TÌM RA CHỐN THIÊNG LIÊNG CỦA TA TRONG TỰ NHIÊN

LAMA SURYA DAS

Trích "Đánh Thức Phật Tâm"; Thái An dịch; NXB Hồng Đức, 2014

Trong mối quan hệ với trái đất, chúng ta đã là những kẻ tự kỉ hàng thế kỉ. Chỉ bây giờ ta mới bắt đầu lắng nghe với một chút chú tâm, một sự sẵn lòng đáp lại những đòi hỏi của trái đất để dừng sự tấn công ở quy mô công nghiệp của chúng ta, để từ bỏ cơn điên bên trong chống lại những điều kiện cho sự tồn tại trên trái đất của chúng ta, để làm mới lại sự tham dự của con người vào đại lễ của vũ trụ.
__ Thomas Berry

Tự nhiên đưa ra vô số các bằng chứng cho thấy chúng ta sống trong một vũ trụ nhân-quả. Trồng vài cây hoa vào mùa thu, bạn sẽ thấy khi những bông hoa đẹp đẽ khiến ta mỉm cười cũng là lúc mùa xuân đến. Đổ hóa chất xuống một dòng suối hoặc con sông, bạn sẽ thấy đời sống dưới sông chết đi, nước và đất trồng gần đó bị ô nhiễm. Khi chúng ta bắt đầu làm sạch dòng nước ô nhiễm nguy hiểm, cá bắt đầu trở lại – nhưng kể cả vậy, chúng vẫn là chất độc nguy hiểm nếu con người ăn vào. Mọi thứ đều có hậu quả; nhận thức được điều này, chúng ta quán sát thấy nghiệp mở ra.

Nhiều người chúng ta sống cả đời trong những bối cảnh mà hàng ngày không nhận thức được những gì ta đang làm với hành tinh mình đang sống. Vài năm trước, tôi nghe câu chuyện về một cậu bé tám tuổi ở New York tên là Johnny, cậu tham gia cùng đội hướng đạo sinh đi cắm trại cuối tuần ở dãy núi Adirondacks. Khi Johnny trở về, cha cậu hỏi cậu mọi chuyện thế nào.

“Tuyệt vời!” Johnny đáp. “Tụi con phát hiện trong rừng có một cái tổ của bò sữa”.

“Tổ của bò sữa?” Cha cậu kinh ngạc và bối rối. “Nhưng bò sữa đâu có tổ”.

“À”, Johnny nói, “tụi con đi trong rừng, đến chỗ đó thì thấy một đống lớn vỏ chai sữa vỡ cũ nát”.

Sống trong một thế giới với đủ kiểu chất liệu tổng hợp như ta đang sống, sẽ dễ trở nên hiểu sai về nhân quả giống như cậu bé Johnny. Chúng ta quên rằng ai cũng phải phụ thuộc vào trái đất để có thức ăn và nước sạch. Ta mở ngăn đá tủ lạnh, lấy ra những bịch nylon, bỏ những bịch ấy vào trong lò vi sóng. Thông điệp ngầm ta đang nhận được, đó là thức ăn đến từ tủ lạnh, bọc trong bịch nylon.

Vì ta cảm thấy bị tước mất sự tiếp xúc trực tiếp với nguồn cung cấp thực phẩm, nên phải dựa vào người khác để chăm lo cho bản thân. Chúng ta cho rằng các nhà khoa học và “những người chịu trách nhiệm” sẽ có trách nhiệm về các vấn đề như giữ cho thực phẩm và nguồn nước được an toàn. Nhưng rõ ràng, chúng ta cũng biết rằng các doanh nghiệp lớn đặt nhiều giá trị vào các quan tâm tài chính hơn là vào các vấn đề có tác động đến sức khỏe nhân loại; những cân nhắc đạo đức đơn giản là bị lãng quên. Hết lần này đến lần khác, ta đã thấy khoa học thường lơ là ra sao trước những điều căn bản về trí tuệ tâm linh, bằng cách không muốn có cái nhìn rộng hay nhận thức về bức tranh tổng thể. Người ta cho là “ngày mai” sẽ giải quyết các vấn đề chúng ta đang tạo ra ngày hôm nay.

Gần đây, tôi đọc một bài báo trên tờ Thời báo New York, bàn về một số lý do tại sao cá hồi tự nhiên đang biến mất trên thế giới. Các nguyên nhân có thể có thì nhiều: đánh bắt quá mức, thay đổi khí hậu và nhiệt độ nước, sự suy yếu do di truyền. Nhiều người tin rằng, cá hồi nuôi đang tạo ra nhiều vấn đề vì những lý do khác nhau. Một số thoát khỏi các trại nuôi và đi vào sông, và do chúng yếu hơn, nhỏ hơn so với loại cá hồi tự nhiên, nên về di truyền, chúng đang tạo ra một loài yếu hơn. Một lý lẽ khác liên quan: khi cá hồi nuôi được quây lại trong các khu hẹp, bệnh tật và ký sinh sẽ lan tràn, tấn công và tiêu diệt lũ cá. Những ký sinh sinh sôi nảy nở này sau đó có thể lan sang cá hồi tự nhiên. Dù vì lý do gì, sự biến mất của cá hồi tự nhiên đưa ra một ví dụ thú vị về các vấn đề nhân-quả mà các nhà khoa học đã không lường trước rằng sẽ trở nên trầm trọng khi cá hồi bắt đầu được nuôi.

Có hàng ngàn ví dụ như trên. Khoa học có dự báo chính xác căn bệnh bị gây ra bởi bụi phóng xạ không? Sự hành hạ những con vật vô tội nhân danh khoa học có thật sự cần thiết không? Đôi lúc, tất cả những gì đang thu được chỉ là một loại mỹ phẩm? Liệu có ai đã dự báo đầy đủ những chủng vi khuẩn mới, mạnh hơn, xuất hiện do kết quả của việc sử dụng kháng sinh? Liệu có ai lo ngại về tính chất độc hại của loại thuốc xịt đã được sử dụng trong thành phố để diệt muỗi; rằng thuốc xịt không chỉ diệt muỗi, nó còn giết chết những con bướm chúa đang bắt đầu chu kỳ di cư hằng năm của chúng.

Từ những khu rừng nhiệt đới đang thu hẹp đến chất thải phóng xạ, hiển nhiên người ta có thể phân tích những điều trên, chỉ ra những ví dụ bi thảm về tác động hủy hoại của con người lên hành tinh này. Tất nhiên, xét cho cùng, sự hủy hoại này dội lại lên tất cả chúng ta, tác động lên hình thái khí hậu toàn cầu và chính không khí ta đang hít thở, chưa nói tới những điều khác. Chúng ta biết rằng, trong những bệnh tật, từ hen suyễn đến ung thư, có hàm chứa những yếu tố môi trường. Ta nhận thức được tác động mà thuốc trừ sâu gây ra cho sức khỏe con cái chúng ta. Tại sao chúng ta lại không ứng xử phù hợp?

Ngay cả trong thời Đức Phật tại thế, ngài đã rất có ý thức về các vấn đề sinh thái. Ngài nói với các tu sĩ rằng mỗi năm, họ nên trồng ít nhất một cây để thay thế những cây đã mất do con người sử dụng. Ngài cũng đặt ra một giới luật, theo đó các tu sĩ của ngài không được làm ô uế sông suối. Đức Phật có một sự kết nối đặc biệt với cây cối. Ngài được sinh ra dưới một gốc cây khi mẹ ngài đang nắm lấy một cành của nó; ngài trở nên giác ngộ dưới một cái cây; và ngài nhập diệt dưới một cái cây. Nếu Đức Phật ngày nay có xuất hiện tại Bồ đề Đạo tràng gần cây bồ đề nơi ngài giác ngộ, ngài sẽ không nhận ra nơi ấy. Hồi ngài tại thế, đó là một vùng hoang dã cây cối xanh tươi, đầy sự sống. Ngày nay, rừng ở nơi ấy đã bị phá hủy, phần lớn khu vực này giờ là một sa mạc khô cằn.

“Chúng ta cư ngụ trên một nền tảng chung”. Nghĩa là, tất cả chúng ta – tất cả các dân tộc và tất cả những sinh vật, dù lớn hay nhỏ. Là những người cư ngụ trên trái đất, ta có một nghĩa vụ tâm linh, một nghĩa vụ thiêng liêng, đó là phải cố gắng trở thành những người quản gia tốt hơn của hành tinh mà ta gọi là nhà. Đây là một nghĩa vụ mà chúng ta nên chu toàn để có một thế giới an toàn hơn, được giữ gìn cẩn thận. Bất kỳ khi nào không để ý tới những gì ta đang làm với trái đất, chúng ta cũng đang tạo ra hiểm họa cho chính mình. Chúng ta sẽ chịu hậu quả từ sự thờ ơ, thiếu tôn trọng của mình; con cái, cháu chắt của chúng ta cũng thế. Trái đất là nhà của chúng ta. Nó thuộc về tất cả chúng ta. Người Mỹ bản địa nói rằng: “Trái đất là mẹ ta”. Ngay lúc này, Mẹ trái đất cần sự giúp đỡ của chúng ta. Sự phụng sự không vị kỷ chính là bổn phận chúng ta có thể thực thi vì một thế giới tốt đẹp hơn, một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Phật giáo nói nhiều về sự nhận thức thực tại và cách nó vận hành. Một trong những lãnh vực chủ yếu mà chúng ta đều cần có chút tỉnh táo hơn, có ý thức hơn, đó là làm thế nào xử lý mối quan hệ của mình với thế giới tự nhiên. Không phải lúc nào chúng ta cũng có ý thức về các vấn đề sinh thái như mình muốn; chẳng mấy người có thể. Chúng ta hãy cố gắng chuyên cần hơn trong chuyện này. Khi trở nên có ý thức hơn, đưa ra những quyết định thông minh hơn, chúng ta sẽ thấy rõ hơn những hành vi cẩu thả của mình có tác động ra sao lên cái toàn thể. Người Mỹ bản địa có một mối quan hệ mật thiết với đất đai, biết rằng nếu ta chạm vào bất kỳ phần nào của mạng lưới vũ trụ, toàn bộ mạng lưới sẽ rung chuyển.

?YÊU THƯƠNG CÁC SINH VẬT?

“… chúng ta đã trở nên kiêu ngạo bởi một niềm tin sai lầm rằng con người có quyền chi phối chim trên trời và cá dưới nước. Từ ‘quyền chi phối’ (dominion) thật ra là cách dịch của từ Do Thái ‘quản lý’ (stewardship)”.
_ Jane Goodall

Thế giới tự nhiên tạo ra vô số các cơ hội thực hành lòng trắc ẩn và sự quan tâm của Bồ tát. Có một câu chuyện rất hay, được kể ở Tây Tạng về một lạt ma già, mỗi ngày đều đến ngồi thiền trên một tảng đá lớn gần một ao nước tĩnh lặng. Tuy nhiên, mỗi khi ông vừa bắt chéo chân, yên vị, bắt đầu phần cầu nguyện của mình thì phát hiện một con côn trùng nhỏ đang vật lộn trong nước. Hết lần này đến lần khác, ông nhấc tấm thân gầy gò, ốm yếu của mình, nhẹ nhàng bắt con côn trùng trong tay, đưa nó lên chỗ an toàn và ở một cái cây gần đó. Giây phút ông ngồi xuống để bắt đầu lại, chuyện tương tự lại xảy ra.

Các tu sĩ đồng đạo của ông, cũng hàng ngày tới ngồi thiền một mình ở vùng nông thôn Tây Tạng đầy đá, đã để ý điều ông đang làm. Một số họ trở nên khá âu lo. Làm sao vị lạt ma già có thể hành thiền được nếu tất cả thời gian ông dành cho việc cứu lũ côn trùng từ một cái ao nước? Là những Phật tử của Phật giáo Tây Tạng, họ cũng nhận thức được trí huệ trong việc cứu vớt đời sống của mọi chúng sinh, dù nhỏ bé cỡ nào. Dẫu vậy, một số người tự hỏi vị tăng già có nên ngừng ngồi thiền bên cái ao và chuyển tới đâu đó khác, nơi sẽ ít xao nhãng hơn chăng?

Một ngày, cuối cùng nhiều người trong số họ cũng đến chỗ ông để đưa ý kiến và lời khuyên. Một người hỏi. “Chẳng phải sẽ tốt hơn nếu ông có thể hành thiền mà không bị làm xao nhãng? Khi ấy, ông mới đạt được giác ngộ hoàn toàn nhanh hơn, sẽ có khả năng giải thoát mọi chúng sinh khỏi đại dương của sự tồn tại bị trói buộc”.

“Nếu ông muốn hành thiền bên hồ”, người khác gợi ý, “sao không nhắm mắt?”

Một trong những vị tăng trẻ nhất hỏi: “Làm sao ông có thể hy vọng có được sự an tĩnh hoàn toàn, phát triển định lực sâu xa như kim cương nếu cả ngày ông cứ đứng lên ngồi xuống?”

Vị lạt ma già thông thái yên lặng lắng nghe. Cuối cùng, ông cúi mình và nói: “Tôi chắc rằng mình sẽ hành thiền sâu hơn, hiệu quả hơn nếu ngồi bất động cả ngày, giống như các bạn nói. Nhưng làm sao một kẻ già nua vô dụng như tôi, người đã nguyện hết lần này đến lần khác sẽ dâng hiến cả đời này, và tất cả các kiếp sống, để phụng sự và giải thoát mọi chúng sinh, lại có thể cứ ngồi nhắm mắt, cầu nguyện và trì thần chú vị tha của đấng Đại từ bi, trong khi ngay trước chính mắt mình những chúng sinh vô vọng đang chết đuối?”

Trước câu hỏi đơn giản, khiêm nhường ấy, không ai trong các vị tăng kia tìm được câu trả lời.

Khi mở rộng đôi mắt và nhìn xung quanh, ta thấy nhiều sinh vật của hành tinh đang chịu khổ và cần tới sự chú ý của chúng ta. Một số người với trái tim đa cảm sẽ đặc biệt nhạy bén với đau khổ của những con vật yếu đuối. Nhiều người đóng góp thời gian, tiền bạc cho các tổ chức cố gắng bảo tồn môi trường sống tự nhiên. Giúp đỡ những loài vật không thể tự giúp mình, đó là một cách đã đi vào truyền thống để thực hiện nhiệm vụ của một Bồ tát và để thực hành từ bi. Ở Tây Tạng, người ta nói những thực hành này sẽ tác động trở lại, ban tặng nhiều phúc lành. Các lạt ma Tây Tạng dạy rằng, việc cứu giúp các cuộc đời sẽ giúp kéo dài tuổi thọ, tăng cường sức khỏe và sinh lực của chính bạn.

Sharon Tracy, một Phật tử sống ở New York, nói rằng khoảng mười năm trước, cô trải qua một cuối tuần tại Woodstock với vị thầy tâm linh của mình; sau khi tạm biệt thầy, cô đang lái xe chở một người bạn thì phát hiện một sinh vật đáng thương đã chết bên lề đường. Do chỉ mới rời khỏi sự hiện hữu của thầy, nên cô nói mình rộng mở đón nhận trải nghiệm ấy. Đột nhiên, cô nhận biết một cảm giác đồng cảm sâu sắc cho nỗi khổ của động vật ở khắp mọi nơi. Trong một khoảnh khắc, cô biết chúng đang cảm thấy gì.

Ngày đó đánh dấu một bước ngoặt thật sự trong cuộc đời cô. Kể từ ấy, Sharon dành nhiều thời gian giúp đỡ những con vật bất lực. Sharon nói, ở phương diện nào đó, sự quan tâm này đã trở thành thực hành tâm linh của cô mặc dù nó không phải điều cô đã tính tới. Nhưng việc ấy cũng khiến cô không thể thực hiện những thứ khác mà cô muốn làm. Chẳng hạn, cô muốn có chuyến hành hương tới Nepal để tu học, nhưng không thể. Vì như cô nói, “còn có tất cả những việc khác ở đây”.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHO CON TRẺ “MỘT LIỀU THIÊN NHIÊN”
  2. KẾT NỐI VỚI THIÊN NHIÊN

Bài viết khác của tác giả

  1. NỮ THẦN TARA
  2. GIÁO PHÁP TUYỆT VỚI CỦA TỊCH THIÊN
  3. LỜI KHUYÊN CỦA GAMPOPA CHO THƯƠNG NHÂN

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH