JOHN MYRDHIN REYNOLDS
Trích: Những Chữ Vàng; NXB Thiện Tri Thức.
Phái Nyingthig bảo tồn những truyền thống cổ nhất của Phật giáo Đại thừa ở Tây Tạng và được thiết lập ở thế kỷ thứ tám của thời đại chúng ta bởi đạo sự mật thừa Guru Padmasambhava xứ Uddiyana, vị tăng học giả Ấn Độ và trưởng tu viện Shantirakshita, và vua Tây Tạng Tisong Detsan. Trong truyền thống Nyingma này, Dzogchen (Đại Toàn Thiện, Đại Viên Mãn) được xem là đại diện giáo pháp tinh túy của đức Phật. Từ ngữ Tây Tạng Dzogchen (rdogs-pa chen-po, Skt. mahasandhi) thường được dịch sang Anh ngữ là Great Perfection. Giáo pháp này được gọi như thế bởi vì bản thân nó là toàn bộ, trọn vẹn và toàn thiện (rdzogs-pa), không có gì thiếu sót, khuyết điểm, và bởi vì không có cái gì cao hơn hay lớn hơn (chen-po) nó. Bởi vì nó được xem là chót đỉnh của mọi thừa (yana) trước nó, tức là những con đường đến giác ngộ trong các hệ thống Kinh và Tantra, nó cũng được biết với tên là Atiyoga, yoga tối hậu. Tuy nhiên, Atiyoga có khi được giải thích như một biến thể của từ ngữ Sanskrit Atiyoga (gdod-ma’i mal-‘byor), “Yoga Bổn Nguyên”. Từ ngữ sau ám chỉ đến cái gì thực sự là Đại Toàn Thiện : Trạng thái Bổn nguyên của cá nhân. Trạng thái thanh tịnh bổn nguyên (ka-dag) này của giác ngộ, bao gồm đồng thời Nền Tảng, Con Đường và Quả, thực ra là trạng thái của Phật tánh vốn sẵn đủ được gọi là Bồ đề tâm. Siêu vượt mọi thời gian và nhân duyên, trạng thái này ở sẵn nơi tâm của mỗi chúng sanh. Theo kiến giải này, những Lama Nyingma không xem Dzogchen như chỉ là một cơ cấu khác của những đức tin, hay một hệ thống những khẳng định triết lý, hay một kết tập những bản văn, hay một số nhành phái, trường phái. Hơn thế nữa, Dzogchen là sự trực tiếp đưa vào và sự an trụ trong Trạng Thái Bổn Nguyên của giác ngộ này hay Phật quả, Phật tánh vốn hiện diện từ vô thủy như mặt trời trên bầu trời, dù khuôn mặt rạng rỡ của nó có bị che ám bởi những đám mây vô minh (ma rig-pa) đi nữa.
Thật vậy, suốt lịch sử Tây Tạng, những hành giả Dzogchen không hạn chế chặt chẽ trong phái Nyingma. Ngoài ra, một hệ thống Dzogchen đồng nhất trong ý nghĩa, nhưng là dòng độc lập, được gìn giữ trong truyền thống Bon của Tây Tạng, cụ thể là truyền thống khẩu truyền từ Zhang-zhung. Nói chung, trong quan điểm của những hành giả Dzogchen, dù họ thuộc phái nào, Phật giáo hay Bon, mục tiêu tối hậu của con đường tâm linh là sự chứng ngộ Phật tánh vốn sẵn này trong bối cảnh cuộc sống hàng ngày cụ thể của người ta, hơn là thiết lập một trường phái triết học khác. Sự chứng ngộ đó được biết là Đại Toàn Thiện.
Theo truyền thống Nyingma Tây Tạng, Garab Dorje (Skt. Prahevajra) là vị thầy con người đầu tiên của những lời dạy Dzogchen. Chúng ta nói con người, bởi vì theo truyền thống, Dzogchen được nói là đã được dạy trước đó cho những chúng Sanh không phải người ở những chiều kích hiện hữu khác. Thật vậy, một tài liệu sơ thủy nói đến mười ba hệ thống hành tinh khác có những giáo lý Dzogchen được truyền bá Garab Dorje không sanh tại Ấn Độ mà ở một xứ sở biến mất từ lâu là Uddiyana (Orgyan) nằm đâu đó ở bắc Ấn Độ, có lẽ ngày nay là Pakistan hay Afghanistan. Người ta tin rằng Garab Dorje đã nhận sự trao truyền những lời dạy Dzogchen (bka’, “lời”) trực tiếp từ Vajrasattva ở trong một trạng thái tâm thức siêu việt. Vajrasattva không phải là một biểu lộ lịch sử của đức Phật ; hơn thế, ngài tượng trưng nguyên lý giác ngộ của Phật vượt khỏi vòng hiện hữu bị quy định (samsora, sanh tử), vượt khỏi mọi thời gian và lịch sử. Như thế, theo truyền thống, sự biểu lộ của Pháp Phật không giới hạn trong đời người của đức Phật Shakyamuni, cũng được biết với tên là Siddhartha Gautama, sống ở bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên. Vajrasattva không chỉ là một đức Phật trong chuỗi dài các đức Phật, mà ngài là nguyên mẫu của vĩnh cửu, hiện hữu vượt khỏi thời gian không gian phàm tục, thường trú tại trung tâm của mạn đà la của tất cả hiện hữu. Từ ngài lưu xuất tất cả chư Phật lịch sử hay những Hóa thân xuất hiện từ thời gian này đến thời gian khác suốt lịch sử của hành tinh chúng ta. Trong nghĩa này, Garab Dorje cũng được xem là một lưu xuất của Vajrasattva, và thật vậy, trong truyền thống Nyingma, ngài được gọi là Tulku (sprul-sku) hay Hóa thân, có nghĩa là “thân lưu xuất”.
Theo truyền thống, vào thời sơ thủy, Vajrasattva đã nhận trực tiếp sự trao truyền Dzogchen hay Atiyoga từ Adibuddha, Phật Nguyên Thủy Samantabhadra (Phổ Hiền), ngài là Pháp thân tối hậu của Phật quả. Như vậy, Samantabhadra vượt khỏi ý niệm của trí năng hữu hạn và vượt khỏi diễn tả bằng ngôn ngữ hay biểu tượng, không có giới hạn và toàn khắp như không gian vô tận. Vajrasattva nhận trực tiếp những giáo lý từ Samantabhadra theo cách tâm truyền tâm, nghĩa là tức khắc, không một lời được nói ra. Điều này biểu thị sự Tâm Truyền hay sự trao truyền trực tiếp tâm với tâm của chư Phật. Trong cách thức kỳ diệu này, những giáo lý tuôn ra một cách tự nhiên từ cái Tuyệt Đối, mức độ Pháp thân không biểu lộ, đi vào biểu lộ, trên mức độ Báo thân. Nhưng điều này hoàn toàn xảy ra trong một trạng thái thanh tịnh trọn vẹn, không nhiễm ô bởi bất giới hạn hay che chướng nào, dù trí năng, tâm linh hay vật chất. Đến lượt Vajrasattva, phương diện vĩnh cửu không thời gian của Phật tánh, chỉ với vài lời xen vào, truyền đạt những lời dạy Dzogchen qua phương tiện biểu tượng, cho một số cá nhân cao cấp, cả nhân loại và chư thiên, tức là những Vidyadhara (rig-‘dzin), “những vị đã hiểu biết Trạng Thái Bổn Nguyên”. Ban đầu điều này xảy ra trong những thế giới và những chiều kích khác nhau hiện hữu bên trên và ở ngoài thế giới con người. Trong những Vidyadhara không phải là người này có Garab Dorje trong đời trước thuộc cõi thiên của ngài. Tiến trình này biểu thị sự trao truyền bằng biểu tượng đến những Vidyadhara.
Đã hiện hữu trước kia như một vị thiên trong một cõi trời, bấy giờ, trong những điều kiện hoàn cảnh kỳ diệu, từ một sự mang thai vô nhiễm và một sự sanh ra của một vị ni Phật giáo trong trắng, Garab Dorje được sinh ra trên trái đất trong xứ sở Uddiyana. Như thế ngài thị hiện là một Hóa thân, hay phương diện lịch sử của Phật tánh. Dù nguyên lý Phật tánh bản thân nó là siêu thế gian và không có thời gian, Phật Báo thân tiếp tục lưu xuất từ tiềm năng vô tận của mình vô số Phật Hóa thân. Những Hóa thân này nhập thể thành chúng sanh trên trái đất trong thời gian lịch sử để cứu độ nhân loại khỏi tù ngục của sanh tử bằng phương tiện giáo pháp và đưa họ giải thoát và giác ngộ. Với biểu lộ trần thế và hoạt động của mình, Garab Dorje truyền những giáo lý Dzogchen cho những đệ tử Dakini (cả người lẫn ngoài loài người) và đặc biệt nhất, cho đệ tử chánh của ngài là học giả Manjushrimitra. Ngài làm điều này bằng thần giao cách cảm và biểu trưng, nhưng chủ yếu bằng những giải thích miệng. Đến lượt Manjushrimitra truyền những lời dạy cho đệ tử chánh là Shrihimsa, và vị sau trong những dịp khác, ban chúng cho Jnanasutra, Vimalamitra, Padmasambhava, và dịch giả Tây Tạng Vairochana. Tiến trình này truyền xuống từ Garab Dorje, biểu thị sự trao truyền miệng cho nhiều người. Như vậy, chúng ta có ba loại chánh trong sự trao truyền những chỉ dạy Dzogchen : trực tiếp, biểu trưng và truyền miệng.