SỰ THỨC TỈNH KHÔNG NHƯ BẠN TƯỞNG TƯỢNG

ADYASHANTI

Trích: Sự Thật Về Giác Ngộ; Việt dịch: Phạm Hải Anh; NXB. Văn hóa văn nghệ, 2018

☘️☘️☘️

Theo một ý nghĩa rất thực tế, nói về những gì chúng ta mất khi thức tỉnh thì chính xác hơn là nói về những gì chúng ta được. Chúng ta không chỉ mất cái tôi – cái mà chúng ta từng ngỡ là mình – mà còn xóa sổ toàn bộ nhận thức về thế giới. Sự chia rẽ chỉ là một nhận thức; trên thực tế, khi nói về thế giới của chúng ta, không có gì ngoài nhận thức. “Thế giới của bạn” không phải là thế giới của bạn; đó chỉ là nhận thức của bạn. Vì vậy, mặc dù ban đầu nghe có vẻ tiêu cực nhưng tôi nghĩ sẽ hữu ích hơn nhiều nếu nói về sự thức tỉnh tâm linh qua những gì chúng ta mất – chúng ta thức tỉnh khỏi cái gì. Tức là nói về sự tan rã của ảo tưởng mà chúng ta có về bản thân mình và về việc rũ bỏ con người mà khi thức tỉnh, chúng ta giật mình vì đã có lúc tưởng đó là mình.

Điều đó quả thật làm ta giật mình: nó không hề giống như ta nghĩ chút nào. Tôi chưa bao giờ thấy một học viên nào trở lại nói: “Adya, thầy biết không, tôi hé nhìn qua tấm màn chia rẽ, và nó gần giống như tôi nghĩ. Gần như là những gì tôi nghe nói”. Thường thì các học viên trở lại và nói: “Nó chẳng hề giống tưởng tượng của tôi”.

Điều này đặc biệt thú vị vì nhiều người theo học với tôi đã nghiên cứu tâm linh trong nhiều năm, và họ thường có những ý tưởng rất phức tạp về sự thức tỉnh sẽ như thế nào. Khi điều đó xảy ra, nó luôn luôn khác so với mong đợi của họ. Về nhiều mặt, nó lớn lao hơn, nhưng mặt khác, nó lại đơn giản hơn. Thực ra là, nếu đúng và chân thực thì thức tỉnh phải khác với những gì chúng ta tưởng tượng được. Đó là vì mọi tưởng tượng của chúng ta về thức tỉnh đều diễn ra trong khuôn khổ của trạng thái mê. Không thể tưởng tượng ra điều gì đó bên ngoài trạng thái mê khi ý thức của chúng ta vẫn còn trong mê.

♻️ Cuộc sống của bạn thay đổi như thế nào sau khi thức tỉnh?

Với sự thức tỉnh, cách chúng ta nhận thức cuộc sống được tổ chức lại toàn bộ – hoặc ít nhất là bắt đầu tái tổ chức. Đây là do bản thân sự thức tỉnh, mặc dù đẹp đẽ, đáng kinh ngạc nhưng thường đi kèm cảm giác mất phương hướng. Mặc dù bạn chính là Chủ thể thức tỉnh, nhưng vẫn còn đó toàn bộ con người của bạn – cơ thể, trí huệ và tính cách của bạn.

Thức tỉnh thường có thể được trải nghiệm như là rất mất phương hướng ở phần con người.

Vì vậy, tôi muốn đi sâu vào quá trình xảy ra sau khi thức tỉnh. Như tôi đã nói, đối với rất ít người, khoảnh khắc thức tỉnh đã hoàn tất. Theo một nghĩa nào đó, nó đã xong và không cần quá trình tiếp tục nữa. Chúng ta có thể nói rằng những người như vậy có một nghiệp chướng vô cùng nhẹ; mặc dù họ có thể đã trải qua những đau khổ tột đỉnh trước khi thức tỉnh, nhưng ta có thể thấy họ được kế thừa phúc báu từ trước nên giờ không phải đối phó với những nghiệp chướng quá sâu. Như thế rất hiếm. Chỉ có một vài người trong cả một thế hệ mới có thể thức tỉnh theo cách không cần đi tiếp nữa.

Tôi luôn nói với mọi người thế này: đừng mong bạn là người đó. Tốt hơn là nghĩ mình giống như mọi người khác, có nghĩa là sẽ trải qua một quá trình sau khi có sự thức tỉnh ban đầu. Đây không phải là điểm kết thúc hành trình của bạn. Tôi sẽ cố gắng chỉ cho bạn một hướng đi có thể hữu ích và có phương hướng khi bạn bước vào hành trình đó. Như thầy tôi từng nói, nó tựa như đặt chân lên ngưỡng cửa. Đặt được chân vào cửa trước không có nghĩa là bạn đã bật được đèn lên; không có nghĩa là bạn đã học được cách định hướng trong thế giới khác lạ mà bạn vừa thức tỉnh.

Tôi rất vui khi cuốn sách này, dựa trên loạt các buổi pháp thoại của tôi, cho tôi cơ hội để trả lời câu hỏi về những gì xảy ra sau khi thức tỉnh. Thông tin về cuộc sống sau khi thức tỉnh thường không được công khai. Nó thường chỉ được chia sẻ giữa các thầy dạy tâm linh và học viên của họ. Vấn đề với cách tiếp cận đó là, như tôi đã nói, ngày nay rất nhiều người có những khoảnh khắc thức tỉnh mà lại có rất ít lời giảng mạch lạc cho họ. Theo nghĩa đó, cuốn sách này như lời chào mừng bước vào một thế giới mới, một trạng thái mới của nhất thể.

Ở điểm này, tôi muốn nhấn mạnh với những độc giả đang nghĩ “Ồ, tôi chưa từng có cái nhìn thoáng qua đó, tôi nghĩ rằng mình chưa thực sự thức tỉnh” và những người còn chưa chắc chắn liệu những gì mình trải nghiệm là thức tỉnh hay không, cho dù bạn đang ở đâu trên con đường này, tôi tin rằng thông tin này có liên quan với bạn. Bởi vì hóa ra những gì xảy ra sau khi thức tỉnh lại liên quan đến những gì xảy ra trước khi thức tỉnh.

Trên thực tế, tiến trình tâm linh trước và sau khi thức tỉnh không khác gì nhau. Chỉ là, sau khi thức tỉnh, quá trình này diễn ra từ một góc nhìn khác; bạn có thể hình dung nó như là tầm nhìn từ mắt chim so với tầm nhìn ở ngang mặt đất. Trước khi thức tỉnh, chúng ta không biết mình là ai. Chúng ta nghĩ rằng mình là một người riêng biệt, đơn lẻ, trong một cơ thể đặc thù, đang đi trong một thế giới khác biệt với mình. Một khi thức tỉnh xảy ra, chúng ta vẫn đang đi trong thế giới đó; nhưng chúng ta biết rằng mình không bị giới hạn cơ thể hay một cá tính cụ thể nào, và rằng chúng ta thực sự không tác rời thế giới xung quanh mình.

Cũng cần lưu ý rằng chúng ta không trở nên miễn nhiễm với nhận thức sai lầm chỉ vì ta đã có một cái nhìn thức tỉnh thoáng qua. Những bám chấp và điều kiện nhất định sẽ còn lưu lại ngay cả sau khi chúng ta có nhận thức từ chỗ nhất thể. Con đường sau khi thức tỉnh, do thế, là một con đường để giải quyết các thứ bám chấp còn lại của chúng ta – hay bạn có thể nói là những cái vướng mắc của chúng ta. Vì vậy, nó không khác nhiều so với con đường đi tới thức tỉnh, là con đường xóa bỏ những ảo tưởng nhất định mà chúng ta có, những xu hướng nhất định mà ta bám vào. Sự khác biệt là, trước khi thức tỉnh, con người ta cảm thấy nặng nề hơn, bức bí hơn, bởi vì ta chỉ nhận diện bản thân quanh quẩn trong thực trạng của mình. Sau khi thức tỉnh, chúng ta biết rằng trạng thái của thân-tâm ta không phải là cá nhân; ta biết rằng nó không quyết định ta là ai. Sự hiểu biết đó, chân lý sống đó, khiến việc tháo gỡ những ảo tưởng của ta trở nên dễ dàng hơn nhiều và đỡ sợ hẳn.

Vì vậy, có một điểm tương đồng lớn ở những gì chúng ta làm trước và sau khi thức tỉnh. Chúng ta vẫn làm việc đó nhưng từ một góc nhìn khác, trước khi thức tỉnh, chúng ta hành động theo quan điểm chia rẽ, còn sau khi thức tỉnh, chúng ta hành động từ quan điểm hợp nhất. Nhưng điều chúng ta thực sự đang làm – về phương pháp hay tiến trình – thì khá giống nhau. Bạn có thể nói rằng nó chỉ diễn ra ở các cấp độ khác nhau của tồn tại. Theo cách đó, gần như mọi thứ mà tôi bàn đến trong các chương sau có thể áp dụng được cho bạn dù bạn ở đâu trong cuộc hành trình; bạn có thể hiểu nó theo kinh nghiệm riêng của mình.

♻️ Sẵn lòng đặt câu hỏi về mọi thứ

Như tôi thường nói với các học viên của mình, tôi không đưa ra lời giảng như những tuyên bố về chân lý, bởi vì cố gắng dùng ngôn từ để gói ghém chân lý là trò chơi của kẻ ngốc. Đó là phương pháp chúng ta thường dùng trước khi thức tỉnh – chúng ta khái niệm hóa chân lý rồi tin vào khái niệm đó. Vì vậy, thay vì giảng dạy kiểu như thần học hoặc triết học, tôi trình bày giáo lý của mình như những chiến lược. Tôi đang cung cấp cho bạn các chiến lược để thức tỉnh và giúp bạn trước những gì xảy ra sau khi thức tỉnh.

Tất cả những từ ngữ mà tôi sử dụng đều như các ngón tay chỉ trăng là mặt trăng. Mặc dù có thể nghe điều đó cả trăm lần, chúng ta vẫn có khuynh hướng hiểu sai, hết lần này đến lần khác. Vì vậy, trong khi dùng rất nhiều lời, đặt ra những bối cảnh nhất định và dùng các ẩn dụ nhất định, tôi đề nghị bạn ghi nhớ rằng, tất cả những gì tôi giảng phải được đánh thức. Nó phải được trải nghiệm trong đời sống để trở thành thật. Không có gì tôi nói thay thế được thực tế hay trải nghiệm trực tiếp giúp bạn hiểu bạn thực sự là gì. Bạn cần phải sẵn sàng đặt câu hỏi về mọi thứ, dừng lại và tự hỏi mình: “Tôi có thực sự biết cái điều tôi nghĩ là mình biết, hay tôi chỉ vay mượn niềm tin và ý kiến của người khác? Tôi thực sự biết gì, tôi muốn tin hay hình dung cái gì? Tôi biết chắc chắn điều gì”.

Câu hỏi “Tôi biết chắc chắn điều gì?” vô cùng mạnh mẽ. Khi bạn nhìn sâu vào câu hỏi này, nó thực sự phá hủy thế giới của bạn. Nó hủy bỏ toàn bộ nhận thức của bạn về bản thân, và nó sinh ra để làm thế. Bạn đi tới chỗ thấy rằng mọi thứ bạn nghĩ mình biết về bản thân, về thế giới, đều dựa trên các giả định, niềm tin và quan điểm – bạn tin chúng vì bạn được dạy dỗ hoặc nghe nói rằng đó là chân lý. Ý thức sẽ còn bị cầm tù trong trạng thái mê cho đến khi chúng ta bắt đầu nhìn ra chân tướng của những nhận thức sai lầm này.

Tương tự, ngay khi chúng ta cho phép mình nhận ra “Trời ơi, tôi chẳng biết gì cả: Tôi không biết mình là ai. Tôi không biết thế giới là gì. Tôi không biết cái này hay cái kia có phải là sự thật không” thì có gì đó bên trong chúng ta đang mở ra. Khi chúng ta sẵn sàng bước vào cái không biết, hoang mang thiếu tự tin như đương nhiên phải thế, mà không chạy ngược trở lại tìm bất cứ thứ gì để che giấu hay dựa dẫm – khi chúng ta sẵn sàng đứng như thế đối mặt với một cơn gió đang ào đến và không chùn bước – chúng ta cuối cùng có thể đối mặt với bản ngã thực sự của mình.

Đào sâu vào câu hỏi “Tôi biết chắc chắn cái gì?” cũng là một công cụ vô giá khi sự thức tỉnh đã xảy ra. Tự hỏi mình câu hỏi này giúp giải phóng các giới hạn và ý tưởng, cũng nhu xu hướng bám chấp – tất cả những thứ vẫn tiếp tục sau khi thức tỉnh.

Cho dù bạn đang ở đâu trên hành trình này, việc sẵn lòng đứng lên trong nội tâm mình, đặt ra câu hỏi này và cởi mở, chân thành với những gì bạn thấy, đó là điều quan trọng nhất. Đó là xương sống mà toàn bộ sự thức tỉnh và cuộc sống bạn sau khi thức tỉnh phụ thuộc vào.

☘️☘️☘️

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỨC TỈNH MỤC ĐÍCH SỐNG
  2. KHÁM PHÁ CUỘC SỐNG SAU KHI THỨC TỈNH
  3. TỈNH GIÁC ĐỂ LÀM CHỦ KHEN CHÊ

Bài viết khác của tác giả

  1. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  2. BẢN NGÃ KHÔNG LÀ GÌ KHÁC NGOÀI TRẠNG THÁI Ý THỨC
  3. TRẠNG THÁI TỰ NHIÊN – HÀNH TRÌNH GIÁC NGỘ

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH