GIÁO PHÁP TUYỆT VỚI CỦA TỊCH THIÊN

LAMA SURYA DAS

Trích: Sư Tử Tuyết Bờm Xanh-Truyện cổ dịch; Nguyễn Tường Bách dịch; NXB Hội Nhà Văn

TỊCH THIÊN là một vương tử, sống cách đây khoảng 1.200 năm tại Ấn Độ. Xứ Ấn Độ ngày xưa gồm có nhiều vương quốc nhỏ, trị vì theo cách cha truyền con nối. Vì thế, nếu có vị vương tước nào từ chối ngôi vua, theo sống độc cư, thực hành thiền định thì đó cũng là chuyện hi hữu.

Từ nhỏ, Tịch Thiên đã nằm mơ thấy nữ thần Tara hiện đến và khuyên không nên đem trí tuệ của mình áp dụng vào chuyện không đâu, đừng để cho cái chết đến mà không giác ngộ. Trong đêm trước khi Tịch Thiên được tôn vương thì Bồ tát Văn-thù, hiện thân của trí tuệ đến và nhắc nhở lại điều này. Sau đó Tịch Thiên từ ngôi, vào rừng sống như một tu sĩ và thực hành thiền định. Sau nhiều năm sống độc cư, Tịch Thiên về Đại học Nalanda ở Bihar và thề nguyện giữ hạnh Tăng sĩ tại đó. Ngài không và gần gũi sinh viên và hay rút về căn phòng của mình. Tại đó, bạn đồng học và thầy giáo khám phá ra ngài ăn mỗi ngày năm bữa cơm. Không bao lâu sau, người ta đặt tên ngài là “Busuku”, dịch nguyên nghĩa là “kẻ chỉ biết ăn, ngủ và ỉa”. Ngài còn bị đặt thêm những cái tên như “bị gạo”, vì thực tế ngài có vẻ lơ là, lười nói. Như bao nhiêu trường hợp khác, không mấy ai biết trong chàng thanh niên này đang diễn ra điều gì. Thậm chí nhiều bạn đồng học của Tịch Thiên cho rằng ngài làm hại thanh danh của viện và tìm cách đuổi chàng khỏi trường. Họ họp nhau bày ra mưu kế như sau: Trong một buổi hội thảo công khai, mỗi sinh viên phải đọc thuộc lòng một bài kinh. Trong đó chắc chắn Tịch Thiên không thuộc bài nào, thế nào ngài cũng phải bỏ trường mà đi. Mới đầu Tịch Thiên không chịu tham gia buổi hội thảo. Cuối cùng thấy không tránh khỏi, ngài chịu dự với điều kiện: Ngài phải ngồi trên một ngai chỉ dành riêng cho các vị đạo sư hay ngồi. Bạn đồng học đều ngạc nhiên trước đòi hỏi vô lý này nhưng họ nghĩ rằng như thế sau đó sẽ càng làm chàng thêm xấu hổ, nên họ đồng ý.

Tới ngày hội thảo ngài mạnh dạn đi lên ngai, ngồi xuống với dáng điệu của một vị vương tước và hỏi các vị thông thái trong hội thảo muốn nghe lại các kinh điển cũ hay một giáo pháp hoàn toàn mới. Các bạn đồng học kinh ngạc, nhưng họ đồng ý nghe cái gì mới mẻ và hy vọng như thế càng làm cho chàng sai trái hơn. Sau đó Tịch Thiên bắt đầu niệm danh hiệu của chư Phật, chư Bồ tát trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, với một giọng niệm thi vị tuyệt vời. Sau khi niệm Tịch Thiên hầu như trở thành chư Phật ba đời, ngài thuyết liên tục và văn chương tuôn ra như có âm điệu trong suốt mấy tiếng đồng hồ. Đó là tác phẩm Bồ Đề Hành Kinh vô song, còn truyền lại cho đến ngày nay. Tịch Thiên vừa giảng đến chương thứ chín, nội dung nói về tính chất vô ngã của toàn bộ sự vật thì bỗng nhiên thân ngài hầu như mất hết sức nặng và lơ lửng trên ngai. Sau một lúc thì thân ngài biến mất và hội chúng chỉ còn nghe tiếng nói, nghe âm điệu du dương và chấm dứt tác phẩm với mười chương. Tất cả mọi người bây giờ mới biết Tịch Thiên là một vị Phật và lúc này biểu lộ lòng kính trọng thì ngài đã biến mất và không còn trở lại Nalanda nữa. Bạn đồng hành của Tịch Thiên đã đạt được mục đích của mình, nhưng họ hối tiếc xiết bao. Họ tìm lại trong phòng ngài thì chỉ thấy hai cuộn kinh, hai cuộn này cũng còn lưu truyền tới ngày nay.

Ngày nay người ta xem Tịch Thiên, người như một con sư tử, là một vị đắc đạo bậc nhất của đạo Phật. Tác phẩm Bồ Đề Hành Kinh của ngài ngày nay vẫn còn được nghiên cứu và được nhiều kẻ tầm đạo trên khắp thế giới học thuộc lòng.

—–???—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NỮ THẦN TARA
  2. LỜI KHUYÊN CỦA GAMPOPA CHO THƯƠNG NHÂN
  3. NGƯỜI QUAY BÁNH XE CẦU NGUYỆN

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU