SUY TƯ VỀ VIỆC TU TẬP PHẬT GIÁO

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: 365 Lời Khuyên Tâm Huyết Của Đức Đạt-lai Lạt-ma; Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc; Hoàng Phong chuyển ngữ

??? 357

Đối với việc tu tập thì lúc đầu thường rất hăng say, sau đó là mong đợi kết quả sớm hiện ra với mình, sau hết thì lơ là hoặc chán ngấy. Sự kiện đó cho thấy một tầm nhìn quá thiển cận. Hy vọng đạt được kết quả nhanh chóng là một sự sai lầm, trừ phi phát động được một sức mạnh phi thường, chẳng hạn như trường hợp của vị đại du-già Milarepa/Mật-lặc-nhật-ba.

Kinh sách chẳng phải đã từng cho biết là ngay cả đối với Đức Phật thì Ngài cũng phải trải qua “ba thời gian vô tận” để đạt được sự Giác Ngộ toàn vẹn hay sao? (theo Phật giáo Theravada thì thái tử Siddharta/Tất-đạt-đa đạt được Giác Ngộ trong kiếp nhân sinh này của Ngài; theo Phật giáo Đại Thừa thì Đức Phật đã đạt được Giác Ngộ từ muôn ngàn kiếp trước, quan điểm này sẽ được trình bày chi tiết hơn trong lời khuyên 358 dưới đây). Vậy thì làm thế nào mà chúng ta có thể nghĩ rằng là mình sẽ đạt được Giác Ngộ sau vài năm ẩn cư? Điều đó cho thấy chúng ta chưa thấu triệt được giáo huấn của Đức Phật. Đôi khi người ta cứ nghĩ rằng chỉ cần lắc chiếc chuông nhỏ trong vài ba năm thì cũng đủ thành Phật, chuyện đó quả không nghiêm chỉnh chút nào cả.

??? 358

Say mê tu tập là điều rất tốt, thế nhưng cũng phải hiểu rằng Đức Phật cũng đã phải gom góp công đức và phát huy trí tuệ suốt trong ba thời gian vô tận, do vậy chúng ta cũng nên ý thức về cái khoảng thời gian không thể tính toán đó đối với mình trước khi đạt được Giác Ngộ tối thượng.

Theo Phật giáo Đại Thừa thì Đức Phật đã đạt được Giác Ngộ từ trước với một thân xác biểu trưng cho Trí Tuệ (Wisdom Body/Corps de la Sagesse, tức là Dharmakaya còn gọi là Thân Đạo Pháp hay Pháp Thân). Sau đó thì từ Thân Trí Tuệ Ngài hóa thành Thân Hiển Hiện (Manifest Body/Corps d’Apparition, tức là Nirmanakaya còn gọi là Hóa Thân, tức là “Thân Biến Hóa” hiện ra dưới nhiều thể dạng khác nhau nhằm mục đích giúp đỡ chúng sinh hữu hiệu hơn) và qua “Thân Hiển Hiện” Ngài đã lập lại toàn bộ quá trình Giác Ngộ của mình (có nghĩa là tu tập trở lại từ đầu đến cuối trong sáu năm để làm gương cho chúng ta soi. Đây là quan điểm của Phật giáo Đại Thừa, trái lại đối với Phật giáo Thervada thì trước khi đạt được Giác Ngộ thì Đức Phật cũng chỉ là thái tử Siddhartha/Tất-đạt-đa và Ngài cũng chỉ đạt được Giác Ngộ tối thượng trong kiếp nhân sinh này của Ngài mà thôi). Vậy cũng nên tự hỏi Đức Phật hành xử như thế có hợp lý hay không? Ngày nay chúng ta đang tập tễnh bước theo vết chân của Ngài thì cũng không nên quên rằng kể cả trong kiếp nhân sinh cuối cùng này của Ngài thì Ngài cũng đã phải tự mình để ra sáu năm tu tập khổ hạnh. Sự ý thức đó sẽ không cho phép chúng ta có một tầm nhìn quá thiển cận.

Các lời khuyên trên đây không khỏi khiến chúng ta liên tưởng đến câu “Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật” trong Thiền học Trung quốc hoặc câu “Niệm Phật thành Phật” của Pháp sư Tịnh Không. Nếu đúng thật như thế thì ngày nay chúng ta quả là tài giỏi hơn cả Đức Phật rồi. Trong suốt 45 năm thuyết giảng dường như Ngài chưa bao giờ nói lên là mình “thành Phật” cả. Ngài chỉ nhận mình là “Như Thế” (Tathagatha/Như Lai). Tóm lại theo lời khuyên trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma thì nếu đã bước theo vết chân của Đức Phật thì không nên chờ đợi bất cứ một kết quả nào cả, huống chi là mong cầu “thành Phật”. Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV được công nhận là hóa thân của vị tiền nhiệm lúc hai tuổi và đã phải vào chùa ngay từ thuở đó, năm ba tuổi thì được rước lên kinh đô Lhasa để nhận tước vị Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV và phải học hỏi không ngừng, mỗi ngày phải ngồi thiền từ sáu đến bảy lần. Ngày nay đã 84 tuổi nhưng Ngài cũng chỉ nhận mình là một nhà sư Phật giáo, một người tu hành khiêm tốn mà thôi.

??? 359

Tuy nhiên người ta cũng cho biết con đường Kim Cương Thừa có thể giúp người tu tập đạt được thể dạng của một vị Phật thật nhanh chóng, không cần phải loại bỏ ngay các xúc cảm tiêu cực. (các phép tu tập của Kim Cương Thừa tận dụng sức mạnh của tất cả mọi thứ xúc cảm, tích cực cũng như tiêu cực, tạo ra một năng lực phi thường giúp người tu tập thăng tiến nhanh chóng. Cũng xin mạn phép nhắc lại là đối với Phật giáo Theravada thì việc tu tập chủ yếu là tinh khiết hóa tâm thức mình bằng cách loại bỏ dần dần các xúc cảm phát sinh từ sự u mê/vô minh của mình, vì thế phép tu tập này thường đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và sức kiên trì, tương đối ít sử dụng các phương tiện “thiện xảo”).

Quả đúng là như vậy, tuy nhiên phép tu tập đó cũng dễ bị rơi vào sai lầm và lệch lạc. Người ta thường thuật lại câu chuyện sau đây về nhà sư Milarepa/Mật-lặc-nhật-ba, có một vị lạt-ma từng nói với Milarepa như sau: “Bất cứ ai thiền định theo những lời giảng dạy của ta vào ban ngày thì sẽ thành Phật lúc ban ngày, nếu vào ban đêm thì sẽ thành Phật lúc ban đêm. Thế nhưng những kẻ may mắn có sẵn nghiệp thuận lợi thì cũng chẳng cần phải thiền định gì cả” (nghiệp “thuận lợi” giúp mình “thành Phật” trong kiếp sống này là kết quả mang lại từ việc tu tập kiên trì của chính mình xuyên qua vô số các kiếp sống trước, không phải tự nhiên mà mình có thể “thành Phật” được).

Milarepa vững tin mình là một trong những người may mắn đó, vì thế cứ an nhiên nằm ngủ suốt ngày. Nếu chúng ta cứ làm những chuyện trái ngược đại loại như thế thì lúc đầu có thể là mình rất hăng say, thế nhưng sự chán nản sẽ sớm hiện ra với mình. Trái lại nếu sự nhiệt tình được tạo ra bởi sự hiểu biết đúng đắn về cách mà mình phải bước đi trên con đường thì sự nhiệt tình đó sẽ không bao giờ suy giảm. Thật hết sức quan trọng là phải hiểu được điều này.

??? 360

Tất cả các tôn giáo đều đưa ra các giới luật, tức là các quy tắc đạo đức phải tuân thủ, nhằm mục đích nêu cao phẩm giá con người. Tuy vậy đối với Phật giáo cũng có một số người không quan tâm đúng mức đến các khía cạnh đạo đức đó mà nhất thiết chỉ nghĩ đến việc luyện tập thiền định với hy vọng tạo ra cho mình các khả năng kỳ diệu. Thế nhưng sau một thời gian khi nhận thấy chẳng có gì kỳ diệu xảy ra với mình thì họ sẽ không sao tránh khỏi thất vọng.

??? 361

Mục đích trong việc tu tập không phải là để đạt được một sức mạnh kỳ diệu nào cả mà chỉ nhằm biến cải con người của mình. Vấn đề chủ yếu là chúng ta chưa sẵn sàng hy sinh một phần cuộc sống của mình để tu tập. Chúng ta đều hiểu rằng chư Phật đã phải cần đến những thời gian vô tận, thế nhưng chúng ta thì chỉ cố gắng được vài ba năm là đã rút lui. Vì thế, theo tôi con đường Đại Thừa thật hết sức cần thiết để mang lại cho mình sự kiên nhẫn (quyết tâm của người Bồ-tát theo quan điểm của Đại Thừa là sẽ lưu lại trong thế giới luân hồi để giúp đỡ chung sinh cho đến khi nào tất cả đều được giải thoát. Người tu tập theo Phât giáo Tây Tạng mong cầu đạt được giác ngộ không phải là để tìm một sự thụ hưởng nào cả, mà là để tái sinh trong những điều kiện tốt đẹp và thuận lợi hơn hầu tiếp tục sứ mạng của mình. Chính vì vậy mà Phật giáo Tây Tạng rất quan tâm đến các thể dạng “hóa sinh” của các nhà sư cao thâm, và trên thực tế thì hiện tượng này cũng thường thấy xảy ra tại Tây Tạng).

Khi nào đã đạt được một sự hiểu biết khả dĩ đầy đủ về con đường Đại Thừa và cảm thấy mình ngày càng mong muốn bước theo con đường Kim Cương Thừa thì mới nên thực hiện niềm ước vọng đó của mình, và khi đó dù phải để ra ba thời gian vô tận thì cũng sẽ không phải là một trở ngại (Phật giáo Tây Tạng xem Kim Cương Thừa là một thừa riêng biệt). Với nghị lực đó chúng ta sẽ có thể tu tập theo Kim Cương Thừa dễ dàng hơn và có nhiều may mắn thành công hơn, hầu mang lại cho mình một sự tĩnh lặng tâm thần và một sự quán thấy sâu xa (xin lưu ý câu này không nói gì đến việc tu tập theo Kim Cương Thừa là để “thành Phật” ngay trong kiếp sống này).

??? 362

Trái lại nếu chưa tạo được cho mình một căn bản vững chắc mà cứ hấp tấp bước ngay vào con đường Kim Cương Thừa thì sẽ dễ rơi vào quan điểm sai lầm cho rằng mình sẽ đạt được thể dạng của một vị Phật dễ dàng, như người ta thường nói là chỉ cần “một thân xác và một kiếp sống duy nhất” là cũng đủ. Hoặc cũng có thể nghĩ rằng chỉ cần đồng hóa vị thần linh ảo giác tạo ra bởi phép thiền định quán tưởng với vị sáng tạo ra vũ trụ và đặt hết lòng tin vào vị này thì vị này tất sẽ ban cho mình các khả năng kỳ diệu, chẳng hạn như sống lâu, giàu sang, và vô số những thứ khác nữa. Đấy là cách mà người ta không hề quan tâm đến chủ đích chính yếu trong giáo huấn Phật giáo là giải thoát mình ra khỏi sự kiềm tỏa của các độc tố tâm thần, mà chỉ loanh quanh bám vào những điều thứ yếu.

??? 363

Một số người không hướng hết lòng tin vào giáo huấn của Đức Phật mà chỉ chú tâm vào việc tìm hiểu. Một số khác thì tin tưởng vào giáo huấn của Đức Phật nhưng lại chỉ quan tâm đến việc nghiên cứu và học hỏi về mặt trí thức, vì thế họ cũng chỉ đạt được một sự hiểu biết đơn thuần lý thuyết. Trong khi đó thì mục đích duy nhất của giáo huấn Phật giáo là giúp chúng ta biến cải con người của mình, nhưng tuyệt nhiên không phải là để mang lại thêm cho mình một sự hiểu biết mới mẻ nào cả (giáo huấn Phật giáo rất thực tiễn, là một phương pháp thực hành giúp người tu tập cải thiện tâm thức và cả con người của mình, và ở một cấp bậc tối thượng là giải thoát mình ra khỏi thế giới đầy biến động và khổ đau này. Thế nhưng phần đông chúng ta thì lại cứ thích nghiên cứu, tìm hiểu, thán phục và ca ngợi giáo huấn đó mà không hề nghĩ đến là phải quay nhìn vào bên trong chính mình để trông thấy các độc tố đang chi phối thân xác và tâm thức mình để hóa giải chúng. Phóng tâm ra bên ngoài cũng chỉ là một cách biểu lộ cái tôi của mình mà thôi. Thật vậy không phải là một sự ngạc nhiên khi trông thấy sự lạm phát về sách báo Phật giáo ngày nay, các “tác phẩm” đó phần lớn cũng chỉ là để phô trương sự “uyên bác” và trau chuốt “cái tôi” của mình, không có gì là thiết thực cả).

Sau khi tiếp nhận được giáo huấn ấy nhưng lại không mang ra thực hành bằng phương pháp thiền định (lúc hành thiền là lúc thực hành giáo huấn của Đức Phật, đó là lúc mà mình phát huy trí tuệ và trực tiếp sử dụng trí tuệ đó để biến cải chính mình), thì giáo huấn ấy cũng chẳng ích lợi gì cả, mà biết đâu còn có thể biến mình trở thành một “nguời tu tập chán ngấy”, tức là có một số kiến thức về giáo huấn Phật giáo, có thể ba hoa về Phật giáo, nhưng hoàn toàn không nếm được một chút “hưong vị” nào toát ra từ giáo huấn ấy, chẳng qua vì người này không đủ sức chuyển hóa giáo huấn ấy trở thành các kinh nghiệm sống thực của riêng mình.

Trái lại nếu biết áp dụng giáo huấn ấy vào bên trong chính mình, thì mình sẽ khám phá ra “hương vị” đích thật của nó, và mọi sự chán ngấy nếu có sẽ tan biến hết. Tóm lại là phải hội nhập thật sâu kín giáo huấn ấy vào bên trong tâm thức mình. Sự hiểu biết và thực hành phải luôn đi đôi với nhau là như vậy.

??? 364

Riêng đối với những ai muốn chọn cho mình một cuộc sống suy tư và tham dự các khóa ẩn cư dài hạn, chẳng hạn như các khóa biệt tu ba năm theo truyền thống tại Tây Tạng, thì phải được chuẩn bị cẩn thận từ trước qua các khóa học sơ khởi gọi là “khai mở”, vì nếu không được luyện tập đầy đủ thì sau này khi tự giam mình giữa bốn bức tường thì chẳng khác gì như bị nhốt trong tù. Trong thời gian biệt tu và trong những lúc thiền định, nếu chỉ biết tụng niệm các câu man-tra (các câu thần chú) nhưng không thật sự tập trung được sự suy tư của mình hướng vào bất cứ một điều gì, thì khóa biệt tu cũng sẽ chẳng mang lại cho mình một chút ích lợi nào cả. Trước khi biệt tu mình là một con người bình dị, sau khi chấm dứt thì cũng chẳng có gì thay đổi cả. Tệ hơn nữa, biết đâu mình cũng có thể sẽ trở nên kiêu hãnh hơn vì nghĩ rằng mình đã vượt qua được sự thử thách của một khóa biệt tu ba năm, và xứng đáng với tước vị “lạt-ma” mà mình được trạo tặng. Biệt tu như thế nào có ích lợi gì? (“Biệt tu ba năm” là một cách nói ngắn gọn, bởi vì trên thực tế khóa tu này kéo dài đúng ba năm, ba tháng và ba ngày).

Trái lại, nếu được chuẩn bị cẩn thận qua các khóa “khai mở” và sau đó chuyên cần luyện tập các phép tu “chủ yếu” và căn bản trước khi bắt đầu biệt tu, thì khi chấm dứt nhất định mình sẽ đạt được một khả năng suy nghĩ, nói năng và hành động với một phong cách khác hẳn. Ít nhất chúng ta cũng sẽ trở thành những con người kỷ cương hơn. Được như vậy chẳng phải là đã đủ hay sao? (không nên chờ đợi những kết quả kỳ diệu hay phi thường).

Nếu nhớ không lầm thì cách nay nhiều năm trên đài truyền hình Pháp có trình chiếu một buổi lễ chấm dứt một khóa biệt tu ba năm tại Pháp. Những người thân và bạn hữu vừa mừng vừa tủi đứng đón ở sân chùa. Họ vụt mừng rỡ khi trông thấy những người thân xa cách đã ba năm vụt hiện ra với họ. Những người vừa chấm dứt khóa biệt tu đó bước ra sân chùa thật thanh thản và thư thái. Trong số những người đi đón có một người hỏi con mình như sau: “Con cảm thấy thế nào trong lúc biệt tu?”, người này trả lời rằng: “Con đã trở thành một con người khác hẳn, con sẵn sàng tham dự một khóa biệt tu khác”.

Đức Đạt-lai Lạ-ma nêu lên một trong các phép tu tập gay go nhất của Phật giáo Tây Tạng trước khi chấm dứt những lời khuyên trong quyển sách này. Thế nhưng ngày nay phần đông chúng ta không mấy người có thể hội đủ các cơ duyên thuận lợi để tham dự một khóa biệt tu như vậy. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể tự mình “biệt tu” thật sâu kín bên trong chính mình bằng cách mượn tình thương yêu, lòng từ bi, sự rộng lượng và một nội tâm cởi mở để dựng lên bốn bức tường, tương tư như một cái kén thật kín giúp một con ấu trùng hóa thành một con bướm. Bốn bức tường đó tuy vô hình nhưng rất kiên cố có thể che chở mình, không những trong ba năm mà xuyên qua cả ba thời gian vô tận.

??? 365

Nếu các bạn ước mong xả thân vì các công trình nhân đạo thì rất tốt, thế nhưng phải hiểu rằng, là người Phật giáo thì các bạn phải tự hỏi xem quyết tâm đó có hoàn toàn tinh khiết hay không. Dầu sao đi nữa cũng nên hiểu rằng nếu các công trình đó không được kèm thêm tình thương yêu và lòng từ bi thì tự chúng sẽ không mang một chút ý nghĩa nào của một sự dấn thân Phật giáo, và về phần mình thì cũng phải nương tựa (tức là quy y)(1) nơi Đức Phật (sự giúp đỡ của Phật giáo không phải chỉ là một sự trợ giúp vật chất mà còn phải kèm theo cả lòng thương cảm vá xót xa của mình, và luôn mong cầu người được giúp đỡ thoát khỏi những khổ đau của họ, đồng thời hồi hướng tất cả công đức của mình cho họ).

Chính vì vậy các bạn cũng nên dành ra một phần thời giờ trong cuộc sống của mình để ẩn cư, đó là cách tạo cho mình một dịp thuận lợi để phát tâm quy y và thiền định về vô thường và khổ đau, v.v. (tham dự các khóa ẩn cư là dịp giúp mình đến gần với Tăng đoàn, đó là dịp thuận lợi để mình cụ thể hóa những điều nguyện ước của mình qua nghi lễ quy y. Ẩn cư cũng là dịp giúp mình chiêm nghiệm sâu xa về vô thường và khổ đau, giúp mình biết để ngửa đôi bàn tay của mình, và quy y nơi Phật là cách nối dài thêm đôi bàn tay của mình bằng đôi bàn tay của chính Đức Phật).

(1) Quy y là một trong các phép luyện tập căn bản của Phật giáo. Điều đó có nghĩa là xem Đức Phật là Vị Hướng Đạo, Giáo Huấn của Ngài là Con Đường, và Tập Thể những người tu hành là các bạn đồng hành cùng bước với mình trên Con Đường. Sau đó ở một cấp bậc sâu xa và cao siêu hơn thì việc tu tập sẽ giúp mình quán thấy được bản thể tối hậu của mình và cũng là bản thể của Phật.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG TÀI SẢN CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
  2. PHẬT GIÁO VÀ ĐỜI BẠN KHÔNG TÁCH BIỆT
  3. LỐI TIẾP CẬN PHẬT GIÁO

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH