

Nhiều người do quá lo sợ sẽ không tìm được một công việc nào khác nên quyết định chọn sự an toàn và tự lừa dối bản thân rằng phía trước họ không có lựa chọn nào khác. Nếu tiếp tục lưu lại nơi mà bạn không được trả lương xứng đáng hoặc không được đánh giá đúng năng lực thì đó là lựa chọn của bạn. Có thể, khi đọc đến đây, bạn sẽ nghĩ tác giả này chẳng biết tí gì về vợ mình, hoặc ông này không biết sếp mình thật sự là một gã khó chịu đến mức nào đâu. Hãy nghe đây, tôi chỉ đang muốn nói với bạn rằng những điều này thực ra không quan trọng lắm.

Hành động của những người xung quanh thật ra không quan trọng lắm đâu, mà chính cách chúng ta phản ứng với những hành động đó mới thực sự là điều đáng bận tâm. Liệu bạn có sẵn sàng tiếp tục sống trong điều kiện đó hay không? Tất cả tùy thuộc ở bạn.Như một con tàu đã giông buồm ra khơi, bạn sẽ không bận tâm gió đang thổi theo hướng nào, hoặc dòng nước đang chảy theo hướng nào.Điều quan trọng lúc này là với những điều kiện đó, bạn sẽ điều chỉnh cánh buồm hoặc bánh lái như thế nào.

Tôi biết bạn đang liên tưởng đến tất cả những bi kịch đã xảy ra với mình và cho rằng cuộc sống thật không công bằng, rằng bạn không đáng bị như vậy. Rõ ràng là bạn đang gặp không ít vấn đề trong cuộc sống. Bạn cho rằng các chiến binh nhân từ không phải đối diện với các vấn đề của cuộc sống hay sao? Bất kỳ chiến binh nào cũng có một danh sách như vậy. Bạn sống càng lâu, danh sách này sẽ càng dài. Ngay khi vừa được sinh ra, bạn đã gặp nhiều thử thách – bạn sẽ được nuôi dưỡng thế nào, ai sẽ chơi với bạn, ai sẽ ru bạn ngủ? Khi lớn lên, bạn phải xử lý những vấn đề khác. Bạn bắt đầu đi học và bị bắt nạt hoặc bị đặt cho một cái tên xấu.

Rồi bạn đến tuổi thiếu niên và trải qua giai đoạn dậy thì. Các nội tiết tố gây ra sự thay đổi tâm sinh lý và bạn chẳng biết điều gì đang xảy ra với cơ thể mình. Những đứa bạn trai, bạn gái mà bạn từng ghét cay ghét đắng bỗng trở thành những thiên thần xinh xắn trong mắt bạn. Thể hiện sự xuất sắc và vẻ đẹp bề ngoài giờ đây trở thành mối quan tâm lớn bởi vì bạn muốn tương xứng với họ. Rồi bạn bước vào đại học và phải học hành chăm chỉ hơn bao giờ hết. Bạn nghĩ rằng ông giáo sư hoàn toàn mất trí khi bắt các bạn phải đọc 15 quyển sách, mỗi quyển dày 800 trang trong một học kỳ. Rồi kỳ thi đến và vấn đề nghiêm trọng là bạn chưa học xong. Bạn vẫn kiên trì và cuối cùng đã tốt nghiệp. Bạn cảm thấy thật tự hào khi nhận bằng tốt nghiệp. Nhưng sau ba tháng cố gắng tìm việc, bạn bắt đầu thất vọng. Bạn có bằng cấp nhưng không kiếm được việc làm. Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi những khoản vay từ thời sinh viên của bạn đến hạn thanh toán.

Cuối cùng, bạn cũng tìm được việc làm. Giờ đây bạn nghĩ rằng không còn vấn đề gì nữa, đúng không? Hãy nghĩ kỹ lại đi. Bạn cần tìm được một người đồng hành phù hợp cho cuộc đời mình. Điều đó quả là khó khăn trong một thế giới quá rộng lớn, có quá nhiều sự lựa chọn. Bạn phát hiện ra người trong mộng của mình…và giấc mơ đẹp của bạn biến thành cơn ác mộng. Rồi bạn buộc phải xem xét lại mong muốn của mình. Đừng quên lũ trẻ mà bạn phải nuôi dưỡng và chu cấp bao gồm cả học phí đại học và đám cưới của chúng. Rồi chúng cũng lớn lên và rời khỏi nhà. Và bạn lại sẵn sàng bắt đầu cuộc sống của mình…

Bạn không bao giờ mất đi quyền lựa chọn trong cuộc sống.

Nhưng giờ đây bạn đã già và mắc bệnh viêm khớp và bạn muốn tìm hiểu xem những người lớn tuổi xử lý các vấn đề này như thế nào. Rồi bạn lìa xa thế giới này. Các rắc rối của bạn cũng không còn nữa! Có đúng vậy không nhỉ? Có thể chúng mới chỉ thực sự bắt đầu.

Tôi vừa dẫn bạn qua một hành trình giả định về toàn bộ cuộc đời bạn để bạn thấy rằng các vấn đề là luôn tồn tại ở mọi cấp độ. Lần duy nhất chúng biến mất là khi bạn chết đi. Tuy nhiên, tùy vào niềm tin tôn giáo của bạn, ngay cả khi bạn rời khỏi thế gian này, có thể bạn vẫn còn có những vấn đề khác ở nơi mà bạn sẽ đến.

Các vấn đề không phải là điều xấu. Ngược lại, chúng có thể giúp chúng ta trưởng thành, trở nên những người xuất sắc và kích hoạt quyền năng lựa chọn của chúng ta. Chúng ta không bao giờ mất đi quyền lựa chọn trong cuộc sống.

Bạn có thể thấy ngay cả khi bạn không tìm thấy một phương án khác thì cũng không có nghĩa là bạn không có phương án để lựa chọn. Khả năng tìm ra được các phương án để lựa chọn sẽ mang lại cho bạn một trải nghiệm khác biệt so với việc không nhìn thấy bất kỳ lựa chọn nào,ngay cả khi tất cả các phương án đều xấu.

Bạn đã bao giờ nghe nói đến Viktor Frankl, một bác sĩ thần kinh và tâm lý người Áo đã sống sót sau thời kỳ Đức Quốc Xã? Ông đã chứng kiến gần như tất cả mọi sự hung tàn đối với nhân loại. Và ông vẫn sống. Cha mẹ ông đều chết trong các trại tập trung, thậm chí vợ ông cũng bị giết. Frankl đã chứng kiến nhiều người chết đói, tranh giành nhau một mẩu bánh mì, hoặc làm bất cứ điều gì để có thể tồn tại trên đời. Ông đã chứng kiến những người cùng phòng giam bị tra tấn dã man và nhìn thấy nhiều người bị giết hại. Người thân duy nhất sống sót của ông là em gái và cô đã di cư sang Úc. Hầu hết mọi người thường buông xuôi sau khi trải qua những cuộc tra tấn bạo tàn như vậy, nhưng Frankl quyết tâm khám phá ý nghĩa của những hình thức tồn tại khác nhau, thậm chí dưới những hình thức hèn hạ nhất.

Nhờ quyết định đó mà ông viết nên tác phẩm nổi tiếng Man’s Search For Meaning (Đi tìm lẽ sống) ghi lại trình tự cuộc đời ông trong các trại tập trung, cũng như cách ông sử dụng sức mạnh tinh thần và điều chỉnh trọng tâm để tồn tại. Trong những điều kiện tệ hại nhất, Frankl vẫn luôn tâm niệm rằng sự lựa chọn chính là động lực thúc đẩy giúp ông sống sót. Ông tin rằng sức mạnh của sự lựa chọn có thể giúp con người sống sót, thậm chí trong những thời khắc khó khăn nhất.

Chúng tôi, những người sống trong trại tập trung, có thể nhớ đến những người đã đi ngang qua các dãy nhà tạm để động viên những người khác,chia sẻ với họ mẩu bánh cuối cùng. Có thể chỉ là vài cá nhân đơn lẻ, nhưng điều đó cũng đủ để chứng minh rằng con người có thể bị tước đoạt tất cả mọi thứ, trừ một điều: sự tự do – tự do lựa chọn thái độ sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, và tự do lựa chọn hướng đi cho mình.

Chất lượng cuộc sống của bạn là kết quả sự lựa chọn của bạn. Và tất cả đều liên quan đến trách nhiệm cá nhân đối với hành động của chính mình.Nó cũng liên quan đến cách phản ứng của bạn trước hành động của người khác.

Lựa chọn và tự do

Đây là một ý tưởng mới lạ: Tất cả mọi người đều có quyền tự do. Thế những người sống dưới chế độ độc tài thì sao? Họ cũng có quyền tự do. Tại sao ư? Bởi vì đó là khả năng lựa chọn và tất cả loài người đều có quyền này, ngay cả trong những tình huống chúng ta không thể tưởng tượng ra được, như Viktor Frankl đã mô tả. Tuy nhiên, kết quả của sự lựa chọn ấy có thể hoàn toàn khác biệt với những tình huống thông thường. Ngay cả khi tất cả mọi người đều có quyền tự do thì cũng rất ít người biết sử dụng cái quyền đó.

Tự do là khả năng làm những điều bạn muốn, đi đến nơi bạn muốn. Quan trọng nhất là khả năng trở thành con người như bạn muốn.

Chiến binh nhân từ chủ động tìm kiếm các lựa chọn, giải pháp và ý nghĩa cuộc sống, thay vì ngồi chờ chúng xuất hiện. Họ luôn gia tăng quyền tự do cho họ và người khác. Họ không bao giờ thoái lui trước những lựa chọn khó khăn, đơn giản vì họ không thích những kết quả tầm thường.

Tôi tin rằng trong tất cả những món quà mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta, món quà lớn nhất chính là sự lựa chọn. Nó cũng là một công cụ vô cùng hữu dụng nếu được sử dụng một cách khéo léo. Nó chứa đựng loại quyền năng có thể mang lại cho chúng ta lợi thế của người chiến thắng trong mọi tình huống. Nó là khả năng tạo ra tự do. Điều này nghe giống như một triết lý phi thưc tế, nhưng không phải. Điều bạn lựa chọn ngay lúc này sẽ quyết định những gì mà bạn sẽ nhận được vào ngày mai.

Bạn có thể trở thành một người bình thường và đổ lỗi cho người khác về những điều xảy ra hay không xảy ra với bạn. Hoặc bạn cũng có thể trở thành một chiến binh nhân từ và hưởng thụ tự do của mình ngay cả trong những tình huống khốc liệt nhất, tạo ra một cuộc sống tự do cho cả bản thân và những người khác.

Nếu tự do tuyệt vời như thế, tại sao lại không có thêm nhiều chiến binh nhân từ khác lựa chọn tự do? Câu trả lời là mọi thứ đều có cái giá của nó. Tất cả mọi lợi ích đều có phí tổn tương ứng hoặc một điều gì đó mà bạn phải đánh đổi. Sẽ có cái giá cho việc thừa nhận rằng bạn có sự lựa chọn. Thực hiện lựa chọn sẽ kèm theo những phí tổn nhất định, và việc lựa chọn các phương án dễ dàng hơn cũng như vậy. Chúng tôi được dạy phải luôn lựa chọn sự đúng đắn mang tính gian nan chứ không phải sự sai sót dễ dàng. Họ dạy chúng tôi trở thành những chiến binh nhân từ, nhưng chúng tôi sẽ để dành điều đó cho phần sau.

Nếu hèn nhát không dám đưa ra lựa chọn, chúng ta sẽ mất tự do

Frankl từng đề nghị xây tượng “Nữ thần Trách nhiệm” ở Bờ Tây cho cân xứng với tượng “Nữ thần Tự do” ở Bờ Đông nước Mỹ. Có lẽ ông muốn nói rằng quyền tự do đòi hỏi chúng ta phải có những quyết định đúng. Nếu chúng ta không dám lựa chọn nghĩa là chúng ta đã đánh mất tự do của mình. Như vậy, chúng ta đã chọn những lợi ích ngắn hạn hiển nhiên với chi phí dài hạn không mấy rõ ràng, thay vì chọn chi phí ngắn hạn rõ ràng cho các lợi ích dài hạn tiềm năng. Người có phẩm chất của một chiến binh nhân từ sẽ chọn cách thứ hai.

Frankl từng đề nghị xây tượng “Nữ thần Trách nhiệm” ở Bờ Tây cho cân xứng với tượng “Nữ thần Tự do” ở Bờ Đông nước Mỹ bởi vì quyền tự do bị loại bỏ, đôi khi vĩnh viễn, là hậu quả của hành vi thiếu trách nhiệm.

Hãy nghĩ đến những người đã kiếm được những khoản tiền khổng lồ trong các vụ bê bối Enron, Tyco và cả Arthur Andersen mà không hề quan tâm đến việc hàng ngàn người bị mất các khoản tiết kiệm hưu trí do hành vi của họ gây ra, chưa kể đến thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh chịu hoặc việc mất lòng tin đối với giới kinh doanh. Những vụ như thế này thực ra không mới mẻ trong lịch sử của các quốc gia và những gia đình có được sự sung túc dễ dàng. Một giá trị khác cao hơn sẽ được xác lập, khi lợi ích đó được tạo ra bởi năng lực thực sự của mỗi cá nhân.

Đối với chiến binh nhân từ, sự bất tiện trước mắt không quan trọng nếu những lợi ích dài hạn tỏ ra vượt trội. Các chiến binh đã trải qua sự đau đớn thể xác tột độ, đặc biệt khi bị thương trong cuộc chiến. Tuy nhiên, sự đau đớn khi vi phạm những nguyên tắc của chiến binh còn tồi tệ hơn thế nhiều. Vào thời kỳ lập quốc của nước Mỹ, 56 con người dũng cảm đã đặt bút ký vào bản Tuyên ngôn Độc lập. Ký vào tài liệu này, họ biết rằng họ đã đặt gia đình, tài sản và cuộc sống của mình trước sự nguy hiểm để đổi lấy cơ hội theo đuổi tự do cho chính họ và những người khác. Không nghi ngờ gì nữa, họ chính là những chiến binh nhân từ. Nhờ hành vi dũng cảm của họ mà giờ đây nhân dân Mỹ được hưởng tự do. Ban có thể băn khoăn không biết họ có phải trả một cái giá nào đó hay không. Câu trả lời chắc chắn là có!

Năm người bị người Anh bắt với tội mưu phản và bị tra tấn đến chết.
Mười hai người bị lục soát và đốt nhà.
Hai người có con trai mất khi phục vụ trong quân đội; một người có hai con trai bị bắt.
Chín người chiến đấu và chết do bị thương trong cuộc nội chiến.

Đó chỉ là một danh sách rút gọn của những cái giá đắt mà họ phải trả. Chiến binh nhân từ không phải là một vai diễn miễn phí. Những phí tổn đi kèm là rất lớn. Chúng ta đã nhận được tự do, nhưng giờ đây chúng ta phải tái tạo giá trị của nó, nếu không thế hệ mai sau sẽ để mất. Hãy nhớ rằng sự phấn khích có thể tạo ra động lực ban đầu, nhưng chỉ có tính cách mới trường tồn.

“Sự lựa chọn không còn năm giữa bạo lực hay phí bạo lực mà là phí bạo lực hoặc không tồn tại.” – Martin Luther King, Jr., trích diễn văn “Giấc mơ Mỹ”, 1961.

Tự do quý hơn vàng bạc châu báu và phải có kỷ luật nhiều hơn mới có thể giành lấy và duy trì. Trong quyển The Burden of Freedom (Gánh nặng của tự do), tiến sĩ Myles Munroe xem sự thiếu trách nhiệm là kẻ thù lớn nhất của tự do. Ông nói: “Bạn tồn tại ở vị trí hiện nay bởi vì trong tiềm thức của mình, bạn đã chọn như thế”. Điều đó có nghĩa là nhiều lựa chọn của chúng ta được thực hiện ở cấp độ tiềm thức. Munroe viết về sự thiếu trách nhiệm như sau:

Từ thiếu trách nhiệm cũng mang nghĩa “thiếu lương tâm” hoặc “không thể” hoặc “không muốn nghe theo lương tâm”. Chính lương tâm của nhân loại cho phép chúng ta phân biệt giữa đúng và sai. Khi lối sống thiếu trách nhiệm được phép tồn tại phổ biến thì tiếng nói của lương tâm bị lấn át. Nhiều người đã làm những chuyện không thể tin được, nhưng họ chẳng mảy may cảm thấy tội lỗi hoặc hối tiếc sau hành vi đó. Người ta bắn giết lẫn nhau. Chồng đánh vợ. Loạn luân. Lương tâm đã chết ở hầu hết mọi xã hội trên thế giới bởi chúng ta đang thừa hưởng thói vô trách nhiệm.

Nếu những điều Munroe nói là sự thật thì chúng ta có thể trực tiếp liên hệ tự do với trách nhiệm, và giam cầm với thiếu trách nhiệm. Chẳng phải các tù nhân đã hành xử thiếu trách nhiệm nên họ mới mất tự do hay sao? Nếu bạn chạy xe ngang qua trường học với tốc độ 150km/giờ, bạn sẽ bị tước giấy phép lái xe.

Quyền tự do bị loại bỏ, đôi khi vĩnh viễn, là hậu quả của hành vi thiếu trách nhiệm. Vậy thì cách duy nhất để duy trì quyền tự do trong mọi lãnh vực của cuộc sống là con người phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với mọi hành động của bản thân. Điều đó có nghĩa là bạn và tôi phải trở thành những chiến binh nhân từ thực thụ. Cần nhận thức rằng không phải tất cả những lựa chọn, lợi ích và phí tổn đều quá lớn. Mọi người thực hiện những lựa chọn hàng ngày. Thách thức đến từ hai tình huống kép:

Khi lựa chọn kém mang lại lợi ích trước mắt, còn phí tổn lâu dài bị che khuất.
Khi lựa chọn đúng có phí tổn rõ ràng, còn lợi ích lâu dài bị che khuất.

Trong các buổi hội thảo của chúng tôi về nghệ thuật lãnh đạo, chúng tôi thường giúp những người tham gia nhận ra các lãnh vực mà họ nghĩ rằng họ không có lựa chọn. Chúng tôi giúp họ nhận ra rằng những lựa chọn đang thực sự tồn tại. Điều này vô cùng khó khăn bởi vì họ phải gạt bỏ mọi lợi ích mà họ nhận được khi giả vờ rằng họ không có bất kỳ phương án nào khác, hoặc khi giả định vai trò của mình là nạn nhân. Hãy xem xét một số lợi ích từ vai trò của nạn nhân:

Giúp bạn khỏi phải hành động

Mọi người thương xót và chăm sóc bạn – và điều đó làm bạn cảm thấy vui vẻ vì được mọi người quan tâm.
Bạn không bao giờ phải ra những quyết định khó khăn.
Bạn không cảm thấy nghĩa vụ phải làm nên một điều gì đó vĩ đại trong cuộc sống; “sự việc diễn ra” chịu trách nhiệm cho cuộc sống hiện nay của bạn.
Bạn có thể thoải mái tin rằng những thất bại của bạn trực tiếp gắn liền với những điều mà người khác gây ra cho bạn,và bạn có thể đổ lỗi cho họ.

Nhiều người thích vai trò nạn nhân vì những lợi ích nêu trên. Khi sống theo cách này, họ không bao giờ cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm cá nhân cho bất cứ điều gì. Hãy xem trường hợp của Oprah Winfrey, người từng bị chính các thành viên trong gia đình lạm dụng thời thơ ấu. Lẽ ra bà có thể dễ dàng chọn lựa con đường giống như vô số người khác cũng trải qua tình cảnh tương tự.

Nhưng bà đã sử dụng điều đó làm động lực thúc đẩy sự nghiệp của mình – giúp đỡ người khác. Bạn có nghĩ rằng do bà đã chọn cách chống lại sự cưỡng bức nên bà không coi nó là điều đáng sợ? Một số người nghĩ vậy. Họ tin rằng nếu bà không thổ lộ nỗi đau của mình cho cả thế giới nghe thì bà đã để cho những kẻ cưỡng bức kia thoát tội. Nhưng điều này không chỉ liên quan đến công lý, mà liên quan đến những người sẵn sàng sống hết mình. Một tên tội phạm cưỡng bức không thể sống một cuộc sống với trọn vẹn khả năng của mình, bởi nếu làm được có lẽ hắn đã không phạm tội như thế.

Ngày nay, là chủ sở hữu của một kênh truyền hình lớn, Oprah có vị thế rất tốt để vạch mặt tất cả những tên lạm dụng trẻ em ở Mỹ. Nếu chấp nhận vai trò một nạn nhân, có lẽ bà đã thu hẹp ảnh hưởng và quyền lực của mình trong việc giúp đỡ hàng triệu người khác đạt được tự do. Việc không chọn vai nạn nhân không chỉ có ích cho bạn, mà còn liên quan đến những người bạn có sứ mệnh phải giải phóng. Tuy vậy, một số người vẫn thích nhận vai trò nạn nhân bởi nó mang lại cho họ những lợi ích trước mắt.

Ben Carson, một bác sĩ giải phẫu thần kinh lừng danh, đã trở thành giám đốc khoa giải phẫu thần kinh nhi ở Bệnh viện Johns Hopkins khi mới 33 tuổi. Ông nổi tiếng với kỹ thuật mổ tách các cặp song sinh dính liền, một kỳ tích mà nhiều đồng nghiệp không làm được. Nhưng cuộc sống của ông không phải bắt đầu từ những thành công.

Ông sinh ra ở Detroit, sống với người mẹ đơn thân. Bà kết hôn ở tuổi 13, nhưng khi Carson được tám tuổi, cha mẹ ông đã ly hôn. Mẹ ông cùng lúc phải làm nhiều công việc để cố gắng mang lại một cuộc sống sung túc cho con trai mình. Mặc dù chưa học hết lớp Hai nhưng bà muốn hai anh em Ben và Curtis được học hành đầy đủ hơn. Ben bị các bạn cùng trường chế nhạo, bị gọi là “Thằng Ngốc” khi ông không trả lời được các câu hỏi trong lớp. Mỗi khi bị trêu ghẹo, ông giận dữ đến không kiềm chế được. Ở tuổi thiếu niên, Ben suýt giết chết một cậu bé vì không kiểm soát nổi cơn thịnh nộ. Khoảnh khắc này đã tạo ra bước ngoặt.

Thay vì trở thành một người tầm thường, ông quyết định tự học để vượt lên tất cả sự chế nhạo của bạn bè. Ben đã làm cho các bạn cùng lớp đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với khả năng phi thường trong việc nắm bắt các kiến thức khoa học. Cuối cùng, ông tốt nghiệp Đại học Yale ngành tâm lý và nhận bằng y khoa ở Đại học Michigan. Bác sĩ Carson lẽ ra đã có thể chấp nhận vai trò của một nạn nhân và hưởng thụ những lợi ích mà nó mang lại. May mắn là ông đã nhận ra điều mà những chiến binh thực thụ cảm nhận: Sẽ không có lợi ích bất biến, trường tồn nào có thể cải thiện cuộc sống nếu bạn chấp nhận vai trò nạn nhân.

Tôi không phải là vấn đề của bạn!

Không ai trên đời này là vấn đề của bạn cả. Bạn có thể nói rằng: “Ba mẹ tôi không có ở đó để giúp tôi” hoặc “Cha tôi nói chuyện với tôi như thể tôi là đồ bỏ đi”. Có thể như vậy thật, nhưng họ không phải là vấn đề của bạn. Cấp trên, giáo sư, người tuyển dụng, đồng nghiệp, và thậm chí con cái bạn cũng không phải là vấn đề của bạn. Họ là những con người, chứ không phải là vấn đề. Khó khăn duy nhất trong cuộc sống là điều mà bạn gọi là khó khăn. Có một cách khác để tiếp cận khái niệm này: vấn đề chỉ tồn tại khi bạn chưa giải quyết chúng.

Tôi đã nghe thấy nhiều bà mẹ đổ lỗi rằng do có con quá sớm nên họ không thể học cao hơn hoặc tiếp tục theo đuổi sự nghiệp. Họ biến con cái thành vấn đề, còn gia đình chính là sự biện hộ để họ không phải vươn lên. Thật tức cười khi nhiều người quyết định biến một số điều nào đó thành vấn đề, trong khi những người khác lại biến chính những điều ấy thành lợi thế cho mình.

Sonya, mẹ của Ben Carson, là minh chứng hùng hồn của ý chí và tinh thần trách nhiệm. Bà không được học hành đầy đủ, nhưng bà đảm bảo rằng các con mình sẽ có điều đó. Sonya đã bắt hai anh em Ben và Curtis đọc sách rồi viết bài đánh giá, mỗi tuần hai quyển, và nộp lại để bà xem. Chỉ sau đó chúng mới được phép đi chơi. Bà không thể đánh giá liệu những bài viết ấy có đúng hay không. Nhưng không thành vấn đề. Bà biết con cái không phải là vấn đề. Cha Carson cũng không phải là vấn đề của bà hoặc của các con bà. Lẽ ra họ có thể dễ dàng đem người đàn ông ấy ra để biện hộ cho mình. Nhưng làm thế liệu có ích gì?

Hãy nhớ rằng không ai là vấn đề của bạn. Bạn phải chịu trách nhiệm với mọi thứ. Bạn phải là người kiểm soát mọi thứ. Chỉ có mình bạn, ngoài ra không còn ai khác.

Đây không phải là trò chơi đổ lỗi

Trong tất cả các trò chơi, đổ lỗi hẳn là sự phí phạm thời gian lớn nhất bởi bạn không hề giải quyết được vấn đề. Trước mắt, bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn, nhưng thực sự bạn chẳng thay đổi được điều gì! Nhiều năm trước, trong vở hài kịch của mình, Bill Cosby đã giễu cợt những đứa trẻ là con một và tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà chúng phải đối mặt bởi vì chúng không có anh chị em để mà đổ lỗi!

Đổ lỗi không phải là thói quen lành mạnh. Nhờ kinh nghiệm chăm sóc con, tôi biết rằng việc đổ lỗi cho anh chị em sẽ làm suy giảm khả năng của trẻ trong việc dám chịu trách nhiệm về hành động của mình. Đáng ngạc nhiên là việc đổ lỗi bắt đầu từ rất sớm. Ví dụ, khi thấy vết sữa trên sàn nhà và cha mẹ hỏi: “Ai làm đổ sữa thế?”, đứa bé sẽ chỉ ngay vào người khác. Trẻ chỉ cần biết rằng mình phải làm cho cha mẹ hài lòng. Dù người mà đứa trẻ chỉ không phải là người gây ra chuyện, nhưng đứa trẻ vẫn giải tỏa áp lực bằng cách đưa ra một câu trả lời thiếu trung thực.

Một cách giải quyết áp lực khác là nhận thức rằng chịu trách nhiệm và đổ lỗi không có gì liên quan với nhau. Chịu trách nhiệm cá nhân là thừa nhận những lựa chọn mà chúng ta đã thực hiện. Và hành động đó không giống với đổ lỗi. Chiến binh nhân từ hiểu rõ điều đó, do vậy họ không quan tâm và cũng không dành thời gian để đổ lỗi. Chiến binh nhân từ tách biệt lỗi và sự đổ lỗi, do đó họ sẵn sàng nhận trách nhiệm cá nhân trong tất cả mọi việc.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỪNG CHO NHỮNG GÌ BẠN MUỐN, HÃY TẶNG NHỮNG GÌ NGƯỜI KHÁC CẦN
  2. TÔN TRỌNG TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI GIAO THIỆP VỚI BẠN
  3. SỰ TRUNG THỰC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP